Giải quyết bài toán giao thông đô thị tại Thủ đô

Thứ ba, 28/02/2012 17:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mạng lưới giao thông đường bộ hiện tại gồm các tuyến đường vành đai, các trục quốc lộ hướng tâm và đường đô thị. Hệ thống đường vành đai chưa hoàn thiện và khép kín, hoặc có mặt cắt ngang nhỏ. Điều này dẫn tới mạng lưới giao thông chưa liên hoàn, một lượng lớn xe liên vùng chưa được phân luồng từ xa, mà vẫn chạy trên các trục hướng tâm vào trung tâm thành phố, do vậy, khả năng thoát xe bị hạn chế rất nhiều. Đường phố được đầu tư xây dựng nhưng không theo kịp tốc độ đô thị hoá, tốc độ tăng dân số và phương tiện. Quỹ đất giao thông hiện chỉ chiếm khoảng 8% so với đất xây dựng đô thị, trong khi đó mức hợp lý là 20- 25%.

Các nút giao thông tại Hà Nội hiện chủ yếu vẫn là các nút giao bằng, khoảng cách giữa các ngõ phố giao cắt với các trục chính rất ngắn, quy mô nút giao không đảm bảo năng lực thông hành nhất là vào giờ cao điểm. Đây là nguyên nhân chính gây lên tình trạng ùn tắc kéo dài trên các đường hướng vào nút hiện nay.

Về phương tiện giao thông

Phương tiện giao thông tại Thủ đô Hà Nội hiện nay chủ yếu là phương tiện cá nhân và có tốc độ gia tăng khá nhanh. Việc gia tăng phương tiện cá nhân nói chung và ô tô nói riêng tạo ra tình trạng quá tải của hệ thống giao thông nay trở nên càng ùn ứ hơn. Vận tài hành khách công cộng chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 11%), chủ yếu là xe bus, chưa có hệ thống vận tải khối lượng lớn. Quy hoạch 90 đề ra đến năm 2010, thị phần vận tải hành khách công cộng phải đạt 30% và đến năm 2050 phải đạt 50%. Đây chính là sự mất cân đối rất lớn và góp phần đáng kể vào tình trạng quá tải của mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay.

Về dân số khu vực nội đô

Theo quy hoạch, hệ thống giao thông vận tải được xây dựng dựa trên mức khống chế dân số trong khu vực đô thị lõi là 80 vạn dân. Tuy nhiên, hiện nay dân số khu vực này đã lên nhiều, việc dân số tăng quá chỉ tiêu tới 30% đã tạo áp lực nên hệ thống giao thông ngay cả khi hệ thống này đã được xây dựng theo đúng quy hoạch.

Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cũng góp phần làm tăng nhu cầu vận tải trên hệ thống giao thông của khu vực đô thị trung tâm trong giai đoạn hiện nay. Yếu tố khách quan này cũng có tác động rất lớn tới hệ thống hạ tầng giao thông, kể cả những tuyến đường mới được xây dựng cũng đang có tình trạng quá tải trong giờ cao điểm.

Ý thức của người tham gia giao thông

Hiện tại ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Người điều khiển phương tiện luôn có xu hướng luồn lách muốn đi nhanh về phía trứơc đang làm cho tình trạng giao thông càng rối loạn.

Những khó khăn hiện nay trong việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch

Các chỉ tiêu đề ra trong quy hoạch là rất quan trọng, nó đảm bảo cho thành phố phát triển một cách bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc thực hiện đúng các chỉ tiêu này tại Thủ đô Hà Nội, hiện gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể như sau:

- Phát triển quỹ đất cho giao thông:

Bỏ qua vấn đề nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình, việc phát triển quỹ đất cho hạ tầng giao thông trong thành phố hiện nay gặp phải vấn đề cực kỳ khó khăn đó là công tác giải phóng mặt bằng. Để giải phóng mặt bằng, trước hết đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, tiếp đến là khó khăn trong công tác tái định cư cho người dân bị di dời, vì việc tái định cư cần có quỹ nhà, trong khi đó công tác phát triển quỹ nhà cũng đang gặp phải các vấn đề khó khăn tương tự. Để đảm bảo được yêu cầu đề ra của hệ thống hạ tầng giao thông cần xem xét đa dạng hoá các loại kết cấu công trình hạ tầng, hạn chế việc chiếm dụng mặt bằng (xây dựng đường tầng là một ví dụ).

- Phát triển giao thông công cộng:

Vận tải hành khách công cộng muốn đạt được thị phần đáng kể (30- 45%), thì việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là giải pháp cốt lõi và vấn đề lớn nhất đối với việc này là nguồn vốn đầu tư. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2015. Tuy nhiên, loại hình giao thông này chỉ phát huy được sức mạnh khi chúng tạo thành mạng lưới và kết hợp liên hoàn với các loại hình giao thông công cộng khác. Do vậy, có thể thấy mục tiêu tới năm 2020 thị phần vận tải hành khách công cộng đạt 35- 45% và tới năm 2030 đạt 55% là rất khó khăn và cần sự nỗ lực rất lớn về nguồn vốn đầu tư. Thêm vào đó mạng lưới giao thông công cộng (xe bus) hiện chưa đều khắp trong nội đô, do mạng lưới đường bộ trong đô thị chưa phân bố đồng bộ, chất lượng phục vụ của vận tải hành khách còn nhiều bất cập, càng làm cho sức thu hút của hệ thống giao thông công cộng kém hấp dẫn, chưa đạt được thị phần như đã đề ra.

