Thành phố vệ tinh Bắc An Khánh và việc đi tìm một cấu trúc đô thị thích hợp cho Hà Nội

Thứ năm, 25/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hoá đưa ra các thách thức nghiêm trọng đối với các chiến lược kinh tế - xã hội đang bị đe doạ trở thành lạc hậu tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Những quan niệm mới nhất về phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực đô thị, đang hướng các nhà lý luận cũng như các nhà quản lý đô thị đến các cách ứng xử khôn ngoan nhằm nâng cao sức sống đô thị - mà theo các quan niệm hiện đại, chính là các đầu tàu phát triển cho toàn bộ nền kinh tế. Sức sống đô thị lại được thể hiện thông qua khả năng cạnh tranh của các thành phố như một yếu tố quan trọng của cạnh tranh toàn cầu. Và đến lượt mình, khả năng cạnh tranh đô thị khó có thể được tạo ra khi thiếu một cấu trúc đô thị thích hợp.

Trong bài này, chúng tôi phân tích sự phát triển của Khu đô thị mới Bắc An Khánh như một yếu tố cấu thành trong chuỗi các lập luận như đã khái quát trên đây, nhằm tiến đến một cơ cấu đô thị thích hợp với Hà Nội trên con đường trở thành một thành phố quan trọng, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.

Sức sống đô thị

Vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước, trong giới nghiên cứu đã hình thành một cái nhìn bi quan bao trùm lên các vấn đề đô thị. Tại các nước phát triển, sự cáo chung của nền sản xuất hàng loạt - nhanh, nhiều, tốt, rẻ - một nền sản xuất tuân theo các nguyên tắc của Henry Ford Fordism và sự xuất hiện của nền sản xuất mới, JIT just-in-time production, đã dẫn đến một sự bất tương hợp đáng kể giữa trình độ kiến thức và tay nghề của một bộ phận lớn cư dân đô thị và yêu cầu của các ngành công nghệ cao. Tỷ lệ thất nghiệp hai con số, ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam, giá xăng dầu tăng vọt vì khủng hoảng năng lượng bắt đầu vào 1973, đã khiến các đô thị phương Tây, nhất là ở Mỹ rơi vào một quá trình suy thoái kéo dài. Nhiều nhà lý luận đô thị đã tiên đoán sự đổ vỡ hoàn toàn của trật tự đô thị như ta đã từng biết.

Từ giữa những năm 80, tuy nhiên đã có một sự phục hồi đáng kể, không những chỉ trong hoạt động của những trung tâm đô thị lớn mà còn cả trong nhận thức của những nhà nghiên cứu và các nhà quản lý. Sự “khởi sắc trở lại” của đô thị làm nổ ra những cuộc tranh luận về chính bản chất khởi thuỷ của sự hình thành đô thị. Lý thuyết kinh điển về đô thị cho rằng sự tập trung dân cư và các cơ sở sản xuất diễn ra do sự cần thiết phải giảm thiểu chi phí giao thông và tận dụng ưu thế tích tụ sản xuất. Tuy nhiên, chi phí giao thông trong khoảng nửa thế kỷ lại đây đã giảm đi đến 90%, nhưng sự cáo chung được dự báo của các đô thị đã không xảy ra. Từ đó, nguyên nhân chính của việc tập trung dân cư tại các khu đô thị hiện nay lại được giải thích bằng một lý do khác hẳn: sự gần gũi face - to - face  contact tạo điều kiện cho việc ra đời các ý tưởng sáng tạo Hall, 2000, Glaeser, 2006 từ các ý tưởng dường như thuần lý luận, trong vòng nửa thế kỷ đã có thể nảy sinh ra những lĩnh vực sản xuất tạo ra những khối lượng của cải khổng lồ, ví dụ như công nghệ thông tin ở thung lũng Silicon hay công nghệ sinh học ở hành lang Cambridge, hoặc các nhà máy thiết bị điện tử ở quần thể các thành phố nhỏ trên đảo Đài Loan. Có thể thấy các đô thị chính là những vị trí địa lý nơi nền kinh tế tri thức chọn làm điểm khởi đầu.

Sức sống đô thị như vậy đã quay lại với các giá trị nhân bản vốn đã là nguồn gốc của việc xuất hiện các thành phố đầu tiên trên bề mặt trái đất.

