Tăng trưởng xanh: Nhìn từ góc độ Quy hoạch đô thị xanh (đô thị sinh thái)

Thứ sáu, 13/05/2016 10:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, mô hình phát triển đô thị đã chuyển dần từ đô thị chức năng sang đô thị sinh thái và đô thị thích ứng để giải quyết các thách thức phát triển, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững.

Một số khái niệm:

- Đô thị xanh (đô thị sinh thái) – Eco city được xây dựng trên nguyên tắc lấy môi trường làm nền tảng phát triển, giảm thiểu phát thải Cacbon, sử dụng năng lượng tái tạo và lồng ghép các yếu tố môi trường (cây xanh, mặt nước, hệ sinh thái tự nhiên) vào trong các hoạt động đô thị, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói, tăng mật độ dân cư, tăng cường chất lượng môi trường sống.

- Công trình xanh: Tập trung vào các giải pháp cho từng công trình.

- Khu đô thị xanh hướng tới khu vực, vùng chức năng xanh trong đô thị.

- Đô thị xanh là cách tiếp cận cho toàn đô thị.

Được xác định trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, các đô thị chiếm 2/3 tổng nhu cầu sử dụng năng lượng và 76% lượng khí thải Cacbon có nguồn gốc từ giao thông, công nghiệp, các hoạt động xây dựng và công trình. Do đó, vai trò của Quy hoạch đô thị hướng tới mô hình đô thị xanh đặc biệt quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh quốc gia.

1. Đổi mới tư duy Quy hoạch đô thị

Chuyển đổi từ lối tư duy Quy hoạch Chinh phục thiên nhiên của những thập niên 70 sang xu thế Thích ứng với thiên nhiên. Đã có nhiều bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu về quy hoạch các đô thị cổ, về cảnh quan sông nước của Việt Nam như Hà Nội, Hội An, Cần Thơ,…cảnh quan cao nguyên như SaPa, Đà Lạt. Phải lấy thiên nhiên làm nền tảng để xây dựng quy hoạch với cấu trúc đặc trưng địa sinh, khai thác lợi thế cảnh quan, địa hình vào các giải pháp quy hoạch đô thị cụ thể.

Xu thế trên thế giới, ở các nước như Hà Lan, Bỉ, các nước Châu Âu…giải pháp quy hoạch đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng là chuyển hướng “tu bổ và xây dựng mới” hệ thống đê sang “tháo, thu hẹp lại” hệ thống này dưới nhiều hình thức khác nhau. Các không gian được “tháo” khỏi hệ thống đê là cơ hội để phát triển quỹ đất các không gian xanh, sinh thái, phát triển hỗn hợp. Đây cũng là một triết lý quan trọng - thích nghi với thiên nhiên, hơn là chinh phục.

Giảm nhu cầu sử dụng năng lượng nhờ các giải pháp hình thành và tạo lập khung cấu trúc cảnh quan tổng thể của đô thị dựa trên các yếu tố cảnh quan Vùng đặc trưng như địa hình, khí hậu, thủy văn, hay nói một cách khác – phát huy hơn nữa lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên hoặc biến thách thức (ngập, lụt) thành cơ hội (phát triển đô thị nổi, đô thị nước). Cấu trúc xanh này cho phép giảm đáng kể nhu cầu thoát nước mưa do tăng bề mặt thẩm thấu của thảm thực vật, tăng sức hấp dẫn của đô thị tạo bởi hình ảnh riêng biệt đặc trưng về điều kiện địa hình, thực vật không nơi nào có được.

- Khung cấu trúc cảnh quan này sẽ giới hạn phát triển Khu vực xây dựng đô thị và là nền tảng đề xuất cho các giải pháp hạ tầng kỹ thuật Xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải pháp hạ tầng xanh như công viên ướt, hồ điều hòa, vườn ướt, làm sạch nước…tạo ra nhiều “không gian xanh sáng tạo” trong đô thị. Yếu tố này rất quan trọng đối với tiêu chí đô thị ưu việt hiện nay.

- Thực hiện phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên (con người, văn hóa, lịch sử) và thích ứng với biến đổi khí hậu để lập quy hoạch không gian và sử dụng đất;

2. Chức năng đô thị thân thiện với môi trường.

- Mô hình đô thị chức năng bao gồm nhà ở, sản xuất, giải trí, thương mại, công viên…và các chức năng khác được quy hoạch tách biệt nhau và liên kết thông qua hệ thống giao thông. Tuy nhiên, mô hình này thể hiện hạn chế trong khai thác hiệu quả quỹ đất, không gian công cộng, tạo ra nhiều nhu cầu đi lại, không tạo ra cơ hội cho các hoạt động phi cơ giới, phụ thuộc vào hệ thống kỹ thuật đô thị để hoạt động.

Vào những năm 90, nhiều hình thức phát triển ý tưởng sử dụng đất hỗn hợp tại các khu trung tâm, khu tái thiết đô thị, khu dân cư, khu văn phòng được xem trọng và dần chứng minh giá trị của giải pháp quy hoạch đa chức năng và hỗn hợp. Đây được xem như là một giải pháp rất hữu hiệu và giải quyết được nhiều mục tiêu tăng trưởng xanh cùng một lúc như: Phát triển tập trung (đô thị nén), nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm năng lượng, nhu cầu đi lại (do khoảng cách giữa các khu chức năng được giảm tối thiểu), khuyến khích đi xe đạp và đi bộ. Một vài mô hình tiêu biểu có thể kể ra ở đây như:

- Green quarter: Là một khu đô thị hoặc khu trung tâm được quy hoạch và thiết kế theo ý tưởng tự cung, tự cấp và tái sử dụng năng lượng tại chỗ trong chiếu sáng, cấp nước và tận thu nước thải.

