Nghiệm thu nhiệm vụ “Xây dựng và triển khai mô hình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng”

Thứ sáu, 24/04/2015 13:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 23/4/2015, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu nhiệm vụ “Xây dựng và triển khai mô hình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)” do ThS. Nguyễn Thị Tâm - Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo báo cáo, để ứng phó với các vấn đề của biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời triển khai thực hiện Quyết định 158/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các Bộ ngành liên quan và các địa phương xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực do Bộ quản lý. Bộ đã giao Viện VLXD chủ trì nghiên cứu nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất VLXD, góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD theo hướng bền vững, tạo cơ sở để xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH của ngành Xây dựng nói chung và sản xuất VLXD nói riêng.

Trong nhiệm vụ này phạm vi nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất VLXD có sử dụng nhiên liệu hóa thạch ảnh hưởng tới sự phát thải khí nhà kính: xi măng, gạch ngói đất sét nung, gạch ốp lát, kính, sứ vệ sinh, vôi…

Bằng phương pháp thống kê, tổng hợp các số liệu về tiêu thụ, công nghệ sản xuất, tiêu thụ nguyên – nhiên liệu…của các loại hình VLXD chủ yếu hiện nay ở nước ta; khảo sát thực nghiệm, đánh giá hiện trạng tại các cơ sở; lấy ý kiến chuyên gia…; nhóm nghiên cứu đã hoàn thành báo cáo với các số liệu phong phú, đồng thời xây dựng mô hình giảm nhẹ khí nhà kính với các loại hình sản xuất được lựa chọn, áp dụng mô hình thí điểm (tính toán trên lý thuyết) tại các nhà máy (tính toán số liệu phát thải, số liệu về giảm phát thải khí nhà kính; khái toán kinh phí đầu tư, thu hồi vốn).

Cụ thể, từ thực tế điều tra khảo sát các cơ sở sản xuất, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình giảm phát thải khí nhà kính cho các cơ sở thí điểm như sau: Đối với sản xuất xi măng, lắp biến tần cho các động cơ sử dụng điện lớn (lượng CO2 ước giảm 15,7 kg/ tấn xi măng); hoặc sử dụng nhiệt khói thải phát điện (giảm 34,9 kg CO2 / tấn clinker). Đối với sản xuất sứ vệ sinh, lắp biến tần cho các động cơ lớn giúp giảm tiêu thụ 8,6 kg CO2 / tấn sản phẩm. Đối với sản xuất gạch xây nung – lò tuy nen, lắp biến tần cho các quạt, động cơ lớn có thể giảm 2,4 kg CO2 /1000 viên quy tiêu chuẩn, hiệu quả kinh tế tương đối lớn…

Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều nhất trí với sự cần thiết của Nhiệm vụ. Theo đánh giá của Hội đồng, nhóm nghiên cứu về cơ bản đã hoàn thành các nội dung và mục tiêu nghiên cứu trong đề cương, đảm bảo khối lượng công việc. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về bố cục, cách trình bày báo cáo; về tính cập nhật và tính xác thực của một vài số liệu; về một số nội dung chuyên môn…

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng – TS. Nguyễn Trung Hòa đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu và đề nghị nhóm hoàn chỉnh báo cáo trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của Hội đồng. TS. Hòa lưu ý các tác giả: để nâng cao tính chính xác của các số liệu tính toán về lượng CO2 phát thải, cần tuân thủ các phương pháp đã được quy định trên thế giới, hoặc có thể tham khảo tài liệu hướng dẫn của Bộ Tài nguyên – Môi trường về vấn đề liên quan. Các mô hình thí điểm nên cân nhắc lựa chọn kỹ cho phù hợp với từng dự án, vì mỗi dự án, mỗi nhà máy có đặc điểm công nghệ riêng. Chọn mô hình nào, giải pháp nào đều cần có những số liệu chứng minh cụ thể tính ưu việt của mô hình đó, giải pháp công nghệ đó, qua đó báo cáo sẽ có tính thuyết phục và tính khoa học cao hơn.

Với những nhận xét và đánh giá như trên, kết quả thực hiện Nhiệm vụ đã được Hội đồng nhất trí thông qua đạt loại Khá.


Phòng TT-TL

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)