Nhìn lại các khu kinh tế ở Việt Nam sau 15 năm triển khai

Thứ năm, 28/01/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khu kinh tế (KKT) ở Việt Nam là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi và bình đẳng bao gồm: các khu chức năng, các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và về cơ chế quản lý thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Chủ trương thành lập khu kinh tế mở đã được Bộ Chính trị quyết định từ năm 1998.

Tính đến tháng 4/2009, trên cả nước đã có 14 khu kinh tế được thành lập (Bảng 1). Đa số các khu kinh tế đều tập trung ở các tỉnh miền Trung (10 KKT), nhất là các tỉnh trung Trung bộ. Chỉ có hai khu kinh tế ở Bắc bộ: KKT Vân Đồn ở Quảng Ninh và KKT Đình Vũ - Cát Hải ở Hải Phòng. Khu vực Nam bộ cũng có hai khu kinh tế: KKT Phú Quốc - Nam An Thới ở Kiên Giang và KKT Định An ở Trà Vinh Theo quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ sẽ thành lập thêm khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau).

Những kết quả khả quan ban đầu

Thực tế đã chứng minh: các khu kinh tế (KKT) ở miền Trung đã mở ra những vận hội lớn, tạo động lực thúc đẩy cho kinh tế khu vực này phát triển, từng bước tạo sự cân bằng với khu vực phía Bắc và phía Nam.

Với ưu thế có cảng nước sâu, các KKT như Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Chân Mây, Vân Phong… đã và đang hấp dẫn của các nhà đầu tư với những dự án đầu tư công nghiệp nặng. Trong vòng 3 năm gần đây, KKT Chân Mây đã thu hút nhiều dự án lớn, trong đó có những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngay trong tháng 8 vừa qua, KKT này đã khởi công 2 dự án với tổng vốn gần 1 tỷ USD.

Với 3 dự án đăng ký Khu Kinh tế Mở Chu Lai đã thu hút được 50 dự án, với tổng vốn đầu tư 794 triệu USD. Hiện đã có 30 dự án đang đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 362 triệu USD.

KKT Vân Phong với những điều kiện khá thuận lợi đã thu hút đầu tư 82 dự án với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ USD; trong đó có nhiều dự án có quy mô lớn, mang tính động lực phát triển không chỉ của vùng mà cả nước như Cảng trung chuyển quốc tế, riêng giai đoạn khởi động vốn đầu tư 185 triệu USD; Tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong vốn đầu tư 4,5 tỷ USD; Trung tâm nhiệt điện Vân Phong vốn đầu tư 3,8 tỷ USD; Khu đô thị mới Tu Bông và Khu du thuyền cao cấp vốn đầu tư 3,5 tỷ USD.

KKT Dung Quất có thể được xem là thành công nhất với 147 dự án đăng ký, tổng vốn khoảng 10 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2009, KKT Dung Quất đã thu hút 12 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng trên 6 nghìn tỷ đồng. Đã có 51 dự án trong KKT Dung Quất được xây dựng hoàn thành và đi vào sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho 12 nghìn lao động, trong đó có 60% là lao động địa phương.

Tuy nhiên nhìn chung hiệu quả thu hút đầu tư của các KKT vẫn chưa tương xứng với hệ thống hạ tầng đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

KKT Nhơn Hội, với hệ thống hạ tầng được quy hoạch trên 12 nghìn ha và đầu tư theo hình thức đa ngành, đa lĩnh vực vẫn chưa đủ sức hút các nhà đầu. Trong khi đó ở các tỉnh khác, hạ tầng đã xong từ nhiều năm nay, cơ chế ưu đãi đã dọn sẵn, thế nhưng “thảm đỏ” vẫn chỉ lác đác vài nhà đầu tư qua lại. Mặc dù KKT Chu Lai đã thu hút khá nhiều dự án lớn, nhưng với hệ thống hạ tầng đã được đầu tư như thế thì hiệu quả thu hút vẫn chưa cao. Ngay như KKT Vân Phong với điều kiện khá thuận lợi, nhiều dự án có quy mô lớn, cũng đã từng bị “khựng” lại một thời gian dài do khủng hoảng.

Hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao

Rõ ràng, các KKT được thành lập đều đáp ứng yêu cầu địa lý thuận lợi (gần cảng biển, sân bay), nối kết dễ dàng với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế; có điều kiện đảm bảo về kết cấu hạ tầng, nhất là cung cấp điện, nước, lao động… . Các KKT đều được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Ví dụ, tất cả các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh, miễn thuê thu nhập doanh nghiệp 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; hưởng các ưu đãi về các loại thuế khác áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, các luật thuế khác và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngoài những ưu đãi được hưởng tại quy chế này, các dự án đầu tư của các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài trong khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thuộc các lĩnh vực gồm công nghệ cao, dự án lớn, dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu kinh tế sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Với KKT Chu Lai, nhà đầu tư sẽ không phải tốn chi phí đền bù, giải toả và san lấp mặt bằng, được thuê đất 70 năm, được miễn tiền thuê đất cũng như không phải trả bất kỳ khoản phí hạ tầng nào đến năm 2015, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 17 năm, được áp dụng mức khởi điểm để tính thuế thu nhập cá nhân cao gấp ba lần so với quy định chung… và đặc biệt là được sử dụng khu phi thuế quan đầu tiên rộng 1656,7 ha và được phép mua, cầm cố, chuyển nhượng nhà.

