Từ thành công của một xí nghiệp sản xuất gốm…

Thứ sáu, 09/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vừa qua, Xí nghiệp gốm Chu Đậu (Hải Dương) đã thành công trong việc đưa vào sử dụng lò nung 26 m3 bằng gas hoá lỏng với chi phí nhiên liệu thấp; cho chất lượng sản phẩm cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất. Thành công trên của Xí nghiệp gốm Chu Đậu cũng là kết quả của quyết tâm đổi mới công nghệ của Công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng và khẳng định hiệu quả của Dự án: “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - PECSME”… Xí nghiệp gốm Chu Đậu - Thành công nhờ mạnh dạn đổi mới công nghệ

Trong quá trình phát triển của làng nghề gốm Chu Đậu, các đơn vị sản xuất (trong đó có Xí nghiệp gốm Chu Đậu) đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm có chất lượng cho thị trường trong và ngoài nước. Mặc dù đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất gốm nung bằng gas hoá lỏng dung tích 13 m3 từ năm 2003 (trong đó 1 lò đã được Công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng thực hiện cải tiến công nghệ) nhưng đến đầu năm 2008, sản lượng của Xí nghiệp vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Yêu cầu xây dựng, lắp đặt lò nung có công suất lớn đồng thời đổi mới công nghệ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ kế hoạch sản xuất tập trung và các loại sản phẩm có kích thước lớn của Xí nghiệp đã trở nên cấp thiết. Xí nghiệp đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng thiết kế, chế tạo và lắp đặt lò nung mới với dung tích 26 m3 dùng gas hoá lỏng để thay thế cho 2 lò 45 m3 nung bằng than cán.

Trước những đòi hỏi về đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã được tiếp cận với Dự án: “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa” của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Xí nghiệp đã được Dự án bảo lãnh vay 1 tỷ đồng (từ Quỹ Bảo vệ môi trường) để đổi mới công nghệ.

Sau khi lò 26 m3 được Công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng lắp đặt và đi vào chạy thử tại Xí nghiệp, mẻ nung đầu tiên đã cho kết quả tốt: Chất lượng sản phẩm đạt 98% loại A, các thông số vận hành của lò đều đúng như thiết kế, thậm chí lượng gas sử dụng cho mẻ nung còn thấp hơn dự tính. Sau khi lò nung 26 m3 được hiệu chỉnh, Công ty đã bàn giao chính thức cho Xí nghiệp. Đến nay đã qua hơn 1 tháng hoạt động liên tục cho thấy, lò 26 m3 nung bằng gas hoá lỏng hoạt động ổn định, tiêu hao nhiên liệu giảm 25%, chất lượng nung đạt 98-99%. Ông Nguyễn Huy Kiên - Trưởng phòng kỹ thuật của Xí nghiệp gốm Chu Đậu cho biết: So với lò 13 m3, lò 26 m3 có ưu thế hơn hẳn: Tiết kiệm mặt bằng xây dựng, giảm được 40% chi phí đầu tư, giảm suất tiêu hao nhiên liệu cũng như số nhân công vận hành tính trên đầu sản phẩm trong khi công suất nung tăng gấp hai lần. Đặc biệt, lò 26 m3 nung bằng gas hoá lỏng rất phù hợp với kế hoạch sản xuất tập trung và loại sản phẩm kích thước lớn hiện nay của Xí nghiệp. Lò được vận hành đơn giản, không đòi hỏi phải hiệu chỉnh các thiết bị kỹ thuật trong quá trình sản xuất, đồng thời việc duy tu bảo dưỡng lò cũng dễ dàng hơn so với lò nung nhập khẩu từ nước ngoài. Lò nung 26 m3 còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho Xí nghiệp.

Theo số liệu tính toán, lò nung 26 m3 giúp giảm đáng kể lượng nhiên liệu trong quá trình nung đốt, công suất nung sẽ tăng gấp đôi và giảm được số nhân công vận hành lò. Nếu sử dụng lò 26 m3 nung bằng gas (công nghệ cải tiến) thay cho lò 45 m3 đốt bằng than cám (công nghệ truyền thống) tại Xí nghiệp gốm Chu Đậu, sẽ tiết kiệm được 257,66 TOE (tấn dầu quy đổi)/năm và tổng lượng khí thải giảm được là 1.069,48 tấn CO2/năm. Đó là chưa tính đến việc tiết kiệm thời gian nung (tương đương với việc nâng số mẻ nung từ 96 mẻ/năm lên 300 mẻ/năm), tiết kiệm các chi phí trong quá trình sản xuất.

