Tiềm năng của các thành phố biển

Thứ tư, 04/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nước ta có nguồn tài nguyên biển phong phú trải dài từ Bắc vào Nam. Mỗi vùng miền có tiềm năng phát triển khác nhau, tiền đề theo những không gian kinh tế riêng biệt mang ý nghĩa quan trọng của quốc gia thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, thương mại... đồng thời giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của vùng miền. Từ đây, để phát triển các vùng ven biển thì công tác quy hoạch cho mỗi vùng miền chắc chắn phải được quan tâm đi trước nhằm khai thác tiềm năng biển theo hướng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó các đô thị biển là động lực quan trọng nhất.

Hải Phòng - Đô thị cảng biển

Quy hoạch chung xây dựng Hải Phòng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới phát triển Thành phố Hải Phòng hiện đại, bền vững, hài hoà giữa kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đóng góp ngày càng lớn vào công cuộc phát triển của khu vực phía Bắc và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ Cảng, thương mại tài chính của khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở đó Hải Phòng đang từng ngày thể hiện rõ tầm vóc của một đô thị lớn trọng điểm, với những công trình kiến trúc hiện đại.

Từ góc nhìn đô thị, phát triển cảng biển Hải Phòng có ý nghĩa là mục tiêu chiến lược. Cảng Hải Phòng sẽ mở ra những cơ hội mới, tạo sự đột phá trong tương lai. Phát triển cảng thực chất là động lực phát triển đô thị Hải Phòng. Trước hết, với sự hình thành của một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, những công trình dịch vụ, cao ốc, văn phòng và khách sạn quốc tế, nhà máy chế biến và gia công hàng xuất khẩu đang tạo nên một diện mạo mới cho đô thị Hải Phòng.

Hải Phòng đã hạ thuỷ nhiều con tàu và hôm nay đang chuẩn bị hạ thuỷ con tàu lớn Cảng Lạch Huyện. Đường giao thông Tân Vũ, cầu Đình Vũ - Cát Hải, khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Bắc Sông Cấm và nhiều công trình, dự án khác đang được khởi động. Tất cả đang hướng về những mục tiêu cho một Hải Phòng đổi mới và phát triển.

Đà Nẵng - Dấu ấn mới trên đường hội nhập

Sau 10 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng đã có những bước tiến dài trong quá trình Quy hoạch và chỉnh trang đô thị với đại lộ Điện Biên Phủ, cầu Sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng, Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng, Sơn Trà. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho thành phố Đà Nẵng, trung tâm kinh tế - văn hoá tại miền Trung.

Với vị thế đô thị loại 1 cấp Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2003 và theo Quy hoạch chung của Chính phủ đến năm 2020 Thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm kinh tế (Cảng, CN, TM, Dịch vụ...), đầu mối giao thông, giao lưu trong cả nước và quốc tế có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của miền Trung - Tây Nguyên.

Xuất phát từ vị trí quan trọng đó, ngành xây dựng Đà Nẵng đã nhanh chóng vừa nghiên cứu thiết kế quy hoạch vừa phối hợp triển khai đầu tư hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật, huyết mạch, các công trình kinh tế - xã hội, dân sinh, khu tái định cư, khu đô thị mới,... Những dấu ấn đậm nét ban đầu của bộ mặt đô thị hiện đại đã hình thành như Quốc lộ 1A, đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Sân vận động Chi Lăng, Bệnh viện Đà Nẵng, Trường PTTH Lê Quý Đôn, siêu thị Đà Nẵng, khu công nghiệp Khánh Hoà. Bên cạnh đó, một số công trình trọng điểm khác đang được đầu tư xây dựng như Trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng, Nhà biểu diễn đa năng, cầu Thuận Phước và cùng một số công trình của Trung ương và địa phương đang được xây dựng như văn phòng HAGL plaza, Indochine Tower. Tất cả tạo nên ấn tượng hiện đại của TP Đà Nẵng đang trên đà phát triển.

Hiện nay ngành Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phát triển thành phố theo Quy hoạch chung đến năm 2020 như:

- Xây dựng khu đô thị tạo nên sự phát triển hài hoà về không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật. Các khu đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ theo hướng hiện đại, tiếp cận với các mô hình đô thị tiên tiến trong khu vực. Trong đó chú trọng phát triển hệ thống giao thông, cảng biển, hệ thống công trình ngầm kết hợp chức năng phòng thủ.

- Thực hiện các dự án liên quan đến môi trường, cải tạo các dòng sông và phát triển du lịch.

- Xây dựng các cầu qua sông Hàn tại các vị trí Cổ Viện Chàm, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu nối đường Nguyễn Tri Phương, cầu Hoà Xuân.

- Xây dựng khu liên hợp TDTT và một số cụm công trình thể thao khác.

