Kinh nghiệm phát triển thị trường công nghệ của một số nước và gợi suy cho Việt Nam

Thứ năm, 11/02/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển thị trường công nghệ, vì vậy việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước là rất cần thiết. Bài viết giới thiệu một số kinh nghiệm trong phát triển thị trường công nghệ của Trung Quốc và CHLB Đức, từ đó rút ra bài học với Việt Nam.
Kinh nghiệm của Trung Quốc

Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển: Từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành chuyển đổi các viện nghiên cứu ứng dụng thành các doanh nghiệp KH&CN. Điều này đã có tác động tích cực trong việc gắn nghiên cứu với sản xuất, huy động nhiều nguồn kinh phí, đặc biệt là từ sản xuất để phát triển KH&CN. Hầu hết các viện đã xây dựng bộ phận thị trường và có các đơn vị phát triển công nghệ để giải quyết các yêu cầu của sản xuất; các nhà khoa học đã tìm đến các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu đổi mới công nghệ và xúc tiến hợp đồng.

Khuyến khích phát triển các tổ chức trung gian, môi giới chuyển giao công nghệ: Hệ thống này bao gồm các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, cá nhân… được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động, ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng.Các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực này bao gồm các trung tâm thông tin, tư vấn, đào tạo, môi giới chuyển giao công nghệ, các sàn giao dịch công nghệ, các trung tâm phát triển sức sản xuất… Các cơ quan này có những mô hình tổ chức với mức độ thâm nhập thị trường khác nhau, hoạt động theo phương thức sự nghiệp có thu, hạch toán một phần, được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Phần thu từ các dịch vụ được chi cho đầu tư phát triển, trả thêm lương cán bộ... Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 60.000 trung tâm thông tin, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ với khoảng trên 1,2 triệu cán bộ, thực hiện nhiệm vụ gắn kết giữa các tổ chức KH&CN với các doanh nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN: Thành lập Quỹ phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ hai nguồn vốn chính: Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước (Quỹ này chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp ở giai đoạn sản xuất thử nghiệm); khuyến khích thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm (chủ yếu của các nhà đầu tư nước ngoài) để đầu tư vào các dự án công nghệ có triển vọng; thành lập Quỹ phát triển sáng chế để đầu tư nghiên cứu hoàn thiện, đưa sáng chế vào áp dụng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN: Doanh nghiệp nào dành lợi nhuận trước thuế để mua công nghệ thì sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần kinh phí đó. Hàng năm, doanh nghiệp được trích 5% doanh thu (không tính thuế) để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Một số mô hình thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ:

- Trung tâm Dịch vụ KH&CN thuộc Hiệp hội thị trường công nghệ: Làm dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ, hoạt động theo nguyên tắc tự hạch toán. Các hoạt động chủ yếu của Trung tâm là xây dựng hệ thống thông tin về các viện nghiên cứu và phát triển, kết nối cung - cầu, lựa chọn công nghệ, ký kết hợp đồng dịch vụ về chuyển giao công nghệ, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, triển lãm công nghệ. Đây là mô hình một trung tâm nhỏ, giống như các trung tâm thông tin KH&CN, trung tâm dịch vụ tư vấn KH&CN ở Việt Nam

- Sàn giao dịch công nghệ Thượng Hải: Được Bộ KH&CN Trung Quốc và chính quyền thành phố Thượng Hải thành lập năm 1993. Đây là đơn vị công ích của Nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, theo mô hình tương tự như một đơn vị sự nghiệp có thu ở Việt Nam. Tôn chỉ hoạt động của Sàn là: Thúc đẩy trao đổi công nghệ cao và mới đủ các ngành nghề cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phương châm hoạt động là tìm vốn cho kỹ thuật, tìm kỹ thuật cho người có vốn, tìm thị trường cho sản phẩm và tìm sản phẩm cho thị trường. Các hoạt động chủ yếu của Sàn gồm: Tổ chức các triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo, dịch vụ nhân lực KHCN, tư vấn quản lý, tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin KH&CN, giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp. Hội viên của Sàn là các đơn vị có tư cách pháp nhân, phải đăng ký tham gia, nộp hội phí và phải có khả năng và nhu cầu về thông tin.

