Giải pháp quy hoạch hợp lý các bãi giếng khai thác nước ngầm khu vực phía Nam Hà Nội

Thứ sáu, 13/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cấp nước đô thị là đóng vai trò quan trọng vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng và trong sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia.

Hiện tại, trong cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 82 thành phố, thị xã thuộc tỉnh, nhưng mới có khoảng 5% thành phố, thị xã có quy hoạch chuyên ngành cấp nước. Tại nhiều đô thị, việc xây dựng các hệ thống cấp nước chỉ mới đáp ứng và yêu cầu trước mắt, chưa xây dựng được định hướng phát triển dài hạn.

Trong số những hệ thống cấp nước trên, đáng kể nhất là các hệ thống cấp nước cho TP Hà Nội. Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo mạng lưới trong những năm vừa qua, nhằm cải thiện từng bước việc dẫn nước đến các hộ tiêu thụ, các trạm xử lý cũng được cải tạo mở rộng và xây dựng mới để nâng công suất...

Tuy nhiên do việc khoan khai thác nước ngầm không theo quy hoạch hợp lý nên dẫn đến tình trạng khai thác quá công suất. Vấn đề nguồn nước không được quan tâm một cách đúng mức đã tạo ra hàng loạt sự cố gây sụt lún nền đất, chất lượng nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm, dòng chảy vào giếng không ổn định...

Vì vậy việc khai thác nguồn nước theo quy hoạch sẽ góp phần tăng hiệu quả đầu tư, vận hành đồng bộ, ổn định, an toàn, đồng thời sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển lâu dài cho TP Hà Nội.

1. Thực trạng các bãi giếng khai thác

1.1. Vị trí các bãi giếng

Hiện nay, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội đang quản lý 10 bãi giếng lớn xung quanh các Nhà máy nước và dọc theo sông Hồng. Ngoài ra còn có các giếng nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu vực.

Nhiều giếng khoan bố trí sát các công trình xây dựng công cộng hoặc các công trình xây dựng dân dụng, không đảm bảo khoảng cách an toàn và vùng bảo vệ nguồn nước theo quy phạm.

Hầu hết các giếng khoan có nhà trạm xây dựng nổi, gây mất mỹ quan cho khu vực và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của dân cư.

Trong số hơn 130 giếng lớn, nhỏ đang khai thác sử dụng để cung cấp nước cho hệ thống cấp nước phía Nam Hà Nội mà Công ty Kinh doanh nước sạch đang quản lý, có nhiều giếng đã được khoan khai thác từ nhiều năm, có nhiều giếng vừa được đưa vào vận hành, sử dụng. Số lượng giếng hiện có trong mỗi bãi giếng lớn như (bảng 1):

1.2. Công suất khai thác của các bãi giếng

Thành phố Hà Nội nói chung và khu vực phía Nam nói riêng chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, công nghiệp... Việc khai thác tiến hành theo nhiều hình thức khác nhau:

- Khai thác riêng lẻ hộ gia đình có khoảng 50.000 giếng với công suất khai thác khoảng 100.000 m3/ngày đêm.

- Khai thác quy mô nhỏ theo kiểu cấp nước cục bộ: Theo nhu cầu cấp bách của từng cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, viện nghiên cứu, trường học, lực lượng vũ trang tự khoan giếng cấp nước cho nhu cầu của đơn vị mình. Hiện có khoảng 350 giếng khoan với công suất khai thác 17500 m3/ngày đêm.

- Có 7 trạm cấp nước nhỏ tổng công suất là 14500 m3/ngày đêm.

- Khai thác tập trung theo quy mô lớn do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý có tổng công suất 400.000 – 450.000 m3/ngày đêm, (bảng 2):

1.3. Chất lượng nước khai thác

Trong suốt quá trình khai thác vừa qua, chất lượng nước ngầm hầu như không thay đổi và đáp ứng được các tiêu chuẩn nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt của người dân trong khu vực. Nhưng căn cứ vào các kết quả phân tích chất lượng nước thô tại các bãi giếng thuộc các nhà máy trong 5 – 7 năm trở lại đây cho thấy: Đặc điểm đặc trưng nhất của nguồn nước ngầm tại khu vực này có chất lượng không đồng đều.