- Tôn tạo cảnh quan bờ sông Hàn; Cải tạo dòng sông kết hợp phát triển du lịch; Xây dựng nhà máy thuỷ điện Sông Nam sông Bắc; Khai thác mạnh bán đảo Sơn Trà và khu vực Nam Vân Hải theo hướng du lịch.

Bà Rịa - Vũng Tàu khơi dậy những tiềm năng

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ở vị trí đặc biệt là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ, hướng ra biển Đông có ý nghĩa chiến lược về đường hàng hải quốc tế, có hệ thống cảng biển là đầu mối tiếp cận các nước Đông Nam Á. Có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và hội tụ nhiều tiềm năng phát triển nhanh và toàn diện các ngành kinh tế biển như: Dầu khí, cảng, vận tải biển, du lịch, hải sản... Có điều kiện phát triển đường bộ giao thông, đường biển, đường sắt... là nơi trung chuyển đi các nơi trong nước và quốc tế. Tất cả tạo nên một miền đất với những giá trị, tiềm năng thế mạnh về hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư.

Nhằm mục tiêu xây dựng thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển, có hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế hiện đại đồng thời theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến 2020, ngành Xây dựng đã tiến hành quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị chính trên địa bàn thành phố đó là: Khu dân cư Nam Sân bay, Núi lớn - Núi nhỏ, Bãi sau, khu du lịch Chí Linh - Cửa Lấp, các khu Bắc Phước Thắng; Triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng, các dự án được phê duyệt. Tổ chức việc cắm mốc giới quy hoạch đảm bảo việc triển khai trên thực địa đúng với quy hoạch được phê duyệt.

Trong tương lai, để phát triển hoàn chỉnh TP Vũng Tàu theo quy hoạch được phê duyệt, ngành Xây dựng tiếp tục tổ chức thiết kế đô thị cho các trục cảnh quan chính. Triển khai đầu tư tiếp các tuyến giao thông chính phục vụ cho các dự án công nghiệp, cảng (khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, cảng Sao Mai - Bến Đình...) đường vào các dự án du lịch, xây dựng cầu và đường từ đảo Gò Lăng qua Long Sơn...

Ngoài việc phủ kín quy hoạch, thiết kế đô thị cho các trục cảnh quan chính, chính quyền đô thị tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Công bố các quy hoạch được phê duyệt, phổ biến các kiến thức về luật xây dựng... nhằm cung cấp cho người dân thông tin về quy hoạch xây dựng.

Khánh Hoà - Trung tâm đô thị quốc gia

Là tỉnh ven biển cực Đông, đóng vai trò là trung tâm vùng duyên hải Nam Trung bộ, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, bờ biển dài có nhiều đảo lớn nhỏ, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá độc đáo. Khánh Hoà trở thành vùng đất hấp dẫn, một trung tâm kinh tế đô thị cấp quốc gia.

Quy hoạch phát triển đô thị Khánh Hoà đến năm 2020 xác định:

Xây dựng hệ thống đô thị Khánh Hoà thành trung tâm đô thị cấp quốc gia, phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của một không gian giao lưu quốc tế, một không gian kinh tế - đô thị trung tâm vùng, điểm bứt phá của miền Trung.

Tổ chức hệ thống đô thị

Chuỗi đô thị Bắc - Nam: chủ yếu nằm dọc theo vùng đồng bằng ven biển, bao gồm các cụm đô thị phía Bắc (Khu KTTH Đầm Môn, Vạn Giã, Lạc An, Ninh Hoà), cụm đô thị trung tâm (thành phố Nha Trang và TT Diên Khánh), cụm đô thị phía Nam (Đô thị Bắc Cam Ranh - Khu du lịch quốc gia Bắc bán đảo Cam Ranh và khu vực nội thị TX Cam Ranh).

Tổ chức hành lang thúc đẩy giao lưu, phát triển và đô thị hoá khu vực phía Tây của tỉnh, kết nối TT. Tô Hạp với TT. Khánh Vĩnh, TT. Ninh Sim và TT. Vạn Giã. Hành lang phát triển mới này sẽ thúc đẩy sự phát triển của một số điểm thị tứ trên cơ sở thúc đẩy phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với du lịch sinh thái núi, các trung tâm sản xuất nông lâm nghiệp.

Chuỗi đô thị Đông - Tây: kết nối bởi: Các đô thị nằm trên QL26 (Ninh Hoà - Ninh Sim); Các đô thị nằm trên QL8 (Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh) và các đô thị nằm trên QL9 (Cam Ranh - Tô Hạp).

Kiến trúc và cảnh quan

Kiến trúc đô thị gắn bó phù hợp vơi thiên nhiên và khung cảnh văn hoá kiến trúc truyền thống đặc thù của từng vùng trong tỉnh.

