Tổng công ty Sông Hồng: Hành trình nửa thế kỷ

Thứ tư, 24/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng công ty Sông Hồng - cái tên gắn với hàng loạt công trình từng là niềm tự hào của ngành Xây dựng Việt Nam như: Khu công nghiệp Việt Trì, nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, Dệt Minh Phương, Apatit Lào Cai, Super phốt phát Lâm Thao, Giấy Bãi Bằng... đến nay vừa tròn nửa thế kỷ. Ra đời ngày 23 tháng 8 năm 1958, sau 3 tháng kể từ ngày thành lập Bộ Kiến trúc, Công ty Kiến trúc Việt Trì nay là Tổng công ty Sông Hồng luôn tự hào là "đứa con đầu lòng" của ngành Xây dựng. Năm mươi năm tròn, đất nước trải qua bao biến đổi, trong đó nhiều sự kiện đã đi vào sử sách. Nhiều thành tựu đã trở thành nền tảng vật chất, tinh thần cho hiện tại và tương lai. Thêm một dịp thế hệ con, cháu lần giở lại những trang sử hào hùng mà cha anh đã viết lên bằng mồ hôi, công sức và lòng nhiệt huyết của mình, để hiểu hơn về giá trị và trách nhiệm hôm nay...

Khu công nghiệp Việt Trì - chiếc nôi đầy kỷ niệm

Việt Trì, nơi gặp gỡ của ba con sông lớn, điểm hội tụ, giao hoà của thiên nhiên và hơn bốn mươi cán bộ, công nhân chuyển về đây từ nhà máy Nhiệt điện Thái Nguyên, nhà máy Gạch Bồ Sao và nhà máy Xay Việt Trì, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu để một năm sau đó nhận hàng nghìn cán bộ chiến sỹ chuyển ngành xây dựng một trong ba khu công nghiệp lớn của miền Bắc XHCN. Lớp cán bộ đầu tiên của Công ty Kiến trúc Việt Trì đến nay còn nhớ con đường từ Cửa hàng bách hoá Gát đến nhà máy Điện, Giấy tấp nập, đông vui suốt ngày đêm. Mỗi buổi sáng, từ những dãy lán công trường lợp lá cọ, vách nứa, cật tre với hai dãy sạp nằm bằng tre nứa, theo tiếng  kẻng gần 6 nghìn con người, tươi trẻ, hào hứng ùa ra các công trường, Nón lá, mũ nan bọc vải, quần áo bộ đội bạc màu, nâu, gụ, xanh công nhân làm sống dậy cả một vùng đồi cỏ hoang rậm rạm với dấu vết của những lô cốt kiên cố còn sót lại từ kháng chiến chống Pháp. Phương tiện thi công của Công ty chỉ có một cụm máy phát điện 3 máy 55KVA, 1 máy 62KVA, 3 máy trộn bê tông Liên Xô 425L, 3 xe ô tô Zin, một số máy hàn, máy đầm... Hàng nghìn người đào, xúc, gánh, đẩy xe cút kít, xe bò bánh gỗ cần mẫn làm việc. Không có gì quá khi nói rằng, Nhà máy giấy Việt Trì, Nhà máy Điện, Đường, Xay, Mì chính, Hoá chất... của Khu công nghiệp đã mọc lên trên những đôi vai trần của những người thợ vừa cởi xong áo lính và những người nông dân một lòng đi theo Đảng.

Từ một Việt Trì hoang tàn, xơ xác, cuối năm 1959 đã hình thành, một khu công nghiệp với ống khói vút cao, nhà máy nối tiếp nhau. Sự thay đổi của Việt Trì, vị trí quan trọng của Khu công nghiệp Việt Trì đã được Đảng, Chính phủ quan tâm theo dõi. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị đã đến thăm và kiểm tra. Đặc biệt, cán bộ công nhân Công ty Kiến trúc Việt Trì và đồng nghiệp đã vinh dự đón Bắc Hồ về thăm vào trưa ngày 18/4/1959.

