Vật liệu kiến trúc truyền thống

Thứ tư, 11/04/2012 15:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kiến trúc truyền thống của mọi nền văn hoá đều có những vật liệu đặc trưng riêng biệt. Người Ai Cập cổ sùng bái đá đá trở thành vật liệu ưa chuộng phù hợp với ước vọng vĩnh cửu. Người Hy Lạp cũng dùng đá, nhưng là đá cẩm thạch để ngợi ca vẻ đẹp của thánh thần và con người. Người Trung Đông lại dùng đất trong kiến trúc dân sự và đá, gạch men trong kiến trúc đền đài. Từ Đông sang Tây, đá luôn là vật liệu được ưa chuộng nhất trong kiến trúc tôn giáo, nó mang vẻ đẹp thần bí thần thánh, sự lâu bền không gì thay thế được.

Trong kiến trúc phương Đông và Việt Nam nói riêng, đá không chỉ chiếm vị trí độc tôn như vậy. Trong xây dựng thành trì, đá tất nhiên đóng vai trò quyết định và các thành Việt Nam thường phối hợp giữa đá xanh và đá ong. Toà thánh Tây đô ở Thanh Hoá của Hồ Quý Ly là một kiến trúc đá tương đối kỳ vĩ, các cổng thành và tường bao đều làm bằng đá xanh, nhưng các ngôi thành khác như thành Sơn Tây trước kia chủ yếu xây bằng đá ong, thành Huế thì xây bằng gạch. Các đình, đền, chùa Việt Nam là những công trình phối hợp nhiều loại vật liệu, nền bó đá xanh, vì kèo gỗ, mái lợp ngói và các thành phần phụ khác thì dùng vôi và mật để trát cùng với một số trang trí bằng gốm. Hầu như không có sắt hay kim loại nói chung trong kiến trúc đình chùa cổ Việt Nam. Gác chuông chùa Keo Thái Bình, ba tầng 12 mái như vậy mà không dùng đến một cái đinh nào. Sự đồng bộ trong xây dựng truyền thống tạo ra sự bền vững của công trình, các công trình đền chùa cổ thường phải sau 100 năm mới bảo quản nhỏ, 200 năm trùng tu ở quy mô vừa phải và sau 300 năm mới cần đại trùng tu, trong đó hệ thống vì kèo gỗ căn bản vẫn vững vàng. Chùa Keo Thái Bình, chùa Thầy (Hà Tây cũ), chùa Bút Tháp Bắc Ninh về cơ bản vẫn đứng vững hơn 300 năm. Đình Tây Đằng, đình Lỗ Hạnh đứng vững sau hơn 400 năm. Tuy nhiên, đó là tuổi thọ không cao so với các nền kiến trúc khác đứng vững hàng ngàn năm qua. Kiến trúc đền cổ Champa xây bằng gạch nung là chủ yếu kết hợp với điêu khắc đá ở các thành phần trang trí và phù điêu, tượng tròn đặt trong lòng hay đài thờ xung quanh. Người Champa được coi là bậc thầy trong xây dựng bằng gạch, nhất là khi không dùng chất kết dính có mạch vữa, mà dùng một loại dầu cây và kỹ thuật mài những mặt tiếp giáp sao cho thật phẳng. Đặc biệt là những phù điêu gạch được làm với kỹ thuật cao không thể lặp lại, không rõ là họ nung nguyên khối hay nung từng viên rồi lắp ghép với nhau. Người Việt đã học được nhiều kỹ thuật từ ngừơi Champa trong kiến trúc đền tháp từ thế kỷ 11- 14, nổi bật là các tháp chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phú) và tháp Phổ Minh (Nam Định). Ngay kinh thành Thăng Long được khai quật những năm gần đây cho thấy trình độ xây dựng gạch rất cao, nếu dựng lên đầy đủ các đầu đao, ống dẫn nươc bằng gạch.