Chất lượng nước ngầm có xu hướng xấu dần khi đi từ phía Bắc đến phía Nam. Đặc biệt các thành phần (NH+4) và nhiễm bẩn hữu cơ (thể hiện qua các chỉ tiêu phân tích tổng quát độ ôxy hoá KMnO4) có xu hướng cao, có nơi rất cao đến mức báo động như Nhà máy nước Pháp Vân, Nhà máy nước Tương Mai, Nhà máy nước Hạ Đình, có nơi lại thấp như Nhà máy nước Ngọc Hà, Nhà máy nước Mai Dịch, Nhà máy nước Yên Phụ, Nhà máy nước Cáo Đỉnh...

1.4. Sơ đồ bố trí bãi giếng của khu vực

Các giếng khoan nhỏ lẻ nằm rải rác khắp khu vực. Còn các giếng khoan của các nhà máy lớn thường tập trung thành bãi giếng gần nhà máy. Phạm vi phần này chủ yếu đề cập đến các giếng lớn thuộc các bãi giếng của các nhà máy nước khu vực phía Nam Hà Nội, hiện do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý.

                                   Bảng 1: Số lượng giếng trong bãi giếng

STT
Tên bãi giếng
Số giếng
1
Yên Phụ
32
2
Ngô Sĩ Liên
19
3
Ngọc Hà
13
4
Pháp Vân
12
5
Mai Dịch
21
6
Hạ Đình
13
7
Lương Yên
15
8
Tương Mai
13
9
Cáo Đỉnh
19
10
Nam Dư Thượng
18
 
                                Bảng 1-2: Công suất khai thác của các bãi giếng khu bờ Nam Hà Nội
 

                                  STT

Tên bãi giếng
Công suất
(m3/ngđ)
1
Yên Phụ
90.000
2
Ngô Sĩ Liên
45.000
3
Ngọc Hà
45.000
4
Pháp Vân
30.000
5
Mai Dịch
50.000
6
Hạ Đình
25.000
7
Lương Yên
70.000
8
Tương Mai
30.000
9
Cáo Đỉnh
30.000
10
Nam Dư Thượng
30.000
 

- Trong các bãi giếng tập trung này có 5 bãi giếng là bố trí trong khu vực trung tâm với mật độ dân cư đông đúc là bãi giếng Hạ Đình, Ngọc Hà, Ngô Sĩ Liên, Mai Dịch và Tương Mai; các bãi giếng này được bố trí trên một đường tròn với bán kính gần 10km tính từ hồ Thành Công.

- Các bãi giếng còn lại như Cáo Đỉnh, Yên Phụ, Lương Yên, Nam Dư Thượng và Pháp Vân... được bố trí dọc theo bờ Nam sông Hồng, với khoảng cách trung bình từ 5 – 10km.

1.5. Những ảnh hưởng của các giếng khai thác nước ngầm tại khu vực

Với mật độ các giếng ngầm bố trí tương đối dày đặc trong khu vực cùng với các giếng ngầm nhỏ lẻ tự thi công vận hành chưa được kiểm soát chặt chẽ như hiện nay đã làm cho nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng theo xu hướng xấu và bản đồ cấp ngày càng trở nên phức tạp. Việc bố trí các bãi giếng như vậy không chỉ gây ảnh hưởng giữa các giếng trong bãi giếng với nhau mà giữa các bãi giếng với nhau cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Những ảnh hưởng của các bãi giếng bao gồm:

- Về công tác quy hoạch: Các bãi giếng cũ hiện có đang tập trung ở những khu vực dân cư đông đúc, chiến nhiều diện tích, làm mất mỹ quan cho khu vực. Các nhà máy quy hoạch rất khó khăn trong việc tìm ra giải pháp nâng cấp cải tạo quy hoạch không gian cho những khu vực đã xuống cấp này do vướng mắc những bãi giếng hiện có.

