Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN là cơ hội để tư vấn Việt Nam phát triển

Thứ sáu, 13/08/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xây dựng là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, vốn cho đầu tư xây dựng của toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng trên dưới 30% GDP. Công trình đầu tư xây dựng thường có giá trị lớn, đồng thời nó là hàng hoá đặc biệt, khác hẳn với những loại hàng hoá khác, đó là khách hàng khi bỏ tiền ra mua sản phẩm chưa thấy được chất lượng ra sao? Công trình xây dựng được tạo nên bởi thành quả của nhiều người từ kiến trúc sư, kỹ sư tới người công nhân có trình độ về chuyên môn, nghề nghiệp, phù hợp. Công trình xây dựng có công năng rất đa dạng và phong phú, nó thể hiện tâm tư tình cảm và thẩm mỹ của con người và được tồn tại với thời gian dài có thể qua nhiều thế kỷ. Thấy rõ đặc điểm và ý nghĩa quan trọng đó, từ xa xưa công tác quản lý xây dựng nói chung và công tác thiết kế công trình xây dựng nói riêng đã được coi trọng đáng kể.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, những năm qua ngành xây dựng đã nghiên cứu ban hành và đề xuất ban hành nhiều chính sách cho phù hợp với cơ chế mới góp phần đưa các hoạt động xây dựng dần ổn định, phát triển và hoà nhập với thông lệ quốc tế; nhờ đó đầu tư xây dựng đã không ngừng tăng trưởng; các tổ chức tư vấn xây dựng đã từng bước được sắp xếp lại theo hướng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực của đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư.

Năng lực của tổ chức tư vấn phải được đánh giá từ yếu tố con người. Những người làm việc cho tổ chức có trình độ, kinh nghiệm về chuyên môn và quản lý giỏi thì tổ chức đó mới có năng lực thực sự, ngoài yếu tố tài chính thì tổ chức nào có nhiều người có trình độ chuyên môn, quản lý cao thì năng lực của tổ chức đó càng mạnh. Đối với các tổ chức tư vấn xây dựng thì yêu cầu những người làm việc ở đấy phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm là chính. Ở hầu hết các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới khi xem xét năng lực của tổ chức tư vấn chủ yếu căn cứ vào lực lượng kiến trúc sư, kỹ sư có trong tổ chức đó.

Kỹ sư tư vấn trong nền kinh tế thị trường phải xác định được trách nhiệm của mình là không ngừng học tập và phấn đấu để khẳng định trình độ nghề nghiệp, năng lực tổ chức quản lý, thực hiện những cong việc đảm nhận. Sản phẩm của tư vấn phải có tính cạnh tranh cao, được thị trường chấp nhận. Ở các nước trong khu vực và thế giới được công nhận là một tư vấn chuyên nghiệp là một niềm vinh dự lớn lao, một danh hiệu cao quý; đây không phải là học hàm, học vị mà là sự công nhận của các cơ quan có thẩm quyền hoặc các hội nghề nghiệp về năng lực hành nghề cá nhân. Những người có trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ muốn hành nghề chuyên môn, vẫn phải có kinh nghiệm thực tiễn, phải học tập những kiến thức cơ bản như về pháp luật liên quan, kiến thức tổ chức quản lý đồng thời phải trải qua thời kỳ thi để được công nhận là kiến trúc sư/kỹ sư chuyên nghiệp, họ có quyền hành nghề độc lập và chịu trách nhiệm về những sản phẩm do mình cung cấp. Họ có thể làm chủ nhiệm dự án; giám đốc quản lý dự án; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế và chỉ những người đã được công nhận là kiến trúc sư, kỹ sư chuyên nghiệp mới có quyền thẩm tra, thẩm định, kiểm duyệt và ký vào các sản phẩm do mình hoặc của tổ chức do mình chỉ đạo thực hiện.

