Phát triển giao thông đô thị bền vững - Mục tiêu phấn đấu của các đô thị ở Việt Nam

Thứ hai, 08/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giao thông đô thị của nước ta trong thời gian vừa qua được quan tâm đầu tư và xây dựng, nhiều con đường mới được xây dựng, chất lượng đường được cải thiện đáng kể. Tại các đô thị loại III trở lên hầu hết các tuyến đường chính được rải nhựa, việc nâng cấp hệ thống thoát nước, hè đường, chiếu sáng và cây xanh tương đối đồng bộ. Nhiều dự án về giao thông đô thị được triển khai với việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các trục giao thông đối ngoại, cửa ô, trục giao thông hướng tâm, các nút giao cắt, đường vành đai đã góp phần nâng cao năng lực giao thông qua tại các đô thị.

Giao thông công cộng đã, đang hình thành và phát triển tại các đô thị: Các thành phố, thị xã như Cần Thơ, Cao Lãnh, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Sơn La… đã tổ chức các tuyến giao thông công cộng phục vụ vận chuyển khách trong đô thị và đô thị với các vùng xung quanh. Đặc biệt, tại hai thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giao thông công cộng đang là phương tiện không thể thiếu. Xe buýt trở thành lại hoạt động đã góp phần không nhỏ vào việc vận chuyển hành khách, đáp ứng phần nào nhu cầu đi lại của cư dân đô thị. Hà Nội, năm 2007 khối lượng vận chuyển đạt trên 400 triệu lượt hành khách, thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 370 triệu lượt hành khách… Hiện nay hai thành phố này đang khẩn trương tiến hành lập dự án đầu tư, xây dựng một số tuyến giao thông công cộng vận chuyển hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh BRT.

Mặc dù vậy, giao thông đô thị cũng đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn như:

- Tỷ lệ đất dành cho giao thông quá thấp các đô thị lớn <10%;

- Hạ tầng giao thông xuống cấp, lòng đường, hè phố bị lấn chiếm;

- Sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông 10-12%/năm

- Ùn tắc đang là vấn đề nan giải tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tai nạn giao thông chưa kiểm soát được.    

Phát triển đô thị bền vững và giao thông bền vững là các vấn đề lớn hiện nay, không chỉ các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm mà các vấn đề này đã và đang được các nhà quản lý, quy hoạch của Việt Nam nghiên cứu trao đổi nhằm tìm ra nhưng phương pháp tiếp cận cũng như cách làm mang tính khả thi. Bài viết tham khảo các nghiên cứu trước đó và tập trung vào khía cạnh phát triển giao thông đô thị bền vững qua đó muốn đóng góp một số ý kiến về vấn đề này.

1. Phát triển giao thông đô thị bền vững của một số nước trong khu vực

Singapore là một trong những nước phát triển đã và đang thành công trong việc xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị hiện đại và phát triển bền vững. Chính sách về phát triển giao đô thị bền vững dựa trên nền tảng:

- Khống chế số lượng xe được thực hiện thông qua hạn chế sử dụng phương tiện. Hạn chế sử dụng - không hạn chế sở hữu”. Thực tế cho thấy, tổng các chi phí sở hữu, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện như thuế nhập khẩu, lệ phí đăng ký, thuế đường, xăng dầu, phí kiểm định xe bắt buộc đã giúp cho việc hạn chế những sự đi lại và sử dụng xe khi không cần thiết.

- Hệ thống thu phí giao thông điện tử ERP - Góp phần hạn chế sử dụng ô tô: Theo hệ thống này, số tiền mà các lái xe phải trả cho việc sử dụng mỗi tuyến đường sẽ phụ thuộc vào mức độ ùn tắc trên tuyến đường đó. Khi đó, các lái xe sẽ chỉ sử dụng xe ô tô cá nhân khi thật cần thiết và chọn những tuyến đường ít ùn tắc hơn, nhờ đó mà tối ưu được công suất sử dụng mạng lưới đường.

- Đa sở hữu phương tiện, cách làm giúp nhiều người dân được sử dụng ô tô hơn.

