Sự cần thiết phải đào tạo cán bộ lập và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 08/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đặc trưng của các điểm dân cư nông thôn khác với các điểm dân cư đô thị là mối quan hệ cộng đồng được hình thành tự nhiên do nhu cầu họ phải gắn kết với nhau trong cuộc mưu sinh tự cung tự cấp. Các hoạt động hầu như khép kín trong mỗi cộng đồng nên họ cần góp sức với nhau để giải quyết những việc lớn, cùng nhau chia sẻ khó khăn vượt qua thiên tai địch hoạ cũng như chia sẻ vui mừng khi một thành viên trong cộng đồng có tin vui. Việc xây dựng nhà ở cũng như công trình công cộng đều có cân nhắc cho phù hợp với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi và an bình của từng cá thể và của cả cộng đồng. Mặt khác mỗi cộng đồng dân cư của vùng, miền lại có thói quen, tập quán khác nhau nên việc tổ chức xây dựng cũng có những thay đổi cho phù hợp và phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng. Những ý tưởng được hoạch định trước đó được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng.

Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức xây dựng các công trình tạo lập không gian và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong khu quy hoạch và lân cận thuận lợi cho các hoạt động, có cảnh quan đẹp và an bình kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn (QHXDĐDCNT) được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm các sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.

1. Quá trình phát triển các điểm dân cư nông thôn nước ta

Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), với khẩu hiệu “người cày có ruộng” chúng ta đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh để bước sang giai đoạn quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, hầu hết các làng quê đã thực hiện cải tạo đồng ruộng “bóc ruộng cao, rào ruộng trũng” dồn điền tạo thửa. Cơ cấu đồng ruộng đã thay đổi hẳn: các bờ ruộng cũ chằng chịt như mạng nhện đã được thay bằng hệ thống bờ vùng, bờ thửa vuông vắn rất thuận tiện cho vận chuyển bằng xe thô sơ và xây dựng mạng lưới kênh mương nội đồng.

Cấu trúc làng truyền thống: khép kín, hướng nội phù hợp với lối sống giản đơn, tự cung tự cấp cùng giúp nhau trong cuộc mưu sinh và phòng chống rủi ro đã tồn tại hàng ngàn năm đến giai đoạn này đã thay đổi. Các thành luỹ quanh làng đã được san phẳng, mạng lưới đường làng ngõ xóm được cải tạo, mở rộng xoá bỏ dần các ngõ cụt tạo thuận lợi cho giao thông và xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Cấu trúc làng thay đổi theo hướng mở, ngoài quan hệ với đồng ruộng điểm dân cư còn quan hệ với thị trường. Đây là giai đoạn khởi đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở nước ta.

Từ đó tới nay chúng ta tiếp tục xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trong khuôn khổ các dự án đầu tư của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân dưới sự thống nhất kế hoạch phát triển chung do Nhà nước chỉ đạo. Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nước ta là loại hình tổng hợp có liên quan đến nhiều loại hình quy hoạch phát triển khác trên cùng một địa bàn như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, du lịch, thương mại, văn hoá thể thao,... Do thiếu quy hoạch đồng bộ, các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn sau khi thực hiện đã vô tình phá huỷ, vô hiệu hoá hoặc lãng quên những công trình hoặc cảnh quan có giá trị là di sản lịch sử, văn hoá, kiến trúc và tín ngưỡng.

Cũng do không gian nghiên cứu (hoặc đơn vị không có năng lực) lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư nước ta trước khi xây dựng, một số trung tâm xã, cụm xã hoặc khu tái định cư đã không phát huy được hiệu quả (có thể kể ra rất rất nhiều ví dụ thực tế ở nước ta).

Nhằm cung cấp thêm kỹ năng tổ chức thực hiện lập Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nước ta, trong chuyên đề này chúng ta sẽ có cơ hội trao đổi, làm thử và cùng thông nhất một số nhận thức, nội dung kể cả kỹ năng lập đồ án Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nước ta.

