Phát triển bền vững các đô thị di sản là điểm đến du lịch

Thứ ba, 17/06/2014 15:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển du lịch là một lĩnh vực hoạt động có ý nghĩa chiến lược hàng đầu của thành phố là một đô thị điểm đến du lịch.

Tuy nhiên sự biến động trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên sẽ đưa tới những diễn biến phức tạp trong hoạt động du lịch đòi hỏi sự phát triển đồng bộ trong cơ cấu quy hoạch đô thị để có thể đáp ứng sự phát triển bền vững.

Để có thể đạt được sự phát triển đồng bộ trong các lĩnh vực nói trên, cần nhận diện rõ đặc điểm những của các quá trình biến động để đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm đưa các đô thị là điểm đến du lịch phát triển một cách bền vững.

Đặc điểm những biến động gần đây

Đặc điểm sự biến động gần đây trong Đô thị Di sản có chức năng điểm đến du lịch:

Nhìn chung đó là sự biến động trong quan hệ tương tác với các yếu tố xã hội, công nghệ: Việc thay đổi của nhu cầu thể loại du lịch, sự cạnh tranh giữa các điểm đến du lịch có liên quan đến sự biến động của các yếu tố trong nhiều lĩnh vực.

Biến động trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

Sự xuất hiện đột biến của các phưong tiện giao thông tiết kiệm như các hãng hàng không giá rẻ đã làm giảm sút số lượng khách có nhu cầu trú ngụ qua đêm tại các khách sạn, nhà trọ.

Đa số du khách quốc tế đi lại vì mục đích giải trí và bằng phương tiện hàng không. Năm 2012, trên thế giới, hình thức đi du lịch vào dịp nghỉ lễ, vui chơi và giải trí và các hình thức giải trí, thăm thân nhân, bạn bè, hành hương tôn giáo, chiếm hơn 1 nửa các du khách quốc tế (52% hoặc 536 triệu lượt khách), 14% du khách nói là đi vì mục đích kinh doanh hay chuyên môn, 27% du khách đi vì các mục đích riêng lẻ như chữa bệnh…, 7% du khách còn lại không được rõ về mục đích đi lại. Việc du khách đi với mục đích vui chơi giải trí và chọn hàng không có giá rẻ, tốc độ đi nhanh đã ảnh hưởng đến việc hình thành các khu chức năng khác nhau của đô thị.

Năm 2012, Châu Á Thái Bình Dương lại là vùng có hoạt động du lịch phát triển nhanh với tỉ lệ tăng trưởng là 7%, tương đương 15 triệu du khách đến nhiều hơn so với năm 2011. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Quốc tế WTO thì tăng trưởng về khách du lịch đến riêng tại Việt Nam là 14%, Campuchia 24%, Myanmar 52% .

Theo WTO, dự báo tỷ lệ tăng trưởng du khách giai đoạn 2010 – 2030 là 3,3% hàng năm.

Việc quy hoạch các cơ sở tạo nơi trú ngụ và nâng cấp năng lực về lượng và chất. Việc phân tích đặc điểm thể loại tính chất du lịch của du khách qua báo cáo tại nhiều nước cho thấy tính chất du lịch bùng nổ trong lĩnh vực giải trí. Vì vậy tuy số lượng du khách có gia tăng nhưng số lượng người thăm các di sản lịch sử và các bảo tàng là các tua (tour) du lịch ngắn ngày lại đứng yên hoặc rơi rớt giảm sút. Điều này được trông thấy ở tỷ lệ số lượng du khách trong các ngày làm việc so với các ngày nghỉ cuối tuần, nhất là những nơi là mục tiêu mà khách chủ yếu là khách nội địa.

Ngược lại việc quy hoạch các cơ sở tạo nơi trú ngụ và nâng cấp năng lực về lượng và chất của các khách sạn, nhà trọ, đã làm cho số lượng giường khách sạn tại nhiều nước như Tây Ban Nha đã gia tăng gấp đôi trong 15 năm qua (M.Vinuesa và L.Torralba 2010). Vì đặc điểm này của các thành phố di sản có chức năng điểm đến du lịch, mà chính quy hoạch đô thị thực hiện đồng bộ với tính chất thể loại du khách làm cho số lượng khách du lịch đã gia tăng.

Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là vấn đề chung của thế giới, các nhà khoa học quan tâm đến mức thải carbon trong khí quyển trái đất bởi vì nó có tác động đến hiệu ứng nhà kính. Mức ô nhiễm này đã tăng lên đáng kể trong thế kỷ 21, tăng trung bình 2,0 ppm/yr trong giai đoạn 2000 – 2009 và có dấu hiệu tăng nhanh hơn chủ yếu do hoạt động của con người gây ảnh hưởng tới. Vì vậy cần ưu tiên cho những hoạt động du lịch có thể giảm phát sinh Carbon và bảo tồn được các nguồn lợi thiên nhiên như nước, năng lượng, hạn chế việc thải rác độc hại.

Sự tàn phá hay làm hao mòn các di sản do các nguyên nhân xã hội và tự nhiên.