- Kiểm soát taxi: Taxi là phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, nhưng do công suất chuyên chở khách thấp nên góp phần đáng kể cho tình trạng ùn tắc giao thông và mức độ tiêu thụ nhiên liệu tính trên mỗi khách hàng. Do đó xe taxi ở Singapore bị khống chế về số lượng.

-  Kiểm soát, nhanh chóng giải quyết sự cố giao thông.

Trung Quốc: Hoạt động nghiên cứu về giao thông xanh gắn với phát triển đô thị bền vững đang được tích cực triển khai. Nhiều chuyên gia cho rằng giao thông xanh là sự phối hợp hài hòa giữa giao thông với từng mặt như môi trường, tài nguyên, xã hội, tương lai... Hạt nhân của giao thông xanh là ưu tiên phát triển giao thông công cộng, trong đó sử dụng những loại phương tiện ít gây ô nhiễm, có lợi cho môi trường đô thị qua đó góp phần  thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội và giao thông xanh đó là sự kết hợp thống nhất và hoàn chỉnh ba mặt: Thông suốt, có trật tự; an toàn, thoải mái, thuận tiện và tiêu hao ít năng lượng, ít ô nhiễm. Trên cơ sở nghiên cứu các nhà khoa học kiến nghị:

- Trước hết, chính quyền đô thị phải coi trọng quy hoạch xây dựng trong đó quy hoạch giao thông đóng vai trò quan trọng.

- Thứ hai, xây dựng nhiều cơ chế chính sách thích hợp để ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Từng bước đẩy mạnh giao thông công cộng thông minh, nâng cao năng lực vận tải, cải thiện phương tiện vận tải công cộng, hạ thấp giá thành kinh doanh và nâng cao trình độ phục vụ.

- Thứ ba, kiểm soát và loại bỏ kịp thời những phương tiện không phù hợp với tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Có chính sách giúp đỡ và khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.

- Thứ tư, tăng cường quản lý, cải thiện trật tự giao thông đô thị. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, quản lý giao thông đô thị.

Qua kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc cho chúng ta những bài học cần thiết khi xây dựng các cơ chế chính sách về phát triển giao thông đô thị bền vững ở nước ta.

2. Giao thông đô thị phát triển bền vững

Sự phát triển bền vững  là sự phát triển hài hoà, cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với gìn giữ bảo vệ môi trường. Giao thông, một yếu tố cấu thành của quá trình phát triển bền vững và giao thông cũng là đòn bẩy của quá trình phát triển bền vững.

Xét về mặt kinh tế:

Phát triển giao thông bền vững trước hết là phải thiết lập được một hệ thống giao thông hỗ trợ tốt cho việc phát triển kinh tế của đô thị. Bởi vì bất kỳ một hệ thống giao thông nào cũng đều có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực. Yếu tố kinh tế còn được thể hiện thông qua chi phí giao thông trong đô thị. Nếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, chi phí bỏ ra là rất lớn, không chỉ bao gồm chi phí phương tiện, chi phí nhiên liệu, chi phí bảo trì phương tiện mà còn các chi phí về môi trường, chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng và còn cả những chi phí do ách tắc giao thông,..

Về mặt môi trường:

Phát triển giao thông bền vững nhất thiết phải gắn chặt với gìn giữ môi trường. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện nay hệ thống giao thông ở các đô thị lớn ở châu Á đang đối mặt với tình trạng bị ô nhiễm khí thải nghiêm trọng. Giao thông chịu trách nhiệm trong việc thải ra một lượng lớn khí ô nhiễm ở các khu vực đô thị gần 80% NOx. Một hệ thống giao thông phát triển bền vững phải là một hệ thống đảm bảo không gây ô nhiễm. Trong đầu tư, nếu không tính đến yếu tố môi trường, có thể chi phí đầu tư cho phát triển giao thông sẽ bớt đi nhưng các chi phí khác nảy sinh từ nó sẽ không thể tính hết. Những hậu quả về môi trường không thể tính hết như hiệu ứng nhà kính, giảm đáng kể năng suất lao động của con người hay các bệnh sinh ra do khí thải của các phương tiện giao thông,…

Xét về mặt xã hội:

Giao thông phát triển bền vững là hệ thống đảm bảo quyền đi lại của mọi người dân. Nghĩa là đáp ứng được nhu cầu đi lại của mọi đối tượng trong xã hội bao gồm cả những người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người nghèo với chi phí hợp lý.

