Tên đề tài: Chất lượng ở và điều kiện ở chung cư cao tầng TP.HCM.

Thứ tư, 22/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mã số đề tài: RD 27-02 Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS.KTS. Trần Văn Lương. Cơ quan chủ trì thực hiện: Đại học Kiến trúc TPHCM. Địa chỉ tài liệu: KQNC.1103.Thư viện KHCN-Bộ Xây dựng.

Mục tiêu đề tài:

Lĩnh vực nhà ở cao tầng nói chung được hình thành và phát triển từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Yếu tố quyết định sự phát triển của nhà chung cư cao tầng là công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng, kết cấu công trình và tiếp theo là quy hoạch, kiến trúc hiện đại, nhu cầu phát triển về kinh tế xã hội.

Do hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam, nhà chung cư cao tầng nói chung phát triển về số lượng, chất lượng ở mức độ khiêm tốn và chỉ có thể nhìn nhận rõ nét hơn trong thời kỳ “Đổi mới” về kinh tế từ những năm cuối 90. Cho đến nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn còn chưa thể khẳng định được nhà chung cư cao tầng đang phát triển mạnh mẽ trên cơ sở công nghệ kỹ thuật xây dựng, kết cấu, vật liệu mới, trang thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh để có những sản phẩm chất lượng cao của thời kỳ tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nhà chung cư cao tầng sẽ phát triển, đóng góp vai trò xứng đáng khi đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, khả năng của tầng lớp đông đảo dân cư đô thị, trong đó có TP.Hồ Chí Minh.

Năm 2003, Bộ Xây dựng đã ban hành “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến 2020” , theo Quyết định số 112/2002, ngày 3/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có lĩnh vực kiến trúc nhà ở, và là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc trong cả nước.

Thời gian trước đó, đã có chủ trương khác về nhà ở đô thị cho TP.Hồ Chí Minh đến năm 2000. Trong đó nêu rõ, cần triển khai mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Chính phủ về bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho những người đang thuê. Đồng thời, phải lập ra các dự án phát triển nhà để sử dụng ngay tiền thu được từ việc bán nhà, không để giảm giá vì yếu tố lạm phát. Đồng thời xoá bỏ bao cấp nhà ở, phát triển nhanh quỹ nhà ở với nhiều loại căn hộ, tiện nghi để cho các đối tượng khác nhau có thể thuê hoặc mua được nhà.

Năm 2002, tại Hội thảo “Quản lý chất lượng đầu tư – xây dựng và sử dụng chung cư” do Sở Địa chính nhà đất, Sở Xây dựng, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn đồng tổ chức tại TP.HCM, đã báo cáo nêu rõ:

- Hiện trạng nhà ở có diện tích: 52.711.338 m2 không kể nhà tạm.

- Chung cư có tỷ lệ hư hỏng cao hơn 40%, với 12.011 căn hộ, diện tích 558.088 m2.

- Hình thức sở hữu Nhà nước là 9%, sở hữu tư nhân là 89,7% năm 2000.

- Diện tích bình quân một căn nhà: 54,1m2, một hộ gia đình: 50,07m2, một người sử dụng là 10,27m2

Mục tiêu phát triển nhà ở là nâng diện tích ở bình quân người dân thành phố từ 10,27m2/người năm 2000 lên 14,2m2/người năm 2010. Nâng tổng diện tích quỹ nhà ở của thành phố từ 52 triệu m2 lên 103 triệu m2. Bình quân mỗi năm xây mới khoảng 5 triệu m2 nhà ở. Nâng quỹ kiên cố từ 20,4% lên 40%.

Hiện trạng chung cư hư hỏng cần xây dựng lại là 7.050 căn hộ; cải tạo nâng cấp 185.185 căn hộ.

Trong tổng quỹ nhà ở thì chung cư cao tầng chỉ chiếm 10% là quá ít cho một thành phố lớn. Bên cạnh đó, chất lượng ở và điều kiện ở của nhà chung cư cao tầng đang là nỗi lo lắng chính đáng của người dân và những ai quan tâm.

Đề tài nghiên cứu dựa vào thực trạng của quỹ nhà ở chung cư cao tầng được xây dựng từ trước đến năm 2000 để phân tích, đánh giá và đúc kết những kết luận về chất lượng ở, điều kiện ở và kiến nghị một số giải pháp hy vọng đóng góp vào sự phát triển của thể loại nhà chung cư cao tầng tại TP.Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ nay về sau.

Mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài là:

- Đánh giá hiện trạng chung cư cao tầng TP.HCM về chất lượng ở và điều kiện ở.

- Xác định cơ sở khoa học để nghiên cứu, đánh giá nội dung các yếu tố hình thành, phát triển chung cư cao tầng đô thị.

- Các kết luận đề xuất, kiến nghị phương pháp phát triển bền vững chung cư cao tầng TP.HCM.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài khẳng định sự cần thiết có vai trò quyết định của nghiên cứu dự báo và nghiên cứu thực nghiệm trong quá trình phát triển nhà chung cư cao tầng

Kết quả đề tài:

Đề tài đã đưa ra các kiến nghị và đề xuất phát triển của chung cư cao tầng.

Sự cần thiết tìm một phương pháp phát triển bền vững nhà ở chung cư cao tầng tại TP.HCM, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu từng nhóm đối tượng sử dụng nhà ở, tạo cơ hội cho nhiều người có nhà ở.

Đề nghị được thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm phát triển nhà ở chung cư cao tầng theo hướng 4 + 1”.

Nghiên cứu thực nghiệm chương trình “Dự báo kinh tế nhà ở đô thị”, phương pháp luận, vai trò của các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật trong cơ cấu mặt bằng, tổ chức không gian kiến trúc căn hộ ở và phát triển bền vững nhà ở theo nhu cầu thực tế ngày càng cao về số lượng, cũng như chất lượng. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm sẽ cho chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, tiêu chí…kiến nghị cụ thể và chính xác mang tính khoa học và thưc tiễn cao, có khả năng đưa vào các quy định, hướng dẫn mang tính pháp lý trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm đầu tư phát triển nhà ở của Singapore, Trung Quốc…theo chương trình nghiên cứu thực nghiệm được giao.

Nội dung nghiên cứu của đề tài sử dụng cho các đồ án tốt nghiệp kiến trúc và nghiên cứu chuyên đề của sinh viên các năm cuối.




Thư viện Bộ xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)