Giữ gìn môi trường cơ bản của cư dân Hà Nội trong quá trình đô thị hoá nhanh

Thứ tư, 23/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Phát triển bền vững của thành phố với quy hoạch lãnh thổ Trong quá trình đô thị hoá nhanh ở Thủ đô Hà Nội đã gây nhiều tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Không gian đô thị bị khai thác triệt để để xây dựng các loại công trình, làm giảm dần diện tích cây xanh và mặt nước; đất nông nghiệp bị thu hẹp ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ngoại thành. Quy hoạch vĩ mô “lấp kín” các khu đất lớn bằng công trình xi măng cốt thép thì “quy hoạch tự phát” ở cấp vi mô của người dân cũng tìm cách “bít kín” nốt số mét vuông hiếm hoi còn lại trong nội thành.

Tốc độ đô thị hoá đã làm dân số Hà Nội tăng nhanh chóng. Năm 1955, mật độ dân số nội thành là 881 người/km2 thì nay đã lên đến khoảng 18.000 người/km2. Điều đó đã gây một sức ép rất lớn về nhà ở, cơ sở hạ tầng kĩ thuật bị quá tải, xuống cấp nhanh chóng, một số nơi bị mất cân bằng nghiêm trọng. Đặc biệt là khu phố cổ với một dịch tích chỉ khoảng 180 ha có mật độ dân số cao nhất thành phố. Những gì gọi là biểu tượng của phố cổ đang bị xoá sạch dần. Không gian đô thị bị các loại công trình nhà cửa phủ kín, không còn một khoảng trống cho cây xanh. Hệ thống kĩ thuật hạ tầng lạc hậu, cũ nát, nhiều gia đình còn chung ngõ, chung sân, chung cả nhà vệ sinh. Việc bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ đã có chủ trương từ hàng chục năm nay với không ít ý tưởng và phương án của cả trong lẫn ngoài nước nhưng cơ bản vẫn ở tình trạng án binh bất động, chưa có hành động gì đáng kể, di sản cứ theo cha ông đi về quá khứ.

Trong thập kỉ 80 của thế kỉ trước, dân số Hà Nội, cũng như các thành phố khác trong cả nước đều tăng chậm, tổng dân số đô thị chỉ chiếm 19,7% dân số cả nước. Nhưng từ thập kỉ 90, nhất là vào cuối những năm 90 của thế kỉ trước, dân số đô thị đã chiếm tỉ lệ 23,9% dân số cả nước, chủ yếu tập trung vào 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ khoảng 40% và vẫn đang tiếp tục tăng. Nhiều điểm dân cư ở Hà Nội đã vượt quá khả năng chịu đựng, môi trường sống ở một số nơi đã bị ô nhiễm vượt quá ngưỡng cho phép, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Thành phố Hà Nội đang phải đương đầu với những vấn đề bức bách trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như nhà ở, cấp nước sinh hoạt, xử lý rác thải, nước thải, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm bụi khói, tiếng ổn… Trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở Thủ đô, đã nổi lên hàng loạt vấn đề về ngăn ngừa và khắc phục ô nhiễm trong nhiều lĩnh vực để bảo vệ môi trường cơ bản của cư dân Hà Nội. Để có thể giải quyết được các vấn đề trên có hiệu quả, cần xây dựng và áp dụng các tiêu chí môi trường trong bộ chỉ thị phát triển bền vững của thành phố. Phải thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động môi trường ĐTM đối với các dự án quy hoạch, chương trình quy hoạch phát triển. Việc xây dựng nhà ở, hoàn chỉnh dần kết cấu hạ tầng kĩ thuật: hệ thống tiêu thoát nước, các khu tập kết, xử lý rác thải, nhất là các chất thải nguy hại, quản lý việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm là những vấn đề bức bách. Mặt khác rất quan trọng là nâng cao được năng lực và trình độ quản lý các cấp của thành phố mà hiện nay còn nhiều bất cập.