Công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng - Thành công nhờ luôn gắn với thực tiễn và biết hướng tới nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp

So với loại lò nung có dung tích nhỏ thì việc thiết kế, chế tạo lò nung bằng gas hoá lỏng công suất lớn phức tạp hơn nhiều. Đối với lò nung 26 m3, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo nhiệt được phân phối đều khắp các vị trí của lò (có như vậy mới giúp tiết kiệm được nhiên liệu và đảm bảo sản phẩm chín đều trong quá trình nung), đồng thời thời gian nung của từng mẻ phải được rút ngắn. Yêu cầu này đòi hỏi nhà thiết kế phải có nhiều kinh nghiệm, đồng thời phải kết hợp với lý thuyết về lò nung. Ở miền Bắc chưa có một loại lò nung nào công suất 26 m3 nung bằng gas hoá lỏng để có thể tham khảo (lò lớn nhất có công suất là 18 m3), nên việc thiết kế và chế tạo lò nung công suất 26 m3 có chất lượng nung cao, tiết kiệm nhiên liệu là không dễ.

Trong quá trình sản xuất của mình, Công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng đã tiến hành cải tiến công nghệ lò nung và thực hiện các hợp đồng xây lắp lò mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại làng nghề Bát Tràng với các kích thước khác nhau (lò lớn nhất có công suất 18 m3). Các nhà thiết kế, chế tạo lò của Công ty đã tìm ra được các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc tính sản phẩm gốm nung bằng khí gas hoá lỏng.

Công ty đã nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công lò 26 m3 do thực hiện tốt 2 giải pháp kỹ thuật: 1- Buồng sấy tận dụng nhiệt lượng thừa từ khói lò nung; 2- Thiết kế hệ thống vòi phun hợp lý và chế độ cháy ưu việt, hoàn toàn điều khiển được môi trường nung. Việc nhóm nghiên cứu, thiết kế đã mạnh dạn cải tạo chiều rộng của lò (chiều rộng lớn gấp rưỡi lò khác) đã góp phần giúp giảm đáng kể chi phí nhiên liệu. Có được kết quả này, một phần quan trọng là nhờ Công ty đã biết phối hợp chặt chẽ và tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đặc biệt là PGS Nguyễn Đăng Hùng. Cụ thể, theo tính toán của Công ty, đối với những cơ sở sản xuất có nhu cầu sản xuất tập trung và các loại sản phẩm có kích thước lớn thì việc sử dụng các lò có công suất lớn là có lợi. Nếu lò 13 m3 nung bằng gas hoá lỏng (theo công nghệ trước khi cải tiến) tại Xí nghiệp gốm Chu Đậu có giá thành 1,2 tỷ/lò thì lò 26 m3 mới lắp đặt nung bằng khí gas hoá lỏng có giá 1,7 tỷ đồng, với thời gian nung tiết kiệm mỗi mẻ 6 giờ và số nhân công vận hành giảm đi một nửa (mỗi lò chỉ cần 1 người phụ trách kỹ thuật). Về bảo vệ môi trường; khi sử dụng lò nung theo công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ giảm thiểu vấn đề ô nhiễm nhờ vào 3 yếu tố: Lượng phế phẩm trong quá trình sản xuất ít, dẫn đến lượng chất thải rắn sinh ra ít hơn; lượng tiêu hao nhiên liệu ít, dẫn đến lượng khí thải CO2 ít hơn; nhiên liệu cháy triệt để hơn, hiệu suất đốt nhiên liệu cao hơn nên lượng nhiên liệu dư phát tán ra môi trường giảm.

Thành công của Xí nghiệp gốm Chu Đậu khẳng định hiệu quả của Dự án

Thành công của Xí nghiệp gốm Chu Đậu về đổi mới công nghệ, trong đó có việc xây dựng, lắp đặt lò có dung tích 26 m3 nung bằng gas hoá lỏng là một trong rất nhiều sự hỗ trợ kịp thời của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Bộ KH&CN thực hiện thông qua Quỹ Bảo vệ Môi trường và Quỹ giảm thiểu ô nhiễm Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Chỉ riêng trong lĩnh vực gốm sứ, qua 2 năm hoạt động (11.2006-11.2008), PECSME đã hỗ trợ cho khoảng 50 dự án. Như vậy, có khoảng 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng thành quả này, đã chủ động ứng dụng thành quả của KH&CN để quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường.

 

Theo TCHĐKH tháng 12-1008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)