Niềm vui, hạnh phúc của nhân dân ta được sống trong khung cảnh hoà bình để xây dựng đất nước chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc. Cán bộ công nhân Công ty Kiến trúc Việt Trì bắt tay ngay vào phải xây dựng các công trình che chắn bảo vệ những thành quả đầu tiên của mình. Khẩu hiệu bám hiện trường, bám công trình, giặc đánh là ta xuống hầm, giặc đi lại làm việc. Một ngày, nhiều lần như vậy nhưng không ai  bỏ vị trí. Việt Trì là một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Không ngày nào không có bom đạn đánh phá nhà máy, xóm làng, cầu cống. Bom đánh trúng đường ống nước tuần hoàn, không nhà máy điện ngừng chạy, giữa bãi sình lầy, anh chị em cán bộ, công nhân Công ty phải sửa chữa ngay. Anh Phạm Đình Kỳ, thợ hàn 5/7 đã hàn liên tục 7 ngày đêm không ngủ. Sau chiến công này anh đã được tặng bằng khen. Những tháng năm này còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương như vậy.

"Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"

Cùng với niềm vui chiến thắng của dân tộc, Bộ Xây dựng giao cho Công ty Kiến trúc Việt Trì thi công hầu hết các công trình lớn, công trình trọng điểm tại khu vực miền núi, trung du phía Bắc như: Nhà máy Hoa quả hộp Vĩnh Yên, Nhà máy Giấy XZ72, Nhà máy đại tu vô tuyến, Học viện Quân sự, Nhà máy Dệt Minh Phương, Nhà máy Ván ép Sông Thao, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, mở rộng Nhà máy Super Phốt phát Lâm Thao... Nhiều công trình thi công với khối lượng lớn, phạm vi rộng, sử dụng thiết bị và phương pháp thi công tiên tiến của các nước là cơ hội và cũng là thử thách lớn đối với cán bộ, công nhân Công ty. Giai đoạn 1976 - 1982 đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của Công ty kiến trúc Việt Trì.

Năm 1978, Bộ Kiến trúc đổi tên thành Bộ Xây dựng, Công ty mang tên Công ty Xây dựng Việt Trì. Năm 1980, để phù hợp với phạm vi hoạt động ngày càng rộng, nhân dịp kỷ niệm 22 năm Công ty xin đổi thành Công ty Xây dựng số 22 và đến năm 1983, trở thành Tổng công ty Xây dựng Vĩnh Phú - Hoàng Liên Sơn, một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Tổng công ty Sông Hồng.

Nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty lúc này là xây dựng nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai. Đây là công trình lớn được xây dựng trong hoàn cảnh lịch sử, địa lý hết sức khó khăn. Gần 10 năm với bao công sức, trí tuệ cả mồ hôi và nước mắt hàng vạn cán bộ, công nhân của các đơn vị trong và ngoài Tổng công ty đã lao động dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành xây dựng công trình và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Việc đầu tư xây dựng công trình quan trọng này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có tác dụng to lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho một tỉnh vùng cao biên giới, mang ánh sáng văn hoá đến cho đồng bào các dân tộc và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Cùng với việc tập trung xây dựng công trình trọng điểm Apatít Lào Cai, các đơn vị của Tổng công ty đã mở rộng địa bàn xây lắp ở các tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh... Để phù hợp với điều kiện hoạt động mới trong cơ chế thị trường, năm 1991 Tổng công ty Xây dựng Vĩnh Phú - Hoàng Liên Sơn được đổi tên thành Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng. Dù với tên gọi nào, mục tiêu coi trọng phát triển sản xuất có hiệu quả và quan tâm đúng mức đến điều kiện sống và làm việc của người lao động vẫn là mệnh lệnh, thể hiện qua Nghị quyết của các  kỳ Đại hội Đảng bộ Tổng công ty. Chính vì thế, dù khó khăn chồng chất khi hơn 3000 cán bộ, công nhân tham gia công trình Apatit Lào Cai phải nghỉ theo chế độ 176, Tổng công ty vẫn lo xây dựng những khu phố, khu làng khang trang, đẹp đẽ cho những người thợ xây dựng làm chủ vào những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ trước. Với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 70%, trong vòng 5 năm, doanh thu năm 1998 tăng trên 10 lần so với năm 1993. Sông Hồng đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn của ngành Xây dựng.

