Cơ hội và thách thức đối với ngành cấp thoát nước trong nền kinh tế thị trường

Thứ tư, 23/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Khu vực tư nhân 1.1. Xã hội hoá ngành nước trong nền kinh tế thị trường Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây, chỉ tồn tại hai khu vực kinh tế: nhà nước và tập thể. Việc cung ứng dịch vụ cấp thoát nước đều do chính phủ đầu tư và giao cho các tổ chức sự nghiệp quản lý. Ngày nay, nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN bao gồm nhiều thành phần kinh tế: ngoài kinh tế nhà nước và tập thể còn có kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp nhà nước được cải tổ lại và được trao quyền tự chủ về quản lý và độc lập về tài chính, nhiều doanh nghiệp đã và đang được cổ phần hoá. Việc doanh nghiệp hoá các tổ chức quản lý kết cấu hạ tầng là bước tiến rõ dệt trong việc nâng cao quyền tự chủ và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đồng thời mở đường cho việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài vào dịch vụ cấp thoát nước.

Xã hội hoá cung ứng dịch vụ hạ tầng nói chung và cấp thoát nước nói riêng đem lại nhiều lợi ích: Thu hút thêm nguồn lực tài chính; Nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và vận hành, hạn chế cấp thoát trong đầu tư xây dựng và cải thiện chất lượng dịch vụ; Tạo môi trường kinh doanh thông  thoáng và minh bạch, hấp dẫn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở mỗi thành phần kinh tế. Cạnh tranh là cơ chế mạnh nhất để cải thiện hiệu quả dịch vụ cấp thoát nước. Cạnh tranh tạo động lực để các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí hợp với nhu cầu của người sử dụng và ứng dụng công nghệ mới khi chúng xuất hiện.

Cạnh tranh để nâng cao hiệu quả diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau, giữa các thành phần kinh tế khác nhau và xã hội hoá cung ứng dịch vụ có khả năng đem lại hiệu quả cho công tác quản lý ngành cấp thoát nước đô thị.

1. 2. Quản lý hiệu quả ngành cấp thoát nước đô thị trong nền kinh tế thị trường

Quản lý hiệu quả ngành cấp thoát nước đô thị là thực hiện đầy đủ các tiêu chí đánh giá theo mục tiêu phát triển bền vững của đô thị, tức là thực hiện các hoạt động của ngành cấp thoát nước làm việc theo kế hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật và tài chính, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ cấp thoát nước. Hệ thống quản lý ngành cấp thoát nước đô thị là toàn bộ phương thức điều hành nhằm đảm bảo cho hệ thống cấp thoát nước đô thị làm việc hiệu quả. Hệ thống quản lý yêu cầu phải có cách tiếp cận tổng hợp và sử dụng phương pháp luận hệ thống. Khi xử lý các vấn đề phải xem xét từ mọi khía cạnh như: kỹ thuật, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng. Trong đó, Quản lý kinh tế và kỹ thuật là sử dụng các định mức đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật… để quản lý các hoạt động trong hệ thống cấp thoát nước đô thị. Quản lý tổ chức là thiết lập và vận hành  bộ máy tổ chức và quản lý nhân lực trong hệ thống cấp thoát nước đô thị.

Hệ thống cấp thoát nước đô thị là bộ phận thiết yếu của hệ thống hạ tầng kỹ  thuật đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống đô thị và trong phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Lĩnh vực cấp thoát nước trong thời gian qua đã được Chính phủ cũng như cả xã hội quan tâm. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, quản lý ngành cấp thoát nước đô thị đang có nhiều cơ hội và thách thức.

2. Cơ hội phát triển của ngành cấp nước đô thị

2.1. Cơ hội phát triển cấp thoát nước đô thị

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 63/1998 QĐ-TTg “Phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị Quốc gia đến năm 2020”. Thực hiện định hướng - phát triển này, ngành nước được sự ưu tiên đầu tư của Chính phủ từ nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước viện trợ ODA, viện trợ của các tổ chức quốc tế, đầu tư của các hãng tư nhân, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi lớn từ ngân hàng thế giới và ngân hàng Châu Á.