Để xác định và công nhận năng lực cho từng đối tượng cụ thể, cần có sự phân chia theo thứ hạng phù hợp với kinh nghiệm và năng lực thực tế của người hành nghề chuyên môn. Trung Quốc, Nga và một số nước ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia chia năng lực kiến trúc sư, kỹ sư chuyên nghiệp thành cấp bậc rõ ràng. Cụ thể, năng lực kiến trúc sư, kỹ sư được phân thành 3 hạng: kiến trúc sư, kỹ sư phụ việc; chuyên nghiệp, chuyên nghiệp cao cấp.

Để đưa thị trường xây dựng vào nề nếp, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư có hiệu quả đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm phát triển; tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức hoạt động yếu kém phải vươn lên để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắc nghiệt của thị trường xây dựng, tiến tới hội nhập khu vực và thế giới, ngành xây dựng đã nghiên cứu tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng. Một trong những nội dung không thể thiếu và đã được đề cập tới ở tất cả các chương của Luật Xây dựng, đó là yêu cầu về năng lực hành nghề của các cá nhân và năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức.

Năng lực hành nghề của cá nhân được phân thành cấp bậc trên cơ sở trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp. Một trong các điều kiện để xem xét năng lực hoạt động của tổ chức tư vấn là dựa trên cơ sở năng lực của các cá nhân trong tổ chức đó. Căn  cứ những tiêu chí được quy định trong Luật Xây dựng, nghiên cứu tham khảo quy định của các nước, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và một số hiệp hội nghề nghiệp soạn thảo trình Chính phủ ban hành các Nghị định: số 16/2005/NĐ-CP, số 12/2009/NĐ-CP, trong đó có quy định chi tiết những điều kiện để được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư, điều kiện để được làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế công trình xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư theo các quyết định số 12/2005/BXD-QĐ, số 15/2005/QĐ-BXD và Thông tư số 12/2009/TT-BXD. Để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư đồ án quy hoạch xây dựng, thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế kỹ thuật công trình cá nhân phải đạt trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp... và đã tham gia thiết kế ít nhất 5 công trình hoặc 5 đồ án quy hoạch, tuỳ thuộc vào nội dung xin đăng ký hành nghề của cá nhân.

Có ý kiến cho rằng quy định như vậy là quá đơn giản, không rõ quy mô công trình đến đâu, có thể chỉ là 5 công trình rất nhỏ và đơn giản vẫn được cấp chững chỉ hành nghề. Thực tế chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chỉ có thể coi là giấy xác nhận đã qua thời gian tập sự để tự tin bước vào nghề. Pháp luật chỉ quy định những người làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế mới bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề; những người không đảm nhiệm chức danh này không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Để được đảm nhận chức danh chủ nhiệm, chủ trì một lĩnh vực chuyên môn nào đó, ngoài yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, cá nhân đó còn phải đáp ứng các điều kiện khác về kinh nghiệm hoạt động đối với công việc mình đảm nhận.

Chứng chỉ hành nghề chỉ là một điều kiện cần để được chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, ví dụ để được làm chủ nhiệm thiết kế công trình xây dựng hạng I cá nhân còn phải đáp ứng điều kiện là đã từng chủ nhiệm thiết kế ít nhất 1 công trình cấp đặc biệt hoặc cấp I hoặc 2 công trình cấp II cùng loại hoặc đã làm chủ trì thiết kế một lĩnh vực chuyên môn chính của 3 công trình cấp đặc biệt hoặc cấp I cùng loại. Như vậy, không phải có chứng chỉ hành nghề là đương nhiên được làm chủ nhiệm thiết kế. Chủ nhiệm, chủ trì thiết kế là chức danh của một đồ án cụ thể; chức danh này do người đứng đầu tổ chức tư vấn bổ nhiệm căn cứ vào các điều kiện do Nhà nước quy định. Việc kiểm tra năng lực của những người chủ nhiệm, chủ trì thông qua thẩm định thiết kế; đồ án thiết kế không được chấp thuận khi điều kiện năng lực của những người chủ nhiệm, chủ trì thiết kế không đáp ứng theo quy định. Những cá nhân chủ nhiệm, chủ trì thiết kế phải chịu trách nhiệm về sản phẩm thiết kế của mình.

