Mô hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 03/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ... theo quy hoạch là cơ sở để phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông thôn nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện và to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Ðời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được thực hiện còn hạn chế (mới phủ kín khoảng 20% số xã). Vì vậy trong xây dựng nông thôn còn mang tính tự phát, chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt và hạn chế trong tầm nhìn về lâu dài, thiếu tính đồng bộ và tính thống nhất trong phát triển. Một số vấn đề bất cập trong xây dựng nông thôn nảy sinh trong quá trình phát triển như môi trường điểm dân cư phát triển thiếu tính bền vững, đang dần đánh mất bản sắc; Công nghiệp nông thôn, làng nghề mới phát triển thiếu khả năng cạnh tranh; môi trường trong các làng nghề truyền thống bị xuống cấp; nhiều vùng dân cư bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai không đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân...

Ðể triển khai, cụ thể hoá Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, việc nghiên cứu xây dựng mô hình nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng trong cả nước là hết sức cần thiết.

Mục tiêu

- Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với điều kiện tiện nghi giảm dần khoảng cách với cuộc sống đô thị.

- Tổ chức quy hoạch và kiến trúc công trình phải góp phần kích cầu về kinh tế và đảm bảo đáp ứng yêu cầu CNH nông nghiệp, nông thôn.

- Tổ chức quy hoạch và kiến trúc công trình theo hướng hiện đại hoá.

- Tổ chức quy hoạch và kiến trúc phải giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống, vùng, miền.

Quan điểm

- Xây dựng mô hình nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

- Xây dựng mô hình nông thôn mới gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch.

- Xây dựng mô hình nông thôn mới dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tiêu chí cho đề xuất mô hình:

- Ðảm bảo về kích cầu phát triển kinh tế phù hợp với điền kiện của địa phương khai thác ưu thế của địa phương.

- Ðảm bảo về điều kiện sống, nhu cầu xã hội: y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, nâng cao dân trí của người dân địa phương...

- Cơ sở hạ tầng phát triển bền vững đáp ứng các nhu cầu tối thiểu và tính đến các giai đoạn tiếp theo sau 20 năm và tầm nhìn sau 50 năm.

- Quy hoạch và kiến trúc không gian phải phù hợp điều kiện tự nhiên, địa hình, có tính chất khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế.

- Giữ gìn bản sắc tập quán văn hoá của địa phương và bảo tồn các di sản (nếu có).

Yêu cầu về đề xuất mô hình:

- Ðề xuất mô hình nông thôn mới thông qua mô hình tổ chức mạng lưới điểm dân cư nông thôn, được thể hiện trên “Sơ đồ quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn”.

- Ðề xuất mô hình nông thôn mới thông qua mô hình tổ chức không gian chức năng và mạng lưới hạ tầng kỹ thuật điểm dân cư, được thể hiện trên “Sơ đồ quy hoạch điểm dân cư cụ thể”.

- Ðề xuất mô hình nông thôn mới thông qua các ý tưởng, giải pháp về kiến trúc công trình, được thể hiện qua mặt đứng (hoặc phối cảnh) và mặt bằng điển hình công trình.

Nội dung  nghiên cứu xây dựng mô hình theo các vùng miền

1. Vùng Núi phía Bắc và Trung du

Bao gồm 15 tỉnh thuộc Tây Bắc Bộ và Ðông Bắc Bộ có diện tích khoảng 10.155,8 km2, dân số khoảng 12,194 triệu người trong đó dân số nông thôn khoảng 9,998 triệu người.

Ðây là vùng đồi, núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh. Ðất đai có diện tích lớn thuận lợi cho xây dựng cơ sở công nghiệp hạn chế. Vùng này có lượng mưa lớn và phân bố không đều trong năm. Sông suối có độ dốc lớn, hay gây lũ quét, sạt lở đất.

Mật độ dân cư trung bình 150 người/km2. Có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Thái, Mường, Mông, Tày, Nùng, Dao, Hoa... với truyền thống văn hoá và tập quán sinh sống đa dạng, phong phú.

Ðối với khu vực núi cao, dân cư phân bố phân tán, chủ yếu là các bản làng dân tộc. Ðối với khu vực đồi trung du, phân bố dân cư tập trung hơn, hình thái dân cư phổ biến là dân cư canh tác vườn đồi theo hình thức trang trại. Một đặc điểm khá nổi bật trong phát triển dân cư nông thôn vùng này là sự phát triển các trung tâm cụm xã theo Chương trình 135 của Chính phủ.

2. Vùng Ðồng bằng sông Hồng

Bao gồm 10 tỉnh, thành phố có diện tích khoảng 14.862,5 km2, dân số khoảng 18,400 triệu người trong đó dân số nông thôn khoảng 13,778 triệu người. Ðây là một trong hai vùng kinh tế phát triển nhất toàn quốc.

Vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, với 3 khu vực địa hình cơ bản: Khu vực sát trung du; Khu vực đồng bằng ven biển; Vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Nhìn chung địa hình vùng này thuận lợi cho xây dựng cơ sở công nghiệp có quy mô.

Có tiềm năng phát triển nông nghiệp tổng hợp (cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, thuỷ sản...), tiềm năng về khoáng sản phi kim loại (đất sét, đá vôi, cát cuội, than đá, khí đốt...), có điều kiện khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản kim loại từ các vùng lân cận. Ðây là các yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành nghề công nghiệp vừa và nhỏ.

Có kinh tế công nghiệp và dịch vụ phát triển vào hàng đầu trong cả nước. Ðây là vùng tập trung nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời, dân cư có trình độ sản xuất cao.

Mật độ dân số trung bình cao 1.008 người/km2. Tập quán sinh sống hình thành từ lâu đời, mang đặc điểm truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Quỹ đất đai cho xây dựng trong vùng ngày càng khan hiếm.

Hình thái dân cư theo kiểu làng truyền thống là đặc điểm nổi trội về hình thái dân cư trong vùng. Các làng truyền thống được hình thành phù hợp với việc canh tác lúa nước và các ngành nghề thủ công truyền thống (làng nghề truyền thống). Trong quá trình phát triển hình thành nhiều thị tứ mới, nhiều hình thái dân cư mới hình thành như dân cư cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dân cư dọc đường quốc lộ, làng ven đô... và gây không ít điều bất cập trong phát triển dân cư nông thôn trong vùng. Ngoài ra trong vùng còn có hình thái dân cư ven biển với nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.

Các vấn đề cần tập trung trong xây dựng nông thôn mới: Dân cư làng truyền thống, thuần nông, dân cư làng ven đô, dân cư làng nghề (làng nghề truyền thống và làng nghề mới).

3. Vùng miền Trung (Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ)

Bao gồm 14 tỉnh, thành phố có diện tích khoảng 84.718 km2, dân số khoảng 17,908 triệu người (dân số nông thôn là 14,22 triệu người).

Vùng này có 3 khu vực khác biệt: Khu vực trung du miền núi; Khu vực đồng bằng; Khu vực ven biển. Ðây là vùng có khí hậu nóng, chịu ảnh hưởng của gió Lào và chịu ảnh hưởng nhiều của bão, ngập lụt và lũ quét hàng năm.

Mật độ dân số trung bình 220 người/km2. Dân tộc Kinh và Chăm chiếm đa số trong vùng. Là vùng dân cư sinh sống lâu đời, có truyền thống văn hoá, nhưng đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tập quán sinh sống dễ thích nghi với những điều kiện mới và chịu ảnh hưởng lớn về tác động của thiên tai.

Hình thái dân cư trong vùng phát triển khá đa dạng. Các khu dân cư hình thành từ lâu đời phân bố tập trung, tại khu vực nằm dọc theo lưu vực các sông và có mật độ cao, luôn bị tác động nguy hiểm của lũ quét. Hình thái dân cư tập trung tại các đồng bằng ven biển thường bị ngập sâu khi xảy ra lũ lụt kết hợp với triều cường. Dân cư ven biển và cửa sông với nghề nghiệp đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản là một trong hình thái dân cư đặc trưng của vùng và cũng chịu nhiều hiểm hoạ thiên tai từ phía biển.

Các vấn đề cần tập trung trong xây dựng nông thôn mới: Dân cư  ven biển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, dân cư vùng ngập lũ.

4. Vùng Tây Nguyên

Bao gồm 5 tỉnh có diện tích khoảng 54.659,6 km2, dân số khoảng 4,935 triệu người trong đó dân số nông thôn khoảng 3,563 triệu người. Ðây là nơi có vị chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng đối với cả nước và khu vực Ðông Dương. Nhìn chung địa hình bị chia cắt mạnh và có 3 dạng địa hình chính: Ðịa hình cao nguyên có độ dốc từ 3-15%; Ðịa hình vùng núi có độ dốc

>25%; Ðịa hình vùng trũng có địa hình tương đối bằng phẳng.

Ðây là vùng đầu nguồn của hầu hết các con sông ở miền Trung và Ðông Nam Bộ, vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường rừng luôn được đặt ra trong mọi hoạt động phát triển.

Mật độ dân số tại đây thấp, chỉ 72 người/km2. Vùng núi, tỉ lệ này còn thấp hơn, có nơi chỉ 5-10 người/km2. Dân tộc Kinh, ÊÐê, J’Rai và Banar là đáng kể trong vùng. Tập quán sống của dân tộc Kinh bị pha tạp. Các dân tộc khác có nét đặc thù rõ rệt, giàu truyền thống văn hoá bản địa, cần được gìn giữ và phát huy.