Cạnh tranh đô thị

Khái niệm cạnh tranh đô thị lần đầu tiên được nhắc đến vào khoảng 1 thập kỷ lại đây. Thế giới chứng kiến việc các đô thị trực tiếp cạnh tranh với nhau trên nhiều phương diện, như năng lực sản xuất, chế tạo, mức độ tiện nghi, môi trường văn hoá…, mục tiêu chính của việc canh tranh này là để thu hút nhân tài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý và sáng tạo nghệ thuật, thu hút các công ty xuyên quốc gia TNC và kéo theo đó là các nguồn đầu tư khổng lồ từ bên ngoài, và thu hút làn sóng khách du lịch. Nhìn từ góc độ hệ thống, đây là cuộc cạnh tranh nhằm mục đích cải thiện vị trí của một đô thị nhất định trong mạng lưới các đô thị toàn cầu Hall, 2000, Friedman, 1995, Sassen, 1995.

 Theo Marcotullio và những người khác 2000 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh đô thị gay gắt đã dẫn đến việc ra đời của sự chuyên môn hoá về mặt chức năng của các đô thị, bao gồm:

- Đô thị xuất khẩu tư bản đô thị hậu công nghiệp - Tokyo, Seoul, Taipei;

- Đô thị sản xuất đô thị tiếp nhận FBI: Bangkok, Jakarta

- Đô thị không biên giới vùng đô thị mở rộng - EUR - như ở Singapore - Malaysia - Bangkok

- Đô thị tiện nghi Sydney, Vancouver.

Sự “phân công lao động” này giữa các đô thị diễn ra, có vẻ như thông qua một quá trình tiến hoá tự nhiên, tuy nhiên trên thực tế không thể hạ thấp vai trò của ý định chủ quan.

Nếu các đô thị trên thế giới có thể được xếp thành một chuỗi liên tục dựa trên các mức độ của ý chí chủ quan, với một đầu mút của chuỗi là các đô thị phát triển gần như hoàn toàn tự do Houston, Bangkok, Rio de Janeiro và đầu kia là các đô thị phát triển theo các quy chế nghiêm ngặt Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Singapore, ta có thể thấy một điều thú vị: Các đô thị có vị trí cạnh tranh cao nhất thường được gọi là các thành phố toàn cầu World Cities như London, Newyork và Tokyo lại nằm ở khu vực lưng chừng. Như vậy, đối với các đô thị sức cạnh tranh là kết quả của sự phối hợp khôn ngoan giữa một bên là việc thích ứng với quá trình tiến hoá tự nhiên và bên khác là ý chí chủ quan dựa trên những hiểu biết sâu sắc của các nhà hoạch định chính sách đô thị.

Cấu trúc đô thị

Cấu trúc đô thị của một thành phố, trong điều kiện toàn cầu hoá như hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào vị trí của nó trong mạng lưới đô thị thế giới Sassen, 1995. Có một sự đồng thuận đáng kể về việc phân loại cấu trúc đô thị, bao gồm các kiểu cấu trúc sau:

- Đô thị đơn tâm hay đồng tâm Burgess và những người khác, 1925;

- Đô thị hình sao từ kiểu đơn tâm phát triển lên dựa trên các tuyến giao thông chính;

- Đô thị hình quạt Hoyot, 1939;

- Đô thị đa tâm hay đa cực Haris và Ullman, 1951;

- Có nhiều cách giải thích sự hình thành của mỗi loại cấu trúc đô thị, chứa đựng trong các lý thuyết vị trí dân cư. Một trong các lý thuyết mới nhất hiện nay, do tác giả bài này đề xuất đã đưa ra một cách giải thích hoàn toàn mới mẻ đối với các hiện tượng có quy luật diễn ra tại hầu hết các đô thị trên thế giới. Thay vì sự lựa chọn hay đúng ra là sự đánh đổi giữa chi phí đi lại và chi phí nhà ở, các tác giả đã đề ra giả thiết và sau đó chứng minh được là người dân quyết định vị trí cư trú dựa trên cơ sở cân nhắc giữa các yếu tố đặc trưng cho vị thế xã hội và các yếu tố phản ánh chất lượng vật lý của công trình. Quan điểm mạnh bạo này đã được giới học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu đô thị trên thế giới ủng hộ mạnh mẽ, và công trình nghiên cứu này đã được tặng Giải thưởng kỷ niệm Donald Robertson năm 2000 của Tạp chí Đô thị học xuất bản tại Vương quốc Anh Hoang Huu Phe & Patrick Wakely, 2000.

Nói chung sự tiến hoá của cấu trúc đô thị đi từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn tâm đến đa tâm, và từ ngẫu nhiên đến tính toán. Việc chủ động tạo ra các cực phát triển là một trong các yếu tố chủ đạo của chính sách đô thị  mà chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở các phần sau.