Tóm lại, phát triển giao thông đô thị bền vững là phát triển một hệ thống giao thông đồng bộ, có cơ cấu sử dụng phương tiện hợp lý trong đó ưu tiên phát triển giao thông công cộng, hiện đại, văn minh có khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn với giá cước vận tải hợp lý và  trên cơ sở bảo vệ môi trường.

3. Nguyên tắc phát triển giao thông đô thị bền vững

Trên cơ sở chủ đạo bao gồm: Đảm bảo quyền giao thông cho tất cả mọi người, đồng thời phát triển kinh tế địa phương nhờ vào hệ thống giao thông hiện đại; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trên cơ sở bảo tồn không gian xanh và cảnh quan gắn với những quy định về mở rộng đô thị; tăng cường an toàn giao thông; tạo ra một hệ thống giao thông thuận tiện, tạo một môi trường sống có chất lượng cao... Những nguyên tắc cơ bản như sau:

Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn giao thông. Giao thông phát triển bền vững trước hết phải đảm bảo chính chức năng giao thông. Nghĩa là phải đảm bảo sự đi lại cho người dân thuận tiện, không ách tắc, không bị cản trở và an toàn. Một hệ thống giao thông phát triển bền vững là hệ thống giao thông thoả mãn được quyền đi lại cña tất cả mọi người người già, trẻ em, người khuyết tật....

Hiện nay tai nạn giao thông được đánh giá là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Hệ thống giao thông không thể được xem là phát triển bền vững khi vấn nạn tai nạn giao thông chưa được đẩy lùi.

Thứ hai, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại và tương lai. Hệ thống giao thông nói riêng và hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung phải đi trước một bước tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại là cần thiết. Một hệ thống giao thông phát triển bền vững không thể không hiện đại và đồng bộ có hiệu quả sử dụng cao mà còn đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người dân trước mắt và và lâu dài.

Thứ ba, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông với bảo vệ môi trường, trên cơ sở sử dụng hợp lý về nguồn lực kinh tế.

Phát triển gắn với bảo vệ môi trường là nguyên tắc căn bản của phát triển bền vững. Giao thông muốn phát triển bền vững cần phải gắn chặt với bảo vệ môi trường. Do đó, bảo vệ môi trường là điều kiện bắt buộc để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Thứ tư­, kiểm soát sự tăng trưởng của xe ô tô, xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải với cơ cấu hợp lý.

Thứ năm, khuyến khích phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, hiện đại như là một giải pháp có tác dụng về nhiều mặt. Một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, hiện đại giải quyết nhu cầu đi lại của mọi đối tượng trong xã hội, giảm sức ép đối với hạ tầng giao thông, giảm ô nhiễm không khí và tiết kiệm nguồn lực xã hội.

4. Các điều kiện chủ yếu để phát triển giao thông đô thị bền vững

Quy hoạch giao thông đô thị phải gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian đô thị và định hướng phát triển đô thị phải thống nhất với phát triển hệ thống giao thông bao gồm: Dành đất cho phát triển giao thông, hợp lý trong tổ chức không gian và bố trí các khu chức năng chính như trung tâm công cộng, hành chính, khu công nghiệp... của đô thị theo sự phát triển của mạng lưới giao thông hiện tại và tương lai và là cơ sở tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng....

Cơ sở hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ: Mật độ và sự phân bố mạng lưới đường hợp lý, hệ thống giao thông tĩnh đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, thông tin, tín hiệu điều khiển giao thông hiện đại, thông suốt....

Hệ thống giao thông công cộng thông suốt, tiện lợi, an toàn.

