Cần có một quy hoạch tổng hợp theo từng vùng lãnh thổ

Thứ ba, 11/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Sự cần thiết của quy hoạch vùng tổng hợp cấp tỉnhNhững năm gần đây, nhiều tỉnh gặp không ít bất cập trong quá trình quản lý phát triển kinh tế, xã hội như: tình trạng phá rừng diện rộng để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; phát triển ồ ạt nhiều khu, cụm công nghiệp, xây dựng nhiều sân golf ở các tỉnh nông nghiệp gây áp lực cho chiến lược an ninh lương thực quốc gia; phá rừng ngập mặn ven biển để nuôi trồng thuỷ sản; nhiều làng, xóm ở vùng núi bị lũ quét cuốn trôi gây thiệt hại lớn về người và của cải vật chất; cảnh quan nhiều vùng bị xâm hại. Theo yêu cầu kinh doanh của các chủ đầu tư trong và ngoài nước, nhiều tỉnh đã giải quyết một cách quá dễ dãi không theo quy hoạch hàng trăm dự án đầu tư, thậm chí có dự án khả năng gây ô nhiễm nặng vẫn được bố trí vào khu vực có cảnh quan - môi trường đẹp nhất thích hợp cho du lịch, nghỉ dưỡng. Nguyên nhân là do các tỉnh chưa có tổ chức lập và trình duyệt đồ án quy hoạch vùng tổng hợp cho lãnh thổ tỉnh để làm cơ sở cho quá trình quản lý phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh.
Luật Xây dựng năm 2003 đã xác định công tác “Quy hoạch xây dựng vùng” (điều 13, 15, 17, 18). Bộ Xây dựng đã triển khai lập hầu hết quy hoạch xây dựng vùng các vùng kinh tế. Còn quy hoạch xây dựng vùng tỉnh chỉ mới có một số ít tỉnh triển khai, nhưng vẫn là một loại quy hoạch vùng chuyên ngành.
Ngày 7/9/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2006/NĐ - CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (cho các vùng lãnh thổ: vùng kinh tế, vùng tỉnh, thành phố trực thuộc TW; vùng huyện và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Đến nay, Viện Chiến lược phát triển Bộ KH & ĐT đã triển khai lập và trình duyệt tất cả các vùng kinh tế của đất nước. Các tỉnh, thành phố đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành. Trong quá trình lập các loại quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển, các ngành các tỉnh đều thu thập, tham khảo ý kiến quy hoạch các ngành khác, nhưng nhiều nội dung trong các loại quy hoạch đó có sự trùng lặp, thậm chí có sự chồng chéo với các quy hoạch ngành khác. Tập hợp các loại quy hoạch khác nhau đó trên một vùng lãnh thổ tỉnh không trùng khớp, không thành một thể thống nhất gây lãng phí lớn về đầu tư lập các loại quy hoạch. Không có một quy hoạch hợp nhất đa ngành nên không có tác dụng chỉ đạo quản lý phát triển từng vùng lãnh thổ tỉnh. Các đồ án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành ít có tác dụng trong thực tiễn.
2. Thực tiễn quy hoạch vùng của nhiều nước trên thế giới
Công việc quy hoạch vùng đã hình thành và phát triển hơn 70 năm, bắt đầu từ các nước Anh, Pháp tiếp đó là các nước thuộc hệ thống XHCN trước đây. Đến nay công tác quy hoạch vùng đang tồn tại và phát triển mạnh ở Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nội dung công tác quy hoạch vùng mang tính tổng hợp, đa ngành không như nội dung quy hoạch xây dựng vùng của Việt Nam (một dạng quy hoạch ngành)
Vấn đề phân bố dân cư tương lai được giải quyết trong mối liên hệ với việc phát triển và bố trí lực lượng sản xuất, sự hình thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật: giao thông, điện, nước, thoát nước, thông tin liên lạc có xét đến các điều kiện thiên nhiên, kinh tế và quy hoạch - kiến trúc lãnh thổ. Điều đó có thể đạt được đầy đủ nhất và đồng bộ trong thực tiễn thiết kế trên cơ sở quy hoạch vùng tổng hợp (đồng bộ).