Kiến trúc truyền thống phân chia rõ 3 khu vực: xây dựng hoàng cung phủ đệ cho vua chúa, xây dựng các công trình tôn giao đền chùa và kiến trúc dân sinh. Tâts nhiên sự phân chia này nhìn thông thường chỉ khác ở quy mô và vẫn chung nhiều cơ sở kỹ thuật, đồng thời người xây dựng dù là cho vua chúa vẫn lấy từ thợ thuyền dân gian. Trên thực tế thì xây cất đền đài lăng mộ quy mô đòi hỏi những điều kiện kỹ thuật và tiền bạc người dân không bao giờ có thể làm được. Những công trình đó cũng xây dựng trong thời gian dài, ví dụ như chùa Bút Tháp theo niên đại trên bia ít nhất kéo dài từ năm 1640- 1691. Những công trình nhân dân xây dựng chỉ kéo dài trong vài năm, dù quá trình chuẩn bị vật liệu cho một ngôi nhà gỗ bình dân cũng tới hàng chục năm, ngôi nhà tre cũng cần có 3 năm ngâm tre và chuẩn bị gạo cho thợ thuyền ăn.

Kỹ thuật xây dựng gạch là hàng đầu trong các công trình quy mô ở Việt Nam xưa, mặc dù gạch chỉ dùng trong xây tháp và làm tường không chịu lực trong kiến trúc vì kèo. Móng nhà cũng được xây bằng gạch vồ loại tốt kích thước lớn , nền bó đá hoặc làm cả bằng đá. Gạch Bát Tràng chiếm vị trí độc tôn, thực chất đó là những viên gạch được dùng làm bao thơi nung gốm, chúng được nung nhiều lần cho đến khi thải ra thì đem làm gạch nên độ bền cao vô cùng và làng gạch Bát Tràng chỉ bán cho những nhà quyền quý ưu tiên lắm. Gạch xây lát nền và gạch xây tường đều được làm to hơn thông thường. Những viên gạch thời Lý Trần có kích thước tới 40 x40 cm rất dày và có chạm khắc hoa văn thành những tổ hợp lớn nếu ghép lại với nhau. Gạch xây hầm lăng mộ được làm to và bền, khi xây dùng vôi, cát và mật mía làm chất kết dính, độ cứng vô song đến mức không thể dùng xà beng và đục thông thường có thể phá được.

Những công trình tường bao đền lăng có thể dùng loại đá ong loại già, loại đá này thường thấy ở các vùng có mỏ đá nhiều hàm lượng sắt ở Sơn Tây cũ. Các ngôi thành cổ rất ưu chuộng chất liệu đá ong, vì càng dầm mưa nắng công trình càng bền vững cho tới khi mặt tường đen bóng bởi các kết cấu sắt trong đá trơ ra và không bao giờ hỏng được nữa. Xây dựng bằng gỗ, nhất là gỗ lim được cả quý tộc lẫn bình dân ưa chuộng, vì ở căn nhà gỗ mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đồng thời không khí trong nhà rất thư nhàn, không một loại vật liệu nào có được. Ngôi nhà gỗ cổ trừ nền và mái ra tất cả đều là gỗ, vì kèo gỗ và tường gỗ. Mái có thể lợp ngói, giữa các lớp ngói người ta phết một lớp bùn cho bền vững và chống nhiệt vào mùa hè nóng bỏng. Nếu nhà sàn Mường Thái lợp bằng cỏ gianh hay lá cọ cũng đạt tiêu chuẩn thư nhàn không kém gì nhà gỗ thuần tuý, ở trong với không khí núi rừng đó là những ngôi nhà đẹp bậc nhất. Mái nhà bằng lá cọ, gianh, rơm, rạ tuy tuổi thọ không cao, chừng cần 10- 15 năm tu sửa, nhưng rất mát và ấm áp như chống nước mưa rất tốt, nếu lợp dầy, đồng thời tính thẩm mỹ rất cao. Đây là loại mái cần nghiên cứu lại hơn là vì lợp tôn xi măng và kim loại như bây giờ.