Thói quen đi lại của hành khách, văn minh và văn hóa trong tham gia giao thông cả người phục vụ và người được phục vụ    

5. Hệ thống các tiêu chí để đánh giá giao thông đô thị phát triển bền vững

Việc xây dựng một hệ thống các tiêu chí và các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá giao thông đô thị phát triển bền vững là cần thiết. Các tiêu chí này phải thể hiện một cách gián tiếp hay trực tiếp các đặc trưng chủ yếu của phát triển bền vững đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Hệ thống các tiêu chí có thể được tổng hợp như sau:

a. Tỷ lệ đất dành cho giao thông;

b. Mật độ mạng lưới giao thông đô thị;

c. Chi phí thời gian cho một chuyến đi;

d. Tiêu chí đánh giá chất lượng đường;

e. Chỉ tiêu về môi trường;

f. Các loại phương tiện theo quy mô đô thị;

g. Chi phí thời gian đi bộ trung bình;

h. Chi phí thời gian cho một chuyến đi;

i. Các chỉ tiêu kỹ thuật của phương tiện giao thông công cộng.    

Song song với các tiêu chí là các chỉ tiêu cụ thể tương ứng. Tuy nhiên có thể tham khảo bảng dưới đây.

Tổng hợp một số tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá hệ thống giao thông đô thị phát triển bền vững tham khảo

Tiêu chí đánh giá

Chỉ tiêu cần đạt

I. Các chỉ tiêu chung

            1. Tỷ lệ diện tích đất sử dụng cho giao thông

            trong đó tỷ lệ diện tích đất cho giao thông tĩnh

            2. Mật độ mạng lưới đường chính đô thị

            3. Tốc độ lưu thông

            4. Tỷ lệ đường rải nhựa 

            5. Tỷ lệ đường có 4 làn xe trở lên

            6. Bảo vệ môi trường

                  - Hàm lượng khí thải trong không khí

                  - Tiếng ồn

20% - 25 %

3 % - 5%

3,0 ¸ 3,5 km/km2

20 ¸ 25 km/h

trên 85 %

trên 50 %

CO2 dưới 0,51 mg/m3; NO2 dưới 0,25 mg/m3

Có quy định cụ thể từng phương tiện

II. Các chỉ tiêu đối với giao thông công cộng

            1. Thời gian cho một chuyến đi

            2. Thời gian đi bộ trung bình

            3. Tốc độ khai thác

            4. Tỷ lệ vận tải khách công cộng

            5. Phương tiện GTCC

< 30 phút

5 phút

20 ¸ 25 km/h

30-50% nhu cầu đi lại

Đa phương thức- Trong đó phương tiện GTCC có sức chở lớn làm chủ đạo

Dựa theo Quy chuẩn Xây dựng, Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến 2020 -Các nghiên cứu và đề xuất của PGS.TS. Phạm Đức Nguyên

6. Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 hướng tới phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 206/2004/QĐ-TTg ngày 10/12/2004 và hiện nay đang điều chỉnh để làm rõ hơn về phát triển bền vững như sau:

- Về vận tải: Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt vận tải đa phương thức ...

- Về giao thông đô thị: Phát triển giao thông vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Đối với các đô thị lớn nhanh chóng phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn; kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết sự ùn tắc giao thông và an toàn giao thông. 

- Về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, kết hợp phát triển từng bước vững chắc với những bước đột phá đi thẳng vào hiện đại tạo nên một mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi cả nước.

Hiện nay trong các định hướng riêng của từng ngành giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy đang cụ thể hóa để thực hiện chiến lược theo hướng phát triển bền vững này.

Giao thông với phát triển đô thị bền vững có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phát triển đô thị và giao thông bền vững là mục tiêu phấn đấu của tất cả các đô thị. Trên cơ sở hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu, các đô thị của Việt Nam có thể nghiên cứu, đánh giá hệ thống giao thông của mình, từ đó có những bước đi và các giải pháp cụ thể cần thiết nhằm phát triển giao thông đô thị có hiệu quả và bền vững.

Nguồn: T/C Xây dựng, số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)