Quy hoạch vùng tổng hợp là một dạng thiết kế. Mục đích chủ yếu của quy hoạch vùng tổng hợp là bố trí hợp lý nhất và gắn bó hữu cơ với nhau trên một vùng lãnh thổ các khu vực sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản), thành phố và thị trấn (đô thị), nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, giao thông và các nới nghỉ ngơi của dân cư trên cơ sở đánh giá toàn diện tiềm năng lãng thổ đó, có xét đến các điều kiện và yếu tố địa lý, kinh tế, kiến trúc - quy hoạch, kỹ thuật - công nghệ và sinh thái.
3. Các dạng thiết quy hoạch vùng
Việc thiết kế quy hoạch vùng được phân làm 2 dạng: sơ đồ và đồ án. Sự khác nhau của 2 dạng này là mức độ nghiên cứu lập, quy mô của lãnh thổ thiết kế, đặc điểm nhiệm vụ được giải quyết và mức độ chi tiết nghiên cứu của từng vấn đề.
Sơ đồ hay đồ án quy hoạch vùng đều được nghiên cứu cho 2 giai đoạn chủ yếu: đợt đầu và dài hạn (dự tính). Đợt đầu bao gồm những năm hiện tại và kế hoạch 5 năm tiếp theo kế hoạch phát triển, tức là khoảng 7-10 năm. Còn thời hạn dài là khoảng 25-30 năm. Giải pháp có tính nguyên tắc về tổ chức quy hoạch lãnh thổ của quy hoạch vùng và phương hướng có thể phát triển trên lãnh thổ đó cho tương lai xa hơn.
a. Sơ đồ quy hoạch vùng tổng hợp được áp dụng cho các vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm. Sơ đồ quy hoạch vùng là dạng phổ biến nhất nó là mắt xích liên hệ khớp nối giữa kế hoạch hoá lãnh thổ và công tác thiết kế quy hoạch và bảo đảm chuyển từ các giải pháp của sơ đồ phát triển và bố trí các cơ sở sản xuất của các vùng, miền tới giải pháp thiết kế quy hoạch .
Nhiệm vụ chủ yếu của việc nghiên cứu lập các sơ đồ quy hoạch vùng là:
- Thể hiện tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, đất đai lãnh thổ, lao động và kinh tế của các tỉnh- thành phố trong vùng; khả năng phát triển và bố trí trong giới hạn lãnh thổ việc xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật;
- Nghiên cứu đề xuất các kiến nghị có tính nguyên tắc về phân khu chức năng lãnh thổ tổng quát và bố trí liên hệ đồng bộ các công trình quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân;
- Xác định tương lai biến đổi dân số và phương hướng phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn có xét đến sự tăng trưởng các đô thị hiện có và tạo lập các đô thị - thị trấn mới, cũng như phương hướng chủ yếu hình thành hệ thống phân bố dân cư và cải tạo mạng lưới các điểm dân cư nông thôn;
- Xác định tương lai phát triển các trung tâm dịch vụ văn hoá - đời sống cho nhiều điểm dân cư, các cơ sở nghỉ ngơi - vui chơi giải trí cho dân cư và cơ sở du lịch;
- Xác định tương lai cấp nước, cấp năng lượng, phát triển giao thông và các trục kỹ thuật hạ tầng;
- Xác lập phương hướng công tác về phục hồi, gìn giữ và cải thiện cảnh quan thiên nhiên; bố trí các khu vực lớn nghỉ ngơi dài và ngắn hạn; xác định đồng bộ các biện pháp cần thiết để gìn giữ môi trường thiên nhiên - làm sạch bầu không khí và nước mặt, thủ tiêu các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường;
- Luận cứ việc phân vùng kinh tế - quy hoạch với việc phân chia các khu theo chuyên môn hoá kinh tế quốc dân khác nhau, các giai đoạn phát triển của vùng quy hoạch .
b. Đồ án quy hoạch vùng được lập cho các vùng lãnh thổ tỉnh - thành phố trực thuộc TW, các vùng liên huyện có cùng tính chất kinh tế hoặc có sự thống nhất các vấn đề tổ chức quy hoạch lãnh thổ
Ranh giới các vùng - đối tượng quy hoạch vùng - được áp dụng phù hợp với việc phân vùng kinh tế - quy hoạch của tỉnh, miền được xác lập khi nghiên cứu lập sơ đồ quy hoạch vùng và được làm chính xác phù hợp với chuyên môn hoá kinh tế quốc dân chủ đạo của vùng. Trong mọi trường hợp ranh giới của vùng được xác lập có xét tới ranh giới các khu hành chính.