- Green Industrial Park: Quy hoạch khu công nghiệp công nghệ xanh, kết hợp các trách nhiệm xã hội, sử dụng biện pháp thu nước mưa, thực hiện mục tiêu quy hoạch không gian bền vững, sản xuất ít chất thải cacbon, quy hoạch và kỹ thuật bền vững nâng cao tỷ lệ tái chế, tận thu nước mưa.

- Trục thương mại đô thị, Khu trung tâm thương mại: Sử dụng đất hỗn hợp giữa thương mại cửa hàng và nhà ở. Các loại hình cửa hàng, shop, nhà hàng, café tại tầng 1 và không gian ở, studio, văn phòng ở tầng 2-3.

-Tổ hợp thương mại và nhà ở: Tổ hợp nhiều công trình cao tầng với không gian thương mại và dịch vụ công cộng tại các tầng dưới, nhà ở và văn phòng phía trên.

- Tổ hợp trung tâm mua sắm thương mại tại các không gian ngoại thành ven đô thị lớn: Gồm không gian mua sắm, siêu thị, ăn uống và các hình thức sử dụng đất hỗn hợp khác.

- Khu văn phòng, sản xuất quy mô nhỏ: Xưởng mộc, nội thất, thiết kế thời trang, đồ mỹ nghệ, cửa hàng sách trong một chiếc ô phố hoặc trong 1 tòa nhà

Bãi đỗ xe Green Park nhiều tầng và tầng 1 dành cho các cửa hàng shop nhỏ, bề mặt thiết kế thẩm thấu (cỏ, gạch lỗ…)

3. Tiết kiệm năng lượng thông qua giải pháp Quy hoạch sinh khí hậu:

Các tổ hợp công trình sử dụng phương pháp quy hoạch thông gió tự nhiên có nhu cầu sử dụng năng lượng chỉ bằng 1/10 nhu cầu thông gió nhân tạo, và tiết kiệm được từ 10-40% nhu cầu điện năng làm mát công trình. Với mức độ quy hoạch tổng mặt bằng/quy hoạch chi tiết 1/500 quy mô lô phố, lô đất, ý tưởng về quy hoạch vi khí hậu rất hiệu quả, khai thác các yếu tố không gian, xoay hướng các công trình để có hướng gió mát, tránh gió lạnh, tránh nắng, trong khi đó khối tích và hình dạng đề xuất trong tổng mặt bằng cho phép tăng khả năng thông gió tự nhiên., nhu cầu sử dụng năng lượng, cấp nước… Giai đoạn quy hoạch 1/500 là nền tảng đặc biệt quan trọng trước khi đi thiết kế cụ thể từng công trình; quy hoạch sẽ xác định mật độ xây dựng brutto tối ưu, xác định tỷ lệ che phủ của vườn cây, không gian mở, bề mặt thấm của lô đất, lô phố.

4. Giải pháp quy hoạch xanh nhằm cung cấp không gian “Đa dạng sinh học” cho đô thị, đem lại cơ hội tiếp cận thiên nhiên, phục vụ nghỉ ngơi, giải trí:

Thực hiện giải pháp Nông nghiệp đô thị - là không gian trồng trọt, chăn nuôi, phân phối thực phẩm trong đô thị và vùng xung quanh. Lồng ghép không gian nông nghiệp đô thị trong quy hoạch là một bước tiến trong xu thế phát triển xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để áp dụng mô hình này, tạo ra nét cảnh quan đô thị đặc sắc, không gian xanh trong sản xuất, nhưng có giá trị giải trí, nghỉ ngơi (trang trại sinh thái trồng trọt, chăn nuôi kết hợp du lịch homestay, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe).

5. Giải pháp hạ tầng xanh và các vòng tuần hoàn sinh học:

Lượng nước mưa tại các đô thị là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, nước mưa ở các mái nhà, đường phố, bãi đỗ xe không thể thẩm thấu tự nhiên vào đất mà theo hệ thống thu gom, và đổ ra các nguồn nước (kênh, ao, sông…). Do đó, giải pháp tăng diện tích thẩm thấu bề mặt của hệ thống thu gom truyền thống thành vườn nước mưa, tuyến thu gom “xanh” để thu gom, thẩm thấu và lọc tự nhiên nước mưa, tái sử dụng trước khi đổ xả ra các nguồn tiếp nhận.

6. Giao thông công cộng và chất lượng không gian công cộng trong đô thị.

Các không gian gắn với giao thông công cộng sẽ phát huy giá trị bất động sản của những khu vực có tuyến giao thông công cộng chạy qua hay quanh các bến đỗ, kéo theo những tác động phát sinh về hình thái kiến trúc. Khi giao thông được thiết kế đan xen hài hòa vào cảnh quan đô thị, sẽ tạo nên tính thống nhất cho một tuyến phố hay một đại lộ. Các điểm dừng đỗ của giao thông công cộng cũng tạo ra những không gian công cộng, cần chú trọng tới những yếu tố thẩm mỹ.

Theo Tạp chí Kiến trúc, Số 11/2015

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)