- Về công suất khai thác: Mặc dù các bãi giếng bó trí cách nhau tương đối lớn như đã nêu ở trên, nhưng khi các bãi giếng này làm việc đồng thời thì độ hạ thấp mực nước tại tâm các bãi giếng vẫn xảy ra làm giảm công suất khai thác và làm thay đổi nhiều động thái nước ngầm ở mỗi bãi giếng. Mực nước tại các trung tâm các bãi giếng theo kết quả xây dựng mô hình nước dưới đất vùng Hà Nội của Liên đoàn Địa chất thuỷ văn - Địa chất công trình miền Bắc khảo sát dự kiến giảm từ 2 – 3 m trong những năm gần đây, đặc biệt là các bãi giếng khu trung tâm.

- Về chất lượng xử lý nước hiện có: Với việc bố trí các bãi giếng như hiện nay, đặc biệt là các bãi giếng ở khu trung tâm không có khoảng cách ly bảo vệ theo đúng tiêu chuẩn quy phạm về vùng bảo vệ nguồn nước khai thác thì việc nhiễm những nguồn bẩn như đã nêu ở trên là khó tránh khỏi. Từ đó gây ra những biến đổi về thành phần, tính chất của nước thô khai thác.

- Về địa chất công trình: Xuất phát từ việc hạ thấp mực nước ngầm làm cho kết cấu địa chất công trình có nhiều biến đổi, mà trong đó hiện tượng sụt lún nền đất đã được dự báo...

2. Đề xuất giải pháp quy hoạch bãi giếng khai thác trong khu vực

Trong bài viết của mình, tác giả chỉ đề cập đến phương án về quy hoạch các bãi giếng nhằm đảm bảo việc khai thác nước ngầm trong khu vực được ổn định và đạt hiệu quả cao. Phương án quy hoạch được đề xuất theo lộ trình như sau:

2.1- Giai đoạn 2010 – 2020: Lấp bỏ toàn bộ các giếng khai thác của các đơn vị riêng lẻ, các giếng hộ gia đình có trong khu vực, vẫn giữ các bãi giếng tập trung hiện có, nhưng giảm công suất khai thác tại các bãi giếng ở vùng trung tâm phễu hạ thấp bằng cách bỏ các giếng đã và đang bị suy thoái, các giếng xây dựng lâu năm, các giếng làm việc không còn hiệu quả với đề nghị giảm như sau:

+ Bái giếng Mai Dịch giảm công suất xuống còn 30.000 m3/ngđ

+ Bãi giếng Ngọc Hà giảm công suất xuống còn 20.000 m3/ngđ

+ Bãi giếng Ngô Sĩ Liên giảm công suất xuống còn 20.000 m3/ngđ

+ Bãi giếng Hạ Đình giảm công suất xuống còn 20.000 m3/ngđ

Đồng thời xây dựng thêm các bãi giếng ở Chèm, phía Bắc khu vực dọc theo sông Hồng (là nguồn bổ cập chính) để bổ sung lượng nước thiếu hụt.

2.2- Giai đoạn 2020 – 2030: Lấp bỏ hoàn toàn các bãi giếng Hạ Đình, Tương Mai, Ngô Sĩ Liên do các bãi giếng này nằm ở tâm phễu hạ thấp mực nước khu vực. Đồng thời xây dựng thêm bãi giếng ở Thượng Cát.

Với giải pháp trên sẽ dần loại bỏ được nguy cơ hạ thấp mực nước ngầm ở khu vực trung tâm trong thời gian tiếp theo, giảm hiện tượng sụt lún nền đất và sự phá huỷ các công trình xây dựng trong khu vực.