Đất và tre là hai vật liệu bình dân, rẻ tiền nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được những ngôi nhà tốt đẹp. Ông trời quả là có mắt khi ban cho những người lao động hai loại vật liệu ít tốn kém đến như vậy. Nhà bằng đất trình tường có thể tồn tại lâu dài trong mọi loại thời tiết, chỉ có bộ mái là cần tu bổ sau 10 năm. Nhà trình tường tuy tốt, cửa sổ và cửa ra vào đều hẹp, nhỏ nhưng trong nhà luôn ấm, mát tuỳ theo khí hậu mùa nào và có khả năng khử độc rất tốt. Nhà tre vách đất được coi là thấp nhất trong dân gian xưa, gắn bó với người cùng khó, tuy nhiên hoàn toàn có thể làm nhà tre đạp. Người dân thường dùng bùn trộn rơm trát vách, nhưng có thể dùng rơm vôi, đay, chút ít xi măng trát lên vách đan dứng cẩn thận, hoàn toàn đẹp và lâu bền.

Mặc dầu các vật liệu truyền thống có nhiều ưu điểm như vậy nhưng hầu hết các nhà kiến trúc hiện đại đều thấy nó có trở ngại khi xây dựng những ngôi nhà cao tầng. Khi xây cao quá 2 tầng thì hình như vật liệu truyền thống không còn thích hợp. Hiện nay gỗ đã trở thành nguyên liệu đắt tiền khi rừng đang cạn kiệt, thậm chí xây dựng ngôi nhà gỗ đắt hơn rất nhiều lần ngôi nhà bê tông, nên người dân không lựa chọn gỗ, trừ phi quá giàu có. Vật liệu đất hầu như bị loại bỏ và thật đáng tiếc, nó là một trong những vật liệu xây dựng hảo hạng. Hiện nhiều nền kiến trúc đang tìm cách khai thác loại vật liệu đất và phối hợp với những vật liệu hiện đại. Tất nhiên, những kiến trúc cao tầng cần những kỹ thuật khác mà vật liệu đất, gạch, gỗ rất khó gia nhập. Những trong các xây dựng không quá cao tầng, từ 5 tầng trở xuống, vật liệu đất vẫn có khả năng ứng dụng.

Nếu ta đến thành phố San Fe bang New Mexico của Mỹ sẽ thấy toàn bộ thành phố được xây dựng theo phong cách thổ dân da đỏ kiểu đắp đất thành một khối nhà hình vuông. Mọi nhà to bé ở đây đều như một khối đất vuông, như vậy nội thất có thể hiện đại tùy ý, nhưng bên ngoài là thống nhất. Kiến trúc gạch, gỗ, đất cổ xưa cũng được áp dụng ở Bắc Âu phối hợp với trồng cây ngay vào và lên trên toà nhà. Người Trung Quốc thì đưa xi măng thay thế gỗ, nhưng trong phong cách hoàn toàn như kiến trúc gỗ cổ truyền. Một vài sáng tạo bằng tre hiện nay đã được thiết kế, nhưng ứng dụng là chưa rộng rãi, nhất là khi việc thi công trở nên quá đắt đỏ.

Quan niệm về xây một ngôi nhà bây giờ cũung khác hoàn toàn xưa khiến người ta cấn đặt lại những vấn đề về kiến trúc. Kiến trúc cổ không tính đến thời gian xây dựng, miễn là đẹp và lâu bền. Hiện chỉ có những gia đình giàu có mới có thể gia công ngôi nhà lâu dài, còn đại bộ phận trong thi công người ta lấy tốc độ làm thước đo. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ và độ bền của công trình, nhất là khi đưa vật liệu truyền thống vào xây dựng hiện đại.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 3/2012.


 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)