Cấu trúc đô thị Hà Nội theo các quan điểm mới nhất

Theo các quan điểm mới nhất, cấu trúc đô thị Hà Nội là một phần hợp thành của một cơ cấu đô thị rộng lớn hơn, được gọi là Quy hoạch Vùng Hà Nội. Đây chắc chắn là một bước tiến quan trọng trong tư duy phát triển đô thị, như một động thái đáp ứng sự cần thiết phải đưa ra một chiến lược đô thị nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Vùng Hà Nội. Trong mô hình này, ngoài những cơ sở lý luận chung cho một dự án tầm cỡ lớn không thể phân tích chi tiết được trong khuôn khổ bài này, một số luận điểm liên quan đến nội dung bài này cần được nhấn mạnh:

- Hà Nội được coi là trung tâm của một vùng đô thị, được hình thành như một hành lang phát triển bao gồm 2 cực chính là Hà Nội và Hạ Long - Hải Phòng

- Hà Nội nhấn mạnh hướng phát triển lên phía Bắc sông Hồng

- Một hệ thống đô thị đối trọng và đô thị vệ tinh được thiết lập để giãn mật độ tại thành phố trung tâm.

Luận điểm thứ nhất phản ánh một cách có ý thức hay chỉ đơn giản là ngẫu nhiên một xu hướng hiện nay trên thế giới về việc “ghép đôi” các đô thị lớn Hồng Kông/ Quảng Châu, Amsterdam/Hague, Brasilia/Rio de Janeiro, Moscow/Saint Petersburg, Sydney/Cannbera, New York/ Washington DC,…. Tuy nhiên, ý đồ biến vùng không gian ở giữa hai cực Hà Nội và Hạ Long thành một khu vực lý tưởng cho việc phát triển công nghiệp gia công chắc chắn sẽ biến Vùng Hà Nội thành một ví dụ kinh điển của cái mà McGee 1994 gọi là desakota 1 trong một Vùng đô thị mở rộng EUR hay Extended Urban Region. Ngoài các điểm thuận lợi có thể nhìn thấy được trong tương lai gần Yichun Xie và những người khác, 2005, kịch bản phát triển này hàm chứa một yếu tố rủi ro đáng kể.

Thứ nhất, như ta biết phần lớn các cơ sở sản xuất của chúng ta hiện nay là khu vực công nghiệp nhẹ, mang tính chất gia công. Đây chính là các cơ sở sản xuất Fordism với đặc trưng là giá trị thấp, khó điều chỉnh, đòi hỏi cao về các nguồn lực nhân công, năng lượng, đất đai và vật liệu… và có khả năng tạo ra một lượng ô nhiễm khổng lồ. Lý do và ưu thế chính của các cơ sở công nghiệp này là giá nhân công rẻ. Khi trình độ tổ chức sản xuất, kiến thức tay nghề và năng suất lao động của nước ta tăng lên, chắc chắn nguồn thu nhập chính sẽ đến từ các sản phẩm công nghệ cao. Tính phổ quát của quy luật này có thể quan sát thấy ở các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan. Trong tương lai, việc dỡ bỏ các công xưởng Fordism khổng lồ với các vấn đề về tiêu độc, điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật… sẽ dẫn đến các khó khăn không thể lường hết ngay.

Rủi ro thứ hai, là bằng việc đầu tư quá nhiều vào các cơ sở công nghiệp công nghệ thấp low tech, chúng ta ngày càng rời xa khỏi các ưu tiên phát triển của Hà Nội, được coi là dựa trên các công nghệ cao cũng như các dịch vụ có hàm lượng trí thức cao.

Rủi ro thuộc nhóm thứ ba liên hệ đến việc điều chỉnh cơ cấu dân cư và sử dụng đất theo kiểu desakota cho phù hợp với các yêu cầu công nghệ cao.

Luận điểm thứ hai thực chất là nhấn mạnh đến việc điều chỉnh lại một hiện tượng không bình thường của phát triển đô thị tại Hà Nội, đó là xu hướng phát triển lệch về phía Tây Nam, thành một hình rẻ quạt có chuôi quạt nằm ở bờ phía Nam sông Hồng. Ngoài các lý do về quốc phòng và kỹ thuật, một yếu tố quán tính trong tư duy đã khiến xu hướng này tồn tại lâu hơn bình thường. Theo luận điểm thứ hai này, thành phố sẽ ưu tiên phát triển lên phía Bắc, sông Hồng sẽ nằm giữa TP. Hà Nội và việc kéo dài sự phát triển về phía Hải Phòng hoàn toàn phù hợp với luận điểm thứ nhất.

