Kiến trúc, chất liệu và thẩm mỹ

Thứ năm, 12/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Vai trò của vật liệu xây dựng và kiến trúc sưTheo chiều dài của lịch sử phát triển kiến trúc, con người đã không ngừng phát minh ra những loại vật liệu mới, với nhiều ưu thế tiến bộ, nhằm thoả mãn vượt bậc khả năng tạo dựng môi trường không gian kiến trúc. Ngày nay, cùng với những vật liệu mới là những phát minh về kỹ thuật xây dựng, đã được phổ biến nhanh, rộng khắp trên mọi nơi của hành tinh chúng ta. Chính những phát minh này đã là động lực chắp cánh cho các công trình kiến trúc mỗi ngày một đẹp hơn, hùng vĩ hơn. Cũng chính vì thế, vật liệu và kiến trúc luôn là bức tranh phản ánh thời đại. Tuy nhiên, việc sử dụng được các vật liệu này có kết quả, tạo nên được những tác phẩm kiến trúc, chinh phục được lòng người cũng không phải là chuyện dễ.

Nói tới vật liệu xây dựng kiến trúc, người ta thường xét tới hai vai trò chủ yếu: đó là vật liệu dùng để tạo dựng không gian kiến trúc và vật liệu dùng để trang trí bề mặt kiến trúc. Trong hai vai trò này, điều thông thường mà người ta dễ thấy, dễ cảm nhận được là vật liệu trên bề mặt công trình kiến trúc. Cũng chính vì ở bề mặt nên nó đã cho người ta cảm thụ được nhanh nhất ở mọi cự ly, khoảng cách, cùng với tư duy thẩm mỹ về nó. Mỗi loại vật liệu là một chất cảm, được xem là chất liệu, là phương tiện biểu đạt ý đồ nghệ thuật của tác phẩm kiến trúc. Đây là câu chuyện đòi hỏi rất nhiều sự sáng suốt của nhà chuyên môn.

Thật mênh mông khi nói tới chất liệu bề mặt của công trình kiến trúc. Có rất nhiều kiểu cách khác nhau mà tác giả của công trình kiến trúc đã cho chúng ta cảm nhận được, từ chất cảm của vật liệu đã tạo nên cái riêng của công trình kiến trúc đó. Một trong những thành công của đồ án kiến trúc, chính là sự lựa chọn tài tình của kiến trúc sư về chất liệu của công trình. Thật không dễ dàng khi quyết định tạo cho công trình của mình một “cái áo”, “cái áo” thế nào? Rực rỡ, lộng lẫy hay êm ấm, mộc mạc... để từ đó có thể làm xiêu được lòng người. Không ít trường hợp, kiến trúc sư đã thất bại hoàn toàn chỉ vì quyết định sai lầm về “cái áo”.

Có những kiến trúc sư rất khéo léo trong sự phối kết các chất liệu, tạo nên sự sinh động hấp dẫn cho công trình của mình. Cũng có những người cả đời sáng tác, chỉ sử dụng một loại chất liệu chủ yếu nào đó, và điều này cũng làm nên sự nghiệp vẻ vang của một đời kiến trúc sư. Thực tế, nhiều kiến trúc sư bậc thầy, đã tạo dựng được phong cách riêng, nhờ vào ưu thế biểu hiện của vật liệu kiến trúc qua tác phẩm của họ.

2. Chất liệu và cái đẹp trong lòng người

Kiến trúc của thời đại nào, có cái riêng của thời đó. Sự khác biệt không chỉ vì đời sống xã hội có nhu cầu khác nhau, mà ngay cả vật liệu tạo dựng nên nó ngày nay cũng đã khác xưa rất nhiều. Con người, sau những gì đã tàn phá chính môi trường sống của mình, trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với thiên nhiên và có khả năng tái chế, đã là xu hướng chung của các quốc gia. Trong bối cảnh này, khoa học vật liệu đã nảy sinh rất nhiều phát minh. Cũng chính vì thế, kiến trúc đã luôn cho chúng ta những cảm xúc và nhận thức mới. Có những loại vật liệu, chỉ tự thân nó đã toát lên một vẻ đẹp hấp dẫn đặc biệt, và không phải ít, có rất nhiều sự hấp dẫn khác nhau. Song chính cái đa dạng này của vật liệu xây dựng đôi khi đã là bi kịch của cảnh quan kiến trúc vì không dễ khi sử dụng vật liệu và sự cần có trình độ chuyên môn để phối kết giữa chúng. Không phải lúc nào sự giàu có của chất liệu cũng là cần thiết để làm nên giá trị của kiến trúc. Trong rất nhiều lý luận về cái đẹp, không có chung một nguyên tắc. Song cái chung về tính giới hạn thì bao giờ cũng có. Bởi cái đẹp trong lòng người luôn là sự đòi hỏi rất khắt khe. Đặc biệt đối với kiến trúc, cảm nhận cái đẹp về nó cũng rất khác thường. Khi kiến trúc đứng một mình và khi chúng nằm trong một tuyến phố, sẽ là những yêu cầu rất khác nhau mới có thể đẹp được.

