Tổ chức tư vấn hướng tới tổng thầu EPC - Một loại hình quản lý điều hành dự án có tính chuyên nghiệp cao

Thứ tư, 06/05/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hình thức tổng thầu EPC: Thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng (Engineering - Procurement - Construction) là một trong những hình thức tổng thầu xây dựng được quy định trong Luật Xây dựng, là hình thức Nhà thầu ký kết hợp đồng thực tiếp với Chủ đầu tư để nhận toàn bộ công việc của dự án hoặc một gói thầu.
Trong thời gian gần đây, nhiều Chủ đầu tư thuộc nhiều ngành kinh tế khác nhau đã lựa chọn hình thức tổng thầu EPC cho dự án của mình đã mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia và đặc biệt giúp cho các doanh nghiệp xây dựng trong nước và doanh nghiệp tư vấn có điều kiện tiếp cận với một hình thức quản lý điều hành dự án có tính chuyên nghiệp cao là làm chủ về mọi mặt trong các dịch vụ tư vấn và xây dựng.
 
Để có một thị trường tư vấn phát triển, việc nâng cao tính độc lập và chuyên nghiệp trong hoạt động tư vấn trong khi Việt Nam gia nhập WTO là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp tư vấn. Cùng với việc có thêm nhiều loại hình đầu tư mới và sự xuất hiện tham gia của nhiều hãng tư vấn, doanh nghiệp xây dựng trong khu vực và quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp tư vấn phải không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ tư vấn cho phù hợp với giai đoạn mới, đó là tham gia quản lý điều hành dự án với hình thức tổng thầu EPC từ các dự án nhỏ đến các dự án có tầm cỡ lớn như: xi măng, thuỷ điện, nhiệt điện....
 
1. Tổng thầu EPC có là mới mẻ với các doanh nghiệp tư vấn
 
- Tổng thầu thiết kế, xây dựng và tổng thầu EPC là những hình thức điều hành dự án cao cấp đã được quy định trong Luật Xây dựng và quen thuộc với các công ty tư vấn thành viên của FIDIC và các công ty xây dựng trên thế giới. Tại Việt Nam một số công ty nước ngoài đã thực hiện một số dự án với hình thức tổng thầu EPC bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ODA, vốn vay tín dụng như: Công ty Nippon Koie, Công ty Obayashi, Công ty Posco, Công ty Huyndai, Công ty Siemens...
 
- Ở Việt Nam mặc dù Hiệp hội Tư vấn xây dựng (VECAS) là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) nhưng các hội viên của VECAS hầu hết được chuyển đổi từ các viện nghiên cứu, thiết kế của các bộ ngành, một số mới được ra đời từ cuối năm 1995. Các công ty tư vấn chủ yếu thực hiện các dịch vụ kỹ thuật là công tác thiết kế và dịch vụ đầu tư ở giai đoạn triển khai khi đã có ý tưởng của chủ đầu tư (Lập dự án, thiết kế chi tiết, thẩm tra thiết kế, giám sát xây dựng, lập dự toán...). Trong thời gian qua năng lực của các tổ chức tư vấn đã có những trưởng thành đáng kể trong việc tham gia các dịch vụ tư vấn và có cơ hội làm nhà thầu phụ của các hãng tư vấn quốc tế, nhưng số những công ty tư vấn có đủ khả năng và dám tham gia tổng thầu EPC là rất khiêm tốn. Có thể kể tên ra là: Công ty INFISCO (Tổng thầu EPC năm 2008 - 2009), Công ty THIKECO (Tổng thầu thiết kế & xây dựng năm 1995 - 1998). Ngoài ra các doanh nghiệp tư vấn, các doanh nghiệp xây dựng cũng tham gia tổng thầu EPC với các dự án nhiệt điện, thuỷ điện như: Lilama, Sông Đà, Vinaconex....
 
2. Lợi ích của hình thức tổng thầu EPC
 
a) Đối với Nhà nước
 
- Mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước với những hợp đồng EPC có giá trị lên đến hàng tỷ đôla góp phần tăng trưởng GDP của cả nước. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư vấn và xây dựng dần dần làm quen với vị thế làm chủ điều hành các nhà thầu phụ nước ngoài, làm thay đổi tư duy tự ti phụ thuộc, làm thuê cho nước ngoài vốn đã tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam.
 
