Thực hiện đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN là một hình thức nâng cao năng lực hoạt động tư vấn kỹ thuật

Thứ sáu, 10/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế  và khu vực, dịch vụ kỹ thuật là một trong các lĩnh vực đang thực hiện việc mở cửa tự do theo lộ trình mà Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định đã ký kết với WTO.

Việc mở cửa thị trường là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, chỉ còn rào cản kỹ thuật là có thể bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước có thời gian củng cố nâng cao năng lực của mình đủ sức cạnh tranh với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài không những trên thị trường xây dựng trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay chúng ta đang từng bước nới rộng các rào cản về kỹ thuật, trước hết là trong khối các nước ASEAN để từng bước tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân hành nghề dịch vụ tư vấn kỹ thuật có cơ hội tiếp cận học hỏi, cọ sát và cạnh tranh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Ngày 09/12/2005, 10 nước ASEAN đã ký kết Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Mutual Recognition Arrangements - MRA). Nội dung của thoả thuận này là thực hiện Điều 5 của thoả thuận khung của ASEAN về các dịch vụ (AFAS), theo đó các nước thành viên ASEAN có thể công nhận về đào tạo hoặc kinh nghiệm, các yêu cầu phải đáp ứng và giấy phép hoặc chứng chỉ do các nước thành viên khác trong ASEAN cấp.

Mục tiêu của MRA là:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch nghề nghiệp dịch vụ tư vấn kỹ thuật giữa các nước trong khối ASEAN.

- Trao đổi thông tin lẫn nhau để đưa ra những chấp thuận thực tế tốt nhất về tiêu chuẩn và chất lượng.

Để được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPE) phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Có bằng kỹ sư hoặc tương đương được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp.

- Có đăng ký hoặc có chứng chỉ về nghề nghiệp còn giá trị sử dụng do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại thuộc ASEAN cấp (Sở Xây dựng) theo quy định hiện hành của nước đó.

- Có thời gian thực tế từ 7 năm trở lên kể từ khi tốt nghiệp đại học, trong đó có ít nhất 2 năm thực hiện công việc kỹ thuật đặc biệt.

- Tuân thủ chính sách về phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development - CPD) của nước sở tại với mức thích hợp.

- Có chứng nhận của cơ quan quản lý nghề nghiệp có thẩm quyền của nước sở tại về việc cá nhân không có vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, nghề nghiệp hoặc đạo đức khi hoạt động trong nước hoặc quốc tế và nộp đơn hợp lệ đăng ký là kỹ sư tiêu chuẩn ASEAN (ACPE) với Uỷ ban Điều phối kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN thông qua Ban Đăng ký kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPER).

Để thực hiện việc cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN, theo Thoả thuận mỗi nước thành viên tham gia phải thành lập Uỷ ban Giám sát (MC) để tiến hành việc thực hiện đăng bạ và quản lý hành nghề của các kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN tại nước mình. Uỷ ban Giám sát được công nhận là cơ quan có thẩm quyền để trực tiếp xác nhận hoặc giới thiệu cho các cơ quan có thẩm quyền khác năng lực và kinh nghiệm của các kỹ sư chuyên nghiệp hành nghề độc lập.

Uỷ ban giám sát mỗi nước thành viên phải chuẩn bị Bản quy chế đánh giá trong đó phải đưa ra được tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá theo các yêu cầu của Hiệp định đối với kỹ sư chuyên nghiệp. Bản quy chế này phải được Uỷ ban Điều phối kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN thẩm định và thông qua. Trên cơ sở Hiệp định được ký kết, được sự đồng ý và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 21/3/2008, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì thành lập Uỷ ban Giám sát của Việt Nam thực hiện thoả thuận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN, đồng thời căn cứ Thông báo 28/4/2008 của Bộ Ngoại giao, ngày 15/9/2008 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 1128/QĐ-BXD thành lập Uỷ ban giám sát của Việt Nam để thực hiện thoả thuận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN, trong đó thành phần có 7 thành viên, gồm đại diện của Bộ Xây dựng, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam.

Sau khi Uỷ ban Giám sát (MC) được thành lập đã nghiên cứu Quy chế đánh giá báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông qua và đã trình Uỷ ban Điều phối kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPECC) và đã được chấp thuận thông qua tại kỳ họp lần thứ 4 ngày 09 - 10/02/2009 tại Kuala Lumpur - Malaysia theo đó phải tuân thủ theo những qui tắc chung cơ bản nhất của Hiệp định về Thoả thuận lẫn nhau (MRA), cụ thể:

- Đối với kỹ sư trong nước xin đăng ký là ACPE phải đáp ứng các điều kiện theo qui định gửi hồ sơ đăng bạ tới MC của nước sở tại (Việt Nam). MC có trách nhiệm tiếp nhận và xem xét hồ sơ của những người đăng bạ là kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN trình ACPECC công nhận cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.

