Những thay đổi cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn, mô hình quy hoạch nông thôn mới vùng đồng bằng theo chiến lược công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn

Thứ ba, 24/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới  của Đảng và Chính phủ, nền kinh tế – xã hội nước ta đã có những biến đổi sâu sắc, đang bước vào thời kỳ CNH – HĐH đất nước. Trong những năm qua các vùng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Kinh tế nông thôn từ nền sản xuất tự cung, tự cấp, khép kín trong luỹ tre làng chuyển sang nền sản xuất hàng hoá với sự tham gia tích cực của khoa học kỹ thuật hiện đại.

Quá trình CNH – HĐH nông nghiệp và nông thôn đã và đang tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề và tạo nên sự chuyển biến về kinh tế – xã hội, đồng thời có tác động sâu sắc đến cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn, đến lối sống của người dân nông thôn.

I. Những yếu tố chủ yếu tác động đến cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn

1- Cơ cấu kinh tế và nền sản xuất ở nông thôn

Trong thời kỳ CNH – HĐH nông nghiệp và nông thôn đã có sự thay đổi cơ bản về nền sản xuất và cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Hộ nông dân có tư liệu sản xuất là chủ thể sản xuất, từ sản xuất tự cấp, tự túc chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường, mở rộng hợp tác và hội nhập.

Nền sản xuất đa dạng, các ngành chế biến nông sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ được phát triển trên địa bàn nông thôn. Sản xuất nông nghiệp được cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá, áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Cấu trúc kinh tế mở, sản xuất tiếp cận với thị trường. Kết quả là sản xuất có năng suất cao, thu nhập tăng lên; cơ cấu lao động và ngành nghề cũng thay đổi cho phù hợp với cơ cấu kinh tế.

2- Tác động của đô thị hoá

Quá trình CNH – HĐH đất nước sẽ đồng hành với quá trình đô thị hoá, đó là quá trình phân bố lại sản xuất, phân bố lại lao động và dân cư, nâng cao kỹ năng người lao động. Đó cũng là quá trình tích tụ vốn liếng để phát triển các ngành kinh tế. Mối giao lưu giữa đô thị và nông thôn được mở rộng như giao lưu giữa các đối tác làm ăn, giao lưu giữa các đồng nghiệp và giao lưu về sinh hoạt, đời sống.

3- Các yếu tố mới xuất hiện trong cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn mới

Về sản xuất: xuất hiện các mô hình trang trại sản xuất hàng hoá; các ngành chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp được phát triển, các ngành du lịch, dịch vụ cũng được phát triển.

Về sinh hoạt cộng đồng: các hoạt động văn hoá, thể thao, dịch vụ tài chính, ngân hàng đang được phát triển nhằm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt và yêu cầu sản xuất ở nông thôn. Hệ thống giáo dục như trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề được phát triển mạnh mẽ nhằm đào tạo kỹ năng sản xuất cho người lao động.

4- Các biến đổi về không gian của các điểm dân cư nông thôn

- Không gian hoạt động kinh tế: ngoài không gian sản xuất nông nghiệp còn có không gian sản xuất công nghiệp, TTCN ở ngoài khu dân cư.

- Không gian ở: phát triển theo chiều đứng thích ứng với vùng có mật độ dân số cao, vật liệu và kỹ thuật xây dựng đảm bảo cho xây dựng nhà 2-3 tầng.

- Không gian hoạt động cộng đồng đa dạng và phong phú hơn.

5- Tác động của sự phát triển cơ sở hạ tầng đến cấu trúc cộng đồng dân cư

Ở các vùng nông thôn cơ sở hạ tầng được quy hoạch và xây dựng ngày càng hoàn thiện như mạng lưới giao thông đường bộ, hệ thống cấp điện đã phủ khắp nơi, hệ thống cấp nước tập trung đang được xây dựng ở nhiều xã và liên xã vùng Đồng bằng sông Hồng... có tác dụng thu hút dân cư vào các điểm dân cư có quy mô lớn hơn.