- Trung tâm Sức sản xuất Quảng Đông (thuộc Sở KH&CN tỉnh Quảng Đông, được thành lập năm 1994). Đây cũng là đơn vị công ích của Nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận nhằm cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trung tâm có nhiệm vụ thúc đẩy tiến bộ công nghệ và năng lực đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện sự phát triển của chúng. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ đa dạng và tổng thể trong các lĩnh vực thông tin công nghệ, nuôi dưỡng (ươm tạo) công nghệ cao, giao dịch sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tư vấn quản lý, công nghiệp công nghệ thông tin, trao đổi và hợp tác quốc tế… Trung tâm tập trung vào việc đưa kỹ thuật tiến bộ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng hệ thống đổi mới (sáng tạo) của tỉnh, phát triển công nghệ cao và mới, cải tạo các ngành nghề truyền thống. Hiện nay, ở Quảng Đông, thông tin công nghệ đã được phổ biến rộng rãi, các doanh nghiệp đã có mối liên hệ tương đối chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu và phát triển nên việc cung cấp thông tin đơn thuần không còn thích hợp nữa, vì thế tỉnh Quảng Đông chuyển sang hỗ trợ phát triển sức sản xuất - một khái niệm rộng, bao gồm cả ươm tạo công nghệ, đào tạo nhân lực, tư vấn quản lý, cung cấp công nghệ, nghiên cứu phát triển chiến lược phát triển của doanh nghiệp, tổ chức thông tin công nghệ.

Kinh nghiệm của CHLB Đức


Các tổ chức trung gian, môi giới: Thường được gọi bằng một tên chung là Trung tâm công nghệ, có chức năng hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ tiến hành nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hình thái tổ chức của các Trung tâm này khá đa dạng, gồm:Các trung tâm tư vấn (thực hiện các dịch vụ tư vấn, giúp đỡ trọn gói một công việc tư vấn chuyển giao công nghệ, giúp đỡ tìm kiếm thông tin và xử lý theo yêu cầu, môi giới các đối tác hợp tác và chuyển giao…); các trung tâm thông tin patent (chỉ dẫn về bảo vệ và hỗ trợ patent, giúp tìm kiếm patent, tổ chức, môi giới, làm việc với các nhà sáng chế, tổ chức các hội thảo, lớp học…); các trung tâm hỗ trợ khởi lập doanh nghiệp (tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi lập, duy trì các hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển, cung ứng cơ sở hạ tầng, tiến hành các dịch vụ chung, môi giới các dịch vụ và tiến hành các tư vấn…).

Trung tâm hỗ trợ khởi lập doanh nghiệp có nhiệm vụ tổ chức các liên kết giữa các đối tác cần thiết cho việc khởi lập doanh nghiệp như ngân hàng, cơ quan chính sách của Nhà nước, nhà khoa học… Trung tâm tạo điều kiện cho việc hình thành quan điểm, ý tưởng kinh doanh trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó tiếp tục phát triển ở thời gian ban đầu (3-5 năm).Từ 1983 đến nay, toàn nước Đức đã có 360 trung tâm hỗ trợ khởi lập doanh nghiệp được thành lập. Các trung tâm này đã ươm tạo thành công 16.000 doanh nghiệp, tạo ra được 150.000 chỗ làm việc, đã có 8.000 hãng rời khỏi các trung tâm thành công, thời gian lập nghiệp ở trung tâm bình quân là 4 năm. Về góp vốn xây dựng, trung tâm có nhiều nguồn khác nhau. Nhiều nhất là Nhà nước: 23%, chính quyền quận huyện: 13%, doanh nghiệp: 12%, Ngân hàng thương mại: 11%, Phòng Thương mại và công nghiệp: 9% và các thành phần khác trong xã hội… Tổng hợp lại thì đóng góp của Nhà nước chiếm 40-60% tổng chi phí của trung tâm, nhất là giai đoạn hình thành và trưởng thành rất cần vốn của Nhà nước, ở giai đoạn phát triển và củng cố thì các trung tâm có thể trang trải được chi phí của mình.

Bổ sung cho các hình thái tổ chức nêu trên là các cơ sở hỗ trợ đổi mới công nghệ và các trung tâm chuyển giao công nghệ đặc thù và liên ngành. Nhiệm vụ của các đơn vị này là giúp đỡ khởi sự và chuyển hóa các đổi mới của doanh nghiệp từ khi nảy sinh ý tưởng đến thâm nhập thị trường.

