Thực trạng, phương hướng và nhiệm vụ quản lý kiến trúc đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ năm, 04/02/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm gần đây, bộ mặt đô thị tại TP.HCM đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhiều công trình lớn, đường phố, khu đô thị và các khu nhà ở mới đã được xây dựng. Tại các khu vực nội thành, nhiều khu nhà lụp xụp, kém chất lượng đã được cải tạo, xây mới đưa tổng khối lượng xây dựng mỗi năm gấp nhiều lần những năm trước đây. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xây dựng, công tác quản lý kiến trúc đô thị cũng đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự thay đổi này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và cải thiện môi trường sống cho nhân dân mà còn tạo ra diện mạo kiến trúc đô thị mới.

Song song với những kết quả đã đạt được, kiến trúc đô thị tại TP.HCM hiện nay cũng còn nhiều vấn đề bất cập cần được xem xét, giải quyết. Sở Quy hoạch Kiến trúc qua quá trình hoạt động quản lý về quy hoạch và kiến trúc đô thị điểm qua một số nội dung, thông qua việc đánh giá thực trạng kiến trúc và tình hình quản lý kiến trúc đô thị thành phố để đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ về quản lý kiến trúc đô thị trong thời gian tới.

I. Tình hình quản lý kiến trúc đô thị

1. Các thuận lợi của việc quản lý và phát triển kiến trúc đô thị tại TP.HCM và những kết quả đã đạt được:

1.1. Thuận lợi:

- Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2002/QĐ - TTg ngày 03/09/2002 là cơ sở về phát triển kiến trúc đô thị tại các thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

- Công tác, quy hoạch xây dựng đô thị được thành phố tập trung thực hiện trong thời gian qua là tiền đề cho công tác quản lý và phát triển kiến trúc.

- Nhiều lĩnh vực như tượng đài, cửa ngõ thành phố, trang trí đường phố, trồng cây xanh vỉa hè, các chương trình bảo tồn... thiết kế đô thị các trục đường, các khu vực quan trọng bắt đầu được chính quyền thành phố quan tâm, triển khai thực hiện.

- Tổ chức bộ máy và cải cách hành chính trong quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ngày một đổi mới. Việc phân công, phân cấp trong quản lý đô thị đã được nâng cao nhất là trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch và pháp luật, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng và đảm bảo trật tự xây dựng đô thị.

- Hệ thống các văn bản quản lý quy phạm pháp luật về quản lý kiến trúc đô thị bước đầu đã được xây dựng, ban hành, tạo tiền đề cho việc thiết lập trật tự xây dựng và phát triển kiến trúc đô thị.

- Vai trò của Hội Kiến trúc sư và Hội Quy hoạch Thành phố đã được nâng cao trong việc tham gia quản lý Nhà nước, phản biện và tập hợp các lực lượng sáng tác Kiến trúc - Quy hoạch.

- Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch đã hoạt động có chất lượng tốt, tham mưu UBND TP nhiều nội dung trong việc quản lý và phát triển xây kiến trúc đô thị.

- Các phương pháp thiết kế quy hoạch xây dựng đã được quan tâm để tạo ra các không gian đẹp.

- Sự giao lưu thông tin thuận lợi trong quá trình hội nhập – các thông tin mới trên thế giới được nhanh chóng cập nhật, tham khảo dễ dàng thông qua mạng internet, các lớp tập huấn và hợp tác với chuyên gia nước ngoài.

- Việc thi tuyển phương án kiến trúc công trình được áp dụng rộng rãi.

- Lực lượng chuyên môn được đào tạo, bổ sung nhanh chóng, được tiếp cận với các công nghệ mới.

- Các mô hình quản lý đầu tư và phát triển đô thị mới đã được áp dụng rộng rãi, tạo tiền đề để thu hút các nguồn vốn vào sự nghiệp cải tạo và phát triển kiến trúc đô thị, hình thành các tổng thể kiến trúc đô thị với quy mô và tỷ lệ lớn chưa từng có trong quá khứ.