- Kiếm soát tốc độ tăng dân số:

Việc kiểm soát quy mô dân số đã được đề ra ngay từ Quy hoạch 108 nhưng trong quá trình phát triển chúng ta không những không hạn chế được mà còn tăng vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch. Do tập quán, thói quen của người dân hiện nay, việc kiểm soát để hạn chế tăng dân số cơ học vào đô thị trung tâm có thể thực hiện được nhưng việc di dời để giảm bớt quy mô hiện nay là bài toán hết sức khó khăn.

Định hướng giải quyết bài toán giao thông đô thị tại Thủ đô Hà Nội

Từ các phân tích ở trên cho thấy giải pháp cho hệ thống giao thông đô thị Hà Nội là bài toán tổng hợp từ quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông vận tải, quản lý quy hoạch, quản lý dân số, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng và đặc biệt là ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Để có các giải pháp cụ thể cho bài toán giao thông đô thị Hà Nội, cần có các điều tra thu thập số liệu, phân tích để tìm ra những nguyên nhân, ách tắc cần khai thông trước mắt và giải quyết vấn đề giao thông đô thị trong tương lai. Dựa vào các số liệu hiện có, bài viết đề cập đến một số vấn đề sau:

- Bài toán về nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, tổ chức giao thông

Trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập cần phải có thời gian và kinh phí mớ cải thiện được, giải pháp trước mắt là giải quyết vấn đề tổ chức giao thông. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, thành phố đã có nhiều giải pháp như tuyên truyền Luật giao thông cho người dân trên những phương tiện thông tin đại chúng, điều chỉnh khung phạt về tài chính, phân làn giao thông tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật giao thông của người tham gia giao thông chưa tốt dẫn tới luồng giao thông tại Hà Nội bị hỗn loạn, đặc biệt là tại các nút giao thông, nhiều nút được tổ chức không có giao cắt, chỉ có tách nhập, nhưng trong thực tế các giao cắt do xe máy gây ra vẫn thường xuyên làm cho năng lực thông hành tại các nút giao giảm xuống. Việc chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông phải xuất phát từ ý thức tôn trọng pháp luật của người dân. Khi người dân thiếu ý thức thì biện pháp răn đe như có các mức phạt nặng đối với người vi phạm cũng chưa đủ. Cần đưa Luật Giao thông vào các trường học ngay từ những cấp học đầu tiên bằng các hình thức khác nhau, không cứng nhắc, máy móc.

Không dùng vỉa hè cho các hoạt động khác ngoài mục đích phục vụ người đi bộ, vỉa hè là không gian công cộng không phải của những nhà mặt phố, nó phải đủ rộng để người đi bộ cảm thấy an toàn, thoải mái.

- Bài toán xây dựng cơ sở hạ tầng đối với mỗi loại hình giao thông

Đối với hệ thống đường bộ: Xây dựng mạng lưới đường bộ phân bố đều khắp, đặc biệt từ vảnh đai II trở vào, trước mắt là đầu tư xây dựng, hoàn thiện các đoạn trên trục chính đô thị chưa thông suốt. Xây dựng, mở rộng các đường phố theo quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt từ vành đai II trở vào. Hoàn chỉnh các đường vành đai II, vành đai III, các trục đô thị khác trong khu vực nội đô theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với nút giao: năng lực thông hành của các nút giao hiện là nguyên nhân quan trọng gây tắc đường. Thực tế cho thấy một nút giao bằng thường xuyên bị tắc lại chuyển sang các nút khác lân cận có năng lực thông hành kém. Do vậy, đối với hệ thống giao thông đường bộ, trước mắt cần tập trung giải quyết các nút giao. Tiến hành mở rộng và nâng cao năng lực thông hành kết hợp với tổ chức giao thông hợp lý tại các nút trên các tuyến có lưu lượng thấp hơn hay không có điều kiện xây dựng nút lập thể. Các nút giao lập thể cần sớm được xây dựng tại những trục chính có lưu lượng giao thông cao ví dụ: nút Thanh Xuân, nút Cầu Giấy, nút Trung Hoà, nút cầu Chui, Nút Ô Chợ Dừa…

Trong giai đoạn trước mắt cần khẩn trương giải quyết năng lực giao thông trên các đoạn đường trục chính có mặt cắt ngang hẹp chưa đủ quy hoạch bằng việc xây dựng mới (các đoạn nối chưa thông), mở rộng mặt cắt ngang theo quy hoạch, kết hợp xây hệ thống đường trên cao.