Đối với tổ chức tư vấn chỉ quy định các tiêu chí, phân hạng để trên cơ sở đó tổ chức tự xác định thứ hạng của mình, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ kiểm tra và đặc biệt là đối với các trường hợp khi kiểm tra và đặc biệt là đối với các trường hợp khi lựa chọn nhà thầu chủ đầu tư sẽ có cơ sở để đánh giá việc kê khai năng lực của tổ chức dự thầu có dúng với các quy định hay không? Cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cấp bất cứ loại chứng chỉ nào đối với tổ chức hoạt động xây dựng.

Đến nay cả nước đã có gần 35.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong các lĩnh vực thiết kế kiến trúc, thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát, trong đó có nhiều người đã được giao làm chủ nhiệm đồ án quy hoạch; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế kiến trúc, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng. Nhiều kiến trúc sư, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm, được các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả những nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến để hợp đồng thực hiện thiết kế công trình, tư vấn giám sát. Tuy nhiên, trong số những cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng vẫn còn nhiều người năng lực thiết kế cũng như kinh nghiệm quản lý chưa theo kịp với xu thế phát triển, nên mặc dù đã được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng cũng chưa được giao làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế một đồ án, công trình nào.

Hiện nay nước ta đã tham gia hội nhập khu vực ASEAN, WTO. Theo nguyên tắc của lộ trình hội nhập là cắt bỏ các rào cản và không có phân biệt đối xử. Do đó việc quy định các tiêu chuẩn và điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là cơ sở để các kỹ sư của ta có thể đáp ứng điều kiện đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Qua nhiều năm đàm phán, ngày 9/12/2005 các nước ASEAN đã đi đến thống nhất ký kết Hiệp định Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN. Việc ký kết Thoả thuận này là một khung khổ pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy việc di chuyển của các chuyên gia cung cấp các dịch vụ kỹ thuật; đồng thời có điều kiện trao đổi thông tin nhằm thúc đẩy việc chấp nhận các thông lệ tốt nhất về tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn giữa các nước ASEAN.

Sau khi Hiệp định được ký kết, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9/2008 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 1128/BXD-QĐ thành lập Uỷ ban Giám sát để thực hiện Thoả thuận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN. Uỷ ban Giám sát đã xây dựng Quy chế đánh giá đối với kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN trình Uỷ ban điều phối dịch vụ ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 9/2/2009.

Bản Quy chế đánh giá quy định rõ: Một kỹ sư chuyên nghiệp hoặc một người hành nghề mang quốc tịch của một nước thành viên ASEAN có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tuân thủ các yêu cầu của Quy chế đánh giá có thể nộp hồ sơ xin được đặng bạ trong Đăng bạ Kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (sau đây gọi tắt là ACPER) và được trao danh hiệu Kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (sau đây gọi tắt là ACPE). Cơ quan quản lý hành nghề của mỗi nước ASEAN đó chính thức tham gia MRA (sau đây gọi tắt là PRA) sẽ trao quyền cho một uỷ ban Giám sát (sau đây gọi tắt là MC) của nước mình để tiếp nhận, xem xét các hồ sơ của các kỹ sư chuyên nghiệp hoặc người hành nghề xin đăng bạ là ACPE và duy trì một Đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPER).

Một kỹ sư chuyên nghiệp hoặc người hành nghề đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm thực tế và các điều kiện sau đây sẽ được đăng bạ ACPER:

- Hoàn thành một chương trình đào tạo kỹ thuật được công nhận hoặc thừa nhận;

- Được đánh giá là có đủ tư cách hành nghề độc lập và có đăng bạ hoặc chứng chỉ hành nghề để hành nghề kỹ thuật hiện hành và đang cùng giá trị;

- Có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm thực tế kể từ khi tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định;

- Có ít nhất 2 năm giữ trọng trách trong các công việc kỹ thuật quan trọng;

- Tuân thủ chính sách phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ phù hợp;

- Tuân thủ các quy tắc đạo đức và quy tắc ứng xử nghề nghiệp.