6- Điều kiện tự nhiên, địa hình và hiện trạng cấu trúc cộng đồng dân cư hiện nay có tác động đến cộng đồng dân cư mới: Các làng xã đã hình thành đều chịu tác động của điều kiện tự nhiên như mạng lưới kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long, chịu tác động của địa hình thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt, điển hình là vùng ngập lũ ĐBSCL, vùng chiêm trũng của vùng ĐBSH.

Trên đây là 6 yếu tố quan trọng có tác động đến cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn mới. Trong quá trình CNH – HĐH nông nghiệp và nông thôn các yếu tố trên đều phát triển và tác động tương hỗ lẫn nhau tạo các tiền đề cho sự hình thành và phát triển cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn mới.

II. Mô hình cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn mới vùng đồng bằng trong thời kỳ CNH – HĐH nông nghiệp và nông thôn

1- Những biến đổi về không gian cấu trúc các điểm dân cư nông thôn: Không gian của cấu trúc dân cư nông thôn bao gồm không gian hoạt động kinh tế, không gian ở và không gian hoạt động công cộng. Cùng với những nét đặc trưng trong hoạt động kinh tế, lối sống gia đình và cộng đồng đã hình thành các không gian truyền thống về sản xuất, về ở và hoạt động công cộng tạo nên vẻ đẹp và đặc sắc của từng địa phương.

Dưới tác động của CNH – HĐH nông nghiệp và nông thôn, 3 không gian trên không ngừng biến đổi và phát triển, sẽ làm thay đổi cấu trúc truyền thống, tạo ra các không gian mang dấu ấn của nông thôn thời kỳ phát triển và hội nhập có sự kế thừa các cấu trúc không gian truyền thống.

i) Không gian hoạt động kinh tế: Không gian hoạt động kinh tế có những biến đổi cơ bản:

- Sản xuất nông nghiệp, ruộng đất được chia cho các hộ nông dân thành các mảnh nhỏ, manh mún, hiện đang có xu hướng dồn điền đổi thửa để mỗi hộ có một thửa đất có diện tích lớn hơn. Chăn nuôi phân tán ở khuôn viên gia đình phát triển thành chăn nuôi trang trại – công nghiệp phải tách thành khu vực chăn nuôi ngoài khuôn viên của hộ.

- Các ngành sản xuất phi nông nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm được phát triển bao gồm xay xát gạo, sơ chế thuỷ sản, gia công lạc, hạt điều...

- Các ngành dịch vụ sản xuất như dịch vụ cung cấp giống cây trồng, bảo vệ cây trồng, cung cấp con giống, cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, dịch vụ về thông tin, thị trường cũng phát triển, các dịch vụ nêu trên tăng lên vượt bậc phục vụ cho sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường.

ii) Không gian ở có những biến đổi cơ bản:

- Tại các địa phương có diện tích khuôn viên lớn (>500 m2/hộ) còn giữ được mô hình VAC hoặc RVAC vừa có chức năng sản xuất gia đình trồng rau, nuôi cá, nuôi gia súc, gia cầm vừa có chức năng ở. Sự biến đổi của không gian ở không thật rõ rệt.

- Tại các địa phương có mật độ dân số cao như vùng ĐBSH, mỗi hộ có diện tích thổ cư nhỏ (200 m2/hộ) thì chức năng của khuôn viên ở chỉ đơn thuần là để ở và sinh hoạt gia đình (căn nhà ở, sân phơi lúa, phơi rơm rạ và cũng để phục vụ lễ cưới hỏi, đám ma). Khu chăn nuôi công nghiệp, khu sản xuất TTCN phải tách khỏi nơi ở. Nhà ở phát triển theo chiều đứng, nhằm tiết kiệm đất đai và tạo không gian ở 2-3 tầng mát mẻ hơn, vì vật liệu xây dựng và thợ xây dựng lành nghề dễ dàng được cung cấp cho các vùng nông thôn này.