Luận điểm thứ ba dựa trên cách phản ứng thông thường đối với các khu đô thị truyền thống có mật độ rất cao và trải qua những thời gian đình trệ kéo dài về mặt kinh tế kéo theo sự hạn chế về phát triển không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Quan điểm chung của luận điểm này là phát triển một hệ thống đô thị đối trọng và vệ tinh dựa trên các trung tâm dân cư có sẵn, là trung tâm của các tỉnh lân cận với Hà Nội. Ngoài thuận lợi hiển nhiên là có thể sử dụng hệ thống giao thông sẵn có ở một chừng mực nhất định, cơ sở của việc hình thành các trung tâm đô thị này lại đặt ra một số vấn đề phức tạp. Trước hết chính việc lấy các trung tâm dân cư sẵn có để phát triển lên, đã dẫn đến các khó khăn đáng kể trong việc GPMB và tái định cư, một trong những cản trở chính của phát triển đô thị ở Việt Nam. Một khó khăn khác mà luận điểm này tạo ra là, vì dựa chủ yếu trên các trung tâm dân cư đã có, các đô thị đối trọng hay vệ tinh thiếu các điều kiện cần thiết để tạo ra các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thiếu đất đai thích hợp để mở rộng quy mô khi cần thiết. Việc dựa trên hạ tầng giao thông vận tải có sẵn cũng có thể dẫn đến khả năng bỏ qua các cơ hội tạo nên những liên hệ mới, hiệu quả và trực tiếp hơn hẳn, dù đầu tư ban đầu có thể lớn hơn.

Như vậy ta có thể thấy, các quan điểm về quy hoạch của Vùng Hà Nội, khi xem xét kỹ, sẽ hàm chứa các mâu thuẫn nội tại đã và sẽ xuất hiện trong quá trình thực hiện.

Xu hướng phát triển đô thị chính trên thế giới của thế kỷ vừa qua là quá trình phi tập trung hoá decentralisation. Theo xu hướng này, một trong các mục đích cơ bản của quy hoạch hiện nay trên thế giới là tạo ra các điều kiện để các đô thị từ đơn tâm trở thành đa tâm với các liên hệ không gian hiệu quả. Ta hãy xem các nước ứng xử như thế nào nhằm thực hiện mục đích này.

Người Anh, bắt đầu ngay sau Thế chiến II đã gọi các khu đô thị xây dựng mới cách các thành phố lớn khoảng 30 - 40 km là các thành phố mới - New Towns - với các mức độ độc lập cao. Thuỵ Điển vào đầu những năm 50 đã tạo ra các đô thị vệ tinh theo mô hình tầng bậc. Người Pháp phát triển Paris như một hành lang đô thị vùng đô thị Ile - de - France , nhưng gần đây lại đã quay về hệ thống đô thị vệ tinh. Gần chúng ta hơn, Singapore, HongKong và Bangkok đã có kế hoạch lớn lao xây dựng một loạt các Sub - Center tiểu trung tâm. Các đô thị lớn ở Trung Quốc hiện nay đều có sẵn hay đang tiến hành quy hoạch các hệ thống đô thị vệ tinh.

Tuy cùng đáp ứng một mục đích, sự phân biệt các giải pháp phi tập trung hoá trên đây chủ yếu phụ thuộc vào mức độ độc lập của các phần mở rộng đô thị. Nếu mô hình thành phố vệ tinh satellite towns của Thuỵ Điển dựa chủ yếu vào hệ thống thương mại tầng bậc và các đầu mối giao thông, đặc biệt là tàu điện ngầm, thì người Pháp lại chọn một hình thức mở rộng đô thị trong khuôn khổ một hành lang phát triển kẹp giữa hai trục song song với hai bờ sông Seine mô hình này đến nay đã phải thay đổi. Ở đầu kia của dải tần, người Anh cố gắng nâng tính độc lập của các thành phố mới để tạo cho chúng các động lực phát triển lâu dài về bền vững. Khác với tính chất “đô thị ngủ” dormitory towns như thường thấy ở các nước khác, các thành phố mới của Anh đặt một mục tiêu rất rõ ràng về sự độc lập, hay khép kín, bằng cách tạo ra các trung tâm việc làm nhằm giảm bớt các hoạt động giao thông thừa, gây ô nhiễm và lãng phí.