Đầu tư của Nhà nước cho các trung tâm công nghệ: Về hỗ trợ hạ tầng cơ sở cho các trung tâm: Nhà nước thực hiện dưới dạng một chương trình, trong đó các trung tâm được Nhà nước tài trợ tối đa 80% (Liên bang 50%, Bang 50%), số tuyệt đối không có giới hạn; về chi phí bộ máy và hoạt động của trung tâm: Nhà nước hỗ trợ dưới dạng một chương trình, trong đó các trung tâm được tài trợ tối đa 60% (Liên bang 75%, Bang 25%), số tuyệt đối không quá 200 ngàn euro/năm/Trung tâm.

Hỗ trợ và chuyển giao công nghệ trực tiếp: Triển khai dưới dạng các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho đổi mới doanh nghiệp. Ví dụ, Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ (Pro-Inno) bao gồm các chương trình con đặc trưng như: Nghiên cứu chung giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Nghiên cứu ủy thác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Hỗ trợ phát triển nhân lực KH&CN giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp ở Đông Đức, nơi có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Các Chương trình trên do Bộ Nghiên cứu và Đào tạo Liên bang (BMBF) tiến hành đến năm 1998 và Bộ Kinh tế Liên bang (BMW) tiếp tục thực hiện từ năm 1998 đến nay.

Bên cạnh đó còn có hoạt động của nhiều tổ chức trung gian, liên kết khác như: Trung tâm Đổi mới hỗ trợ công nghệ của Berlin (TSB); Hiệp hội các trung tâm hỗ trợ đổi mới công nghệ và khởi lập doanh nghiệp Đức (ADT); Hiệp hội nghiên cứu của các ngành công nghiệp Đức (AiF)… và các kỳ hội chợ được tổ chức thường xuyên.

Gợi suy đối với Việt Nam

Ở Việt Nam, số lượng tổ chức KH&CN đã tăng nhanh chóng và hiện có khoảng 1.200 tổ chức KH&CN, trong đó có khoảng 60% thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng không đi liền với sự gia tăng về mức độ tham gia thị trường công nghệ. Với những nỗ lực của Nhà nước, thị trường công nghệ đã bước đầu hình thành và phát triển, song vẫn có thể thấy rằng, doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào các giao dịch/mua bán máy móc mà chưa tham gia vào các giao dịch có hàm lượng công nghệ cao hơn như mua bán bản quyền sáng chế, hợp đồng nghiên cứu và triển khai… Trước thực tế đó, việc học hỏi các nước đi trước để tìm ra những chính sách hợp lý nhằm phát triển thị trường công nghệ trong nước theo cả chiều rộng và chiều sâu là rất cần thiết. Từ những kinh nghiệm của Đức và Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra một số bài học cụ thể sau:

- Việc thành lập Quỹ phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ phát triển sáng chế, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần kinh phí mua công nghệ, doanh nghiệp được trích 5% doanh thu (không tính thuế) để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là các cơ chế, chính sách cần học tập áp dụng cho việc kích cầu công nghệ của doanh nghiệp. Về cơ bản các cơ chế chính sách này cũng đang được bắt đầu triển khai ở Việt Nam, song điều cơ bản là là chúng ta cần phải duy trì thực hiện tốt và sớm áp dụng một cách rộng rãi.

- Mô hình Sàn giao dịch công nghệ Thượng Hải, Trung tâm Sức sản xuất Quảng Đông và 4 loại hình Trung tâm dịch vụ chuyển giao công nghệ của CHLB Đức với các chức năng, nhiệm vụ phong phú, thích hợp với đặc điểm của các vùng, miền, trình độ phát triển là mô hình khác nhau về hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ. Đó là các mô hình mà chúng ta cần nghiên cứu để vận dụng cho phù hợp.

- Vai trò của Nhà nước (Trung Quốc và CHLB Đức) trong việc hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở các tổ chức trung gian, môi giới cần được nghiên cứu, vận dụng cho việc phát triển hệ thống các tổ chức trung gian, môi giới chuyển giao công nghệ ở các tỉnh/thành phố.

- Các chương trình đổi mới của CHLB Đức (cũng đã áp dụng cho nhiều nước châu Âu) với việc sử dụng công cụ tài chính trợ giúp phát triển năng lực cũng như hỗ trợ đào tạo nhân lực nghiên cứu và phát triển của các đoanh nghiệp vừa và nhỏ cần được nghiên cứu vận dụng cho việc phát triển năng lực và nhân lực nghiên cứu - phát triển của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
 
Theo Tạp chí HĐKH tháng 12-2009
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)