Những giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng

Thứ năm, 03/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phan Phùng Sanh-Hội KHKT xây dựng TPHCMTheo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2009 cả nước xảy ra 6.250 tai nạn lao động, làm 6.421 người bị nạn, trong đó 550 người chết, 1.221 người bị thương nặng, thiệt hại hơn 40 tỷ đồng và gần 600 nghìn ngày nghỉ, cùng với nhiều bệnh nghề nghiệp như: bụi phổi, điếc do tiếng ồn, lao phổi nhiễm chì… Cần có giải pháp ngăn ngừa, nếu không sẽ làm mất 4% GDP/năm (cảnh báo của Tổ chức Lao động thế giới) 

Trên phạm vi cả nước, hằng năm có chừng 6.000 dự án lớn, nhỏ… được triển khai xây dựng. Trong đó, trên 90% công trình đạt chất lượng từ khá trở lên, nhiều công trình cao tầng, cầu, đường, sân bay, cảng biển… đạt chất lượng cao, được bạn bè nước ngoài khen ngợi. Song vẫn còn để xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại cả người và của, cần phải được ngăn ngừa bằng những giải pháp cứng rắn.

Ngày 18/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010” với tổng kinh phí cho chương trình là 467 tỷ đồng, với yêu cầu giảm 5% tai nạn lao động/năm, giảm 10% bệnh nghề nghiệp/năm. “Bảo bối” đã có, để xảy ra sơ sót là do các cấp chưa quán triệt!

Ngày nay, các phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động rất đầy đủ. Trong xây dựng, giàn giáo lắp ghép bằng kim loại vừa nhanh, vừa chắc, tất nhiên còn thời hạn sử dụng; lưới che chắn nhẹ nhàng; thắt dây an toàn vừa nhẹ vừa bền; giày, mũ, quần áo bảo hộ lao động không thiếu và cũng khá gọn gàng; máy móc thi công hiện đại… tài liệu hướng dẫn cụ thể, thầy dạy về bảo hộ lao động dễ mời!

Điều kiện đảm bảo an toàn lao động có thể nói là khá đầy đủ, vậy mà tai nạn lao động không giảm lại có xu hướng ngày càng tăng (7,5%/năm theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Điều này chứng tỏ các cơ quan sử dụng lao động chưa làm tròn trách nhiệm, có đến 65 – 70% lỗi thuộc về người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

 

 
Qua các vụ tai nạn lao động, các cơ quan thanh tra an toàn đã rút ra các nguyên nhân chính như:

- Các doanh nghiệp xây dựng vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn an toàn lao động trong quá trình thi công.

- Hướng dẫn, huấn luyện về an toàn lao động của các doanh nghiệp sơ sài, hình thức, lấy lệ…

- Nơi xảy ra tai nạn lao động chính là những nơi thiếu biện pháp an toàn lao động trong quá trình thi công, hoặc là biện pháp sơ sài, chắp vá, hình thức…

- Trang bị bảo hộ cá nhân người lao động không đầy đủ do các “cai thầu cắt xén”, nhất là đối với người lao động thời vụ, công nhật.

- Trình độ người lao động xây dựng thấp. Khá đông là người lao động nông nhàn, kiếm thu nhập lúc rảnh rỗi, nên họ rất chủ quan, ít chú ý đến an toàn lao động cho bản thân.

- Không có hồ sơ quản lý sức khỏe, không được khám sức khỏe định kỳ, không phát hiện được những người có bệnh lý sợ độ cao, dễ bị choáng ngợp, xây xẩm khi ở trên cao, với những người có bệnh lý này không bao giờ để họ làm việc trên cao!

- Cán bộ giám sát an toàn lao động thiếu, hoặc không đủ trình độ.

- Tình trạng khá phổ biến mang dưới danh nghĩa là “nhà thầu phụ” song thực chất là “bán thầu” hoặc “cho mướn pháp nhân”… khoán trắng cho các thầu tư nhân, dẫn đến 60 – 70% tai nạn lao động là ở dạng thầu này, cho nên cần có giải pháp để quản lý loại thầu này.