- Tạo động lực để nang cao trình độ quản lý dự án của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và hình thành những tập đoàn công nghiệp lớn, thu hút được nhiều lao động.
 
- Khắc phục được tình trạng lãng phí, thất thoát vốn đầu tư và quản lý không tốt chất lượng công trình... do chủ đầu tư hạn chế về kinh nghiệm, năng lực chuyên môn quản lý dự án nên dự án phải chia thành nhiều gói thầu, nhiều đơn vị quản lý dẫn đến phức tạp trong điều hành, tiến độ các gói thầu bị kéo dài...
 
- Thông qua EPC các doanh nghiệp tư vấn và xây dựng sẽ tích luỹ được các kinh nghiệm về quản lý dự án, thiết kế kĩ thuật, thiết bị, công nghệ và xây dựng để có thể tiến tới tham gia dự thầu EPC các dự án ở nước ngoài.
 
b) Đối với nhà thầu EPC
 
- Phát huy đầy đủ vai trò chủ động, linh hoạt, sáng tạo của nhà thầu EPC trong thiết kế, giải pháp kỹ thuật, điều hành dự án. Nhà thầu EPC Việt Nam tận dụng được trình độ kĩ thuật, điều hành dự án. Nhà thầu EPC Việt Nam tận dụng được trình độ kĩ thuật và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu phụ nước ngoài khi thực hiện dự án.
 
- Hạn chế chi phí nhân lực và các chi phí cho công tác quản lý dự án. Hạn chế những bất cập trong điều hành giữa chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu cung cấp thiết bị và nhà thầu xây dựng... Rút ngắn được quá trình nghiệm thu khối lượng, chất lượng tạo thuận lợi cho việc tạm ứng và thanh toán vốn theo từng giai đoạn thực hiện hoặc theo hạng mục của công trình.
 
- Rút ngắn thời gian thực hiện dự án do nhà thầu chủ động hơn ở tất cả các khâu công việc trong quá trình thực hiện. Tạo nên sự hợp tác tốt đối với chủ đầu tư, đối với đơn vị tư vấn giám sát của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
 
- Hiệu quả về kinh tế mang lại cho doanh nghiệp cao do chủ động trong thiết kế, đề xuất kỹ thuật, tiết kiệm được chi phí vật tư, nhân công và thời gian thực hiện dự án.
 
3. Tổng thầu EPC đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao
 
Để có thể tham gia tổng thầu EPC tổ chức tư vấn phải có tính chuyên nghiệp và độc lập cao thể hiện ở:
 
a) Năng lực của tổ chức tư vấn
 
- Lãnh đạo tổ chức tư vấn phải có chuyên môn giỏi, năng động, dám nghĩ dám làm có khả năng tiếp cận nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các tình huống và các vấn đề liên quan đến gói thầu EPC.
 
- Xây dựng được mạng lưới liên kết các nhà tư vấn, các nhà thầu phụ trong và ngoài nước để hợp tác trong đấu thầu và thực hiện gói thầu.
 
- Có đội ngũ chuyên gia, cán bộ chủ trì dự án, cán bộ kĩ thuật các chuyên ngành giỏi, có kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với trình độ năng lực và tính chất của gói thầu.
 
- Đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ, kỹ năng maketing, kỹ năng giải quyết công việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tính toán thiết kế (về công nghệ, xây dựng...), kỹ năng phân tích kinh tế kỹ thuật (lập dự toán, xác định chi phí...) và kiến thức quản lý tiên tiến.
 
- Có khả năng tài chính để có thể bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng.
 
b) Giải pháp điều hành chuyên nghiệp
 
- Biết phân tích lựa chọn các dự án hoặc gói thầu EPC từ nhỏ đến lớn phù hợp với năng lực của tổ chức tư vấn để tham gia tổng thầu EPC.
 
- Biết trình bày các đề xuất (lời khuyên), với chủ đầu tư về các ý tưởng thực hiện gói thầu EPC trên cơ sở kiến thức về kỹ thuật, thành thạo về luật pháp Việt Nam, thông lệ quốc tế.
 
- Biết tính toán phân tích khoa học, phát huy tính tư vấn đọc lập trong thực hiện công việc để chủ động lựa chọn các phương án, giải pháp kinh tế kỹ thuật phù hợp đề xuất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án có hiệu quả.
 
