Tình hình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Thứ năm, 29/03/2012 08:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Tiềm năng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) ở nước ta Kết quả điều tra và thăm dò khoáng sản cho thấy Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Với tổng tiềm năng tài nguyên đá vôi là 1.754 tỷ tấn, trong đó đá vôi để sản xuất xi măng đã được khảo sát có trữ lượng 44.738 triệu tấn, đất sét sản xuất xi măng là 7.601 triệu tấn, phụ gia hoạt tính cho xi măng có trữ lượng 3.947 triệu tấn, cao lanh 849 triệu tấn, fenspat 83,86 triệu tấn, cát trắng cao silic 1.403 triệu tấn, đôlômít 2.800 triệu tấn, đá ốp lát granit đủ các màu sắc rubi đỏ, hồng, vàng, xanh, đen, đá marble màu trắng, màu xám, xanh… với trữ lượng 37.590 triệu m3.

2. Tình hình hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD trên toàn quốc

Dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD đa dạng, phong phú, trong những năm qua ngành công nghiệp VLXD nước ta đã đầu tư, phát triển mạnh mẽ không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Từ năm 2005 đến 2010, ngành công nghiệp VLXD nước ta đã sản xuất và cung cấp ra thị trường khối lượng VLXD như sau: Xi măng hơn 245 triệu tấn; đá xây dựng 651 triệu m3; cát sỏi xây dựng 400 triệu m3; gạch ốp lát granit, ceramit 1.057 triệu m2; gạch ngói đất sét nung 111 tỷ viên; sứ vệ sinh 34,3 triệu sản phẩm; kính xây dựng 448,4 triệu m3; đá ốp lát granit, marble 35,4 triệu m2.

Công tác khai thác khoáng sản làm VLXD đã không ngừng phát triển, áp dụng nhiều công nghệ tiến tiến, hiện đại nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục.

Trong 6 năm 2005- 2010 đã khai thác và đưa vào sản xuất hơn 3,2 tỷ tấn nguyên liệu để sản xuất VLXD, hàng trăm núi đá vôi, đá granit, đá cẩm thạch, đá bazan, đôlômít, fenspat, hơn 10.000 ha đất canh tác đã được khai thác, không có tái tạo, trong đó có không ít mỏ khai thác không có thiết kế được duyệt, khai thác không theo đúng quy trình, quy phạm, khai thác theo lối ăn xổi, dễ làm khó bỏ, lãng phí tài nguyên, đồng thời phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng.

Cao lanh, đất sét trắng, tràng thạch dùng để sản xuất gốm sứ là loại khoáng sản quý hiếm với trữ lượng không lớn, hầu hết được khai thác, chế biến theo công nghệ cũ, chất lượng sản phẩm thấp, hệ số thu hồi thấp, lãng phí tài nguyên lớn. Điển hình là mỏ fenspat Đại Lộc Quảng Nam có chất lượng tốt được cấp cho nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực vào khai thác chế biến thủ công, lẫn lộn cả loại I, loại II hạ thấp chất lượng của mỏ, làm mất giá trị sản phẩm fenspat loại I, khai thác nham nhở, hủy hoại tài nguyên quý hiếm. Ngoại trừ nhà máy khai thác chế biến fenspat Yên Hà- Yên Bái áp dụng công nghệ mới, dây chuyền đồng bọ từ Tây Ban Nha và nhà máy lọc cao lanh Đồng Hới do hãng Bohemia- Cộng hoà Séc đầu tư dây chuyền đồng bộ theo công nghệ tiến tiến từ khâu khai thác đến chế biến sản phẩm, đã đi vào sản xuất năm 2011.

Công tác quản lý khai thác khoáng sản làm VLXD còn nhiều tồn tại

Việc thực thi Luật Khoáng sản đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số một số điều của Luật Khoáng sản số 46/2005/QH 11được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 cùng với bản Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020, còn nhiều hạn chế, chưa được quán triệt đến cơ sở.