Việc khai thác nước ngầm được ổn định, lâu dài với chất lượng nước khai thác tốt nhất do các bãi giếng quy hoạch hầu hết là tiếp giáp với nguồn bổ cập là sông Hồng về phía Bắc là nơi chất lượng nước ngầm rất tốt, trữ lượng phong phú. Các nhà máy và bãi giếng ở khu trung tâm được phá bỏ sẽ trả lại không gian cho địa phương. Có thể sử dụng cán bộ, công nhân viên tại các Nhà máy cũ để làm việc trong các nhà máy mới nên giảm được chi phí đào tạo và trả lương cho cán bộ sau này. Các bãi giếng và Nhà máy xây dựng mới sẽ rút ra được các bài học trước đây nên khả năng hoàn thiện, đồng bộ sẽ cao đáp ứng được sự phát triển lâu dài cho khu vực nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Ÿ

3. Kết luận và kiến nghị
Kết luận

a- Sự phát triển của Hà Nội nói chung và của khu vực nghiên cứu nói riêng trong những năm qua đã tạo ra “sức ép” khá căng thẳng về nhiều mặt, đang là nguy cơ dẫn đến sự phát triển không bền vững và sự suy giảm chất lượng của môi trường sống. Cơ sở kết cấu hạ tầng đô thị đã có bước phát triển với nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, điện, viễn thông,... và có những tác động tích cực đến tăng cường sức mạnh và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nói chung, nhưng so với nhu cầu thực tế cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó hệ thống cấp nước, phát triển còn chậm và thiếu sự đồng bộ cùng với sự phát triển về qui mô đô thị, làm mất cân đối trầm trọng giữa cung và cầu và đặc biệt là phát triển thiếu định hướng dài hạn.

b- Những năm qua để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, hệ thống cấp nước trong khu vực đã được Nhà nước và Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư, xây dựng. Trong đó đáng kể nhất là Nhà máy nước Cáo Đỉnh đưa vào sử dụng năm 2001, Nhà máy nước Nam Dư Thượng đưa vào sử dụng năm 2003 và mới đây nhất là dự án cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà do Tổng công ty VINACONEX làm chủ đầu tư đang xây dựng và dự kiến cấp nước cho khu vực vào năm 2010.

c- Việc khai thác nước ngầm một cách bừa bãi, thiếu sự quản lý, giám sát của các giếng khoan riêng lẻ đã gây nên biến động nguồn nước ngầm. Trữ lượng bị suy giảm, chất lượng ngày càng bị ô nhiễm các chất độc hại.

d- Các bãi giếng tập trung quy hoạch chưa thực sự hợp lý làm ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch không gian và hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đồng thời ngày càng ảnh hưởng xấu đến chất lượng và trữ lượng nước ngầm trong khu vực.

e- Công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng mới, cải tạo các bãi giếng khai thác nước ngầm còn gặp nhiều khó khăn thách thức.

g- Trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống cấp nước khu vực và đặc biệt là thực trạng các bãi giếng tập trung kết hợp với nghiên cứu lý luận đã đề xuất các giải pháp quy hoạch các bãi giếng phù hợp với điều kiện khu vực và hạn chế những ảnh hưởng do việc khai thác nước ngầm gây ra đối với các hoạt động khác của khu vực phía Nam Hà Nội nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Ÿ Kiến nghị

a- Trong vấn đề quy hoạch bãi giếng cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của ngành quy hoạch, nhằm đáp ứng các yêu cầu cơ bản của ngành cấp nước trong kế hoạch phát triển dài hạn của thành phố.

b- Phải có những nghiên cứu nhằm thiết lập được các vùng cách ly, bảo vệ nguồn nước, đồng thời có quy hoạch nguồn nước xung quanh phục vụ cho việc bổ sung, thay thế dần nguồn nước ngầm.

c- Cần phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước hợp lý. Có những chế tài xử lý thích đáng đối với cá nhân, tập thể cố tình vi phạm.

d- Để thực hiện được lộ trình đặt ra, cần phải có bước điều chỉnh, và sửa đổi các văn bản pháp quy cũng như các tiêu chuẩn quy phạm cho phù hợp.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 2/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)