Bảng 1. Các khu chức năng trong các KKT đã thành lập

 

Khu kinh tế

Các khu chức năng của KKT

Chu Lai

Tiểu khu phi thuế quan và thuế quan

Dung Quất

Khu công nghiệp phía Tây (CN nhẹ), Khu công nghiệp phía Đông (CN nặng), thành phố Vạn Tường, cảng Dung Quất, khu Bảo Thuế.

Nhơn Hội

Là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng, bao gồm: khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ cảng biển, các khu du lịch, dịch vụ và khu đô thị mới vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt.

Chân Mây -

Lăng Cô

Khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng Chân Mây, khu đô thị và khu du lịch

Phú Quốc –

Nam An Thới

Khu phi thuế quan và các khu chức năng khác thuộc phần còn lại như khu du lịch, dịch vụ, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác. Khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chi tiết gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc

Vũng Áng

Các hoạt động kinh tế được ưu tiên phát triển tại KKT Vũng Áng bao gồm: dịch vụ cảng biển, công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu (mỏ sắt Thạch Khê, mỏ titan,…); các ngành công nghiệp gắn với việc khai thác cảng biển; đặc biệt là từ Lào và Thái Lan; các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu

Vân Phong

Là KKT tổng hợp lấy khu cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Có một khu phi thuế quan (thương mại tự do) và một khu thuế quan; giữa hai khu là từng rào ngăn cách. Khu phi thuế quan gồm: khu cảng trung chuyển container quốc tế, khu hậu cần cảng và trung tâm thương mại – tài chính. Còn khu thuế quan gồm khu cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và khu hành chính

Nghi Sơn

KKT này bao gồm một phi thuế quan (khu thương mại tự do) và một khu thuế quan. Các khu chức năng trong khu thuế quan gồm khu cảng biển, khu đô thị nhà ở, khu vui chới giải trí, trung tâm tài chính, trung tâm dịch vụ, trung tâm điều hành,…

Vân Đồn

KKT Vân Đồn bao gồm một khu phi thuế quan (khu thương mại tự do) ở cạnh cảng Vạn Hoa và một khu thuế quan

Đông Nam

 Nghệ An

KKT này bao gồm hai tiểu khu là khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu phi thuế quan gắn với cảng biển Cửa Lò. Còn khu thuế quan lại bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu đô thị, khu vui chơi giải trí, khu du lịch – dịch vụ, khu dân cư và khu hành chính

Đình Vũ –

Cát Hải

Khu kinh tế này được thành lập nhằm phát triển kinh tế hàng hải mà trọng tâm là dịch vụ cảng biển

Nam Phú Yên

Khu kinh tế này sẽ được quy hoạch phát triển đô thị, thương mại, cảng biển, lọc hoá dầu, hoá chất (khu liên hiệp lọc hoá dầu với 11 nhà máy lọc dầu với tổng mức vốn đăng ký 11 tỷ USD) và các khu đóng tàu, sửa chữa tàu biển

Hòn La

KKT này được xây dựng và phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, gồm có hai khu chức năng: Khu phi thuế quan (200 ha), khu thuế quan (9.800 ha)

Định An

KKT này sẽ phát triển các ngành công nghiệp gắn liền với các ngành như sản xuất điện năng, luyện thép, hoá dầu, công nghiệp đóng tàu biển cùng với các ngành công nghiệp bổ trợ khác. Ngoài ra, khu kinh tế này còn phát triển du lịch, kinh tế cảng, khu phi thuế quan gắn với cảng và khu dân cư đô thị

 

Mặc dù ưu đãi như thế nhưng nhìn chung hiệu quả thu hút đầu tư của các KKT vẫn chưa tương xứng với hệ thống hạ tầng đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và địa phương.

Nguyên nhân của thu hút đầu tư chưa cao

Bảng 1 minh hoạ các chính sách ưu đãi đầu tư đã và đang được áp dụng trong các khu kinh tế. Căn cứ nội dung trong bảng 2, các KKT đều tương tự nhau về cấu trúc với khu phi thuế quan và khu thuế quan. Các KKT đều sử dụng các chính sách ưu đãi về giá thuê đất và thuế quan khi để thu hút đầu tư. Các chính sách như thế không khác gì những KKT tại các quốc gia khác trong khu vực vì vậy đã phần nào dẫn đến tình trạng thu hút đầu tư không cao. Các nhà đầu tư quốc tế vẫn chưa nhìn thấy cài gì là lợi thế cạnh tranh của các KKT Việt Nam. Để tăng tốc thu hút đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư mới và táo bạo cần được đưa ra để khẳng định lợi thế cạnh tranh của các KKT Việt Nam so với các KKT khác trong khu vực.