- Đối với kỹ sư chuyên nghiệp nước ngoài muốn được cung cấp các dịch vụ kỹ thuật ở một nước ASEAN khác phải nộp hồ sơ đăng bạ là kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Kỹ sư nước ngoài đã được đăng bạ sẽ phải cộng tác với các kỹ sư chuyên nghiệp của nước sở tại (Nếu không cấp có thẩm quyền sẽ không xem xét về thiết kế khi thẩm định).

Về quyền và nghĩa vụ của một kỹ sư chuyên nghiệp nước ngoài đã đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN:

- Về quyền:

Kỹ sư được công nhận là chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN được hành nghề tại các nước ASEAN nếu kỹ sư đó là công dân của nước đã tham gia Hiệp định về thừa nhận lẫn nhau.

Cơ quan quản lý hành nghề của nước sở tại có thể yêu cầu kỹ sư chuyên nghiệp nước ngoài đã được đăng bạ mong muốn hành nghề độc lập phải trải qua hình thức đánh giá bổ sung với mục đích xác định rằng kỹ sư chuyên nghiệp đó đã được đăng bạ.

a) Hiểu các nguyên tắc chung về quy chuẩn xây dựng và luật được áp dụng tại nước sở tại.

b) Chứng minh được khả năng áp dụng các nguyên tắc đó.

c) Hiểu rõ các yêu cầu khác liên quan đang hiện hành tại nước sở tại.

- Về nghĩa vụ:

Kỹ sư chuyên nghiệp nước ngoài chỉ được thực hiện các công việc trong phạm vi lĩnh vực đã đăng bạ và phải tuân thủ:

a) Quy tắc về đạo đức nghề nghiệp phù hợp với chính sách về đạo đức theo quy định của nước sở tại.

b) Các luật và các qui định liên quan.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Uỷ ban Giám sát Việt Nam:

a) Chức năng:

- Giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN.

- Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý hành nghề dịch vụ tư vấn kỹ thuật tại Việt Nam.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về MRA trong tư vấn kỹ thuật theo sự uỷ quyền của Bộ Xây dựng.

- Uỷ ban Giám sát chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng thời chịu sự giám sát, điều phối hoạt động của ACPECC trong việc tổ chức triển khai và giám sát về thực hiện thoả thuận.

b) Nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu:

- Được Bộ Xây dựng uỷ quyền và có thẩm quyền chứng nhận về trình độ và kinh nghiệm cá nhân của kỹ sư Việt Nam mong muốn được đăng bạ là ACPE.

- Cấp và thu hồi chứng chỉ công nhận là ACPE đối với kỹ sư Việt Nam theo sự uỷ quyền của ACPECC.

- Tổ chức xây dựng và quản lý đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN theo đúng các quy định trong thoả thuận và Quy chế đánh giá.

- Thực hiện việc nghiên cứu cơ chế, tuyên truyền phổ biến các qui định trong nước và ASEAN, đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống, thể chế và thực thi các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và quản lý có hiệu quả về hành nghề dịch vụ tư vấn kỹ thuật tại Việt Nam.

- Một số nhiệm vụ khác.

c) Trách nhiệm:

- Đảm bảo tất cả kỹ sư được ACPECC cấp đăng bạ là ACPE tại Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu được qui định trong Thoả thuận và Quy chế đánh giá.

- Phải đảm bảo tất cả các ACPE của Việt Nam phải chứng minh được việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) theo quy định trong Quy chế đánh giá khi nộp hồ sơ đăng bạ ACPE.

- Những cá nhân ACPE của Việt Nam nếu vi phạm các quy định trong Thoả thuận, trong Quy chế đánh giá hoặc không tuân thủ các yêu cầu về Phát triển nghề nghiệp liên tục đều bị thu hồi chứng chỉ công nhận là ACPE và bị xoá khỏi đăng bạ ACPER theo đúng quy định Thoả thuận.

- Yêu cầu về CPD của MC là phải đạt được tối thiểu 16 giờ trong khoảng thời gian 1 năm để xét đăng bạ.

Hiện nay Uỷ ban Giám sát đang nghiên cứu để xây dựng CPD theo chuẩn hoá làm cơ sở cho việc xét cấp ACPE; trong thời gian từ tháng 4 - 5/2009 sẽ xem để trình ACPECC xét cấp cho một số kỹ sư Việt Nam đạt tiêu chuẩn.

Việc đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN là một trong những bước thực hiện Hiệp định về Thoả thuận lẫn nhau, tạo điều kiện tốt cho các kỹ sư Việt Nam học hỏi nhằm nâng cao năng lực và kinh nghiệm để có thể hội nhập với khu vực và thế giới.

 

Nguồn: Tham luận của Hoàng Thọ Vinh - Chủ tịch MC Việt Nam tại Hội thảo "Nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật", tháng 3/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)