Việc cấp phép khai thác và quản lý khai thác khoáng sản còn chồng chéo giữa cơ quan Trung ương và địa phương, cấp phép theo lối “xin, cho” gây nhũng nhiễu, phiền hà, cấp phép khai thác thời gian ngắn 2- 4 năm, cấp phép cho những ông chủ không đủ năng lực để đầu tư công nghệ, thiết bị cho khai thác và bảo vệ công nghệ, thiết bị cho khai thác và bảo vệ môi trường, xé nhỏ mỏ ra để cấp phép cho nhiều chủ đầu tư, thậm chí có nhà máy xây dựng xong sản xuất được thời gian ngắn thì không còn nguyên liệu để sản xuất; cấp phép khai thác không đúng yêu cầu sử dụng, lấy đá vôi có chất lượng tốt (trên 49% CaO) làm vật liệu san lấp mặt bằng, lãng phí tài nguyên; cấp phép khai thác mỏ không hợp với bảo vệ di tích, cảnh quan, môi trường sinh thái.

3. Giải pháp phát triển khai thác khoáng sản làm VLXD bền vững, hài hoà ba lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường

Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 121/2008/QĐ- TTg ngày 28/8/2008 và tại Quyết định số 1488/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất VLXD trong giai đoạn 10 năm tới 2011- 2020 sẽ phải khai thác một khối lượng rất lớn nguyên liệu (gần 10 tỷ tấn). Cần phải có giải pháp đồng bộ chấn chỉnh, sắp xếp lại tổ chức quản sản xuất, khai thác khoáng sản, đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cao trình độ kỹ thuật khai thác, chế biến đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao, tiết kiệm được tài nguyên khoáng sản, bảo vệ được môi trường sinh thái, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên, hài hoà 3 lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khoáng sản là tài nguyên quốc gia được thống nhất quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương từ cấp phép khai thác, quản lý quá trình khai thác, sử dụng khoáng sản, bảo vệ môi trường theo đúng quy hoạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo việc cấp phép khai thác lâu dài, sớm chấm dứt việc cấp phép 3- 4 năm “xin, cho” gây nhũng nhiễu, tiến đến đấu thầu khai thác mỏ, cấp phép cho chủ đầu tư thực sự có năng lực với đầy đủ hồ sơ thiết kế khai thác, bảo vệ môi trường và thiết kế hoàn thổ; khai thác tận thu khoáng sản, tiết kiệm tài nguyên.

Áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản. Như đối với các mỏ lộ thiên áp dụng công nghệ khai thác cắt tầng, bắn mìn visai, nổ om, tiết kiệm thuốc nổ, hệ số thu hồi đá cao, bảo đảm an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Áp dụng công nghệ khai thác âm để tận thu nguyên liệu, bảo vệ môi trường tốt. Sử dụng công nghệ khai thác khoan hầm (khoan giếng) để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái của mỏ. Sử dụng băng tải để vận chuyển nguyên liệu từ mỏ về kho chứa của nhà máy, giảm thiểu vận tải bằng ô tô. Đối với các mỏ đá ốp lát không nên sử dụng phương pháp nổ mìn để khai thác mỏ, gây rạn nứt bên trong của khối đá, hệ số thu hồi thấp. Khuyến khích khai thác bằng dây kim cương đối với đá cẩm thạch, bằng tia lửa, bột nở, khoan nêm tách với đá granit. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại trong khai thác cao lanh, fenspast, bóc tách lớp kẹp, tuyến chọn nguyên liệu tinh, loại bỏ tạp chất làm giàu quặng khai thác loại I. Tăng cường chế biến sâu, tiến tới không phải nhập khẩu cao lanh, fenspat để sản xuất sản phẩm cao cấp.

Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và phổ biến quy trình, quy phạm, công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và phục hồi môi trường các mỏ sau khi kết thúc giai đoạn khai thác.

Nghiên cứu rà soát ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường an toàn lao động trong khâu khai thác khoáng sản phù hợp với giai đoạn phát triển khoa học công nghệ hiện nay.

Các tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD cần nghiêm túc chấp hành theo đúng trình tự quy định cấp phép, quy trình, quy phạm khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường. Tiếp thu khoa học công nghệ tiến tiến, kỹ thuật hiện đại của thế giới và trong nứơc để áp dụng vào đơn vị của mình. Không ngừng đầu tư nâng cao trình độ khoa học công nghệ tiến tiến, cải tiến kỹ thuật trong khâu khai thác, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao vật chất, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình khai thác hàng năm với cơ quan quản lý Nhà nước.

Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD theo đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong khai thác và hoàn thổ, kịp thời xử lý các sai phạm để đưa công tác khai thác khoáng sản làm VLXD đi vào quỹ đạo vừa đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, vừa tiết kiệm được tài nguyên, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Nguồn: Tạp chí Vật liệu xây dựng, số 3/2012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)