Một vấn đề có ảnh hưởng lớn đối với môi trường cơ bản của cư dân, đó là công tác quy hoạch lãnh thổ của Hà Nội. Việc xác lập quy hoạch đô thị là căn cứ vào hướng đi và dự báo về phát triển kinh tế xã hội của thành phố, nhưng trong một thời gian dài trước đây, Hà Nội chưac có chiến lược phát triển kinh tế dài hạn nên việc mở rộng không gian đô thị chưa có cơ sở chắc chắn, quy hoạch đã phải điều chỉnh từ mở rộng, rồi thu hẹp nay lại mở rộng đến mấy lần. Mặt khác, những thập kỉ trước đây, môi trường đang là vấn đề bỏ ngỏ, nhà quy hoạch cũng như người ra quyết định đều chưa có khái nịêm gì về môi trường, không nhận thức được mối quan hệ giữa phát triển với môi trường và sinh thái. Ao hồ bị lấp dần và bị chiếm để xây dựng. Một số làng nghề truyền thống gắn với tên tuổi Thăng Long nghìn năm như làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân, làng quất Nghi Tàm ngày càng mất dần, nhường chỗ cho đủ loại công trình thời đô thị hoá, có nơi chỉ còn giữ lại một phần chiếu lệ. Có những cái quý báu bị mất đi vĩnh viễn không thể phục hồi. Những việc đó làm cho Hà Nội mất đi những nét duyên dáng đặc trưng cho Hà Nội đã được truyền lại từ thuở xa xưa, để rồi biến Hà Nội thành một thành phố thông thường đơn điệu như bất cứ thành phố nào trên thế giới với nhà cửa mọc san sát, với đường sá đông nghịt xe cộ.

Về tình trạng môi trường ở khu vực nông thôn ngoại thành của 5 huyện, chiếm tỷ lệ diện tích trên 90% và tỉ lệ dân số là 43% của toàn thành phố. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp còn tồn tại một số tập quán canh tác sử dụng phân tươi để bón rau quả, có nơi sử dụng quá mức phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, gây tình trạng ô nhiễm tràn lan: ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khoẻ cộng đồng. Nhiều làng nghề như làng Gốm Bát Tràng, làng bún Phú Đô, làng chế biến phế thải Triều Khúc và các làng nghề khác đang là những thách thức găy gắt đối với công tác bảo vệ môi trường, chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Trên đây là những tồn tại và thách thức lớn đối với Thủ đô Hà Nội trong công tác bảo vệ môi trường trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đòi hỏi phải có sự nỗ lực thực sự của thành phố, nhất là nâng cao năng lực quản lý đang là khâu yếu kém của thành phố, đồng thời phải nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân, tích cực góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô.

2. Quy hoạch góp phần giữ gìn môi trường cơ bản của cư dân Hà Nội

Quá trình phát triển và mở rộng của Thủ đô Hà Nội phải hướng vào một mục tiêu bao trùm là Thủ đô Hà Nội phải được phát triển bền vững. Bài này chỉ nêu lên một số quan điểm cần quan tâm về mặt quy hoạch lãnh thổ để khỏi làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường cơ bản của cư dân Hà Nội. Khi nói đến quy hoạch để thành phố phát triển bền vững, người ta thường nhấn mạnh thành phố phải là hình ảnh bao trùm mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau, được thiết lập trên một nền tảng vững chắc. Quy hoạch đô thị là chỗ dựa cho công tác đô thị hoá, là một môn khoa học tổ chức sắp xếp không gian đô thị, cũng là để bố trí một khung cảnh sống cho con người hài hoà với thiên nhiên và môi trường sinh thái, nhằm tạo nên sự phồn vinh và trí tuệ và vật chất cho con người. Xuất phát từ quan điểm đó, vấn đề môi trường cần phải được đề cập nhay từ khi xây dựng quy hoạch, hai mặt của vấn đề được xem xét đồng thời, bổ sung và tiết chế lẫn nhau trên cơ sở vì một lợi ích chung. Cần quan tâm đến việc phòng ngừa hơn là cứ đợi để rồi phải chữa trị, làm tốn bao công sức, tiền của. Không nên chỉ dựa trên lợi ích ngắn hạn mà làm tổn hại đến việc thực hiện mục tiêu lâu dài. Phải xác định được ngưỡng chịu đựng của môi trường sinh thái trong các khu quy hoạch.

