Nghiên cứu tổng quan và đề xuất giải pháp nâng cao năng suất lao động trong xây dựng tại Việt Nam

Thứ ba, 15/01/2019 09:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Giới thiệu chungTheo báo cáo đánh giá về thực trạng chất lượng nhân lực ngành xây dựng của Tổng hội xây dựng, cả nước có khoảng gần 78.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng với khoảng 4 triệu lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Trình độ lao động làm việc trong các lĩnh vực ngành xây dựng nói chung và trên các công trường còn nhiều hạn chế; nhiều lao động chưa qua đào tạo, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 14% lực lượng lao động làm việc trong toàn ngành xây dựng. Tình trạng phổ biến hiện nay tại các công trường là đa số người lao động theo nghề xây dựng một cách ngẫu nhiên, nhiều người thợ đi lên bằng con đường học và thường bắt đầu bằng công việc lao động phổ thông, nhiều người xuất thân từ lao động nông nghiệp, thời gian nông nhàn xin vào làm việc tại các công trường xây dựng. Thực trạng này làmột nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, chậm tiến độ, sản phảm còn nhiều sai sót, làm giảm sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa, hạn chế về năng lực khi tham gia thị trường quốc tế.

Những năm gần đây, năng suất lao động của ngành Xây dựng đã có những cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với nhiều ngành kinh tế khác, cụ thể trong 5 năm giai đoạn 2011-2015 năng suất lao động ngành xây dựng xếp ở vị trí 15 trên 20 ngành kinh tế so sánh. Với cách tính hiện hành thì giá trị năng suất lao động ngành xây dựng mới chỉ tính riêng năng suất lao động của lĩnh vực thi công xây lắp, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác như: sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, tư vấn xây dựng; đang được tính là thành phần trong các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ…

Bài viết sẽ nghiên cứu các giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng lao động nhằm nâng cao năng suất lao động trên công trường.

2. Tổng quan các nghiên cứu về năng suất lao động trong xây dựng

Những năm gần đây vấn đề năng suất lao động ngành xây dựng đã được quan tâm với nhiều nghiên cứu được thực hiện, đối tượng và phạm vi nghiên cứu tương đối đa dạng: góc độ quản lý nhà nước, quản lý công trường, vai trò của người lao động. Một số nghiên cứu về năng suất lao động trong xây dựng đã được thực hiện tại Việt Nam như:

- Nguyễn Liên Hương và Nguyễn Văn Tâm (2018), Các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất lao động trong thi công xây dựng công trình dân dụng tại Việt Nam. Các tác giả đã nghiên cứu và xếp hạng tổng cộng 64 nhân tố có ảnh hưởng tới năng suất lao động, được phân theo các nhóm là: (1) Nhóm các nhân tố về bản thân người lao động, (2) Nhóm các nhân tố về tổ chức và quản lý sản xuất trên công trường, (3) Nhóm các nhân tố tạo động lực cho người lao động, (4) Nhóm các nhân tố về thời gian làm việc, (5) Nhóm các nhân tố về công cụ lao động, đối tượng lao động, (6) Nhóm các nhân tố về điều kiện lao động, (7) Nhóm các nhân tố về an toàn lao động, (8) Nhóm các nhân tố về yếu tố thuộc dự án, (9) Nhóm các nhân tố về môi trường tự nhiên, (10) Nhóm các nhân tố về môi trường kinh tế xã hội. Từ đó 10 nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đã được chỉ ra, làm cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng có biện pháp hữu hiệu trong việc tăng năng suất lao động của họ.

- Vũ Thị Hương Nhàn (2012), Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất công ty thiết kế xây dựng. Tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 6 nhóm yếu tố độc lập tác động đến năng suất doanh nghiệp thiết kế, gồm: (1) Nhận thức về năng suất và truyền thông trong doanh nghiệp; (2) Cam kết và hỗ trợ của cấp trên; (3) Năng lực làm việc của nhân viên; (4) Môi trường làm việc; (5) Đáp ứng yêu cầu của khách hàng; (6) Chế độ đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức công việc. Biến năng suất được đo lường bởi 3 yếu tố: (1) Mức độ doanh nghiệp đáp ứng khách hàng về chất lượng sản phẩm; (2) Mức độ doanh nghiệp đáp ứng khách hàng về thời gian giao hàng; (3) Kết quả tài chính doanh nghiệp.