- Việc cải tạo xây dựng từ hình thức chia lô riêng lẻ, manh mún tại nhiều khu vực trong thành phố đã được chuyển dần sang hình thức xây dựng tập trung theo các dự án, bước đầu đã được một số kết quả trong việc đổi mới bộ mặt kiến trúc đô thị.

1.2. Những kết quả đạt được:

- Tại TP.HCM, kiến trúc phát triển khá đa dạng với nhiều thể loại và hình thức phong phú, trong đó một số công trình kiến trúc có chất lượng thẩm mỹ cao, có sự tìm tòi sáng tạo mới như một số công trình tại khu vực trung tâm thành phố, khu vực đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, quận 2,...

- Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hoá lịch sử và cảnh quan thiên nhiên bước đầu đã được coi trọng cụ thể như một số khu vực tại quận 1, quận 3, quận 5, Cần Giờ...

- Các khu vực đô thị mới có bộ mặt kiến trúc khang trang, đồng bộ các công trình đẹp, hài hoà với cảnh quan đô thị được xây dựng. Các tuyến đường được cải tạo chỉnh trang làm tăng giá trị về kiến trúc cảnh quan của đô thị như khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, đường Lê Đại Hành, Nam Kỳ Khởi Nghĩa...

- Các quy định, quy chế quản lý kiến trúc của thành phố được soạn thảo, ban hành giúp cho bộ mặt đô thị được đồng bộ, trật tự, cụ thể như:

+ Quy định về kiến trúc nhà liền kề trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn TP.HCM được UBND TP ban hành tại Quyết định 135/2007/QĐ - UBND ngày 08/12/2007 và Quyết định 45/2009/QĐ - UBND ngày 03/07/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 135/2007/QĐ UBND ngày 08/12/2007 của đô thị hiện hữu trên địa bàn TP.HCM.

+ Quy chế quản lý kiến trúc đô thị đối với 4 ô phố trước Hội trường Thống Nhất thuộc phường Bến Nghé quận 1 TP.HCM được UBND TP ban hành tại Quyết định số 16/2009/QĐ - UBND ngày 12/02/2009.

+ Quy định về kiến trúc nhà biệt thự trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn TP.HCM (đang trình UBND TP).

- Các định hướng kiến trúc trục đường, ô phố tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất như đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Sương Nguyệt Ánh, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan. Định hướng kiến trúc các khu cư xá cũ, các ô phố có tính chất đặc thù làm cơ sở cho việc cung cấp thông tin quy hoạch, và quản lý kiến trúc đô thị một cách đồng bộ...

- Các phương án quy hoạch trên cơ sở tổ chức không gian kiến trúc đô thị như nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực Bắc Xa lộ Hà Nội quận 2, Khu vực phía Tây đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

- Năng lực công tác quản lý kiến trúc đô thị tại một số quận huyện được từng bước nâng cao thể hiện qua  các dự án tại Q5, Q10, Tân Phú, Tân Bình...

- Đưa được một số công trình nghiên cứu khoa học về kiến trúc đô thị vào áp dụng trong thực tế.

2. Những khó khăn và các vấn đề còn tồn tại:

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, việc quản lý và phát triển kiến trúc tại TP.HCM vẫn còn không ít khó khăn và các vấn đề còn tồn tại, cụ thể như sau:

2.1. Khó khăn:

- Tốc độ phát triển đô thị nhanh, sự phân hoá về mặt xã hội gia tăng cùng với sự phát triển dẫn đến sự cách biệt giữa các khu vực trong đô thị, giữa vùng phát triển và đang phát triển còn lớn.

- Cơ cấu hạ tầng nối kết nhìn chung còn thiếu, không đảm bảo tiêu chuẩn tiện nghi của một đô thị trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá; quá trình đô thị hoá chưa được kiểm soát một cách triệt để.