Khu Đô thị mới Bắc An Khánh nhìn từ góc độ của cấu trúc đô thị Hà Nội

Tuy hiện nay Bắc An Khánh hoàn toàn nằm trong địa giới tỉnh Hà Tây cũ, đường vành đai 4 của Hà Nội là đường biên ngoài của Khu đô thị mới này. Như vậy, khi hoàn thành xây dựng trong khoảng 6 -7 năm, Bắc An Khánh sẽ tham gia tích cực vài sự vận hành hàng ngày của thành phố thủ đô.

Bắc An Khánh sẽ nằm ở vị trí nào trong một thủ đô đang lên như Hà Nội?

Sự phù hợp với các ưu tiên

Trong tầm nhìn về phát triển đô thị, ngoài việc là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước, TP. Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng để đóng một vai trò quan trọng, hay nói cách khác là ở trên một nấc thang cao, trong hệ thống đô thị của khu vực và toàn cầu. Vấn đề là ở chỗ, thành phố sẽ chọn đâu là hướng phát triển ưu tiên của mình?

Có một cách lựa chọn ưu tiên dựa trên sự phân tích chính phương thức mà các đô thị châu Á - Thái Bình Dương tự xếp mình vào hệ thống phân công chức năng như đã đề cập đến ở phần đầu bài viết này. Có thể thấy ngay rằng chọn làm một “đô thị tiện nghi” như Sydney và Vancouver có thể là giải pháp khôn ngoan nhất. Một số luận điểm chứng minh cho cách nghĩ này có thể được đưa ra:

- Hà Nội là thành phố thủ đô duy nhất ở Đông Nam Á  không có cảng biển. Để tạo lối ra biển, cần phải liên kết với Hải Phòng, với các chi phí khổng lồ và các rủi ro như đã nói ở trên. Tuy nhiên, nếu sản phẩm chính của Hà Nội là thành phẩm công nghệ cao có thể vận chuyển tức thời qua mạng máy tính hay bằng đường hàng không phần mềm, cơ khí chính xác thì ưu thế vận tải biển rẻ tiền là không cần thiết, và điều quan trọng là tránh được ô nhiễm công nghiệp.

- Hà Nội có lẽ là thành phố cổ nhất ở châu Á còn thực sự giữ lại được bản sắc của mình do tốc độ phát triển bị chậm lại trong một thời gian dài. Kết quả là môi trường văn hoá - lịch sử hệ thống chùa chiền và nơi thờ tự, khu phố cổ, các làng nghề chưa bị thương tổn nhiều và trở thành sức hút mạnh, nhất là đối với tầng lớp nhân tài có học thức, chuyên môn và thu nhập cao.

- Cảnh quan đô thị và điều kiện địa lý tự nhiên của Hà Nội, với các vùng ngoại ô rộng lớn chưa phát triển, đủ tiềm năng tạo các mức độ tiện nghi đô thị cao và siêu cao chẳng hạn đã xuất hiện các căn hộ trị giá hàng triệu đô la Mỹ tại khu vực Hồ Tây.

Dựa trên các thế mạnh này, một vị trí cao trong hệ thống tầng bậc của mạng lưới đô thị toàn cầu cho Hà Nội, như một thành phố của kiến thức và tiện nghi, không phải là một đề xuất viển vông.

Vị trí cao này phụ thuộc vào một vài chỉ số quan trọng: Sự tập trung các đại bản doanh khu vực của các công ty xuyên quốc gia, sự có mặt của các dịch vụ cao cấp producer services như ngân hàng, các công ty tư vấn hàng đầu, các hãng bảo hiểm lớn và uy tín - tất cả các hoạt động dịch vụ có hàm lượng tri thức cao.

Với các yêu cầu nghiêm ngặt về diện tích, hệ thống kỹ thuật hạ tầng, đặc biệt là bưu chính viễn thông, các khu vực tại trung tâm thành phố hiện nay chắc chắn khó có thể thoả mãn được. Việc có một đô thị nén compact town, phát triển trên một khu đất nông nghiệp green field với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn toàn mới chứ không phải trên cơ sở nâng cấp, chính là điều kiện tiên quyết để thoả mãn các nhu cầu này.

Vị trí và các mối liên hệ chiến lược

Nếu câu châm ngôn của ngành bất động sản là “vị trí, vị trí và vị trí”, thì Bắc An Khánh sẽ thoả mãn các nhu cầu khắt khe nhất. Khoảng cách đến trung tâm Hà Nội,  vào khoảng 12 km tạo cho đô thị này khả năng trở thành một cực phát triển, dựa trên các tiềm năng tạo ra và thu hút việc làm tại chỗ trong khu vực dịch vụ cao cấp producer services và các dạng giao thông Transit có năng lực cao và ít ô nhiễm chẳng hạn như Maglev - tàu chạy trên đệm từ sẽ mang nhân lực cao cấp từ trung tâm Hà Nội và từ các khu ở lân cận của Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao Hoà Lạc đến giao dịch và làm việc hàng ngày ở đây với chi phí thời gian đi lại không quá 1/4 giờ đồng hồ.

