Diện mạo nào của nông nghiệp nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Thứ năm, 05/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Viễn cảnh Nông nghiệp nông thôn Việt Nam phát triển theo xu thế hội nhập quốc tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là con đường tất yếu, mang tầm chiến lược quốc gia.
Nông thôn Việt Nam nói chung từ đồng bằng các châu thổ đến vùng sâu vùng xa.... Trong bài này có một số ý kiến về con đường xây dựng phát triển nông nghiệp nông thôn ở đồng bằng sông Hồng.

Diện tích cả nước Việt Nam khoảng 330.900 km2 thì đồng bằng nông thôn khoảng 110.300 km2 (gồm châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và duyên hải miền Trung)

Theo danh mục 54 dân tộc (công bố tháng 3-1979) dân tộc Kinh khoảng 85%, đại bộ phận sống vùng đồng bằng, trồng lúa nước là chủ yếu.

Đồng bằng sông Hồng có diện tích 12.404 km2, mật độ dân số cao, khoảng 1200 người/km2, có tốc độ đô thị hoá khá nhanh, (số liệu thống kê 1979)...

Nhìn toàn cảnh người ta thấy tốc độ phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhanh chóng mặt.... Hình ảnh ấy có vẻ như một tín hiệu đáng mừng. Rằng xu thế đổi mới hội nhập kinh tế xã hội đất nước đang trên đà phát triển... Đời sống nông dân “đã có của ăn của để”. Song nhìn kỹ và thấu đáo, thấy có nhiều vấn đề phải suy nghĩ, có thể như một đẳng thức toán khó giải.

II. Hiện thực gây bức xúc cho quy hoạch kiến trúc.

Nhìn toàn cảnh không gian đất nước, vùng châu thổ sông Hồng đang đô thị hoá với tốc độ khá nhanh, nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong phát triển:

Ÿ Người nông dân vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ, manh mún, thích tự do, chưa có thói quen sản xuất làm ăn theo tổ chức khoa học kỹ thuật, tính tự phát cao “mạnh ai nấy làm”.

Ÿ Sự gia tăng nhân khẩu gia đình nông hộ: đất không sinh sôi mà người thì cứ gia tăng, khuôn viên truyền thống gia đình “nhà, hiên, sân, vườn, ao” không tồn tại. Đô thị hoá tràn tới xóm làng. Người nông dân quen với lối sống tự do, tính tự phát luôn thường trực, bắt chước nhau san vườn lấp ao, xoá bỏ hình ảnh “cây xanh mái ngói đỏ”. Thay vào đó là nhà tầng mái bằng – chẳng khác mấy như những lò sấy thuốc lào, thuốc lá... Làng quê nào cũng phải lấy ruộng để làm đất dãn dân. Luỹ tre bò lấn ruộng, những cánh đồng xưa “thẳng cánh cò bay” nay hẹp lại loang lổ như da báo, từ xóm tới xóm chỉ còn cách vài bờ ruộng; từ làng sang làng chỉ còn trên dưới 1km.

Ÿ Chính phủ phân cấp quyền quản lý... cho địa phương; những “bờ xôi ruộng mật”, những vùng đất có “cấu tượng” hình thành bởi chuyển đổi vi sinh vật, hoàn thiện cân bằng sinh thái từ hàng ngàn, hàng vạn năm mới có được; lại nằm gần đường giao thông... Nay các nhà quản lý có “quyền lực” ở địa phương: hoặc bán, hoặc... liên doanh liên kết với các nhà đầu tư: xây nhà máy, khu công nghiệp hoặc sân golf v.v... rất tuỳ tiện.

Ÿ Thật giật mình, nước Việt Nam nhỏ bé thế mà cần tới trên 140 sân golf. Ở 39 tỉnh chiếm tới khoảng 50.000 ha đất – Trong đó khoảng gần 3000 ha đất trồng lúa: Nếu trong 16 năm Chính phủ cấp phép cho 34 dự án sân golf thì quyền phân cấp của địa phương chỉ trong 2 năm (tháng 7/2006 – 5/2008) các địa phương cấp phép cho 104 dự án sân golf...

Đất đai là tài sản quốc gia, Chính phủ mới có quyền cao nhất giao đất, giao ruộng, giao vườn đồi cho nông dân... có nghĩa 75 triệu nông dân với 75 mảnh ruộng, vườn nhỏ. (?) Như vậy công cuộc hội nhập phát triển nông nghiệp nông thôn theo xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ thế nào đây?

Ÿ Bỏ bờ vùng bờ thửa, bỏ cách khoán 10 theo hợp tác xã, nông dân sản xuất theo “cá lẻ” ...? Rồi phong trào dồn điền đổi thửa nảy sinh... cho dù có dồn đồi được cho nhau, nông hộ lớn nhất cũng chỉ đạt một mẫu ruộng (tương đương 3600m2). Rồi còn có phong trào “chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi” v.v... cánh đồng mọc thêm vườn cây ao cá. Với diện tích manh mún đó làm sao nông dân trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn. (?) Vấn đề xử lý môi trường (?)

Ÿ Các làng nghề cũng chẳng hơn gì, sản xuất nhỏ lẻ rời rạc, công cụ, phương thức sản xuất còn thô sơ. Nhà xưởng nhỏ bé phân tán, không quy hoạch, không có hệ thống cấp thoát nước đúng cách, không xử lý phế thải, ô nhiễm môi trường nặng nề ...