Nhiệm vụ cơ bản của việc nghiên cứu lập đồ án quy hoạch vùng là:
- Nghiên cứu phân khu chức năng tương lai của vùng trên cơ sở phân tích chi tiết lãnh thổ của vùng;
- Thể hiện lãnh thổ đất đai thuận lợi nhất để bố trí xây dựng công nghiệp, đô thị - nông thôn, sản xuất nông nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng của dân chúng, lập bản đồ địa chính đất đai dự trữ.
- Xác định tương lai mở rộng các khu công nghiệp hiện có, bố trí các khu - cụm công nghiệp mới lớn và các xí nghiệp nông nghiệp.
- Xác định tương lai phát triển dân số của toàn bộ vùng và từng điểm dân cư, cũng như phương hướng phát triển và hình thành cấu trúc quy hoạch hệ thống phân bố dân cư;
- Nghiên cứu hệ thống các trung tâm dịch vụ văn hoá - thương mại giữa các điểm dân cư;
- Nghiên cứu tương lai tổ chức và bố trí các cơ sở du lịch, nghỉ ngơi giải trí của dân cư;
- Nghiên cứu các biện pháp cấp - thoát nước, cấp năng lượng, bố trí mạng lưới đường giao thông và các công trình kỹ thuật hạ tầng của vùng và liên vùng;
- Thể hiện các biện pháp gìn giữ môi trường của vùng, nghiên cứu các biện pháp về cải thiện vệ sinh môi trường, giữ gìn bầu không khí và nguồn nước.
Tuỳ thuộc vào thế trội của mỗi vùng - mà nghiên cứu sâu vào ngành này hay ngành khác của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch), nhiệm vụ quy hoạch vùng phải cụ thể hoá cho từng trường hợp cụ thể trong quan điểm tổng thể không thay đổi của toàn bộ vấn đề quy hoạch vùng tổng hợp.
Nhiệm vụ đặc thù của quy hoạch vùng tổng hợp vùng phát triển chủ đạo công nghiệp là:
+ Bố trí các khu - cụm - tổ hợp công nghiệp phải xét tới khả năng tập trung, chuyên môn hoá và hợp tác hoá sản xuất để đạt điều kiện kinh tế nhất trong xây dựng và khai thác;
+ Hình thành hệ thống phân bố dân cư tối ưu và bảo đảm điều tiết hợp lý việc tăng trưởng các đô thị cực lớn và lớn, phát triển các đô thị trung bình và nhỏ, và quy mô hoá các thị trấn, điểm dân cư nông thôn;
+ Phát triển và xếp đặt hợp lý mạng lưới đường giao thông vận tải hành khách và hàng hoá, thông tin liên lạc thuận tiện giữa khu ở và các nới làm việc chủ yếu;
+ Tổ chức các cơ sở nông nghiệp ngoại thành để đảm bảo cho dân cư đô thị;
+ Nghiên cứu và thực hiện các biện pháp về gìn giữ thiên nhiên - bầu không khí, nền đất, mặt nước và dòng nước (sông, suối, kênh rạch…), thảm rừng cây… khỏi ô nhiễm do chất thải sản xuất.
Trong các vùng chủ đạo là sản xuất nông nghiệp, nhiệm vụ quan trọng quy hoạch vùng là:
- Nghiên cứu chuyên môn hoá thích hợp, phân khu, tổ chức sản xuất nông nghiệp tối ưu và sử dụng hiệu quả quỹ đất đai;
- Bố trí tối ưu các xí nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch nhằm bảo quản và chế biến tốt các sản phẩm nông nghiệp đồng bộ với các xí nghiệp công nghiệp ngành khác;
- Thể hiện tương lai phát triển mạng lưới các điểm dân cư nông thôn, quy mô hoá hợp lý và cải tạo thành các thị trấn hiện đại;
+ Nghiên cứu đề xuất hệ thống thống nhất các trung tâm dịch vụ công cộng của thành phố và nông thôn, các cơ sở nghỉ ngơi du lịch;
+ Nghiên cứu các biện pháp về cải thiện chất lượng đất đai trồng trọt, mở rộng đất đai sản xuất nông nghiệp.
