Đề xuất mô hình phát triển làng, xã của Thủ đô

Thứ năm, 22/07/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nội mở rộng ôm trong mình rất nhiều làng xóm, đặc biệt là trong khu vực không gian xanh của Thủ đô. Để đảm bảo sự phát triển đô thị bền vững theo như định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang được trưng cầu ý kiến, các làng, xã này rất cần được nghiên cứu để có một mô hình phát triển phù hợp.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về “Điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội”, Thủ đô Hà Nội  mới rộng gấp 3,6 lần diện tích cũ bao gồm thành phố Hà Nội hiện tại, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình). Tổng diện tích của  Thủ đô mới là 3.348,52 km2, dân số Hà Nội 6.350.000 nhân khẩu. Theo số liệu năm 2008 của Cục thống kê, diện tích đất ngoại thành thành 3007,26 km2 (chiếm 90% đất thành phố), dân số  ngoại thành 3.766.700 người (chiếm 60% dân số thành phố). Hà Nội có 18 huyện, bao gồm 395 xã, 22 thị trấn, trong đó có 18 thị trấn huyện lỵ.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội do tư vấn PPJ đã xác định: khoảng 30% đất đai dành cho phát triển các đô thị (khu vực nội thành của các đô thị) và khoảng 70% đất đai là khu vực nông thôn ngoại thành, bao gồm các làng, xóm, khu vực sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch. Các làng, xã hiện được phân bố tại 3 vùng:

- Vùng nông thôn ngoại thành.

- Vùng ven đô, ở xung quanh đô thị hạt nhân và xung quanh các đô thị vệ tinh.

- Nằm trong nội thị, do mở rộng địa giới hành chính của các quận, thị xã, làng, xã trở thành phường, nhưng bản chất vẫn là làng, xã trong quá trình chuyển đổi.

Xét về tính chất các hoạt động kinh tế thì các làng, xã của Hà Nội có thể được phân thành hai loại:

- Làng, xã lấy sản xuất nông nghiệp là chính. Trong các làng xã này có sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhưng cơ cấu lao động vẫn chủ yếu là lao động nông nghiệp. Trên thực tế các làng, xã của Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng có rất ít xã thuần nông mà chủ yếu là làng, xã hỗn hợp, lấy sản xuất nông nghiệp là chính.

- Làng, xã lấy sản xuất phi nông nghiệp là chính. Trong các làng, xã này sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại là chính, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ sản xuất nông nghiệp.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm bảo vệ môi trường và Quy hoạch phát triển bền vững, được triển khai tại 5 huyện của Hà Nội vào tháng 7 và tháng 8 năm 2009, là các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Chương Mỹ và Gia Lâm. Trong tổng số 126 xã của 5 huyện trên đã có 53 xã lấy sản xuất phi nông nghiệp là chính, chiếm 42% tổng số xã và 73 xã lấy sản xuất nông nghiệp là chính, chiếm 58% tổng số xã.

Dù là làng xã phân bố ở vùng nào của thành phố cũng đều cần khai thác không gian một cách hợp lý theo nguyên tắc phát triển bền vững, tận dụng những tiềm lực của bản thân làng xã và sự tác động tích cực của quá trình đô thị hoá và phát triển Thủ đô.

Giới thiệu các mô hình phát triển làng, xã của Hà Nội

Mô hình xây dựng và phát triển làng, xã trọng nông lấy nông nghiệp là chính

Dưới tác động của quá trình đô thị hoá của Thủ đô, của CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn. Ba không gian cơ bản của làng, xã, bao gồm: không gian hoạt động kinh tế, không gian ở của môi trường dân cư và không gian hoạt động cộng đồng, đã có những biến đổi tích cực sau:

- Không gian hoạt động kinh tế:  có những biến đổi cơ bản như tích tụ ruộng đất bằng cách dồn điền đổi thửa để tạo mặt bằng sản xuất lớn, áp dụng cơ giới vào sản xuất và hình thành trang tại tập trung. Phát triển trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản với không gian sản xuất lớn hơn, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, phát triển các ngành nghề mới như chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ bảo quản, đóng gói thành phẩm và các dịch vụ sản xuất.

