Nông thôn thuần nông và quá trình đô thị hoá

Thứ tư, 18/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong hai thập kỷ "đổi mới" hướng theo cơ chế thị trường và gia nhập tổ chức thương mại quốc tế, quá trình công nghiệp hoá "thay thế hàng nhập khẩu" tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng giống nhiều nước nghèo khác đã đi trước ta (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaisia, Indonesia...). Với hàng chục tỷ USD cùng với vật tư, máy móc hiện đại, chuyên gia nhiều kinh nghiệm v.v... từ nước ngoài được nhập vào Việt Nam trong đại công trường "phân công lại lao động trên phạm vi toàn cầu" đã đẩy các thành phố có hải cảng và sân bay quốc tế như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng v.v... vào một dòng xoáy mới - dòng xoáy "đô thị hóa nóng". Bên cạnh mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa nóng còn mang lại một tầng lớp giàu có nhanh chóng, những khu đô thị sang trọng với nhiều nhà chọc trời, những phố chợ, siêu thị hàng hoá đầy ắp, những khu công nghiệp hiện đại, những lối sống tiện nghi, đắt tiền v.v... cùng với những xóm liều, xóm nghèo, khu đô thị nhà trọ, đô thị hẻm, trẻ em lang thang v.v.. và với hàng triệu công nhân nhập cư là đủ nghề để kiếm sống.

Cũng trong hai thập kỷ đó, nông thôn đang đứng ở đâu? đang đi về đâu? Nông thôn đang bị cô lập trong quá trình đô thị hóa nóng hay đang bị những làn sóng của đô thị hoá nóng tác động để rồi nghèo hơn hoặc tốt hơn? Bài viết này sẽ là một cố gắng nhằm làm rõ hơn các câu hỏi đó.

Tuy nhiên, nông thôn là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và đa dạng nên bài viết sẽ không đề cập tới nông thôn vùng ngoại vi nơi bị tác động trực tiếp của làn sóng đô thị hoá nóng với việc hình thành các khu công nghiệp - dân cư - tái định cư - mất đất nông nghiệp; Bài viết cũng sẽ không đề cập tới khu vực nông thôn với các làng nghề truyền thống nới mà nhiều tác giả nghiên cứu đã rất quan tâm; Bài viết cũng sẽ không đề cập tới các vùng nông thôn có các tiềm năng tự nhiên giờ mới được khai thác như các vùng mỏ, vùng du lịch hay tại các hành lang dân cư nông thôn ven các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông là những nơi lan truyền sóng của đô thị hoá nóng. Bài viết sẽ tập trung vào vùng nông thôn thuần nông nơi mà người nông dân bao đời nay đang "bán lưng cho đất, bán mặt cho trời" để kiếm sống từ đất.

1. Nông thôn thuần nông đã có sự phát triển dựa vào quá trình công nghiệp hoá tại các đô thị lớn

1.1. Nông thôn thuần nông trong quan hệ với đất

Theo niên giám thống kê 2007 của Tổng cục thống kê, diện tích đất nông nghiệp bình quân cho mỗi người dân nông thôn tại các vùng thuần nông (sau khi đã trừ khoảng 10% dân số nông thôn làm nghề công chức - dịch vụ, TTCN) như sau:

- Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH): 600 - 650 m2/người.

- Vùng Trung bộ (VTB - Nghệ An, Quảng Nam): 1.000 - 1.1000 m2/người.

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): 2.000 - 2.300m2/người.

Nếu tính thêm chăn nuôi gia đình khoảng 15% và thu nhập từ đất khoảng 30 triệu đ/ha thì thu nhập hàng năm như sau: Vùng ĐBSH: 2,12 - 2,3 triệu đ/người; vùng TB: 3,5 triệu đ/người và vùng ĐBSCL 7,2 - 7,7 triệu đ/người.