- Các văn bản pháp lý cong chồng chéo, thay đổi liên tục gây khó khăn cho việc thực hiện và quản lý do khung pháp luật chưa đồng bộ, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết việc quản lý kiến trúc, thiếu cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kiến trúc đô thị.

- Việc đầu tư nghiên cứu xây dựng mới hệ thống các quy trình – quy phạm, tiêu chuẩn và quy chuẩn, sổ tay thiết kế trong lĩnh vực thiết kế quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị cũng chưa được quan tâm một cách hệ thống dẫn tới việc các cơ quan tư vấn và quản lý đô thị vẫn phải sử dụng những quy định hiện có vừa lạc hậu, vừa không còn phù hợp với yêu cầu hoà nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

- Trong quản lý kiến trúc hiện nay còn buông lỏng, thiếu định hướng phát triển lâu dài.

- Ý thức chấp hành quy hoạch và pháp luật cùng với nhận thức về quản lý và phát triển kiến trúc chưa cao; Năng lực của cán bộ và công chức về quản lý đô thị một số còn hạn chế. Thiếu kinh nghiệm quản lý trong tình hình phát triển hiện nay.

- Chuyên ngành thiết kế đô thị đến nay đã được hình thành nhưng vẫn chưa được triển khai một cách đầy đủ trong hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng.

- Trong đội ngũ sáng tác kiến trúc còn thiếu nhân tài, thiếu các khuynh hướng phát triển có tầm chiến lược.

- Công tác đào tạo kiến trúc sư còn chưa đồng bộ, đổi mới một cách đầy đủ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo kiến trúc sư, còn nặng về số lượng.

2.2. Các vấn đề tồn tại:

Với các khó khăn nêu trên, việc quản lý và phát triển kiến trúc tại TP.HCM hiện nay còn bộc lộ những tồn tại như sau:

- Việc nghiên cứu bố cục không gian, các giải pháp về kiến trúc, cảnh quan, nhìn chung vẫn chưa được coi trọng và thiếu sự lồng ghép hợp lý trong nội dung các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.

- Kiến trúc phát triển còn thiếu trật tự, hình thức kiến trúc đa dạng nhưng thiếu tính thống nhất và chưa có bản sắc riêng. Nhiều công trình có hình thức kiến trúc chắp vá không phản ánh được trào lưu rõ ràng.

- Trong sáng tác, thiết kế kiến trúc chưa có tác phẩm lớn, đạt đỉnh cao về chất lượng tương xứng với tầm vóc của TP;

- Việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và các sáng tác kiến trúc có giá trị còn nhiều bất cập nhất là thiếu các chính sách về tài chính để tạo ra tính khả thi. Thiếu cách làm và các giải pháp phát huy các giá trị trong cuộc sống đương đại.

- Quản lý kiến trúc đô thị chưa chủ động và kiểm soát được tình hình phát triển kiến trúc trong đô thị và lĩnh vực lý luận phê bình, sáng tác kiến trúc, thiết kế đô thị, nghiên cứu, đào tạo và hành nghề kiến trúc sư chưa được quan tâm chỉ đạo.

- Hầu hết các công trình lớn, giá trị cao do KTS nước ngoài thiết kế, thiếu nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam.

II. Phương hướng, nhiệm vụ quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị

1. Phương hướng quản lý kiến trúc đô thị:

Mục tiêu tổng quát của quản lý và phát triển kiến trúc đô thị là nâng cao chất lượng kiến trúc, phát triển môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành một nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI.

Thực hiện mục tiêu này, kiến trúc đô thị cần được phát triển theo định hướng sau:

- Phát triển và hình thành tổng thể kiến trúc TP trên cơ sở phân bố và phát triển các khu vực theo mô hình phù hợp.

- Tổng thể kiến trúc của mỗi khu vực phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, đặc điểm xã hội, truyền thống văn hoá lịch sử. Việc hình thành tổng thể kiến trúc phải căn cứ vào các đồ án quy hoạch xây dựng, được phê duyệt, trong đó phải coi trọng nội dung thiết kế đô thị nhằm mục tiêu gắn kết các công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên tạo thành một hình ảnh đô thị đặc trưng, mang tính đa dạng một cách thống nhất.