- Không gian ở và môi trường dân cư:

+ Tại các làng có mật độ dân số thấp, các hộ có diện tích khuôn viên lớn hơn 500m2/hộ, còn giữ được mô hình VAC (vườn ao chuồng) hoặc RVAC (ruộng vườn ao chuồng) vừa có chức năng ở, vừa có chức năng sản xuất trồng rau xanh, nuôi cá, nuôi gia súc, gia cầm. Sự biến đổi khuôn viên ở không rõ nét.

+ Tại các làng xã có mật độ dân số cao, mỗi hộ có diện tích thổ cư nhỏ hơn 200m2/hộ thì chức năng của khuôn viên chủ yếu là để ở. Khu chăn nuôi công nghiệp, sản xuất tiểu thủ công phải đưa ra ngoài khu ở.

- Không gian hoạt động cộng đồng:

Trong thời kỳ đô thị hoá, CNH- HĐH, đời sống vật chất và đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao, các hoạt động truyền thống như hoạt động lễ hội của làng, ngày lễ tết truyền thống, hoạt động tâm linh tại các đình, chùa, đền miếu và nhà thờ; các công trình này cần được duy tu bảo tồn và hoàn thiện với hệ thống cổng, tường rào, sân, vườn tốt.

Xây dựng mô hình

+ Mô hình 1: làng xã trọng nông trở thành làng xã phát triển nông nghiệp đa dạng kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Loại hình này không phổ biến nhưng mang tính đặc thù gồm các làng, xã cổ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có di tích lịch sử văn hoá lâu đời, có khí hậu trong lành, kết hợp trồng rau xanh, cây cảnh, hoa tươi, cây ăn trái vùng nhiệt đới, tạo thành các làng du lịch  sinh thái phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng cuối tuần.

+ Mô hình 2: làng xã trọng nông trở thành làng xã  nông nghiệp- sinh thái bền vững. Loại hình này chiếm phần lớn các làng xã Hà Nội. Trọng tâm là xây dựng mô hình các làng nông nghiệp- sinh thái, đẩy mạnh xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ cao và hiện đại vào vào khâu sản xuất: công nghệ nhà kính, nhà lưới, trồng rau thuỷ canh để sản xuất nông sản an toàn, thực phẩm sạch. Tự động và bán tự động trong tưới tiêu. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm với những thiết bị tiên tiến, gắn với hệ thống xử lý môi trường sạch.

Mô hình  xây dựng và phát triển làng nghề lấy phi nông nghiệp là chính

Định hướng cơ cấu không gian làng nghề: không gian sản xuất tiểu thủ công nghiệp và không gian ở, tuỳ tính chất làng nghề độc hại và ít độc hại, ta có thể chọn 2 giải pháp cơ bản cho làng nghề độc hại và ít độc hại như sau:

+ Với làng nghề không gây ô nhiễm độc hại như làng nghề làm nón, mây tre đan lát… có thể bố trí không gian sản xuất cùng khuôn viên gia đình.

+ Với các làng nghề ô nhiễm độc hại như dệt, nhuộm, cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, xưởng mộc, gia công cơ khí sửa chữa, vật liệu xây dựng…thường gây ô nhiễm nước thải, rác thải, bụi khói thì cần tách riêng những cơ sở này ra khỏi khu ở dân cư.

Mô hình  xây dựng và phát triển làng nghề Hà Nội

Căn cứ vào nhu cầu thực tế xây dựng và phát triển, đề xuất 3 loại mô hình sau:

+ Mô hình sản xuất hộ làng nghề không gây ô nhiễm độc hại: là đơn vị sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ nhất trong các làng nghề, loại này phổ biến trong các làng nghề hiện nay. Nội dung yêu cầu bố trí nhà sản xuất thủ công riêng, nhà để ở riêng trong cùng khuôn viên. Loại hình này phù hợp với các ngành nghề thủ công nhẹ nhàng, sạch sẽ như làm nón, mây tre đan lát, may mặc, sản xuất đồ mỹ nghệ, kim hoàn

+ Mô hình điểm công nghiệp làng nghề cho làng nghề ô nhiễm độc hại: là loại hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô nhỏ được xây dựng độc lập tách ra khỏi khu dân cư làng nghề. Quy mô điểm công nghiệp làng nghề: 4ha đến 5ha.