Bảng 1: Diện tích, dân số, dân số nông thôn, bình quân diện tích nông nghiệp, bình quân thu nhập từ nông nghiệp cho mỗi người nông thôn (Nguồn: Niên giám Thống kê 2007, thu nhập ước tính 30 triệu đ/ha)

 
 
 
Dân số chung (người)
 
Dân số nông thôn (người)
 
DT đất nông nghiệp (ha)
DT đất nông nghiệp/
người (m2)
Thu nhập từ đất - 40 triệu/ha (tr đ/người)

Thu nhập tính thêm từ chăn nuôi (tr đ/người)

Thái Bình
1.868.800
1.730.200
95.500
613
1,84
2,12
Nam Định
1.991.200
1.668.000
96.600
643
1,93
2,22
Nghệ An
3.103.400
2.760.400
251.700
1013
3,04
3,50
Quảng Nam
805.400
1.228.300
111.900
1012
3,04
3,49
Trà Vinh
1.354.100
893.900
150.800
1874
5,62
6,47
Đồng Tháp
1.672.600
1.383.900
260.000
2087
6,26
7,20
Hậu Giang
798.800
666.100
132.400
2209
6,63
7,26

Nếu trừ đi các khoản phí (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, khấu hao công cụ, thuỷ lợi phí, thuế v.v...) thu nhập trung bình từ đất của người nông dân miền Trung cũng chỉ đủ ăn, tiêu khiêm tốn và không có tích luỹ. Riêng nông dân vùng ĐBSCL đủ ăn và đủ tiêu, tích luỹ tuỳ hộ.

Nhìn vào bức tranh chung đó, có thể thấy rằng do đất đai canh tác có hạn, năng suất nông nghiệp chưa cao nên nông dân thuần nông chỉ đủ ăn (đạm bạc), chi tiêu dè xẻn và không có tích luỹ (trừ một bộ phận nông dân vùng ĐNSCL). Nếu gặp thiên tai thì người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

1.2. Nông thôn thuần nông đã có sự khởi sắc do quá trình hiện đại hoá

Về mặt lý luận quá trình đô thị hoá là sự phân chia đầu tiên các điểm dân cư nông thôn và đô thị gắn với cuộc phân công lao động xã hội lớn và tiếp diễn không ngừng như C. Mác và Ph. Angen (Toàn tập, tập 3, tr 20) viết "cuộc phân công lao động này trước hết dẫn đến chỗ làm cho lao động công nghiệp và thương nghiệp tách ra khỏi lao động nông nghiệp, và do đó dẫn đến chỗ làm cho thành thị tách ra khỏi nông thôn...". Nhiều chuyên gia nước ngoài trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước (Rodinelli, D.A -1978, Richardsonn, H.W. - 1981 ...) khi nghiên cứu quá trình công nghiệp hoá tại nhiều nước đang phát triển như Việt Nam ngày nay đã khẳng định lợi ích của quá trình đó đã không tới được vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Thực tế nông thôn vùng thuần nông đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua: nhiều nhà ở được xây dựng lại kiên cố, đàng hoàng hơn (nhà cao, rộng, xây bằng vật liệu đắt tiền), nội thất nhà ở hiện đại hơn (bàn ghế, giường tủ, theo kiểu đô thị), nhiều nhà có ti vi, xe máy, tủ lạnh; Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư theo chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm đã được cải thiện lớn - mặt đường bê tông hoặc cấp phối, nhà nhà có điện, một số làng xã đã có hệ thống cung cấp nước sạch. Tốc độ thay đổi này nhanh hơn rất nhiều lần so với hàng chục năm trước đó.

Câu hỏi quan trọng là cơ sở kinh tế nào của nông thôn vùng thuần nông tạo ra sự thay đổi lớn lao đó? Sẽ không bàn nhiều tới vai trò rất quan trọng của nhà nước trong đầu tư phát triển nông thôn: thuỷ lợi, giao thông, giáo dục y tế văn hoá xã hội v.v...Chính sự đầu tư này, một mặt để phát triển, nhưng mặt khác tạo nhiều việc làm phi nông nghiệp, góp phần đa dạng hoá ngành nghề tại nông thôn.

Từ thực tiễn có thể nói, chính quá trình trình đô thị hoá nóng tại các vùng thành phố lớn như vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Hà Nội v.v... đã đem đến cho "Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi" (Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Tại sao lại có chuyện hơi "ngược" đó?

Có thể khẳng định rằng quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá nông thôn diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Bắc... trong thời gian qua lại hết sức gắn bó với các vùng nông thôn thuần nông. Vì chính các vùng này cung cấp phần lớn lao động thế hệ thứ nhất trong các nhà máy, công trường kể cả trong bếp ăn gia đình của các vùng trên. Không có các lao động nông thôn này, các khu công nghiệp, công trường, đô thị sẽ không thể phát triển như ngày nay.