Dân cư trong các vùng trồng cây công nghiệp phân bố khá tập trung, chủ yếu là người Kinh. Các dân tộc bản địa phân bố chủ yếu ở vùng trồng cây lâm nghiệp, vùng sâu, xa, phân bố rất phân tán và đang có xu hướng mất dần bản sắc của mình. Nhìn chung dân cư trong vùng phát triển chủ yếu theo các trục lộ giao thông với 1-2 lớp nhà. Dân cư dọc biên giới còn quá thưa thớt, chưa đáp ứng được yêu cầu an ninh quốc phòng và phát triển khu vực biên giới.

Các vấn đề cần tập trung trong xây dựng nông thôn mới, bản làng dân tộc (Ê Ðê, Ba Na, J’Rai), dân cư khu vực biên giới.

5. Vùng Ðông Nam Bộ

Bao gồm 6 tỉnh, thành phố có diện tích khoảng 34.807,8 km2, dân số khoảng 14,193 triệu người trong đó dân số nông thôn khoảng 6,417 triệu người.

Có địa hình tương đối bằng phẳng, dốc dần về phía biển. Khu vực phía Bắc và Tây vùng có độ cao 3 - 10m, khu vực đầm lầy ngập mặn ven sông, biển với độ cao 0,5 - 2,5m, khu vực ven biển có địa hình đa dạng, kết hợp giữa đồi núi thấp, bãi cát thoải và vùng đầm lầy.

Mật độ dân số trung bình 480 người/km2. Tập quán lối sống của người dân ảnh hưởng nhiều của lối sống đô thị. Dân tộc Kinh là chủ yếu.

Phát triển mạnh theo các trục lộ chính trong vùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về ngành nghề trong khu vực nông thôn - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Hình thái dân cư sản xuất nông nghiệp chủ yếu là dân cư canh tác cây công nghiệp và hình thức canh tác theo kiểu trang trại đang có chiều hướng phát triển.

6. Vùng miền Tây Nam Bộ (Ðồng bằng sông Cửu Long)

Bao gồm 13 tỉnh, thành phố có diện tích khoảng 40.604,7 km2, dân số khoảng 17,524 triệu người trong đó dân số nông thôn khoảng 13,807  triệu người.

Có địa hình thấp, tương đối bằng phẳng, cao trình phổ biến từ 0,2 - 1,0 m. Nhìn chung địa hình có dạng lòng chảo, vùng ven sông, đường sá thường cao hơn các khu vực khác (trừ khu vực gò, đồi), tạo nên tình trạng ngập úng kéo dài tại những khu vực nội đồng.

Có mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 28.000km, thuận lợi cho giao thông đường thuỷ. Là vùng bị ngập định kỳ, mực nước ngập dao động từ 0,8 - 1,2 m, có nơi ngập sâu đến 3,0 m.

Mật độ dân số trung bình 437 người/km2. Tập quán lối sống của người dân phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên. Dân tộc Kinh và Khơ Me là đáng kể trong vùng.

Các vấn đề cần tập trung trong xây dựng nông thôn mới đối với dân cư vùng ngập lũ.

Kết luận

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH - HÐH đất nước.

+ Các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lớn (trên 80% diện tích, trên 70% dân số cả nước) và phức tạp, đồng thời có ý nghĩa lâu dài do đó việc thực hiện xây dựng mô hình nông thôn

mới là hết sức cấp bách và cần thiết.

+ Theo chỉ đạo của Chính phủ cần khẩn trương tổ chức lập và xây dựng “Mô hình nông thôn mới theo đặc điểm sinh thái và tập quán sinh sống” các vùng, miền để sớm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Kiến nghị

Nhà nước sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, ban hành các chính sách phù hợp, hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp nông thôn đặc biệt là các chính sách ưu tiên cho dân cư và các hoạt động sản xuất, phát triển làng nghề... trên địa bàn khu vực miền núi, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, lụt, bão.

Chính phủ và các Bộ ngành sớm bổ sung hệ thống các văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các văn bản chuyên ngành khác có liên quan đến quy hoạch và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, đảm bảo giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống vùng, miền, có kết cấu hạ tầng đồng bộ trong xây dựng mô hình nông thôn mới.

Cho phép tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách theo tinh thần Quyết định 120/2005/QÐ-TTg và Quyết định 25/2008/QÐ-TTg cho khu vực nông thôn đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc để giúp người dân trong xây dựng nhà ở, tiếp cận thông tin, khoa học công nghệ...

Ðưa công tác quy hoạch nông thôn trở thành nhiệm vụ chiến lược vừa mang tính cấp bách và mang tính lâu dài, lấy nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị là căn bản.

Nhiệm vụ trước mắt đến 2010 xây dựng các mô hình thí điểm đặc trưng cho các dạng dân cư nông thôn theo các vùng miền, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc.



TS. KTS. Nguyễn Ðình Toàn
Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Ðô thị - Nông thôn

Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam 11/08

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)