Ÿ Với thực trạng nông thôn kể trên... Con đường nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo xu thế hội nhập quốc tế; công nghiệp hoá hiện đại hoá sẽ còn nhiều khó khăn gian khổ, con đường tiến lên còn dài, nhiều gian nan, vất vả...

III. Cảm nhận của giới kiến trúc sư chúng ta

Ÿ Nét đẹp truyền thống văn hoá các làng quê Việt Nam (cảnh và người) luôn luôn vẫn đậm nét trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Ÿ Song nhìn vào làng quê đồng bằng sông Hồng hiện nay chúng ta vừa thấy tiếc và buồn vì sự mất đi những nét đẹp bình dị đến mê hồn đã có lâu đời. Lại cũng thấy khó chịu và hối tiếc về những xóm làng “mới” lổn nhổn đến hoang dã: phi quy hoạch, phi kiến trúc... Cái ngớ ngẩn đã và đang diễn ra ở nông thôn.

Những ngõ xóm nhỏ, hẹp và không đủ độ rộng để tránh nhau vào làng như đi giữa trận đồ “bát quái”, mái ngang, mái dọc, mái bằng, mái nhọn lộn xộn giống như cái nghĩa trang khổng lồ – Thể hiện rõ sự tự do vô tổ chức...

Ÿ Người kiến trúc sư luôn sẵn có “máu nghề nghiệp” luôn có hoài bão xả thân cho sự nghiệp... luôn suy tư đầy trách nhiệm muốn làm gì đó để đóng góp vào xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Mong muốn nông thôn Việt Nam phát triển nhanh theo các nước công nghiệp tiên tiến.

Song phải chăng ở giới chúng ta “lực bất tòng tâm” (?) phải chăng do “cơ chế quản lý” phải chăng chúng ta thiếu “tổ chức” (?)vv... Những “lý” trên lúc nào đó, chỗ nào đó... có thể đúng một phần.

Ÿ Dù thế nào cũng không thể chấp nhận được việc còn để trắng trí tuệ Quy hoạch, kiến trúc và xây dựng trong không gian rộng lớn nông thôn (chiếm khoảng 70% diện tích đất nước)

Ÿ Sự ham muốn đổi đời trong người nông dân bao giờ cũng có và lớn lao. Song người nông dân vẫn còn thấp về dân trí, không nghĩ ra được. Để rồi và tự đòi hỏi cuộc sống và lao động cần phải có tổ chức, có quy hoạch, có kiến trúc... Sự thông thạo về tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật... rồi mới bắt tay vào xây dựng xóm làng, làm ăn theo quy trình khoa học tiên tiến, xây nhà theo khuôn mẫu khoa học mỹ thuật vv....

Dù kiến trúc sư chúng ta sẵn có nhiệt tình, hăng hái, sẵn sàng xung phong đem hiểu biết đóng góp cho quê hương... Song vẫn không làm được gì hơn bởi cơ chế quản lý đất đai ràng buộc! nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác, ấy là chưa nói đến cần phải có nguồn đầu tư (!)

Ÿ Điều tiên quyết mà chúng ta thường hay nói đến: luật pháp, chủ trương chiến lược chính sách vĩ mô (?) phương thức quản lý vi mô (!) phải thế nào. Rồi quy trình quy phạm khoa học kỹ thuật, quy hoạch kiến trúc xây dựng, giao thông thuỷ lợi ra sao...vv... Chiến lược phát triển về lĩnh vực này cần hoàn chỉnh, đầy đủ dài hơi và đồng bộ.

Ÿ Những người làm nghề và tổ chức hội nghề nghiệp của chúng ta cần có đề xuất: với nhà nước tiếp cận với nông nghiệp, đến với nông dân nông thôn ở các vùng miền đất nước cùng với nông dân và địa phương phát hiện những thực tế bất hợp lý, những nhu cầu cần thay đổi, đổi mới, cải tạo phù hợp với xu thế của thời đại.

Đồng thời kiến trúc sư chúng ta cũng phải tự trang bị trí thức cho mình thế nào để góp sức vào sự nghiệp lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.

Ÿ Bằng trí tuệ nghề nghiệp quy hoạch, kiến trúc. Chúng ta có thể và đủ khả năng đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới.

IV. Đôi điều kết luận

Ÿ Phát triển nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam theo xu thế công nghiệp hoá hiện đại hoá hội nhập quốc tế là con đường duy nhất cần phải đi.

Ÿ Hơn bao giờ hết, KTS chúng ta với trách nhiệm nghề nghiệp cao, nhiệt tình, mạnh dạn, sáng tạo đề xuất để góp sức vào sự nghiệp mà Đảng Cộng Sản Việt Nam phát động, lãnh đạo.

Ÿ Chúng ta không thể chờ đợi cần có trước sự đòi hỏi, mời chào của người nông dân; mà chính chúng ta phải chủ động tìm đến và đề nghị người nông dân chấp nhận cách làm khoa học,đổi mới và hội nhập.

Ÿ Kiến trúc sư chúng ta có hội nghề nghiệp; Trung ương hội KTS Việt Nam cần có tiếng nói chuyên môn mạnh mẽ của mình. Mạnh dạn đề xuất với Nhà nước và nghiêm túc tổ chức lực lượng thực hiện công việc chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hiện đại hoá.../.

Nguồn: Tham luận của TS. KTS. Ngọc Trúc, KTS. Vũ Bình – Cty Kiến trúc Việt Nam tại Hội thảo "Kiến trúc nông thôn thời kỳ đổi mới", tháng 12/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)