Đổi lại phần lớn tích luỹ của đa số công nhân, lao động công trường ... được chuyển về nông thôn theo truyền thống "ly nông bất ly hương" đang sâu đậm. Tích luỹ đó bao gồm tiền bạc, kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất, lối sống... Tích luỹ này riêng tiền bạc có thể hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với vốn ngân sách đầu tư, tích luỹ của người lao động ly nông bất ly hương (kể cả lao động xuất khẩu) đã mang lại các nhân tố tích cực và quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong thời gian qua: thương mại - dịch vụ, tiêu dùng phát triển, ngành nghề mở rộng (xây dựng, sản xuất VLXD, sản xuất hàng tiêu dùng, nội thất, chế biến nông sản cho tiêu dùng tại chỗ, giao thông vận tải...). Có thể ví đầu tư nước ngoài đang làm thay đổi các vùng kinh tế trọng điểm cũng như lao động kiếm sống từ bên ngoài cũng đang góp phần làm thay đổi nông thôn thuần nông.

Tuy nhiên mức độ thay đổi khác nhau giữa các vùng: Vùng ĐBSH, Bắc Trung bộ thay đổi nhiều hơn, sau đó đến vùng Nam Trung bộ và cuối là ĐBSCL.

Câu hỏi khác được đặt ra là tại sao có sự thay đổi khác nhau giữa các vùng, trong khi chỉ có 1 chính sách, chủ trương và giải pháp chung của Nhà nước? Câu trả lời nằm trong truyền thống xã hội - ly nông của người nông dân.

Nông dân miền Bắc và vùng Bắc Trung bộ đi kiếm sống xa nhưng giữ lại vợ con và nhà cửa. Nông dân Nam Trung bộ, đặc biệt là ĐBSCL đã hình thành truyền thống mới ly nông kèm theo ly hương. Người lao động nông thôn sau khi bán hết đất họ đem theo cả gia đình lên các đô thị, khu công nghiệp... để sinh sống.

Chính yếu tố này đã làm cho vùng nông thôn thuần nông Nam Trung bộ và ĐBSCL không có hoặc có rất ít nguồn tích luỹ từ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Họ vẫn sống chủ yếu từ đất do đó nông thôn tuy có sự thay đổi nhưng không nhiều.

2. Nông thôn nào trong tương lai?

Tương lai nông thôn sẽ rất khó khăn về dự báo. Các nước công nghiệp đi trước ta cho thấy, tỷ lệ dân cư nông thôn chỉ chiếm khoảng 20 - 30%. Các dự báo cho thấy tới năm 2020, dân cư nông thôn tại nước ta vẫn còn khoảng 55 - 60%, vào năm 2030 còn lại khoảng 45 - 50%. Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ xác định "Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội". Nghiên cứu tại Hà Lan cho thấy vào những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ II, dân số nông thôn đổ vào thành phố nhưng sau năm 90 của thế kỷ trước đã có sự di cư ngược lại...

Các nghiên cứu nổi tiếng vào những năm 70 của thế kỷ trước như APK (tổ hợp nông - công nghiệp) của Liên Xô cũ và Bungari, "Đại trại" của Trung Quốc hoặc thành phố trên cánh đồng (city - in - the - field) của J Friedmann và Doglass, hay "pháo đài cấp huyện" của Việt Nam dường như đã trở về với trào lưu không tưởng (utopia) của Robert Owen (1771 - 1858) và F. M. C. Fpurier (1772 - 1837).

Với cuộc cách mạng về thông tin cũng như khoa học và kỹ thuật đặc biệt là tự động hoá như hiện nay đang có xu hướng giảm bớt lao động tập trung trong các nhà máy, công trường và tạo nhiều việc làm mới tại gia trong lĩnh vực dịch vụ đã và đang đặt ra vấn đề lớn: Liệu ngành công nghiệp và dịch vụ tại các đô thị có thể dung nạp hết hàng chục triệu cư dân đang thiếu đất canh tác ở nông thôn? Liệu nông thôn sẽ có cách đi riêng để tự bảo vệ mình trong cuộc xâm lăng mới của các thế lực đô thị hoá hay cùng kết nghĩa thành anh, em?

