Phương pháp tiếp cận cảnh quan và nghệ thuật trong nghiên cứu hệ thống thu gom và tái chế rác phi chính thức ở Hà Nội

Thứ tư, 21/10/2020 15:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Đặt vấn đề

Các đô thị tại nhiều quốc gia đang phát triển hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thu gom và tái chế khối lượng chất thải rắn đô thị ngày càng tăng. Trong các vấn đề về môi trường, quản lý chất thải rắn là một vấn đề quan trọng trong sự phát triển của thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân Hà Nội phải đối mặt với thách thức quản lý hơn 6.400 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, sau khi mở rộng đô thị năm 2008. Thủ đô Hà Nội đã sáp nhập các khu vực đô thị lân cận, do đó tăng dân số từ 3,4 triệu người (2008) lên 8.053.663 người (2019). Với quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số tại Hà Nội, khối lượng chất thải rắn đang tăng lên nhanh chóng. Việc thu gom rác thải (mua/nhặt) và bán các vật liệu có thể tái chế đã hình thành các cơ sở kinh doanh không chính thức khắp nơi cả thành thị và nông thôn. Khu vực phi chính thức tại Hà Nội tham gia rất tích cực trong việc thu gom và tái chế rác thải với các hình thức hoạt động rất đa dạng và là lực lượng chính trong việc thu mua và tái chế phế liệu.

Hiện nay, chưa có một nghiên cứu đầy đủ và toàn diện nào về hệ thống thu gom và tái chế rác phi chính thức ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Mục tiêu của bài viết là giới thiệu phương pháp tiếp cận nghiên cứu khoa học từ góc độ cảnh quan và nghệ thuật để nhận các dạng kết quả đầu ra khác nhau từ phương pháp tiếp cận nói trên với những dữ liệu mang tới góc nhìn mới đối với hệ thống này. Việc nhận diện các hoạt động không chính thức này trong đô thị đã và đang góp phần thay đổi nhận thức, đánh giá của cộng đồng đối với hoạt động này cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách trong công tác quy hoạch kiến trúc cảnh quan và phát triển bền vững của đô thị.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng dữ liệu thu thập được tại địa bàn thành phố Hà Nội từ cuối năm 2015 đến năm 2018. Các dữ liệu thu thập được thực hiện qua nhiều đợt thực hiện lần lượt tại các khu vực quận huyện khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội cho đến khi phủ kín được toàn bộ thành phố Hà Nội. Việc khảo sát diễn ra trên tất cả 12 quận, 17 huyện thị xã của thành phố Hà Nội với tổng diện tích 3.358,6km2. Ba nội dung chính của phương pháp tiếp cận cảnh quan và nghệ thuật đã được thực hiện triển khai, đó là: (1) Định vị vị trí, lập bản đồ phân bố của các điểm thu mua phế liệu trên toàn thành phố Hà Nội; (2) Phác thảo chân dung của những người hoạt động thu mua phế liệu và các điểm thu mua phế liệu; (3) Khảo sát, phân tích xã hội học nhanh để nắm bắt tình hình cơ sở thu mua phế liệu và người chủ cơ sở.

2.1. Định vị vị trí, lập bản đồ phân bố của các điểm thu mua phế liệu

Người khảo sát được chia thành 2-3 người/nhóm, mỗi nhóm phụ trách khảo sát từ 1 đến 4 phường/ xã ở Hà Nội. Các nhóm khảo sát di chuyển trên tất cả các tuyến đường trên các địa bàn nghiên cứu, quan sát, hỏi thăm người dân để xác định vị trí của các điểm thu mua phế liệu. Tới mỗi điểm thu mua phế liệu, các nhóm lại hỏi thăm để xác định các điểm thu mua lân cận trên cùng địa bàn.

Tại mỗi điểm thu mua, nhóm khảo sát sử dụng công cụ định vị Google map, đánh dấu vị trí tọa độ chính xác của cơ sở và ghi chép lại địa chỉ của điểm thu mua. Từ các tọa độ và vị trí được đánh dấu, nhóm nghiên cứu đã thiết lập được bản đồ phân bố các điểm thu mua phế liệu trên tất cả các phường, xã của thành phố Hà Nội.

2.2. Phác họa chân dung của những người hoạt động thu mua phế liệu và các điểm thu mua phế liệu.

Tại mỗi điểm thu mua phế liệu, người khảo sát thực hiện chụp ảnh chân dung người chủ sở sở, người thu mua tự do và của điểm thu mua. Các điểm thu mua còn được ký họa lại bằng các chất liệu khác nhau (mực đen, chì, màu nước…) để thể hiện không gian nơi diễn ra hoạt động. Việc khảo sát, vẽ ghi lại hiện trạng các cơ sở thu mua phế liệu nhằm đánh giá quy mô, hình thức kiến trúc và cảnh quan của điểm thu mua và đồng thời cũng thể hiện cái nhìn tích cực đối với hoạt động này.

2.3. Khảo sát, phân tích xã hội học nhanh

Tại các điểm thu mua, trước tiên, nhóm khảo sát quan sát không gian, ghi chép thông tin, sau đó tiếp cận với chủ cơ sở thu mua để thực hiện những cuộc phỏng vấn nhah về thời điểm hình thành cơ sở, tuổi các của chủ cơ sở , quê quán của chủ cơ sở.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Bản đồ các cơ sở thu mua phế liệu tại Hà Nội

Kết quả khảo sát nghiên cứu trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội đến cuối năm 2018 đã định vị vị trí của 799 cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn Hà Nội. Các cơ sở thu mua phế liệu có mặt tại tất cả các địa bàn quận, huyện cả ở khu vực nông thôn và thành thị. Khoảng cách phân bố trung bình giữa các cơ sở thu mua phế liệu tại Hà Nội nằm trong khoảng 500-1000m. Đây là khoảng cách tương ứng với bán kính phục vụ của một dịch vụ tiện ích đô thị. Các cơ sở thu mua đều nằm dọc các trục đường giao thông, nơi ô tô có thể tiếp cận, thuận tiện cho việc chuyên chở và vận chuyển đến các cơ sở tái chế nằm ở các tỉnh lân cận của Hà Nội. Từ đó cho thấy, dù hình thành một cách tự phát, các cơ sở thu mua phế liệu này đang có bán kính phục vụ lý tưởng với vai trò là những điểm thu gom rác tái chế trong đô thị.