Hệ thống đường sắt quốc gia: Cần xây dựng hoàn thiện tuyến đường sắt vành đai. Đối với đừơng sắt quốc gia đi trong đô thị trung tâm cần giải quyết giao cắt khác mức với đường bộ, xây dựng các ga đầu mối trên tuyến vành đai để giảm áp lực tập trung vào thành phố.

Hệ thống đường sắt đô thị: Đường sắt đô thị là xương sống trong hệ thống vận tải hành khách công cộng. Vì vậy, cần xây dựng ngay các tuyến đường sắt đô thị đã được xác định trong quy hoạch 90, dần hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị và kết nối liên hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống. Đường sắt đô thị phải sử dụng công nghệ tiên tiến và có khả năng kết nối tốt với nhau. Để thu hút được người sử dụng giao thông công cộng cần nâng cao chất lượng dịch vụ và kết hợp với các loại hình khác như xe bus để tạo thuận lợi nhất cho hành khách. Giai đoạn trước mắt xây dựng các tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến Cát Linh- Hà Đông kết nối với tuyến số 2; tuyến số 1 Yên Viên- Ngọc Hồi; tuyến số 3 Nhổn- ga Hà Nội- Hoàng Mai. Toàn bộ hệ thống cần hoàn thiện theo đúng tiến trình quy hoạch.

- Bài toán về cơ cấu phương tiện

Cần có giải pháp quản lý phương tiện hữu hiệu để dần dần xây dựng cơ cấu phương tiện hợp lý cho giao thông đô thị, tránh mất cân đối như ở Thủ đô Hà Nội hiện nay, khi mà phương tiện giao thông cá nhân chiếm chủ yếu. Trước mắt, khi chưa có hệ thống đường sắt đô thị, vận tải hành khách công cộng phải dựa vào hệ thống xe bus. Hệ thống vận tải công cộng này đã được người dân sử dụng, tuy nhiên thành phần sử dụng chính vẫn là học sinh, sinh viên, người về hưu, người già, người đi làm vẫn sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Tuy nhiên, nhiệm vụ của vận tải hành khách công cộng là cần tiếp tục duy trì và nâng cao dịch vụ vân tải xe bus hiện nay và trong giai đoạn quá độ. Đẩy mạnh tốc độ đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, tiến hành khai thác với dịch vụ tốt nhất để thu hút người sử dụng là giải pháp bền vững cho giao thông vận tải Thủ đô.

Xe máy là phương tiện được người dân Hà Nội sử dụng nhiều nhất do tính tiện dụng và động cơ cao, đặc biệt là sử dụng trong khu vực đường phố nhỏ hẹp và ngõ ngách. Xe máy chiếm ít diện tích, khả năng thông xe cao. Tuy nhiên, xe máy là phương tiện an toàn giao thông thấp, nhưng trong tương lai gần, loại phương tiện này chưa thể giảm bớt ngay được, vì vậy, cần có các chính sách hạn chế việc phát triển nó.

Xe tắc xi: trước đây cũng có một số quan diểm cho rằng tắc xi là phương tiện giao thông công cộng. Nếu đứng trên góc độ năng lực vận tải, xe tắc xi cũng chẳng khác gì phương tiện ô tô cá nhân. Một vấn đề khác đối với xe tắc xi ở Hà Nội là việc chấp hành luật lệ giao thông của các lái xe rất kém, dẫn tới xe tắc xi cũng đang là loại phương tiện làm tăng thêm sự hỗn loạn của dòng xe. Việc kiểm soát số lượng tắc xi cũng cần được xem xét sớm.

Xe con cá nhân: cần có chính sách để hạn chế phát triển loại phương tiện xe ô tô con cá nhân, bằng các quy định và cách dùng các biện pháp kinh tế để tăng thu cho ngân sách và dùng nguồn tiên thu được phục vụ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Kết luận và kiến nghị

Bài toán giao thông đô thị tại Thủ đô Hà Nội là giải quyết tổng hoà các vấn đề, nó không chỉ dừng ở giao thông vận tải. mà còn được đặt ra cho quy hoạch phâ khu chức năng, kiểm soát dân số đô thị, các chính sách, kiểm soát quy hoạch… và ý thức của ngườidân. Hiện việc giải quyết giao thông đô thị ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do chúng ta chưa thể thực hiện được theo các chỉ tiêu quy hoạch đã đề ra. Để giải quyết bài toán này một cách hữu hiệu cần khảo sát hiện trạng, đánh giá và nghiên cứu chi tiết đầy đủ cho giai đoạn ngắn hạn. Quyết tâm thực hiện các nội dung cần thiết mà quy hoạch ngắn hạn đã đề ra, quản lý quy hoạch chặt chẽ. Sau mỗi giai đoạn thực hiện, cần có những đánh giá và cập nhật điều kiện thực tế để có giải pháp điều chỉnh cho giai đoạn tiếp theo. Việc cập nhật, điều chỉnh liên tục đảm bảo trong quá trình thực hiện quy hoạch luôn bám sát thực tế nhưng không được thay đổi phá vỡ các chỉ tiêu định hướng chung của quy hoạch đã được phê duyệt.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 55/2012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)