Sông Hồng "hội tụ" đất đế đô

Bước vào thế kỷ 21, nhiều khái niệm cần thay đổi. Trước đây, chúng ta có thể tự hào khi một doanh nghiệp xây dựng nào đó sở hữu nhiều xa máy, thiết bị, nhà xưởng.... nhưng đến nay ai cũng biết, nguồn nhân lực mới là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mà nhân lực trong thời buổi hội nhập là những cán bộ, công nhân không chỉ cần mẫn, trung thành mà còn phải có trình độ khoa học công nghệ, biết ngoại ngữ, công nghệ thông tin và hiểu biết tình hình kinh tế, xã hội. Ở Việt Trì, muốn đào tạo cho anh em rất khó khăn. Ngoài ra, Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của cả nước, việc mở rộng quan hệ, tìm kiếm đối tác, công trình thuận lợi hơn rất nhiều. Chính vì thế, Xuân 2007, Tổng công ty Sông Hồng đã đón cái Tết đầu tiên tại Hà Nội, khởi đầu một bước phát triển mới về vị thế và tầm nhìn chiến lược.

Cùng với việc "dời đô" Tổng công ty đặt mục tiêu chuyển dần từ người làm thuê sang làm chủ, nghĩa là tăng tỷ trọng đầu tư. Cụ thể, Sông Hồng đồng thời triển khai 2 dự án đầu tư thuỷ điện: Nhà máy Thuỷ điện Ngòi Hút, Yên Bái 8,1MW và Nậm Cắt, Bắc Cạn 3,2MW; được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư nhà B4, B14 Kim Liên và dự án nhà I1, I2, I3 Thái Hà. Những dự án cải tạo nhà chung cư cũ này không đơn giản vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống và quyền lợi của người dân, nhưng nếu giải quyết tốt lại rất hiệu quả vì nó đều ở vị trí đẹp.

Tổng công ty Sông Hồng xác định công tác đầu tư là bước đột phá để phát triển hoạt động SXKD. Ngay từ đầu năm 2008, Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch đầu tư 25 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến trong năm là 789 tỷ đồng. Theo đó tiếp tục triển khai các nhà máy thuỷ điện, chuẩn bị cho các dự án Nhà ở cao tầng T1, T2, T# và Văn phòng cho thuê Thành Công 2, Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Đông Thọ - Bắc Ninh, Dự án Khu đô thị Sông Hồng - Nhơn Trạch, Dự án Văn phòng cho thuê NO4, 6 Lê Văn Lương, Dự án Trụ sở Tổng công ty tại Hoàng Mai, Dự án Khách sạn Sông Hồng tại Việt Trì, Dự án Khu du lịch Sông Hồng Cam Ranh - Resort, Dự án sân Golf, biệt thự Vinh Bình - Cù Hin, Dự án Khu công nghiệp Nghi Sơn, Dự án Khu đô thị Tây Nam Việt Trì, Dự án Khách sạn Royal Sông Hồng...

Về cơ bản, Tổng công ty đã hoàn thành việc cổ phần hoá các đơn vị theo tiến độ của Bộ Xây dựng. Vốn nhà nước và thặng dư vốn nhà nước thu được từ việc bán cổ phần vốn nhà nước tại các công ty con đã được sử dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh và tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần mới nhằm mang lịa hiệu quả kinh tế và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Các đơn vị sau khi thực hiện cổ phần hoá hoạt động ổn định có hiệu quả. Hiện Tổng công ty đang tiến hành  cổ phần hoá Công ty mẹ, đã ký hợp đồng với Công ty Kiểm toán Việt Nam VACO tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và ký hợp đồng với Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam để tư vấn xây dựng phương án cổ phần hoá.

Năm mươi năm với những biến động thăng trầm theo quy luật cuộc sống, để phát huy truyền thống, xây dựng Sông Hồng thành Tổng công ty vững mạnh đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các thế hệ hôm nay. "...Ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua..." với những người xây dựng Sông Hồng lời ca ấy mãi còn nguyên ý nghĩa.



Nguồn: TC Xây dựng, số 8 - 2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)