Về quy định cũ kinh nghiệm thực tế tối thiểu 7 năm:

Một kỹ sư chuyên nghiệp hoặc một người hành nghề chỉ được đăng bạ là ACPER nếu cá nhân đó có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm làm việc thực tế phù hợp, kể từ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo kỹ thuật được công nhận hoặc thừa nhận. Việc đánh giá kinh nghiệm làm việc thực tế sẽ được thực hiện thông qua các bước sau:

- Người xin đăng bạ trình một bản báo cáo miêu tả loại, tầm quan trọng và mức độ chịu trách nhiệm đối với các việc kỹ thuật đó thực hiện trong thời gian tối thiểu 7 năm kể từ khi tốt nghiệp. Bản báo cáo phải chứng tỏ được là người xin đăng bạ đó tham gia hành nghề chuyên nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp; các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và dự báo phân tích kỹ thụât của cá nhân đó có ảnh hưởng quan trọng đến việc điều hành về kỹ thuật trong các dự án hoặc chương trình kỹ thuật; và

- VNMC thực hiện phỏng vấn để xem xét các kinh nghiệm làm việc thực tế mà cá nhân đó khai để đánh giá sự phù hợp và mức độ đáp ứng đầy đủ điều kiện để được đăng bạ. Cuộc phỏng vấn nghề nghiệp phải do một hội đồng gồm ít nhất 2 kỹ sư chuyên nghiệp lâu năm thực hiện. Trong quá trình phỏng vấn người xin đăng bạ phải chuẩn bị trả lời các câu hỏi liên quan đến các kiến thức về quy trình và việc quản lý kỹ thuật, hiểu biết về các công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, sản xuất, chế tạo, vận hành, bảo dưỡng và nghiên cứu phù hợp với lĩnh vực kinh nghiệm công tác của cá nhân xin đăng bạ và các quy tắc quy định do Bộ Xây dựng ban hành. Các kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật bao gồm việc thiết kế, giám sát thi công, hội thảo và các kinh nghiệm kỹ thuật khác như các nhân tố về kỹ thuật, kinh tế và quản trị có ảnh hưởng đến các công việc kỹ thuật.

Về quy định có ít nhất 2 năm giữ trọng trách trong các công việc kỹ thuật quan trọng:

Một kỹ sư chuyên nghiệp hoặc một người hành nghề phải có ít nhất 2 năm giữ trọng trách trong các công việc kỹ thuật quan trọng và gia đoạn  này có thể nằm trong quá trình kinh nghiệm làm việc thực tế kể từ khi tốt nghiệp. Việc đánh giá sẽ được thực hiện dựa trên bản báo cáo mà người kỹ sư chuyên nghiệp hoặc người hành nghề đó tranh luận VNMC. Trọng trách trong các công việc kỹ thuật quan trọng sẽ được đánh giá là tương đương với một trong các trường hợp sau:

 - Lập quy hoạch, thiết kế và thực hiện một dự án kỹ thuật hoàn chỉnh;

 - Thực hiên một phần chủ yếu của dự án kỹ thuật trong đó hiểu rõ ý tưởng của toàn bộ dự án;

 - Thực hiện một dự án đòi hỏi trách nhiệm có liên quan đến nhiều bộ môn phức tạp hoặc mới lạ.

Về duy trì việc phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD):

Tất cả các ACPE đều phải tham gia phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ đạt được các tiêu chuẩn phổ biến theo quy định của VNMC. Mục đích chương trình CPD của VNMC là yêu cầu phải học tập suốt thời gian hành nghề, theo đó đưa ra một quy định khung mà các kỹ sư chuyên nghiệp có thể duy trì và củng cố một cách có hệ thống năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Yêu cầu về CPD của VNMC phải đạt được là:

- Một bằng sáng chế kỹ thuật được đăng ký trong năm, hoặc:

- Tối thiểu 16 giờ tham gia các hoạt động sau: các bài giảng, các khoá học ngắn hạn, các hội nghị, hội thảo, hội nghị chuyên đề, các khoá học sau đại học, các khoá học nâng cao trình độ về kỹ thuật hoặc về quản lý xây dựng, quản lý dự án phù hợp; các khoá đào tạo nâng cao trình độ tại chỗ được công nhận phù hợp với các kỹ sư chuyên nghiệp về kỹ thuật, về quản lý, phát triển nghề nghiệp, các vấn đề về luật và quy định liên quan. 1 (một) giờ tham gia các hoạt động như tổ chức lần đầu các bài giảng, hội thảo chuyên đề, hội nghị hoặc các khoá đào tạo ngắn hạn (ngoại trừ các bài giảng thường kỳ của các giảng viên chuyên nghiệp) được tính tương đương với 4 (bốn) giờ tham gia các hoạt động nêu trên. Đối với các hoạt động như viết hoặc hiệu đính các bài báo, các bài thuyết trình được đăng tải trên các ấn phẩm có uy tín, các văn kiện của hội nghị, các tạp chí chuyên ngành hoặc sách: 1 ấn phẩm được tính tương đương với 4 giờ tham gia các hoạt động nêu trên.

Để được đăng bạ là kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN, cá nhân nộp hồ sơ theo mẫu quy định đến VNMC. VNMC sẽ thành lập các hội đồng đánh giá để xem xét và đánh giá hồ sơ xin đăng bạ. Những người xin đăng bạ sẽ được thông báo về quyết định của VNMC bằng văn bản. Người xin đăng bạ được chấp thuận sẽ được cấp một Chứng chỉ đăng bạ. Thời hạn đăng bạ là 1 năm kể từ ngày đăng bạ. Việc gia hạn đăng bạ phải được thực hiện hàng năm, kể từ thời điểm được cấp chứng chỉ đăng bạ lần đầu.

VNMC được Bộ Xây dựng thành lập, là một cơ quan có đủ năng lực và thẩm quyền. VNMC thực hiện công việc để đảm bảo rằng tất cả các ACPE trong ACPER của mình tuân thủ đầy đủ các yêu cầu được quy định trong MRA; cung cấp các bằng chứng chứng minh rằng họ có tuân thủ việc phát triển nghề nghiệp liên tục (sau đây gọi tắt là CPD) ở mức độ như đó được quy định trong Quy chế đánh giá này khi nộp hồ sơ xin gia hạn đăng bạ của họ. Đồng thời VNMC sẽ theo dõi và định giá việc hành nghề chuyên nghiệp của các RFPE để đảm bảo việc tuân thủ với MRA.

Một lần nữa cần khẳng định lại những quy định của Pháp luật xây dựng về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng là hoàn toàn phù hợp với thực tế và xu thế hội nhập, chỉ có thế mới phát triển được nguồn nhân lực, phát huy vai trò của những người hành nghề chuyên môn trong khuôn khổ pháp luật. Cơ chế, chính sách có đồng bộ, có quy định chặt chẽ đến mấy nhưng những con người thực thi nó có thực hiện nghiêm túc hay không? Có đưa nó vào cuộc sống hay không? còn là một vấn đề nan giải, không dễ gì ngày một ngày hai có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra của pháp luật.

Tuy nhiên, việc đưa ra nhưng quy định này phần nào sẽ đáp ứng được yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường; đáp ứng nhu cầu hội nhập của khu vực và thế giới; bảo vệ và động viên kiến trúc sư/kỹ sư không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm theo các tiêu chuẩn quy định để có thể làm chủ được các công việc trong và ngoài nước nhằm từng bước củng cố và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư/kỹ sư chuyên nghiệp được khu vực và thế giới thừa nhận, đồng thời góp phần tạo nên sự cạnh tranh cao, lành mạnh trong thị trường xây dựng tạo ra động lực thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển. Việc quy định này còn là công cụ để quản lý, phân loại cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng công trình, vì sự phát triển ổn định và bền vững của xã hội; góp phần thực hiện những nội dung đề ra của Đại hội Đảng  toàn quốc lần thứ IX là: “Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu về xây dựng trong nước và có năng lực đấu thầu công trình xây dựng ở nước ngoài”.

 

Nguồn: SÀI GÒN ĐẦU TƯ & XÂY DỰNG, số 5/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)