Các di sản thường có quy mô nhỏ mà khách du lịch lại đông, vì vậy khả năng tàn phá và làm hao mòn các di sản là đáng kể. Việc làm hư hỏng các di sản vật thể như nhà cửa, cơ cấu đô thị là có thể thấy rõ. Ngoài ra lại có hiện tượng quấy rối các hoạt động của dân địa phương về kinh tế và văn hoá, thậm chí dân nơi khác đến ở thay thế người địa phương làm mất bản sắc riêng của vùng, giảm sức thu hút khách du lịch.

Những giải pháp cho sự thành công

Những giải pháp cho sự thành công của việc Quy hoạch Đô thị điểm đến du lịch là:

Xác định rõ sản phẩm du lịch để chọn mục tiêu cho chiến lược phát triển đô thị.

Đô thị di sản bao gồm những yếu tố hấp dẫn về các thành phần cơ cấu đô thị như phố cổ, công trình kiến trúc, các hoạt động văn hoá… Các yếu tố này hoạt động riêng biệt hoặc tổng hợp kết dính với nhau để tối ưu hoá lợi ích cho địa phưong và tạo ra những tiện ích tốt cho công tác du lịch.

Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật để làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng phục vụ du lịch bền vững. Ta nên nhớ rằng từ những năm 1920, trường phái kinh tế - xã hội học đô thị đã xác định rõ quy luật hoạt động theo nguyên lý của kinh tế thị trường, lệ thuộc vào cự ly đến khu trung tâm hay vị trí nguồn tạo ra thu nhập, trong đó: Địa vị xã hội có quan hệ chặt chẽ với vị trí cư trú. Nổi bật là các mô thức của Burgess, Homer Hoyt và Chauncy Harris – Edward Ullman. Tuy nhiên ta cũng không quên các nhà xã hội học như Walter Firey đã quan niệm rằng sức mạnh xã hội loài người có thể bẻ cong hay làm cùn quy luật thị trường. Từ đó cách bố trí hạ tầng có thể làm thay đổi chức năng khu đất, đặc biệt là các khu: Nhà an dưỡng dài ngày hay khách sạn trọ ngắn ngày.

Vận dụng di sản văn hoá và các hoạt động giải trí vào mục đích hấp dẫn du lịch. Một công trình là di sản được tạo ra vì một nhu cầu sử dụng nào đó và tồn tại nhờ có hiệu quả sử dụng đó. Nói một cách đơn giản: cũng như con người, ngôi nhà phải có những hoạt động thích hợp để có thu nhập đủ sống và tồn tại. Bởi vậy để bảo tồn một công trình kiến trúc, phải để cho nó có một công năng hợp lý, phù hợp với hình thức kiến trúc của nó. Ở đây các công trình là di sản văn hoá phải được đưa vào hoạt động phục vụ công tác tham quan du lịch, tạo nguồn thu cho địa phương và nguồn tự tu bổ.

Những ý kiến đòi phá huỷ cầu Long Biên là một điển hình của việc “không am hiểu giá trị đồ cổ”. Cầu Long Biên không những là chứng tích của kỹ thuật xây dựng kết cấu thép thời kỳ Cận đại như tháp Eiffel (Paris) mà còn là di tích lịch sử của nhiều thời kỳ cách mạng, với những trạm phòng không cảm tử thời chiến tranh phá hoại sẽ là nguồn thu hút du lịch.

Cân bằng và đồng bộ hoá sự phát triển giữa các yếu tố kinh tế - xã hội và các yếu tố môi trường tự nhiên.

Các thành phố di sản phải củng cố, gia tăng các điểm đến cho các chuyến du lịch (tour) ngắn ngày. Các di sản lịch sử là nơi đến của du lịch văn hoá. Chính những thành phố có những nỗ lực phục hồi và nâng cao giá trị văn hoá di sản đã cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng du lịch ở các cấp quốc gia và quốc tế (M.Vinuesa và L.Torralba 2010). Kế hoạch phục hồi các di sản của các thành phố này đã xem xét sự liên quan và đồng bộ với kế hoạch của công tác du lịch.

Việc cân bằng công tác bảo tồn các yếu tố môi trường thiên nhiên và các lợi ích kinh tế trong du lịch nếu khéo léo có thể thực hiện bằng cách phát triển du lịch tạo các nguồn tài chính bảo đảm sự trong sạch vốn có của nguồn lợi như bờ biển hồ ao, suối cảnh, suối nước nóng như ở Đà Lạt, Đà Nẵng, Hàm Tân … Đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp hay dân cá thể địa phương phát huy lợi thế kinh doanh trong việc vận dụng các phương tiện giao thông truyền thống như xe ngựa, xích lô đồng thời hướng dẫn du lịch, lại có thể sử dụng các phương tiện sản xuất truyền thống không gây ô nhiễm như cối giã gạo, khung dệt đạp chân hay cối xay gió ở phương Tây…

Quy hoach Đô thị trên cơ sỏ bảo tồn tính xác thực nguyên gốc (Authencity), phát huy đặc tính riêng biệt của các di sản lịch sử vẫn là nguyen tắc bất di bất dịch.