2.1. Nông thôn thuần nông sẽ trở lại thuần nông hơn?

Không phải chỉ có ở Việt Nam có truyền thống sâu đậm về "ly nông bất ly hương". Phải nói rằng cả thế giới nông thôn đều có cho dù họ ở xứ sở "sương mù", hay các nước công nghiệp phát triển châu Âu hay châu Á. Tuy nhiên quá trình công nghiệp hoá đã từng bước thay đổi nhiều truyền thống trong đó có truyền thống ly nông bất ly hương tại các vùng nông thôn. Ngay tại Nhật Bản trong vòng 100 năm và Hàn Quốc 50 năm lại đây nông dân các thế hệ trước cũng một thời ly nông bất ly hương nhưng các thế hệ trẻ sau này đã thay đổi toàn bộ. Hiện các nước này chỉ còn lại khoảng 30% dân số sinh sống tại nông thôn.

Việt Nam cũng sẽ nằm trong quy luật chung đó. Thanh niên thế hệ thứ 2 của quá trình công nghiệp hoá đang và sẽ thay đổi truyền thống của cha ông tại các vùng nông thôn Việt Nam. Họ sẽ ly hương để tìm cuộc sống ổn định và lâu dài tại các đô thị, các khu dân cư bên cạnh các khu công nghiệp. Thực tế, một bộ phận dân cư nông thôn của miền Bắc và miền Trung đã hội nhập với dân cư nông thôn ĐBSCL trong việc ly hương cả gia đình. Nhiều "nam thanh nữ tú" nông thôn đang làm việc trong các đại công trường đô thị và công nghiệp đã kết hôn ngoại tỉnh thậm chí cùng tỉnh nhưng đã đặt nền móng của việc định cư lâu dài tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương....

Như vậy, nguồn lực đến từ công nghiệp hoá hiện đại hoá tại các đô thị lớn và các KCN tập trung cho vùng nông thôn thuần nông sẽ dần dần giảm bớt. Trong vài chục năm tới sẽ xuất hiện các làng xóm chỉ có người già, neo đơn. Người dân nông thôn sẽ ít đi, một số ngành nghề được phát triển trong thời gian qua sẽ dần mai một do thị trường hạn chế. Nông thôn thuần nông sẽ giống nhau ở cả vùng ĐBSH, Trung bộ và cả ĐBSCL sẽ thuần nông hơn.

Hiện tại, không ai ưa 2 từ "thuần nông" vì thuần nông thường đi kèm với nghèo khó. Tuy nhiên, công nghiệp hoá tạo ra khả năng mới đối với nông thôn thuần nông: hàng triệu thanh niên nông thôn sẽ định cư lâu dài tại các đô thị và bình quân diện tích đất nông nghiệp ở nông thôn thuần nông sẽ tăng lên từ 1000 m2 hiện nay lên 2000 - 5000 m2/người hay khoảng 1 -3/hộ nông nghiệp. Với diện tích này, theo mô hình các "Polder" tại Hà Lan cho phép sản xuất cơ giới hoá trở thành các nông trại nhỏ - đa canh - năng suất cao. Người nông dân thực sự sẽ sống từ đất.

Vấn đề quan trọng là không thể biến nông dân vốn "chân lấm tay bùn" lao động cơ bắp thành ngay các ông chủ trang trị. Nếu vậy thì phải chấp nhận chính sách tăng hạn điền và chấp nhận nhiều người cày sẽ không có ruộng. Trong bối cảnh đó một bộ phận nông dân có thể làm thuê như những công nhân công nghiệp đang làm thuê hiện nay tại các KCN và đô thị. Tại sao không?

2.2. Đô thị nông nghiệp

- Phải chăng là 1 tư duy mới của trào lưu không tưởng (utopia)?

- Phải chăng là một mô hình cần nghiên cứu nghiêm túc?

Đã có đô thị hành chính, đô thị công nghiệp, đô thị du lịch, đô thị khai khoáng ... tại sao nói không với đô thị nông nghiệp? Đây là một vấn đề khó, phức tạp cần có nhiều công sức để nghiên cứu.

 

Nguồn: Tham luận của TS. KTS. Nguyễn Thiềm - Hội KTS Tp. HCM tại Hội thảo "Kiến trúc nông thông thời kỳ đổi mới", tháng 12/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)