Đã có bao nhiêu công trình, mà cái đẹp của nó cứ trường tồn mãi theo thời gian. Vật liệu và màu sắc của chúng chỉ là sự thô mộc của tự nhiên. Đó là cái đẹp của làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), với chất liệu đá ong, với đường nét xây cất vụng về... mà sao yêu nó đến thế ! Phố cổ Hội An được cả du khách thế giới ngỡ ngàng chiêm ngưỡng. Cái đẹp ở đây không có biểu hiện gì cho sự giàu có về vật liệu, càng không phải là những phát minh kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Và cố gắng gạt đi cái giá trị lịch sử rất riêng của nó, chỉ để tận hưởng cái đẹp thuần tuý của nó mà thôi, cũng đã đủ để thấy được Hội An đẹp đến nhường nào. Chính là ở đây, người ta thấy được cái đẹp mộc mạc chân chất, cái đẹp đồng nhất, đượm tình của một thời dấu ấn con người. Cái đẹp có được trong lòng người là ở đó.

Hà Nội một thời nghèo khó, vật liệu xây dựng giản đơn. Hầu hết kiến trúc hoàn thiện mặt ngoài bằng vữa tam hợp, sau đó người ta quét bên ngoài nó bằng nước vôi có màu vàng. Ấy thế mà đã tạo nên được một ấn tượng riêng về kiến trúc Hà Nội – người ta gọi chung là “màu vàng Hà Nội”. Cái màu đồng nhất này đã trở nên da diết, khắc sâu bao kỷ niệm của lòng người.

Xa hơn về những vùng quê, đâu đó xóm núi, với những ngôi nhà, mà hầu hết các bức tường của nó, đều được tạo nên bằng những viên đá, viên cuội. Ngoằn nghèo ngõ xóm, nhấp nhô đan xen với những lùm cây... chắc rằng sẽ không thể nào chấp nhận được, một ngôi nhà ngất nghểu, với hình lan can con tiện, màu sắc bóng bảy mua ở thành phố về! Ông chủ của nó chắc rằng sẽ rất tự hào về sự “sành điệu” của mình, song có biết đâu, nơi đây đã mất đi một phần cái đẹp không dễ có được của làng xóm bao đời.

Người viết bài này không thuộc tuýp người hoài cổ, song phải thừa nhận rằng, cái chân chất, cái tự thân bao giờ cũng là đại biểu của cái đẹp bền vững. Dường như kiến trúc là loại hình nghệ thuật không có cái đẹp riêng mà chỉ có cái đẹp chung. Chủ nhân của công trình kiến trúc, thường mắc một căn bệnh, thích người ta ngắm công trình của mình thật đẹp, song có biết đâu, người ta chỉ thích ngắm nhìn khung cảnh đẹp, trong đó có công trình kiến trúc mà thôi!

3. Sự thật nghiệt ngã của cái đẹp vội vàng thời nay

Trong sự giàu có, dư thừa về chất liệu, sẽ là thế mạnh về chất liệu cuộc sống của Nhà văn, chất liệu tạo hình của Hoạ sĩ và chất liệu âm thanh của Nhạc sĩ. Kiến trúc sư cũng vậy, sẵn có cả một thị trường đa dạng vật liệu, đó là nguồn chất liệu dồi dào sẵn sàng cho việc tạo dựng tác phẩm của mình. Cái thuận lợi của người làm kiến trúc ngày nay là vậy.