- Không gian hoạt động công cộng: ở nông thôn hiện nay, ngoài các hoạt động công cộng truyền thống không ngừng được nâng cao, còn xuất hiện nhiều hoạt động công cộng mới:

+ Hoạt động văn hoá, thể thao phát triển ở mức cao hơn: Nhà văn hoá, sân bãi thể thao được nâng cấp hoặc xây dựng mới phục vụ cho các hoạt động văn hoá, rèn luyện sức khoẻ của thanh, thiếu niên và người cao tuổi.

+ Các hoạt động lễ hội của làng xã phát triển rất phong phú. Đình làng, chùa, đền, miếu là không gian hoạt động tín ngưỡng và văn hoá đã được giữ gìn và phát huy phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, nhất là các cụ phụ lão.

+ Hoạt động tâm linh đang được phát triển: khu nghĩa linh, Từ đường của các họ tộc được xây cất khang trang bằng tiền đóng góp của họ tộc kể cả tiền cúng tiến của người xa quê.

+ Hoạt động giáo dục, y tế được phát triển: ngoài hệ thống trường phổ thông, còn có trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường, lớp dạy nghề. Các trạm y tế xã đã phát triển, có xã có đến 3 - 4 bác sỹ, y sỹ. Ở trung tâm cụm xã có phòng khám đa khoa.

+ Các hoạt động dịch vụ được phát triển mạnh, rất phong phú như dịch vụ thông tin, bưu điện; internet, dịch vụ tín dụng, ngân hàng, dịch vụ sửa chữa cơ khí, dịch vụ thời trang, thẩm mỹ, ăn uống, giải khát...

Các hoạt động công cộng rất đa dạng, phong phú và phát triển với trình độ ngày càng cao ở nông thôn có tác động trực tiếp đến cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn.

2- Mô hình cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn

Ở phần I, đã nêu 6 yếu tố chủ yếu tác động đến cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn.

Dưới đây chúng tôi nêu một cách chi tiết hơn về các yếu tố tác động đến mô hình cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn. Có thể tóm tắt như sau:

a) Cấu trúc cộng đồng dân cư hiện tại của các làng xã cổ dựa vào nền kinh tế thuần nông, nghề trồng trọt là chủ đạo, sản xuất mang tính tự cấp, tự túc, cấu trúc dân cư khép kín mang tính hướng nội. Tuy nhiên, có thể phân làm 2 loại chính:

- Loại cấu trúc làng xã đã phát triển lâu đời, đã hình thành trung tâm, các khu ở và các khu sản xuất tại đồng ruộng, có hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống dân cư.

- Loại cấu trúc làng mới hình thành, chưa ổn định, chưa có khu trung tâm rõ nét, còn nhiều điểm dân cư phân tán manh mún. Trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn, cấu trúc này sẽ được phát triển và hoàn thiện.

b) Địa hình và mạng lưới sông ngòi có tác động trực tiếp đến mô hình cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn. Địa hình cùng đồng bằng chia thành vùng thấp trũng như vùng đồng bằng chiêm trũng ở ĐBSH, vùng ngập lũ ở ĐBSCL, vùng đồng bằng có mạng lưới kênh rạch dầy đặc tại ĐBSCL, vùng đồng bằng có địa hình cao, có nhiều giồng cát tạo lập các buôn sóc của người Khơme ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh.

c) Cơ cấu kinh tế và nền sản xuất ở nông thôn. Chuyển đổi từ nền kinh tế tự cấp, tự túc, độc canh sang nền sản xuất hàng hoá tiếp cận với cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện như sản xuất hộ gia đình, sản xuất trang trại; các ngành TTCN, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ sản xuất phát triển. Những thành tố trên tác động trực tiếp đến phát triển cấu trúc cộng đồng dân cư.

d) Phát triển xã hội và nhân văn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Nhờ kinh tế phát triển giúp cho đời sống văn hoá tinh thần và điều kiện sinh hoạt vật chất của cư dân được nâng lên rõ rệt. Các không gian công cộng được phát triển và hoàn thiện hơn, đặc biệt là khu trung tâm xã, điều này có tác động sâu sắc đến cấu trúc cộng đồng dân cư.