Nguyên nhân kế tiếp là khó khăn về vốn để phát triển hạ tầng. Theo ước tính nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng ngoài các khu chức năng của các KKT cần khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng/1 KKT trong thời kỳ 2006 – 2010. Như vậy, khả năng nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ vốn đầu tư theo chương trình này khó có thể cân đối đủ cho các KKT bởi vì ngân sách còn phải chi cho nhiều mục tiêu khác trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy tạo ra việc làm cho lao động địa phương, tăng trưởng GDP nhưng một khi chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, các KKT với lượng vốn đầu tư khá lớn đã chi ra đã và đang là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và địa phương.

Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu. “Một trong những rào cản lớn hiện nay làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư chủ yếu vẫn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thực tế số doanh nghiệp đăng ký vào các KKT miền Trung đã giảm mạnh so với những năm trước”. Thông thường các doanh nghiệp phải vay ngân hàng khoảng 70 – 80% để thực hiện các dự án bởi vì nguồn vốn tự có của họ chỉ đảm bảo khoảng 20 – 30% tổng mức đầu tư. Vì vậy, một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các KKT nhưng chậm triển khai đã làm ảnh hưởng đến tiến độ phát triển của toàn khu. Ngoài ra cũng có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị có biểu hiện chiếm giữ đất gây bất bình đối với nhân dân địa phương. Một nguyên nhân phổ biến khác là công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm. Đây cũng là nguyên nhân chung khiến các nhà đầu tư lo ngại.

 Nguyên nhân tiếp theo là hạ tầng về giao thông và viễn thông yếu kém. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng ở các KKT miền Trung hiện nay vẫn còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, viễn thông…. Ví dụ, sân bay Chu Lai vẫn chỉ có 4 chuyến bay/tuần (Chu Lai - TP HCM) (4 chuyến bay/tuần). Cảng biển Kỳ Hà (Quảng Ngãi) ngoài việc tiếp nhận tàu 5.000 tấn vẫn chưa mở được các chuyến vận tải quốc tế.

Kinh nghiệm từ các KKT trên thế giới

Thực tế đã chứng minh không phải mọi KKT trên thế giới đều thành công. Chìa khoá đầu tiên để thành công là những quyết sách mang tính đột phá. Ví dụ như khi đặc khu Thẩm Quyến ra đời, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép người nước ngoài đầu tư vào hạ tầng để kinh doanh thu phí. Điều này là rất bình thường tại Việt Nam hiện nay, nhưng ở vào thời điểm 26 năm trước đây, chuyện này là không thể.

Chìa khoá thứ hai là chọn thiên thời địa lợi tốt nhất để thực hiện những KKT đầu tiên. Không phải vô lý mà Trung Quốc đã chọn Thẩm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải và Sán Đầu để tập trung phát triển những KKT đầu tiên. Theo địa lý: Thẩm Quyến là điểm gần nhất đến Hồng kông, Chu Hải ngay cạnh Ma Cao, Hạ Môn là điểm gần nhất đến Đài Loan, và Sán Đầu là nơi tập trung Hoa Kiều với mật độ cao nhất.

Chìa khoá thứ ba là chính quyền địa phương phải được trao quyền tự chủ ở mức cao nhất về mọi mặt như chính sách đầu tư, sử dụng nguồn nhân lực địa phương như Thẩm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải và Sán Đầu. Ngoài ra các chính sách hỗ trợ đầu tư phải được cam kết nhất quán trong dài hạn để đảm bảo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Có ý kiến cho rằng: bản chất của khu kinh tế tự do là các hoạt động kinh tế phải được tự do và kèm theo đó là những thể chế hành chính, kinh tế phù hợp. Tuy nhiên, tại VN các khu kinh tế mở chưa được áp dụng đúng bản chất . Vì vậy, các KKT của Việt Nam hiện không thu hút được đầu tư nước ngoài ở mức cao. Vì thế, để tạo bước đột phá kinh tế trong giai đoạn mới, nên chăng áp dụng một thể chế hành chính riêng biệt, thậm chí áp dụng “cơ chế mở có giới hạn” cho những KKT. Mô hình này đang được áp dụng tại một số nơi ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Thâm Quyến (Trung Quốc) và một số nước khác như Hàn Quốc, Mỹ….

Các KKT Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, từ nay đến năm 2020, ngoài việc triển khai các KKT đã có phép thành lập, cần xây dựng lộ trình hình thành nên hệ thống các KKT cả nước một cách khoa học và khách quan, tập trung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KKT; xem xét, tính toán việc đầu tư các dự án công trình trọng điểm quốc gia trên KKT để không gây lãng phí tiền của, đất đai, đảm bảo các công trình, dự án này thực sự khả thi, mang lại hiệu quả và trở thành động lực phát triển.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 11/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)