Quy hoạch các đô thị thường đều có dự kiến phần đất dự trữ nhằm đáp ứng cho sự mở rộng trong tương lai, nhất là một thành phố như thủ đô Hà Nội. Nhiều khu vực dành cho việc mở rộng thành phố thì hịên nay đang là vùng nông thôn ở ngoại vi và các huyện lân cận. Đây là một không gian không ổn định với nhiều biến động và dễ bị tổn thương, nhưng lại thiếu vắng sự quản lý tối thiểu, lâm vào tình trạng bị bỏ mặc. Thế nhưng hiện tại thành phố đã được mở rộng lên gấp 3 lần hiện nay, từ hơn 900 km2 lên trên 3000 km2. Việc mở rộng thành phố là một yêu cầu khách quan, nhưng với tình hình quản lý thành phố như hiện nay thì đó là một thách thức cực lớn. Khi địa giới thành phố được mở rộng, sẽ tạo thuận lợi trong việc bố trí các công trình, nhất là đầu mối của hạ tầng kĩ thuật, nhưng còn nhiều mặt khác cần nghiên cứu kỹ, nhất là cần rút kinh nghiệm trong việc mở rộng không gian thành phố như lần thứ hai trước đây trong cuối những năm 70 và thập kỉ 80 của thế kỷ trước, diện tích Hà Nội từng là 2000 km2. Vì vậy khi phạm vi thành phố được mở rộng cần phải theo một lộ trình thích hợp và thức tề mà không nên làm ào ạt. Cần phải có sự tiếp cận thoả đáng bằng những nét lớn về quy hoạch để tạo ra sự phôi thai về chức năng cấu trúc của mạng lưới đô thị, đồng thời có biện pháp quản lý cần thiết để giữ gìn nguồn tài nguyên đất này. Đối với một số khu vực đang bị mất cân bằng về môi trường sống như khu phố cổ, cần tìm giải pháp để thiết lập lại cái lõi của thiên nhiên, khôi phục tôn tạo lại một số công trình để đảm bảo chất lượng môi trường sống và cảnh quan.

Trong quy hoạch lãnh thổ thì mạng lưới giao thông đô thị là khâu chiếm dụng đất đai và không gian lớn nhất, có tác động đến nhiều mặt của thành phố. Vì vậy khi chọn tuyến cần có sự đánh giá tác động đến môi trường, hạn chế ô nhiễm, đồng thời phải phải xem xét kỹ các mặt về kinh tế, tiết kiệm đất đai không gian và tiết kiệm năng lượng. Cần bảo vệ các khu di tích và cảnh quan thiên nhiên vì chất lượng không gian và cảnh quan thiên nhiên phải được xem như một nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Không nên vì một lợi ích thiển cận mà bỏ đi những nét đặc trưng của Hà Nội, ví dụ như các làng hoa đã tồn tại bao đời cùng với Thăng Long. Trong một thành phố đang và sẽ trơn nên ngày càng ngột ngạt, thì người dân Thủ đô càng cần có những khoảng không gian thoáng đãng, hít thở không khí trong lành, cùng với các làng hoa đan xen tô điểm cho thành phố để con người được gần gũi với thiên nhiên hơn. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện một đề án tổng thể bảo vệ môi trường sống cho cư dân Hà Nội, hướng cho thành phố phát triển được bền vững là một việc phải làm.

Để giữ gìn được tốt môi trường cơ bản của cư dân, một việc làm rất quan trọng mà lâu nay chưa được quan tâm, đó là vai trò của cộng đồng trong vấn đề xây dựng quy hoạch lãnh thổ… Cần có cơ chế để cộng đồng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề môi trường và sinh thái có liên quan trực tiếp đến người dân địa phương xuất phát từ khâu quy hoạch. Do đó người dân cần được tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các quy hoạch lãnh thổ của thành phố. Khi nhận thức và tăng quyền lực của cộng đồng được tăng cường cũng chính là tạo thêm tính khả thi và đồng thuận để giải quyết có hiệu quả những vấn đề khó khăn ở địa phương trong đó vấn đề quy hoạch lãnh thổ của thành phố.



Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng tháng 6/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)