Song một sự thật nghiệt ngã đến đau lòng. Hình ảnh kiến trúc trên khắp các đường phố của chúng ta, từ thành thị đến nông thôn, đều có chung một điều rất dễ nhận thấy ở vật liệu trang trí bề mặt kiến trúc. Đâu đâu cũng là sự hồ hởi, tưng bừng, đua chen những khác biệt giữa những ngôi nhà với nhau. Tất cả đều có chung hình ảnh màu sắc ồn ào, rối loạn. Cái trật tự, giản dị của một thời ấn tượng đã không còn nữa. Thực tế, nếu muốn hấp dẫn chào mời thì cũng chỉ nên có ở những khu phố chợ, song thực chất là tất cả, ở đâu cũng vậy. Kiến trúc trên khắp các trục tuyến đường quốc lộ, trên các nẻo đường liên thông huyện xã vào đến xóm làng. Từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, kể cả những địa chỉ vững bền, như trong cố đô thành Huế, như đặc khu Đà Lạt, Sa Pa... tất cả đều có chung loại sơn, màu sơn, kính nhôm như nhau, tất cả đều là tấm ốp kim loại, lan can Inox, gạch đá ốp lát đủ kiểu giống nhau.

Mất hết rồi! Làm gì còn có cái khác biệt của vùng này miền kia. Đó là nghịch lý, trong cài giàu có dư thừa sang trọng là sự tàn phá thẩm mỹ. Có thể nói sự xâm nhập đến bùng nổ của thị trường vật liệu, đã xoá nhoà thị hiếu riêng của từng nơi chốn, san bằng niềm tự hào về vẻ đẹp khác thường đâu đó. Tiếp tục có thể nói, hình ảnh kiến trúc Phố ở ta giống như hình mẫu phơi bày của một cuộc đại thử nghiệm và quảng cáo các loại vật liệu ngoại nhập.

Dù thế nào thì cũng phải thừa nhận rằng, trong một khoảng thời gian rất ngắn, bộ mặt kiến trúc trên các đường phố ở ta đã tiếp nhận các loại vật liệu mới với tất cả sự hồ hởi khát khao sau một quá trình dài nghèo thiếu. Tuy nhiên, qua đó cũng không thể giấu nổi hình ảnh kiến trúc của một giai đoạn tiếp nhận vội vàng, còn rất thiếu tự tin về sự chọn lựa chất liệu.

Trong một chuyến công tác gần đây tại Pháp. Tôi có dịp đến vùng Normandie – ở gần Junhac, nơi có nhà máy sản xuất tấm lợp sinh thái của hãng Onduline - đây là mộtk loại vật liệu khá tốt. Do có dịp – ở đây nhiều ngày đi lại, bất chợt tôi nhận thấy cả một vùng rộng lớn không có ngôi nhà nào sử dụng tấm lợp này. Mà hầu như các ngôi nhà mới cũng chỉ sử dụng những loại vật liệu có tính kế thừa những vật liệu truyền thống ở nơi đây. Kể cả nhà dân mới xây dựng, lựa chọn vật liệu cũng rất thận trọng, tinh tế. Đặc biệt rất ít có sự đối chọi về màu sắc. Hầu hết chất liệu bề mặt luôn cho ta cảm giác có từ tự nhiên, ngay cả những khu thương mại thường xuyên đông người. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp êm đềm, hiền hoà sống giữa thiên nhiên.

Trở lại với sự thật nghiệt ngã trong các đô thị ở ta. Cũng phải thấy rằng, một bầu không khí hết sức dân chủ trong biểu hiện kiến trúc, mạnh ai người ấy làm cho thoả mãn ngôi nhà của mình, đó là cái tốt trong nhu cầu muốn làm đẹp. Song, kiến trúc là loại hình nghệ thuật hoạch định không gian, không dễ dàng chấp nhận sự cảm hứng dễ dãi. Đặc biệt đối với những khoảng không gian lớn như khu nhà, tuyến đường... đòi hỏi phải có tính phối kết tổng thể. Trong đó việc sử dụng màu sắc, vật liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ của cảnh quan chung.

Hiện tại, các nhà quản lý Quy hoạch địa phương, còn mải mê quản lý về chiều cao, về mật độ xây dựng. Quản lý và hướng dẫn về chất liệu màu sắc còn ít được quan tâm.

Điều quan trọng là, khi đã có ý thức làm đẹp, nếu chỉ bằng những vật liệu, với chất liệu ngoại nhập thì cũng vẫn chưa thể nói lên điều gì cho xứ sở của mình. Vật liệu bao bọc công trình, đâu có phải chỉ là che chắn, nó còn là chân dung của người mình, còn là món ăn địa phương không quên của du khách.

Tôi bao giờ cũng chỉ mong, một ngày nào đó đi trên các hè phố, mà dưới chân mình toàn là những viên gạch toát lên cái hồn quê hương mình, điều này đâu có khó, mà sao xa thế!

 

Nguồn: TC Xây dựng số 2/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)