Nếu theo đề nghị của nhóm tác giả, một tuyến đường tàu từ Bắc An Khánh được nối với tuyến đường sắt vòng ngoài chạy sát khu đô thị phía Đông và dẫn thẳng đến sân bay Quốc tế Nội Bài, đây sẽ là một liên hệ lý tưởng, và trong tương lai các nhà doanh nghiệp tại đây có thể làm các thủ tục check - in vé máy bay của họ ngay khi tàu cao tốc rời ga Bắc An Khánh, và đưa họ vào thẳng phòng đợi lên máy bay, tiết kiệm thời gian và giảm phiền hà đáng kể.

Sự hoà trộn các loại sử dụng đất mixed - use

Khác với triết lý của một thành phố ngủ dormitory town hay bed room community, nơi phần  lớn diện tích được chiếm bởi các loại nhà ở thấp tầng kiểu biệt thự và được thiết kế gần như hoàn toàn để phục vụ mục đích ở và nghỉ ngơi cho các vị chủ nhà được giả thiết là phần lớn làm việc tại trung tâm thành phố, Bắc An Khánh được quy hoạch như điển hình của một đô thị độc lập có các trung tâm việc làm đáng kể, tạo ra ưu tiên cao nhất cho người đi bộ và thực hiện một cách có ý thức việc hoà trộn các loại sử dụng đất.

Trước hết, việc phân khu chức năng của đô thị mới này không cứng nhắc như thường thấy. Ví dụ, ngay ở các khu kinh doanh thương mại tập trung, một phần lớn diện tích sàn, chủ yếu là ở các tầng trên của các nhà cao tầng sẽ được sử dụng làm diện tích ở. Bằng cách này sai lầm của các khu giao dịch thương mại, chủ yếu ở các nước phát triển như Vương quốc Anh hay Bắc Mỹ, vị trí cách “độc canh” của chúng mà Mỹ đe doạ trở thành những khu vực vắng vẻ và nguy hiểm ngoài giờ làm việc, đã được tránh lặp lại.

Hơn nữa, tại đây các hình thức sử dụng đất ở dựa trên quan niệm về chu kỳ cuộc sống Life cycle được thực hiện một cách có mục đích. Một mặt, các khu cao tầng giúp tạo ra một môi trường có mật độ cư trú cao góp phần làm nảy sinh giao lưu xã hội dẫn đến việc hình thành ý tưởng, đồng thời lại nhường chỗ trên mặt đất cho cây xanh mặt nước. Đây chính là môi trường sống lý tưởng cho tầng lớp trẻ tuổi đô thị có chuyên môn cao thường gọi là yuppies hay young urban professionals. Mặt khác, các khu thấp tầng trong mối liên hệ tế nhị với khu vực làng xóm truyền thống bao quanh, sẽ là điểm đến cho các gia đình hạt nhân phát triển đến kích thước lớn nhất hoặc các gia đình mở rộng. Và trong một chu kỳ tiếp theo, các thế hệ trẻ hơn lại thế chỗ cho các thế hệ trước đó ở các khu cao tầng.

Sự gần gũi kích thích sáng tạo

Đây là một thành phố được xây dựng lên để thúc đẩy sáng tạo hay nói cách khác là thúc đẩy các công việc có hàm lượng sáng tạo cao và liên hệ rộng networking trong một nền kinh tế tri thức. Mật độ cư trú cao của một đô thị nén chính là một trong các điều kiện tiên quyết. Không những thế, các không gian giao tiếp xã hội ở quy mô toàn thành phố và các cụm dân cư, như khu triển lãm, nhà hát, câu lạc bộ, bến thuyền, bờ hồ, các khu thương mại và giao dịch ưu tiên cho người đi bộ …. được bố trí ở các vị trí chiến lược, sẽ biến Bắc An Khánh thành một địa điểm lý tưởng cho các cuộc gặp gỡ mang tính sáng tạo và chia sẻ tri thức.