Đối với vùng đặc thù du lịch, nghỉ ngơi giải trí, chữa bệnh thì nhiệm vụ chủ yếu của quy hoạch vùng là:
- Trên cơ sở đánh giá tài nguyên du lịch - nghỉ ngơi - chữa bệnh mà xác định quy mô tối ưu của vùng cho mục đích du lịch - chữa bệnh;
- Bố trí hợp lý các tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng, các ngành kinh tế dịch vụ…;
- Phân bố các điểm dân cư và các trung tâm dịch vụ công cộng thường xuyên và theo thời vụ (du lịch, nghỉ ngơi, chữa bệnh…);
- Tổ chức hệ thống cảnh quan thiên nhiên và văn hoá; sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ;
- Nghiên cứu các biện pháp bảo đảm mức độ cao trạng bị kỹ thuật cho vùng, cải thiện điều kiện vệ sinh - y tế của vùng, gìn giữ môi trường, gìn giữ và cải thiện cảnh quan thiên nhiên.
Nhiệm vụ chủ yếu nghiên cứu đồ án quy hoạch vùng của vùng thành phố cực lớn, thành phố đặc biệt và các vùng đô thị hoá (aglomeration) là:
+ Phát triển đồng bộ và bố trí tất cả các ngành kinh tế của vùng phù hợp với nhiệm vụ điều tiết hợp lý sự tiếp tục bành trướng của thành phố trung tâm, khả năng giảm tải đô thị trung tâm của chùm đô thị và ưu tiên phát triển các đô thị xung quanh của vùng;
+ Hình thành và phát triển chùm đô thị nhằm bảo đảm cho dân cư của vùng tới đô thị trung tâm thuận tiện, tạo hệ thống trung tâm dịch vụ - văn hoá công cộng hiệu quả và nghỉ ngơi của dân cư;
+ Tổ chức vành đai xanh bao quanh thành phố trung tâm như là một phần quan trọng của hệ thống thảm xanh của vùng;
+ Tổ chức cơ sở nông nghiệp ngoại thành thống nhất với việc sử dụng mọi ưu việt của vùng cho sản xuất nông nghiệp; Gắn nông nghiệp với các trung tâm công nghiệp lớn;
+ Phát triển các mạng lưới giao thông công cộng, vận tải, cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng và thông tin liên lạc;
+ Gìn giữ và cải thiện môi trường - có xét đến tăng mật độ dân cư cao và tập trung lớn sản xuất công nghiệp trong vùng.
Những nội dung về quy hoạch vùng nêu trên chỉ trình bày dưới dạng chung. Trong đó quy hoạch vùng bao trùm các điều kiện tự nhiên, sản xuất, phân bố dân cư, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, gìn giữ môi trường thiên nhiên lãnh thổ được thiết kế. Trong đó có số lượng các ngành và các dạng hoạt động của từng ngành, các khuynh hướng thường xuyên mở rộng. Khi xem xét các dạng hoạt động kinh tế trên lãnh thổ thiết kế chỉ ở dạng tổng hợp, quy hoạch vùng là phương pháp đồng bộ thiết kế và tổ chức các hoạt động như thế.
Một đặc điểm khác của quy hoạch vùng - là tính định hướng lãnh thổ cụ thể. Quy hoạch vùng không nghiên cứu chi tiết các vấn đề phát triển từng ngành kinh tế trong giới hạn một lãnh thổ bất kỳ, mà chỉ là liên kết với sự bố trí cụ thể các công trình của ngành đó; Quy hoạch vùng cũng không giới hạn bằng các vấn đề chung chung bố trí các công trình kinh tế khác nhau, mà bắt buộc phải “liên kết” chúng vào các điểm dân cư cụ thể. Tài liệu quy hoạch vùng thực chất là các bản đồ nguyên tắc phân bố cụ thể lãnh thổ giữa các hệ thống chức năng và kỹ thuật. Vì vậy giải quyết nhiệm vụ quy hoạch vùng phải gắn với việc phân tích lãnh thổ, dự báo sự biến đổi trạng thái môi trường, với việc lập các tiền đề để đạt tới sự hài hoà giữa các hệ thống kỹ thuật và sinh thái trên lãnh thổ được xem xét. Một đặc điểm nữa của quy hoạch vùng là phải dựa vào các bản đồ địa lý tỷ lệ lớn để thể hiện các khu vực công trình có chức năng khác nhau, thể hiện quy mô khu đất phù hợp với tỷ lệ bản đồ được sử dụng.