2. Vai trò của quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn những năm qua

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã có nhiều nghị quyết quan trọng về vấn đề này:

+ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành TW Đảng khoá VII đã chỉ rõ: “Cần tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế xã hội nông thôn” với nội dung “Nghiên cứu giải quyết các vấn đề quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đổi mới, bố trí lại các điểm dân cư, kết cấu hạ tầng, kiến trúc nông thôn, tổ chức lại cuộc sống, bảo vệ và cải thiện môi trường sống dân cư nông thôn”.

+ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (4/2001) đã quyết định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta hai thập niên đầu của thế kỷ XXI; đó là “Chiến lược đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Theo đó, để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội IX, Hội nghị Trung ương lần thứ V (khoá IX tháng 2/2002) đã ra Nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001–2010” với nội dung cơ bản là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng và sản phẩm nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng thời với việc triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Đây là một chương trình đang được tiến hành xây dựng và sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước từ nay cho đến năm 2020 và hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình là xây dựng nông thôn mới kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn không ngừng được nâng cao; Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; Dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Như vậy, nghị quyết của Đảng đã xác định rõ ràng quy hoạch xây dựng và phát triển nông thôn là nội dung, nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Việc triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành nhiều lĩnh vực khác nhau cần có sự kế thừa để tổng hợp các vấn đề có liên quan nhằm xây dựng những định hướng/giải pháp quy hoạch phù hợp.

Thời kỳ phong kiến thực dân, sản xuất nông nghiệp trì trệ, đời sống nông thôn nghèo nàn khó khăn, hạ tầng nông thôn đơn sơ, lạc hậu, giao thông chủ yếu là đường đất hẹp, đi lại khó khăn, nông thôn không có điện, không có nước sạch sinh hoạt,...dân trí thấp kém. Bước sang thời kỳ đổi mới theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của toàn dân, sản xuất nông nghiệp nước ta đã phát triển nhanh chóng, từ chỗ nghèo nàn lạc hậu, đến nay đời sống nông thôn khá giả, bộ mặt nông thôn đã thay đổi cơ bản, tiến bộ nhiều so với trước, đường sá đã khang trang rộng rãi, nhiều loại phương tiện xe cộ hoạt động hàng ngày, nông thôn đã có điện, có nước dùng, dân trí cao, đời sống đã văn minh hơn.

Bước sang những năm “đổi mới”, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và cơ bản trong nông nghiệp, nông thôn, được thực tế cuộc sống khẳng định và thế giới công nhận. Chúng ta đã bước sang giai đoạn phát triển cao hơn nhưng cũng đầy gian nan, thách thức, trong đó vấn đề cốt yếu nhất là phải xây dựng và phát triển được một hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn tương ứng và phù hợp với yêu cầu của việc phát triển kinh tế xã hội, không để cho tình trạng lạc hậu của cơ sở hạ tầng ảnh hưởng, cản trở, níu kéo tiến bộ của phát triển kỹ thuật cũng như xã hội.

3. Triển vọng cần thực hiện

Để thực hiện thành công “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, vấn đề nhận thức và trình độ của cán bộ trực tiếp thực hiện là nhân tố quyết định. Do vậy, Chính phủ xác định cần phải ưu tiên cho công tác đào tạo cán bộ ngay từ năm 2009 để có đủ lực lượng triển khai khi chương trình được phê duyệt. Hiện tại đã có một số cơ sở và trung tâm tổ chức các lớp và chuyên đề về phát triển nông thôn. Song chưa đáp ứng được yêu cầu mới, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành “Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới”; Mặt khác, nội dung đào tạo hiện nay chưa cập nhật được đầy đủ những vấn đề rút ra từ các mô hình đã và đang triển khai.

Chất lượng và tiến độ xây dựng nông thôn theo phương pháp tiếp cận mới phụ thuộc vào trình độ tự giác hưởng ứng của người dân, trình độ hiểu biết và tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng nông dân là yêu cầu cấp thiết không chỉ trước mắt mà còn là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Cần xây dựng bộ tài liệu về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ chính quyền cơ sở và mở các lớp tập huấn cho họ là yêu cầu cấp bách để thực hiện các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn từ nay đến 2015 và 2020.

 

  Nguồn: TC Xây dựng & Đô thị, số 11/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)