Các kiến nghị cụ thể

Chúng ta đang quay trở lại điểm xuất phát. Cấu trúc đô thị, nếu được cân nhắc kỹ sẽ tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh đô thị, dẫn đến sức sống đô thị làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của các thành phố, đặc biệt là của thủ đô Hà Nội. Một yếu tố không thể thiếu trong quá trình xây dựng một cấu trúc đô thị thích hợp là việc tạo ra các tiền đề phát triển cho một quá trình tiến hoá hợp qui luật, từ một thành phố chủ yếu là đơn cực như Hà Nội hiện nay đến một thành phố đa cực, với sự phong phú của môi trường đô thị và các dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, một đô thị của kiến thức và tiện nghi.

Các đô thị vệ tinh và đối trọng, thay cho việc chỉ đơn thuần là các trung tâm có mỗi một mục đích là giãn dân, sẽ là các cực phát triển với tất cả tính chủ động của một chiến lược đô thị lâu dài nhằm phát triển các ưu tiên dựa trên quan điểm nhấn mạnh tính chủ đạo của nền kinh tế tri thức.

Có thể dễ dàng thấy rằng, các luận điểm phát triển dù tiên tiến đến mấy cũng chỉ có thể phát huy tác dụng dựa trên các hướng đầu tư cụ thể. Các hướng đầu tư này tuy nhiên chỉ có thể đạt được khối lượng tới hạn để gây ra sự bùng nổ hay còn gọi là cất cánh của quá trình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hệ thống các ưu tiên được cân nhắc kỹ lưỡng. Có thể đưa ra một số gợi ý về ưu tiên như sau:

Liên hệ giao thông

- Nhánh đường sắt cao tốc MRT xuyên suốt đô thị Bắc An Khánh có lẽ là ưu tiên hàng đầu cho mọi kịch bản phát triển đối với khu đô thị mới này;

- Song hành với tuyến MTR này là nhánh đường bộ chính của khu đô thị, với điểm giao cắt khác mức dẫn thẳng vào trung tâm khu đô thị;

- Một nhánh đường sắt cao tốc khác nhập với tuyến đường sắt có sẵn và dẫn đến ga hàng không quốc tế Nội Bài là ưu tiên tiếp theo về mặt liên hệ giao thông.

Các cơ sở đào tạo

- Dành một tỷ lệ nhất định các diện tích công cộng cho các hoạt động đào tạo cao cấp, tính đến sự liên hệ gần gũi với các trung tâm tri thức quan trọng nhất của đất nước tại Hà Nội và Hoà Lạc ĐHQG và Khu Công nghệ cao;

- Một khu triển lãm công nghệ sẽ hướng vào các công nghệ cao kết hợp với các cơ hội thành lập các hội chuyên ngành và câu lạc bộ sáng tạo kỹ thuật trong các ngành hàng không vũ trụ, robotics, công nghệ nano….

Tiện ích công cộng

- Với giả thiết Khu đô thị mới Bắc An Khánh là một trung tâm quan trọng của nền kinh tế tri thức, các tiện ích công cộng đóng một vai trò hết sức đáng kể trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng và thu nhập cao đến, không những từ các vùng trong nước, mà còn từ các nơi trên thế giới. Các cơ sở văn hoá như giải trí cao cấp nhà hát opera, các rạp chiếu phim multiplex hiện đại, sân vận động, bể bơi tiêu chuẩn quốc tế… cần được đầu tư đúng mức;

- Các tiện ích công cộng thúc đẩy sự giao tiếp, nhất là môi trường máy tính nối mạng dựa trên công nghệ Internet cần đi trước một bước, ví dụ các cổng Internet cao tốc và sự phổ biến của các mạng Internet không dây trên địa bàn toàn thành phố.

Điều chỉnh các tiêu chuẩn hiện hành và đề ra các tiêu chuẩn mới

- Như một đô thị có thể đạt các tiêu chí cao nhất hiện nay ở Việt Nam về phương diện quy hoạch cũng như các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, cần phải điều chỉnh một số các tiêu chuẩn hiện hành cho phù hợp;

- Ngoài ra, một số tiêu chuẩn mới liên quan đến môi trường, truyền thông, ưu đãi về thuế cũng phải được đề ra để thu hút đầu tư và nâng cao tính hấp dẫn của Bắc An Khánh như một nơi ở rất cao cấp.