Như vậy quy hoạch vùng được coi là một phạm trù hoạt động rất rộng, rất động của xã hội , có đặc điểm tổng hợp, đồng bộ; Yêu cầu có sự tham gia nghiên cứu của nhiều chuyên gia các ngành kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc, xã hội, môi trường… Sự tiến bộ khoa học, công nghệ, xã hội tạo nên sự cần thiết phải khớp nối thích hợp các mục đích, các dạng và đối tượng của quy hoạch vùng.
Ở nhiều nước, người ta rất coi trọng công tác quy hoạch vùng tổng hợp và coi đó là một trong những cơ sở quan trọng để lập kế hoạch phát triển của đất nước, của từng vùng lãnh thổ. Các cơ sở để lập kế hoạch phát triển (có nước gọi là chiến lược phát triển) của từng vùng, đó là: quy hoạch vùng tổng hợp; nhu cầu thực tế đời sống xã hội đòi hỏi; Yêu cầu của các nhà đầu tư; chủ trương của nhà cầm quyền, tiềm năng vật chất có thể huy động… Nhưng quy hoạch vùng tổng hợp có sự khác nhau về chất và nguyên tắc với kế hoạch hoá (chiến lược) phát triển của từng lãnh thổ vùng. Đó là quy hoạch vùng tổng hợp là tài liệu thiết kế quy hoạch - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật; Nó không có tính bắt buộc, tính chỉ đạo như kế hoạch.
Khi xem xét vấn đề cụ thể hơn về vị trí quy hoạch vùng trong hệ thống kế hoạch hoá phát triển và thiết kế, trước mắt phải thấy rằng, công tác quy hoạch vùng có đặc điểm tổng hợp, không bao hàm hoạt động cần thiết cho bất kỹ giai đoạn thiết kế đã áp dụng, thậm chí không phù hợp với nhiệm vụ thiết kế, đúng hơn và chính xác hơn nó là công việc “tiền thiết kế”. Nó được coi là cơ sở để tiếp tục thiết kế, vì vậy giải pháp quy hoạch vùng tổng hợp nhằm vào tất cả các mục tiêu thực hiện cho tương lai- kế hoạch trung hạn và dài hạn phát triển.
4. Những trăn trở về công tác quy hoạch vùng tỉnh (cả quy hoạch ngành) hiện nay
Mười năm trở lại đây, cả nước ta rộ lên công tác quy hoạch. Có thể nói nhà nhà làm quy hoạch, người người làm quy hoạch, các cấp quản lý hành chính làm quy hoạch. Nhưng không có quy hoạch tổng hợp, thống nhất theo từng vùng lãnh thổ tỉnh nào được ổn định, có giá tị lâu dài.
Chỉ nói về công tác quy hoạch có tính chất vùng: quy hoạch tổng thể phát triển, quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng vùng… đều được Nhà nước xác định bằng các văn bản pháp luật tương đối bao quát, gồm từ Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư hướng dẫn…, như Luật Xây dựng 2003, Nghị định của Chính phủ số 08/2005/NĐ - CP ngày 24/01/2005 về Quy hoạch xây dựng; Nghị định của Chính phủ số 92/2006/NĐ - CP ngày 07/09/2006 về Quy hoạch tổng thể phát triển và quy hoạch ngành - lĩnh vực; Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004/NĐ - CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai; Thông tư hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường số 30/2004/TT - BTNMT ngày 01/11/2004.
Nhìn chung, có sự trùng lặp, chồng chéo giữa quy hoạch tổng thể phát triển vùng với quy hoạch xây dựng vùng. Cấu trúc các bản quy hoạch đó gần giống nhau, chỉ khác ở chỗ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thiên về xác lập các mục tiêu phát triển (tăng trưởng GDP, tổng GDP, giá trị xuất khẩu, tăng việc làm, giảm đói nghèo và thất nghiệp, phổ cập giáo dục, tăng tỷ lệ dân số, giảm bệnh tật…), nhưng tiền đề vật chất để tạo nên sự phát triển đó không rõ ràng, chưa xác lập cụ thể các luận cứ khoa học và thực tiễn nên các đề xuất phát triển nêu trên là không có căn cứ, thực tiễn phát triển xã hội không theo như dự báo, phải điều chỉnh nhiều lần trong thực tiễn. Nhiệm vụ chính của quy hoạch là quy hoạch phát triển các cơ sở vật chất, phân vùng sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch các trung tâm dịch vụ…), nhưng phần này nghiên cứu chưa sâu, chưa cụ thể tầm nhìn quá hẹp: chỉ có 5 năm và 10 năm. Còn quy hoạch xây dựng thì thời đoạn quy hoạch là 20 - 25 năm, tầm nhìn tới 2050.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nặng về lý luận, thuyết minh dự báo, chưa thể hiện được trên các bản đồ ở tỷ lệ thích hợp (minh hoạ bằng sự phát triển không gian) thể hiện sự phát triển không gian. Ngược lại, quy hoạch xây dựng vùng thiên về thể hiện sự phát triển không gian hệ thống đô thị, chưa nghiên cứu sâu thể hiện việc phân vùng kinh tế sản xuất công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ…, đó là cơ sở và nội dung chính của quy hoạch vùng (vẫn giới hạn như quy hoạch ngành về mạng lưới đô thị, chưa đề xuất cải biến hệ thống các điểm dân cư nông thôn).