+ Mô hình cụm công nghiệp làng nghề : là loại hình công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa được xây dựng riêng tách khỏi dân cư làng nghề. Quy mô cụm công nghiệp làng nghề loại 1: 8ha đến 10ha.

Mô hình xây dựng và phát triển  làng, xã ven đô, nơi có tốc độ đô thị hoá cao.

Đề xuất mô hình phát triển

Quan điểm phát triển: làng, xã truyền thống có tốc độ đô thị hoá cao sẽ phát triển theo hướng vẫn giữ những nét đặc trưng của làng, xã đồng bằng sông Hồng nhưng là làng, xã mở về giao thông để liên hệ thuận tiện từ khu ở, sản xuất đến lưu thông hàng hoá. Đó là làng, xã hiện đại- làng đô thị; làng đô thị sinh thái hay làng nông nghiệp đô thị. Các làng, xã này cần được phát triển theo các dự án cải tạo và phát triển khu dân cư theo quy hoạch, để từ làng xã truyền thống đang đô thị hoá tự phát thành làng xã đô thị hoá theo quy hoạch, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tới năm 2020 và không bị lạc hậu khi nước ta công nghiệp hoá- hiện đại hoá ngang bằng với các nước phát triển hiện nay. Việc đưa ra các mô hình phát triển làng ven đô có tốc độ đô thị hoá cao, cần dựa trên cơ cấu phát triển kinh tế của xã đó. Có ba khả năng sau đây:

+ Làng, xã không còn ruộng đất do quỹ đất nông nghiệp được chuyển đổi hết sang xây dựng các khu công nghiệp hay khu đô thị mới (làng, xã kề liền nội thành). Cơ cấu kinh tế là công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ.

+  Làng, xã còn ít đất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế:  tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp.

+ Làng, xã còn nhiều quỹ đất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế: tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và thương mại - dịch vụ.

- Mô hình làng xã không còn đất sản xuất nông nghiệp: đây là các làng, xã ven đô, giáp ranh nội thành mà ruộng đất đã được chuyển đổi hết sang thành đất xây dựng các công trình hạ tầng (cầu, đường), khu công nghiệp hay khu đô thị mới. Người lao động phải chuyển đổi ngành nghề, thành người làm công ăn lương trong các khu công nghiệp, làm thương mại- dịch vụ, hộ có đất thổ cư rộng rãi thì xây nhà cho thuê, hộ mặt đường thì mở cửa hàng dịch vụ…Có nhiều hộ khá giả vẫn giữ được khuôn viên rộng rãi, có chút sân vườn.

- Mô hình làng, xã còn ít đất nông nghiệp: loại làng, xã này có cơ cấu kinh tế tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ so với tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tiến tới đất nông nghiệp sẽ còn manh mún, phân tán trong nhiều hộ mà được quy tụ lại một số hộ có khả năng đầu tư, nắm bắt nhu cầu phục vụ đô thị. Làng, xã cần được chỉnh trang xây dựng theo mô hình làng sinh thái đô thị.

- Mô hình làng xã còn nhiều quỹ đất nông nghiệp: đây là các làng, xã  chịu ảnh hưởng của phát triển đô thị cũng đã phát triển kinh tế phi nông nghiệp, nhưng tỷ trọng nông nghiệp còn khá cao, cơ cấu kinh tế: tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và thương mại- dịch vụ. Do có thế mạnh về đất đai và nhiều hộ vẫn sống được bằng nghề nông. Nhưng tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp trong các làng xã này sẽ tăng dần. Tỷ trọng kinh tế từ nông nghiệp sẽ giảm, nhưng không có nghĩa nguồn thu từ nông nghiệp giảm, nhờ phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thân thiện với môi trường. Làng xã này sẽ được phát triển theo mô hình làng sinh thái hay làng nông nghiệp đô thị.

 

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, số 45/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)