- Văn Ngọc Thuấn (2012), Đánh giá của nhà thầu về các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động. Nghiên cứu về năng suất lao động của các nhà thầu chính và nhà thầu phụ, nghiên cứu đã khảo sát 170 nhà thầu trên địa bàn TP.HCM, kết quả cho thấy có 4 nhóm thành tố chính ảnh hưởng quan trọng đến năng suất lao động: (1) Nguồn tài nguyên sử dụng; (2) Đặc điểm dự án; (3) Đặc điểm quản lý; (4) Các nhân tố bên ngoài. Trong đó yếu tố quản lý điều hành xếp trong 3 nhân tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất lao động.

- Lê Thị Mai Trang (2012), Đánh giá năng suất lao động và xác định số lượng hợp lý nhân viên công trường của nhà thầu. Trong nghiên cứu này, một bảng khảo sát được gửi đến các kỹ sư hiện đang làm việc ở các công trình dân dụng nhằm xác định các nhân tố có ảnh hưởng đến số lượng nhân viên trên công trường và tìm hiểu thực trạng bố trí nhân viên của nhà thầu. Nghiên cứu xác định được 10 nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến số lượng nhân viên trên công trường, xây dựng được mô hình hồi quy dự báo tổng số nhân viên của nhà thầu với các biến độc lập là kinh phí của hợp đồng trong một tháng thi công và số tầng của công trình. Nghiên cứu giúp các nhà thầu có thêm cơ sở để đánh giá sự hợp lý của việc bố trí nhân viên ở công trường và dự báo nhân lực trong suốt quá trình thi công.

- Đỗ Thị Xuân Lan (2004), Các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động trong thi công xây dựng tại hiện trường. Kết quả nghiên cứu xác định có 4 nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến năng suất lao động trong giai đoạn thi công xây dựng tại hiện trường bao gồm: (1) Mặt bằng công trường, (2) Quản lý vật tư, (3) tiến độ thi công, (4) động cơ làm việc của công nhân.

Ngoài ra, còn một số nghiên cứu về năng suất lao động trong xây dựng được thực hiện là luận văn của các học viên cao học tại các trường: Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Thủy Lợi.

3. Giải pháp nâng cao năng suất lao động trong xây dựng

Việc sử dụng hiệu quả lao động, tối ưu hóa việc sử dụng lao động là một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động trong thi công xây dựng. Theo tác giả, dựa vào những nghiên cứu thực tế tại công trường, để nâng cao năng suất lao động trên các công trường xây dựng thì cần thực hiện một số giải pháp như:

- Giải pháp đề xuất thực hiện nghiên cứu nhằm xây dựng lại định mức lao động

Hiện nay, chúng ta đang áp dụng định mức xây dựng đã được xây dựng từ khá lâu. Trong khi các công nghệ xây dựng ngày càng hiện đại, trình độ công nhân cũng được cải thiện do đó nhiều định mức công tác xây dựng không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất (giá trị định mức thường lớn hơn thực tế). Mặt khác, bộ định mức hiện cũng chưa hoàn chỉnh, đặc biệt các công tác thi công nhà cao tầng, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tổ chức xây dựng do xác định nhu cầu tài nguyên theo định mức khác nhiều so với thực tế khi triển khai thi công, việc bố trí lao động nếu chỉ dựa vào nhu cầu xác định từ định mức sẽ dẫn đến dư thừa, hay năng suất lao động sẽ bị giảm.