Các di sản lịch sử như công trình kiến trúc, cơ cấu đô thị cần được bảo tồn theo các hiến chương Venice, Athens, văn kiện Nara và Luật Di sản của nước CHXHCN Việt Nam. Việc tổ chức du lịch cần sinh ra nguồn lợi để bảo tồn các công trình và cơ cấu đô thị.

Việc thiết kế đô thị khéo léo, cẩn trọng và hợp lý sẽ kết hợp được cả hai mặt bảo tồn và phát triển và là phương tiện phát triển du lịch di sản.

Tại các đô thị di sản, việc bảo tồn các không gian phục vụ các hoạt động công cộng như lễ hội, xem biểu diễn, ngắm cảnh làm nhiệm vụ quan trọng như các quảng trường Venice (Italia), Concorde (Paris, Pháp), Trafalgar (London, Anh), Bờ Hồ Hà Nội chính là nơi các du khách thường xuyên kéo tới.

Việc xây cất các công trình mới trên cơ sở tuân theo các điều khoản của Luật Di sản lại là cần thiết. Điều này có thể thấy ở ví dụ thành phố Bilbao Tây Ban Nha khi các cơ sở công nghiệp cũ ven sông đã suy tàn thì việc xây dựng Nhà bảo tàng nghệ thuật hiện đại Gugenheim của Kts Frank O.Gehry đã làm cho sự nghiệp du lịch Bilbao phát triển nhảy vọt.

Việc ban hành các kế hoạch khuyếch trương hoạt động du lịch phải thực hiện đồng thời từ các cấp độ khác nhau như chính phủ trung ương, chính quyền địa phương, các cộng đồng dân cư dân tộc bản địa.
Trong đó Chính phủ trung ương bao gồm cả các bộ ngành phải nghiên cứu, xét duyệt quy hoạch các đô thị du lịch và mạng lưới giao thông ưu việt tới các đô thị này.

Ngành văn hoá cần quảng bá dẫn dắt khách du lịch đến các địa điểm, có như vậy Đường Lâm, Đồng Văn mới được biết tới rộng rãi. Nguồn lợi ích sẽ được mang đến cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp trung ương. Theo quan điểm của tổ chức du lịch thế giới có nhiều điều lợi của việc hoạch định kế hoạch tổ chức du lịch phát triển đô thị ở tầm quốc gia , đó là phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được các nguồn di sản văn hoá và thiên nhiên cho việc sử dụng ngày nay và mai sau.

Chính quyền địa phương qua các chiến lược phát triển đô thị, tạo điều kiện cho sự tương tác lẫn nhau giữa du lịch, văn hoá và kinh tế tại địa phương, lường trước được những khó khăn bất thường… Việc này sẽ tác động ngược lại, làm cho văn hoá ứng xử của các doanh nghiệp du lịch địa phương được cải tiến, điều mà không phải dễ dàng được thực hiện bằng các nỗ lực riêng lẻ thông thường như học tập, giáo huấn…

Sự phối hợp ở một tầm rộng có thể có 3 quy trình chính

Cải thiện các sản phẩm du lịch: di sản lịch sử, di sản thiên nhiên, lợi dụng công tác du lịch như một công cụ trong việc phục hồi và cải thiện môi trường một thành phố di sản. Sự cải thiện này sẽ đem lại nhiều nguồn lợi cho địa phưong như tăng công ăn việc làm, tăng thu nguồn thuế.

Có kế hoạch quy hoạch bố trí hay nâng cấp và huy động các cơ sở đón tiếp khách du lịch phù hợp với tính chất và thể loại du lịch. Cần tạo cơ chế khung về sự phối hợp giữa các tổ chức du lịch quốc doanh, tư nhân hay tập thể cộng đồng địa phương. Các cộng đồng người dân tộc thiểu số cần được chú ý nâng đỡ vì tính đặc thù riêng của họ có lợi thế rất cao. Việc hệ thống hoá hệ thống du lịch để thoả mãn sự đòi hỏi của “Cầu đối với cung”.

Quảng bá các điểm đến du lịch, đa dạng hoá các sự kiện, các hoạt động du lịch. Việc phát triển các khu nghỉ dưỡng kiểu resort đồng thời sẽ đưa tới nhu cầu, các hoạt động bảo vệ cảnh quan và môi trường thiên nhiên.

Hoạt động du lịch là một dãy các hiện tượng tương tác lẫn nhau và quan hệ của các hoạt động này với sự phát triển của các thành phố di sản là đồng thời liên quan đến nhiều lĩnh vực bao gồm các hiện tượng tích cực và tiêu cực. Chính vì sự tương tác đa diện này mà hoạt động du lịch phải khắc phục các yếu kém của các khuyếch trương du lịch một cách đơn độc trên cơ sở vận dụng hợp lý nguyên tắc “lấy bảo tồn làm động lực cho phát triển”.


(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 3/2014 )

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)