Xây dựng là một nghề có nhiều yếu tố rủi ro, mức độ nguy hiểm tăng theo chiều sâu của tầng hầm và chiều cao của tòa nhà, trên một công trường có nhiều đơn vị cùng tham gia thi công, thời tiết bất thường cũng có thể ảnh hưởng đến sự cố công trình và tai nạn lao động. Cảnh giác, đề phòng, ngăn ngừa… tai nạn lao động trong xây dựng không bao giờ thừa đối với những công trình cao tầng.

 

 

 

Nghiêm túc thực hiện những giải pháp sau đây có thể hạn chế tối đa tai nạn lao động:

- Tuỳ quy mô và mức độ phức tạp của công trình, chủ đầu tư xem xét, chọn lọc kỹ nhà thầu xây dựng cũng như chọn đơn vị tư vấn giám sát thi công có kinh nghiệm và trình độ, với sự tư vấn của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, hoặc các Hội nghề nghiệp trước khi ký hợp đồng, thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu.

- Nhà thầu thi công và người trực tiếp chỉ huy công trường phải chịu kỷ luật trước tiên khi để xảy ra tai nạn lao động, có nghĩa là “mũi dại, lái chịu đòn”.

- Mọi người lao động đều phải có “hợp đồng lao động ngắn hoặc dài ngày” và phải qua “các lớp học về an toàn lao động” được cấp chứng chỉ có thời hạn. Nếu bỏ qua công đoạn này, khi có tai nạn lao động xảy ra, người chỉ huy trực tiếp phải “bỏ tiền túi” ra để bồi thường cho người bị tai nạn, cùng với các hình thức kỷ luật khác.

- Phải có giám sát an toàn lao động, thường xuyên có mặt tại công trường, có quyền đình chỉ thi công khi thấy không an toàn, được trả lương thỏa đáng, song phải chịu trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai nạn do thiếu trách nhiệm.

- Kinh phí chi cho “giám sát an toàn lao động” được tính vào giá thành công trình. Nếu chưa có quy định của Nhà nước (Bộ Xây dựng) thì đề nghị được bổ sung, vì đây là khoản chi vô cùng cần thiết.

- Người tham gia giám sát an toàn lao động phải là người có kinh nghiệm trong thi công, nên sử dụng lại những người đã nghỉ hưu song còn sức khỏe, được đào tạo lại và kiểm tra an toàn lao động và được cấp chứng chỉ hành nghề do cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng hoặc Hội nghề nghiệp về xây dựng cấp.

- Các chỉ huy công trường, các đội trưởng xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề và am hiểu về công tác an toàn lao động trong thi công.

- Tư vấn giám sát thi công có thể kiêm nhiệm thêm giám sát an toàn lao động, được hưởng thêm quyền lợi, song phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

- Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có thể cùng với Hội nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cân nhắc, giới thiệu với các chủ đầu tư những đơn vị có năng lực phù hợp trong lĩnh vực làm tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, tư vấn cung ứng thiết bị, vật tư… và nhà thầu thi công. Trong mỗi lĩnh vực có thể giới thiệu từ 2 đến 3 đơn vị để chủ đầu tư lựa chọn.

- Tất cả các công trình cao tầng, nhiều người sử dụng đều phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy, lối thoát hiểm… được cơ quan chuyên ngành phê duyệt mới được thi công. Định kỳ tập huấn, thực tập cho mọi người đang sử dụng công trình đó.

- Định kỳ kiểm tra môi trường làm việc bằng cách đo nồng độ bụi, cường độ ánh sáng, các khí độc hại… từ đó mà trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân phù hợp, cũng như chế độ bồi dưỡng độc hại, chế độ nghỉ dưỡng…

- Định kỳ kiểm tra hệ thống thông gió, hệ thống điện chiếu sáng, điện sản xuất, thay thế các cầu dao cũ bằng cầu dao tự động ngắt mạch, từng bước ngầm hóa hệ thống điện, điện thoại, cáp viễn thông…

- Với nhà cao tầng, cần nghiên cứu cấp gaz từ trung tâm, chấm dứt vận chuyển gaz bằng thang máy, không sử dụng chất đốt bằng than tổ ong đối với nhà cao tầng.

Xây dựng nhà cao tầng, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không có gì phải sợ hãi, mà chỉ sợ mất cảnh giác.

 

Theo THXDVN.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)