- Giải pháp áp dụng cơ chế khoán sản lượng

Hiện nay, trong quá trình tổ chức xây dựng công trình, nhiều nhà thầu chủ trương triển khai cơ chế khoán sản lượng cho các đội thợ. Trong nền kinh tế thị trường hiện tại cơ chế khoán vẫn tỏ ra có hiệu quả với nhiều ngành sản xuất, trong đó có ngành xây dựng. Việc khoán sản lượng cho các đội thợ với những chế độ thưởng, phạt rõ ràng sẽ làm kích thích tinh thần của người lao động, nâng cao ý thức trách nhiệm của họ và tăng năng suất lao động một cách đáng kể. Tuy nhiên, việc khoán sản lượng có thể làm cho các tổ đội công nhân vì chạy đua sản lượng mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đảm bảo chất lượng công trình. Để khắc phục điều này, đòi hỏi những người điều hành quản lý và chỉ đạo thi công phải sát sao, trong việc kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo thi công nhanh, năng suất lao động cao nhưng chất lượng công trình vẫn là tiêu chí hàng đầu.

- Giải pháp đào tạo nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu thực tế

Kiến nghị về đào tạo nhân lực ngành xây dựng, cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tăng cường giải pháp đào tạo nội dung yêu cầu theo địa chỉ, theo cơ chế đặt hàng để cả cán bộ và công nhân kết thúc khóa đào tạo có thể làm việc được ngay, không phải đào tạo lại; Cần tăng cường các khóa học đào tạo cập nhật kiến thức mới cho các cán bộ và công nhân đang làm việc. Đào tạo nguồn nhân lực với mô hình “Thiết kế xây dựng”, mô hình này có tác dụng cập nhật các công nghệ xây dựng mới, do có sự xuyên suốt từ khâu thiết kế đến thi công kể từ khi bắt đầu hình thành dự án, vì thế đã tạo thuận lợi cho công tác triển khai thi công được dễ dàng. Giảm thiểu các sai sót lãng phí, tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cho toàn bộ dự án.

- Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động sắp xếp, bố trí lao động trên công trường

Các nhà quản lý công trường cần thực hiện phân tích công việc trên công trường, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống: Bản mô tả công việc, bản tiêu chuẩn thực hiện công việc, bản yêu cầu đối với người thực hiện công việc: Việc xây dựng hệ thống này có vai trò quan trọng nâng cao năng suất lao động, đặc biệt nó có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản trị nhân lực. Hệ thống này sẽ giúp sắp xếp, bố trí lại bộ máy tổ chức, công việc để giảm bớt những vị trí công việc chưa hợp lý, tìm ra vị trí còn thiếu hoặc không cần thiết để bộ máy tổ chức gọn nhẹ, giảm bớt những chi phí không cần thiết về nhân sự, hiệu quả công việc được nâng cao do đúng người, đúng việc.

- Giải pháp nâng cao hiệu quả các chính sách lương, thưởng, phúc lợi

Gắn kết quả thực hiện công việc với trả lương: Nhà thầu cần xây dựng chế độ trả lương thời gian đối với nhân viên hành chính và trả lương sản phẩm đối với lao động sản xuất thay vì trả lương theo cấp bậc như hiện tại. Ngoài ra, nhà thầu có thể thêm khoản thưởng ngoài lương bên cạnh lương chính để khuyến khích người lao động làm việc. Việc xây dựng quy chế trả lương mới này nhà thầu cần xem xét kĩ lượng điều kiện thực tế để lựa chọn phương án phù hợp, cần làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động để nhận được sự đồng thuận cao nhất, có như vậy cách trả lương mới có hiệu quả tích cực, là động lực nâng cao năng suất lao động.

4. Kết luận

Sử dụng hiệu quả lao động có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động. Theo tác giả để tối ưu hóa việc sử dụng lao động nhằm nâng cao năng suất lao động, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp: (1) Nghiên cứu xây dựng lại định mức lao động; (2) Áp dụng cơ chế khoán sản lượng; (3) Đào tạo nâng cao chất lượng lao động; (4) Nâng cao chất lượng hoạt động sắp xếp, bố trí lao động trên công trường; (5) Nâng cao hiệu quả chính sách lương, thưởng, phúc lợi.


Nguồn: Tạp chí Kinh tế Xây dựng, Số 4/2018

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)