Học tập các ví dụ tốt trên thế giới

- Bắc An Khánh nếu thực hiện đúng như ý định ban đầu sẽ trở thành một cực phát triển đáng kể của vùng đô thị Hà Nội về lĩnh vực thương mại và kinh doanh quốc tế. Trong mối quan hệ với thành phố thủ đô và cụm đô thị Hoà Lạc, có thể coi Bắc An Khánh như một điểm đến hấp dẫn cho các công ty xuyên quốc gia hoạt động tại Việt Nam và Đông Nam Á. Họ sẽ tìm thấy ở đây các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường kiến thức và văn hoá đạt đến mức phát triển cao nhất tại Việt Nam, và bằng sự đầu tư tài chính, kỹ thuật và uy tín của mình vào Bắc An Khánh, sẽ góp phần biến Hà Nội thành một thành tố quan trọng của mạng lưới đô thị trong khu vực và trên thế giới.

- Để điều đó có thể xảy ra, cần phải tích luỹ các bài học thành công cũng như thất bại của các ví dụ điển hình trên thế giới La Defence ở Paris, Pháp, Canary Wharf ở London, Vương quốc Anh, Cyberjaya ở Malaysia,….

Sức sống đô thị và tính cạnh tranh các đô thị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các yếu tố này chia thành 2 nhóm chính là chủ quan và khách quan, và chúng quan hệ mật thiết với nhau. Tại một cuộc hội thảo lớn về tương lai đô thị trong thế kỷ 21 Urban Future 21, giáo sư Peter Hall, một trong các nhà lý luận đô thị uy tín nhất trên thế giới hiện nay và là diễn giả chính của hội nghị, đã chọn một cách trình bày thú vị mối quan hệ này. Các vấn đề đô thị lớn đều được chia thành 2 cột: Một bên là kịch bản những gì sẽ xảy ra hoàn toàn theo quy luật tự nhiên, một bên là kịch bản có sự can thiệp của ý chí dựa trên kiến thức sâu sắc và kinh nghiêm tích luỹ được Hall, 2001.

Trong lý thuyết về cấu trúc đô thị mà chúng tôi đề xuất, vị thế xã hội của một địa điểm cụ thể thường đóng vai trò rất quan trọng có thể nói gần như lấn át so với các yếu tố vật lý khác, và đây chính là tiềm năng to lớn ẩn chứa trong việc cân nhắc để sử dụng, hoặc khi cần có thể chủ động tạo ra, các yếu tố cấu thành một vị thế xã hội mong đợi. Có thể không nghi ngờ gì về việc các đặc trưng của tiện nghi và tri thức là các biến số đáng kể nhất trong phương trình mô tả sự ưa chuộng của xã hội hiện nay đối với một đô thị dù mới hay cũ.

Nếu kịch bản can thiệp của Hà Nội là gắn thành phố thủ đô vào một hành lang phát triển nối với Hạ Long, có thể thấy các khó khăn đáng kể trong việc nâng cao vai trò của Hà Nội như một trung tân kinh tế tri thức có mức tiện nghi cao nhằm thu hút nhân tài và các tiềm lực kinh tế xuyên quốc gia. Quan điểm hành lang phát triển cho vùng Ile - de - France mà dường như được lấy làm hình mẫu cho quan điểm này, hiện nay đã chuyển thành một mô hình đa cực hay đa tâm kinh điển. Chúng tôi đề nghị một lựa chọn khác. Trong lựa chọn mới này Vùng đô thị Hà Nội nên phát triển một cách tập trung hơn chứ không phải theo kiểu desakota đã nói ở trên, với các tiểu trung tâm tăng cường và bổ sung cho các ưu thế sẵn có và giải toả các điểm bất lợi của Hà Nội.

Từ góc nhìn này, các tiểu trung tâm sub - centers , hay các thành phố thứ cấp the secondary cities đóng một vai trò quan trọng sống còn đối với một đô thị cạnh tranh. Chúng tôi đã trình bày vắn tắt về các nguyên tắc cấu trúc cơ bản của một tiểu trung tâm này: Bắc An Khánh. Các tiểu trung tâm khác có thể được nghiên cứu và phân tích theo cách tương tự. Với tất cả tầm quan trọng của các yếu tố tự nhiên, đô thị là một sáng tạo quan trọng của xã hội loài người, và sự thành công hay thất bại của đô thị không bao giờ ngẫu nhiên. Các suy nghĩ về cấu trúc đô thị hiện nay, bao gồm vai trò của các đô thị vệ tinh hay tiểu trung tâm, hay các thành phố thứ cấp có thể coi như là công việc chuẩn bị thận trọng cho một kịch bản can thiệp khôn ngoan nhằm đạt tới tính cạnh tranh cao của Hà Nội, như một đô thị của kiến thức và tiện nghi, trong mạng lưới đô thị khu vực và trên thế giới.




Nguồn: Hoàng Hữu Phê -VINACONEX ; "TC Xây dựng, số 8/2008"

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)