Đối với các đô thị lớn, cải tạo và xây dựng theo hướng tập trung và hiện đại, chú trọng phát triển các vùng cảnh quan trong đô thị, trong các khu du lịch và kiến trúc các khu công nghiệp tập trung.

Đối với các đô thị nhỏ, phát triển kiến trúc thấp song tránh phân tán để nhanh chóng hình thành rõ nét bộ mặt không gian đô thị.

Phát triển các mô hình khu ở cho công nhân trong bán kính phù hợp đến các khu công nghiệp, gắn kết với không gian đô thị và không gian sản xuất công nghiệp.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vươn ra biển lớn, từ quy hoạch đi trước và đúng hướng cho các vùng ven biển sẽ phát huy tốt những tiềm năng lợi thế của biển trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới.

Giải pháp phát triển đô thị

Động lực chính thúc đẩy phát triển đô thị là sự phát triển của các ngành kinh tế như: công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ giáo dục chuyên nghiệp, hành chính sự nghiệp ... trên cơ sở phát triển tương ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

TP. Nha Trang: Động lực chính là trung tâm hành chính, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó cần: Phát huy vai trò trung tâm vùng Duyên hải Nam Trung bộ về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đầu tư các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghệ cao gắn với hệ thống trường đại học và viện nghiên cứu. Các khu chức năng như giáo dục đào tạo và công nghiệp nên tăng cường thêm vào khu đô thị mới phía Tây. Việc chuyển đổi chức năng sân bay Nha Trang thành trung tâm thương mại cũng sẽ là một giải pháp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - đô thị cho thành phố.

Khu vực Bán đảo Hòn Gốm - Tu Bông - Đại Lãnh: Tại khu vực này được dự báo đô thị sẽ phát triển rất mạnh, tuy nhiên việc hình thành và phát triển của các khu đô thị này phụ thuộc vào sự hình thành và phát triển của cảng trung chuyển quốc tế. Cảng trung chuyển quốc tế nếu được phát triển tương xứng với tiềm năng sẽ tạo nên những bước nhảy vọt quan trọng trong phát triển kinh tế Tỉnh nói chung và phát triển đô thị của khu vực nói riêng.

Thị trấn Vạn Giã: Có động lực phát triển là trung tâm hành chính, dịch vụ, TTCN. Cần triển khai một số khu đô thị mới (quy mô không quá lớn) phát huy hiệu quả của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là hạ tầng xã hội hiện có của khu vực hiện hữu của thị trấn để làm chức năng dịch vụ và khu ở cho các hoạt động kinh tế mới trong toàn khu vực bắc vịnh Vân Phong;

Khu vực thị xã Ninh Hoà tương lai (Khu vực thị trấn Ninh Hoà và các khu vực Dốc Lết - Ninh Thuỷ hiện nay): Phát triển các dự án: khu công nghiệp Ninh Thuỷ, nhà máy đóng tàu tại khu vực Hòn Khói. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc khai thác khu vực Dốc Lết cho các hoạt động du lịch. Việc hình thành một số trung tâm giáo dục chuyên nghiệp - trường dạy nghề tại thị trấn Ninh Hoà cũng là một giải pháp cần thiết, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - đô thị trong khu vực vịnh Vân Phong. Thúc đẩy sự hình thành của khu TTCN phía Bắc thị trấn Ninh Hoà hiện nay; Tiếp tục thúc đẩy vai trò dịch vụ thương mại của đô thị Ninh Hoà đối với các xã nằm trong vùng Nam Vịnh Vân Phong cũng là một giải pháp quan trọng để phát triển đô thị này.

Thị xã Cam Ranh: Khu du lịch Cam Ranh đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giải pháp chính để thúc đẩy phát triển đô thị tại khu vực phía Nam thị xã Cam Ranh là thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã.

Đô thị Cam Đức - Khu vực Bắc Cam Ranh: Đây là khu vực thuận lợi về quỹ đất phát triển, nằm trong bán kính lý tưởng để chịu các tác động tích cực từ các đô thị hiện hữu là Cam Ranh và Nha Trang. Sự phát triển của đô thị này gắn với sự hình thành và phát triển của Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Tại đây, cần phát triển thành khu đô thị nghỉ mát, nghỉ cuối tuần cho các tỉnh lân cận và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Các đô thị khác trong Tỉnh:

- Thị trấn Diên Khánh: không gian phát triển đô thị gắn với thành phố Nha Trang thành đô thị trung tâm của toàn tỉnh. Chức năng chính là dịch vụ thương mại, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng từ phía Tây cho khu đô thị mới phía tây TP. Nha Trang.

- Thị trấn Khánh Sơn, Khánh Vĩnh: phát triển các khu CNTT, dịch vụ thương mại, dịch vụ sau thu hoạch hỗ trợ cho sản xuất nông - lâm nghiệp. Cần chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 12/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)