đ) Các di tích lịch sử, văn hoá và các kiến trúc có giá trị được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị truyền thống trong nông thôn mới. Vùng ĐBSH có rất nhiều di tích lịch sử, văn hoá và công trình kiến trúc có giá trị đã và đang được bảo tồn, tôn tạo phục vụ cho các hoạt động lễ hội, hoạt động tâm linh và vẫn là thành tố quan trọng trong cấu trúc cộng đồng dân cư. Có những di tích lịch sử, văn hoá vượt ra khỏi phạm vi làng xã, có ảnh hưởng trong một vùng lớn hơn.

e) Cơ sở hạ tầng: Kết cấu hạ tầng là nền tảng cơ sở để phát triển kinh tế, đảm bảo các điều kiện để phát triển xã hội và nâng cao dân trí. Do vậy quốc gia nào bước vào CNH - HĐH đất nước cũng đặt ra kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó kết cấu hạ tầng kỹ thuật cần được ưu tiên đầu tư xây dựng, bởi nó chính là cơ sở để phát triển kinh tế. Giai đoạn CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn cần đạt được các tiêu chí sau về phát triển kết cấu hạ tầng:

- Đường ô tô thông suốt trong mọi khu dân cư, đến được từng ngõ, xóm.

- Hầu hết các hộ gia đình đều được sử dụng điện và có đầy đủ chất đốt.

- Hầu hết các hộ đều được sử dụng nước sạch, trong đó trên 50% số hộ được sử dụng nước máy.

- Giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường trong các khu dân cư.

- Điện thoại gia đình, công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi phục vụ sản xuất và đời sống.

 Kết cấu hạ tầng xã hội là biểu hiện cụ thể của tiện nghi cuộc sống và dân trí, cần đạt được các tiêu chí:

+ Nhà ở kiên cố, tiện nghi, kiến trúc phù hợp với cảnh quan, môi trường.

+ Các công trình giáo dục, y tế, thương nghiệp, dịch vụ công cộng đều được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thể chất và tinh thần và văn hoá của cộng đồng dân cư.

Mô hình cấu trúc dân cư nông thôn vùng đồng bằng được đề xuất trên cơ sở phân tích những yếu tố tác động nêu trên. Các yếu tố trên không ngừng phát triển và tác động tương hỗ lẫn nhau.

Cốt lõi của cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn là giải quyết mối quan hệ các không gian với nhau:

- Không gian sản xuất, bao gồm sản xuất ở đồng ruộng, các trang trại chăn nuôi, các khu TTCN, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm...

- Không gian hoạt động công cộng, bao gồm nhiều hoạt động cộng đồng, hoạt động dịch vụ sản xuất và đời sống, đó chính là khu trung tâm làng xã đang phát triển.

- Không gian ở thoả mãn nhu cầu ở, sinh hoạt của các cá nhân và gia đình.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm mạng lưới giao thông, mạng lưới cấp điện, mạng lưới cấp nước, mạng lưới thông tin liên lạc sẽ hình thành bộ khung của cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn .

Khi lập quy hoạch các làng xã, các nhà quy hoạch cần đi sâu nghiên cứu các đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc, các đặc điểm của từng địa phương, đánh giá đúng thực trạng phát triển, các mặt mạnh và những khó khăn thách thức của địa phương, đồng thời đánh giá được các nguồn lực, thế mạnh của mỗi địa phương có thể khai thác. Trên cơ sở đó đề xuất được các phương án có tính khả thi cao và đảm bảo được định hướng phát triển lâu bền cho cấu trúc cộng đồng dân cư. 

 

 Nguồn: Tham luận của TS.KTS Nguyễn Văn Than - Trung tâm BVMT&QHPTBV tại hội thảo "Kiến trúc nông thôn thời kỳ đổi mới", tháng 12/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)