- Biết phối hợp một cách nhịp nhàng các bộ môn chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức tư vấn với chủ đầu tư, các nhà thầu phụ và các bên liên quan trong quá trình thực hiện gói thầu EPC.
 
4. Những vấn đề đặt ra trong khi thực hiện tổng thầu EPC
 
a) Thuận lợi đối với tổ chức tư vấn
 
- Tổ chức tư vấn có đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã làm quen với các dịch vụ tư vấn gần với các nội dung công việc liên quan đến hình thức tổng thầu EPC: Thiết kế, dự toán, giám sát xây dựng, quản lý dự án... thuận lợi trong việc điều hành thực hiện dự án.
- Có kinh nghiệm trong các dịch vụ tư vấn (lập dự án, thiết kế, xác định chi phí...) nên rất thuận lợi trong việc phân tích về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật xây dựng để triển khai thiết kế kỹ thuật làm cơ sở xác định phạm vi công việc, giá trị gói thầu trong quá trình đấu thầu và thương thảo hợp đồng, tránh rủi ro xảy ra khi thực hiện hợp đồng EPC.
 
- Có điều kiện cập nhật và xây dựng thư viện thông tin về khoa học công nghệ, maketing, thông lệ quốc tế... và mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp ở các ngành kinh tế trong nước và nước ngoài để có cơ sở lựa chọn các nhà thầu phụ nước ngoài và trong nước có năng lực cùng tham gia thực hiện dự án.
 
b) Những trở ngại đối với tổ chức tư vấn
 
- Nhiều chủ đầu tư còn chưa tin tưởng, coi trọng khả năng tổng thầu của tư vấn.
 
- Khả năng tài chính của nhiều công ty còn hạn chế vì vậy không có khả năng bảo lãnh dự thầu cũng như bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
 
- Năng lực và lực lượng chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm quản lý dự án của một số tổ chức tư vấn không đủ để thực hiện dự án.
 
- Phần lớn các dự án tổng thầu EPC sử dụng nhà thầu phụ nước ngoài nên đòi hỏi lực lượng chuyên gia, cán bộ kỹ thuật... tham gia dự án phải có trình độ ngoại ngữ tốt.
 
c) Về cơ chế chính sách
 
- Để đáp ứng yêu cầu mới trong việc quản lý các dự án theo hình thức EPC, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có quan điểm nhất quán, được thể chế hoá bằng các giải pháp và chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho chủ đầu tư và nhà thầu trong việc tham gia tổng thầu EPC.
 
- Cần bổ sung, sửa đổi các nghị định, thông tư phù hợp với hình thức quản lý tổng thầu EPC (Nghị định về quản lý dự án đầu tư; Luật Đấu thầu; TT 08/2003/BXD Hướng dẫn quản lý hợp đồng EPC; NĐ 209/2004/NĐ - CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; các thông tư hướng dẫn về ký hợp đồng, thanh toán hợp đồng EPC, vấn đề bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng...).
 
- Nhà nước cần nhìn nhận nhà tư vấn không chỉ là dùng chất xám để thực hiện các dịch vụ cho chủ đầu tư như một "lời khuyên" mà là một nhà thầu xây dựng hoàn hảo, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư vấn tiếp cận tham dự các dự án tổng thầu EPC.
 
- Có cơ chế về tài chính để tổ chức tư vấn có điều kiện bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng.
 
Tóm lại, để có thể thực hiện thành công cũng như nhân rộng và phát triển hình thức tổng thầu EPC tạo động lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Song đây cũng là một khó khăn thử thách và thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trong đó có doanh nghiệp tư vấn.
 
Trong tiến trình hội nhập, hướng tới việc tham gia tổng thầu EPC như các doanh nghiệp tư vấn quốc tế đã làm là một cơ hội để các tổ chức tư vấn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong dịch vụ tư vấn kỹ thuật của mình để có thể cạnh tranh với các hãng tư vấn, doanh nghiệp xây dựng trong khu vực và quốc tế.
 

Nguồn: Tham luận của KTS. Nguyễn Chí Hùng - TGĐ INFISCO tại Hội thảo "Nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật", tháng 3/2009

 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)