- Phát triển tổng thể kiến trúc theo hướng tái hoà nhập giữa quá khứ, hiện tại với tương lai bao gồm việc cải tạo, nâng cấp giá trị các khu vực đô thị hiện có, đồng thời phát triển các công trình và khu đô thị mới, hiện đại, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết hợp hài hoà giữa cải tạo và xây dựng mới nhằm đảm bảo bộ mặt kiến trúc truyền thống được từng bước đổi mới, song vẫn không mất đi tính kế thừa và bản sắc của riêng mình.

- Trong tổng thể kiến trúc của từng khu vực, mỗi một công trình là một bộ phận cấu thành không gian kiến trúc đô thị. Do đó, việc tạo lập và hình thành các công trình kiến trúc trong mỗi khu vực phải tuân thủ nguyên tắc kết hợp chung với riêng, cá nhân với cộng đồng. Việc cải tạo, xây dựng trong đô thị phải tuân thủ các quy tắc quản lý quy hoạch và thiết kế đô thị một cách chặt chẽ tạo nên một trật tự kiến trúc phù hợp với không gian và thời gian.

2. Những nhiệm vụ cụ thể:

Để kiến trúc đô thị phát triển phù hợp theo các phương hướng nêu trên, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

* Về phía cơ quan quản lý chuyên môn và chính quyền các cấp:

- Tăng cường đầu tư cho công tác lập quy hoạch xây dựng.

- Tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị.

- Tăng cường việc quản lý cấp giấy phép xây dựng: bổ sung thêm quy định các công trình được miễn cấp giấy pháp xây dựng, các công trình xây dựng tạm để sử dụng quá độ đồng thời có quy định xử lý vi phạm đối với các trường hợp làm trái quy định. Từng bước giảm tỷ lệ xây dựng các công trình không có thiết kế, không phép, trái phép, xây dựng tự phát manh mún để tăng cường tỷ lệ xây dựng phù hợp với quy hoạch và pháp luật.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

- Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch xây dựng đô thị và hình thành chuyên ngành thiết kế đô thị.

- Phát triển kiến trúc gắn liền với biện pháp kiểm soát phát triển kiến trúc.

- Mở rộng hình thức tổ chức lựa chọn phương án thiết kế quy hoạch xây dựng thông qua đấu thầu tư vấn và thi tuyển trong nước và quốc tế.

- Tích cực xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiến trúc đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp 1, cấp 2.

- Xây dựng đề cương mẫu và chỉ đạo việc soạn thảo, ban hành các Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch tại các đô thị.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tổng hợp nhằm hiện thực hoá các quy định về bảo tồn và quản lý kiến trúc đô thị.

* Sự phối hợp của các đơn vị tư vấn, các hội nghề nghiệp và các ngành có liên quan:

- Tăng cường nghiên cứu lý luận về phê bình kiến trúc.

- Đổi mới công nghệ thiết kế xây dựng.

- Xác định bảo tồn và phát huy giá trị các di sản kiến trúc trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá kiến trúc.

- Hoàn thiện công tác đào tạo.

Các nhiệm vụ trên phải được cụ thể hoá thông qua các chương trình, dự án và đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Sở Quy hoạch – Kiến trúc sẽ phối hợp với các Sở Ban ngành, các Hội chuyên môn sẽ từng bước xây dựng chương trình hành động cụ thể phù hợp với thực tế của lĩnh vực mình phụ trách và địa phương mình quản lý, nhằm góp phần xây dựng đô thị bền vững và phát triển kiến trúc TP.HCM hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, tương xứng với tầm vóc của thành phố trong thời kỳ phát triển.

 

Nguồn: Sài Gòn đầu tư &Xây dựng, số 12/2009.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)