Quy hoạch sử dụng đất đai vùng chưa có sự phân biệt cấp độ quy hoạch; tầm vĩ mô của vùng kinh tế hay từng tỉnh - thành phố và quy hoạch địa bàn cấp huyện hay từng đô thị. Đáng lý quy hoạch sử dụng đất đai cấp vùng và cấp tỉnh chỉ dừng lại ở mức độ phân chia đất đai cho phát triển công nghiệp, phát triển nông nghiệp, phát triển đô thị… Việc quy hoạch sử dụng đất đai chi tiết theo từng tính chất của lãnh thổ (nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, hạ tầng kỹ thuật chi tiết…) hãy để cho các chuyên ngành quy hoạch đó lập. Quy hoạch sử dụng đất đai của Bộ Tài nguyên & Môi trường không nên chi tiết quá như: đất đai sản xuất, cây con của ngành nông nghiệp; quy hoạch đất đai các công trình xã hội trong các đô thị, không nên gộp cả đường phố vào hệ thống công trình giao thông vận tải cấp quốc gia…
Có thể dẫn chứng nhiều sự chồng chéo khác về nội dung quy hoạch của các loại quy hoạch có tầm vùng và sự không trùng khớp về thời đoạn quy hoạch dài hạn và ngắn hạn. Nên các quy hoạch có tính chất vùng đó chưa có một bản quy hoạch thống nhất, đa ngành để quản lý chỉ đạo phát triển vùng một cách hữu hiệu. Tốn nhiều công sức (người và vốn đầu tư) lập quy hoạch nhưng không có hiệu quả.
Nhiều quy hoạch có tính chất vùng vừa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ sau một năm đã thấy lạc hậu, không còn thích hợp, yêu cầu phải được điều chỉnh bổ sung. Quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất đai đến năm 2005 của cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập được Quốc hội phê duyệt năm 2004 cũng trong tình trạng đó.
Tóm lại chúng ta cần có một loại quy hoạch vùng tổng hợp cho từng vùng lãnh thổ để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phát triển dài hạn và ngắn hạn (hay chiến lược phát triển lãnh thổ) và là cơ sở để các ngành, các cấp lập quy hoạch ngành cũng như kế hoạch phát triển ngành, phát triển đô thị. Công việc này có lẽ phải được bắt đầu từ việc điều tiết của Nhà nước; Nhà nước cho sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp luật hiện hành. Các bộ các ngành cùng ngồi lại với nhau để bàn, xác định nội dung, ranh giới nghiên cứu hợp lý giữa các ngành, các cấp; hoặc đề nghị Chính phủ cho soạn thảo một bộ luật về quy hoạch, trong đó xác định rõ nội dung từng loại quy hoạch, phân giao cụ thể cho từng ngành, từng cấp nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền xét duyệt và quản lý.
Để giúp Nhà nước có cơ sở khoa học xác định lại nội dung các loại quy hoạch, tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch có hiệu quả, trước hết cần có một chương trình khoa học (tối thiểu là một đề tài) tổng kết, đánh giá công tác quy hoạch có tính chất vùng hiện nay, đề xuất các cơ sở khoa học để phân loại, xác định nội dung nghiên cứu các loại quy hoạch hợp lý cho thời gian tới. Trên cơ sở các kết luận khoa học trình Nhà nước chấp thuận để cho biên soạn lại Luật Quy hoạch đồng bộ.
 
 
Nguồn : TC Xây dựng, số 9/2008
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)