Hiện nay, khu vực có các cơ sở tập trung nhiều nhất tại huyện Sóc Sơn, nơi có khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn và là nơi tiếp nhận 77% lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày của Hà Nội. Trong khu vực nội thành Hà Nội, quận Đống Đa là nơi tập trung nhiều cơ sở thu mua phế liệu nhất, đây cũng là địa bàn nơi có các cơ sở thu mua phế liệu đầu tiên của Hà Nội.

3.2. Cấu trúc người lao động theo quê quán và độ tuổi

Trong tổng số 799 cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn Hà Nội, có 602 cơ sở thu thập được thông tin về quê quán của chủ cơ sở. Trong 602 cơ sở có thông tin, 330 chủ cơ sở là người Hà Nội, chủ yếu là các cơ sở thu mua nằm trên khu vực ven đô và nông thôn của Hà Nội. Trong 272 chủ cơ sở là người nhập cư, các chủ cơ sở đến từ Nam Định là nhiều nhất (201/272 cơ sở), chủ yếu các cơ sở này hoạt động trong khu vực trung tâm TP.Hà Nội. 441 các cơ sở có chủ trong độ tuổi từ 30-50 tuổi, điều này thể hiện một lực lượng quan trọng trong độ tuổi lao động đang tham gia hoạt động này như một hoạt động kinh tế chính. 101 chủ cơ sở trên 50 tuổi thể hiện kinh nghiệm trong việc tham gia các hoạt động này.

3.3. Kết quả nghiên cứu khoa học dưới dạng mô hình, triển lãm nghệ thuật để thay đổi nhận thức về mạng lưới thu gom phi chính thức

Bên cạnh các bản vẽ ký họa về đồng nát, một chuỗi các triển lãm nghệ thuật liên tiếp trong các năm 2017, 2018, 2019 đã giới thiệu kết quả khảo sát nghiên cứu về hệ thống thu gom và tái chế phi chính thức tới cộng đồng đã giúp cộng đồng trong nước và quốc tế thay đổi cách nhìn về hoạt động thu gom và tái chế rác phi chính thức trong đô thị để có những góc nhìn đúng đắn và tích cực đối với hoạt động này và có những hoạt động lồng ghép hỗ trợ người thu mua phế liệu. Các triển lãm được tổ chức tại các địa điểm trung tâm, tại các sự kiện có sự thu hút lớn với cộng đồng như tại ngày hội du học Pháp, tại Hoàng thành Thăng Long với hàng ngàn khách trong và ngoài nước đã tham dự.

Ngoài ra, năm 2019, nhóm nghiên cứu ra mắt ấn phẩm truyện tranh “Những thám tử ve chai” kể về những người thu mua phế liệu với mục tiêu trở thành sản phẩm thích hợp để tiếp cận với giới trẻ, đặc biệt là các em nhỏ. Những nỗ lực sư phạm, lối tiếp cận và cách diễn giải được thiết kế và trình bày trong ấn phẩm truyện tranh nghệ thuật này giúp cho các em có ý thực bảo vệ môi trường ngay từ bậc tiểu học. Buổi ra mắt sách thu hút hơn 300 em nhỏ và phụ huynh học sinh tới tham dự tại trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội.

4. Kết luận

Một dự án nghiên cứu khoa học với phương pháp tiếp cận từ cảnh quan và nghệ thuật đem lại kết quả không chỉ là những dữ liệu định hướng và định tính mà còn là một chuỗi các sản phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh, mô hình, triển lãm, truyện tranh, video clip… Vấn đề hệ thống và hoạt động thu gom và tái chế rác tưởng chừng khô khan và chỉ dành riêng cho các kỹ sư, các nhà khoa học kỹ thuật, được đề cập và triển khai thực hiện với cách tiếp cận cảnh quan và nghệ thuật đã khiến nội dung nghiên cứu trở nên gần gũi, dễ hiểu và thu hút cộng đồng. Bên cạnh đó, các hội thảo và các hoạt động gắn sự kết nối với tất cả các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền và các nhà khoa học đã và đang tạo ra những cơ hội đóng góp xây dựng những chính sách phù hợp trong công tác quản lý, thu gom và tái chế rác tại Hà Nội có sự tham gia của cộng đồng.

Bài viết giới thiệu phương pháp tiếp cận cảnh quan và nghệ thuật khi nghiên cứu hệ thống thu gom, tái chế rác phi chính thức, cụ thể qua trường hợp nghiên cứu của thành phố Hà Nội. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai phương pháp này tại 5 thành phố khác ở Việt Nam (TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Vinh) với sự tham gia của cộng đồng bao gồm chính quyền, các nhà khoa học, chuyên gia, các giảng viên, sinh viên các chuyên ngành khác nhau, học sinh, các chủ sở hữu, người thu mua phế liệu. Phương pháp có thể dễ dàng sử dụng và phát huy trong việc nghiên cứu hệ thống thu gom và tái chế phi chính thức ở các địa phương có bối cảnh tương đồng tại Việt Nam hoặc trên thế giới.

Nguồn: Tạp chí khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 38/2020

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)