Đến nay, lĩnh vực cấp nước đô thị đã được ưu tiên đầu tư. Kết quả đã nâng cao công suất cấp nước đô thị từ 1,8 triệu m­­­3/ngày năm 1996 lên hơn 4 triệu m3/ngày năm 2007. Độ bao phủ dịch vụ cấp nước đô thị hiện tại đã đạt được gần 70 - 80%.

Để khắc phục về tình trạng chênh lệch giá nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Chỉ thị 04/2004/CT-TTg ngày 20/1/2004 về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và  ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất nước sạch. Ngày 8/11/2004 Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đã có thông tư liên tịch số 104/2004/TTLT-BTC-BXD xác định giá tiêu thụ nước sạch. Ngày 30/6/2005, Bộ Tài chính đã có quyết định số 38/2005/QĐ-BTC về khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt. Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ra Nghị định số 109/2007/NĐ-CP và việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp và chuyển 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Ngày 11/7/2007, Chính phủ đã ra Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đây là văn bản hết sức quan trọng để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Cấp nước tự chủ về tài chính. Ngày 02/01/2008, Bộ Xây dựng đã ra thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Điều đặc biệt quan trọng là các công ty cấp nước đã chuyển sang hoạt động kinh doanh thực sự khi thực hiện tính giá tiêu thụ nước sạch theo nguyên tắc tính đúng tính đủ mọi chi phí. Doanh nghiệp cấp nước có điều kiện tự chủ về tài chính và đó là điều kiện kiên quyết để lĩnh vực cấp nước phát triển bền vững.

2.2. Cơ hội phát triển thoát nước đô thị

Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 35/1999 QĐ-TTg “Phê duyệt định hướng phát triển Thoát nước đô thị đến năm 2020”. Về lĩnh vực thoát nước đô thị, Chính phủ rất quan tâm và đã quyết định cho trên 20 đô thị được sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách để mở rộng cải  tạo hoặc xây dựng mới hệ thống thoát nước và vệ sinh. Vốn đầu tư ở một số đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã lên đến hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Đồng thời, cơ chế chính sách quản lý thoát nước cũng đang được đổi mới, nhiều công ty thoát nước cũng đang chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, được hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề.

Thoát nước là dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã bước đầu thực hiện cơ chế đặt hàng với chính quyền, tạo thế chủ động về công việc, nhất là về tài chính. Do vậy, đến năm 2007, đã cơ bản đạt được mục tiêu của định hướng phát triển thoát nước đô thị đến năm 2020. Đó là, xoá bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở Hà Nội, các đô thị loại 1 và loại 2. Riêng TP Hồ Chí Minh, ngoài việc thực hiện các dự án đã được Chính phủ phê duyệt về thoát nước bẩn, các giải pháp thoát nước mưa kết hợp với các giải pháp ngăn triều cường để tránh được ngập úng, đã được quan tâm.

Ngày 29/11/2005, Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2006 để thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định về thoát nước đô thị là:

Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp.

Các Nghị định này đã tạo cơ hội rất lớn cho ngành thoát nước đô thị phát triển theo hướng đổi mới cơ chế trong dịch vụ thoát nước đô thị.

3. Những thách thức đối với ngành cấp thoát nước trong nền kinh tế thị trường

3.1. Những thách thức đối với cấp nước đô thị

Hệ thống cấp nước có vai trò quan trọng đối với đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Mặc dù kết quả hoạt động của các công ty cấp nước Việt Nam được xem là khả quan so với các nước đang phát triển khác, nhưng vẫn chưa phát huy hết công suất thiết kế, tỷ lệ thất thoát, thất thu còn cao. Vì vậy cần phải nỗ lực để cải thiện hiệu suất hoạt động cũng như sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả.

Mô hình quản lý và chính sách hiện hành còn là thách thức đặt ra cho lĩnh vực cấp nước đô thị. Những mô hình quản lý và chính sách hiện hành liên quan đến vấn đề giá nước, quyền sở hữu, những phát sinh trong quá trình cổ phần hoá, tính tự chủ và trách nhiệm của các Cty cấp nước… Cần phải thay đổi theo hướng cập nhật nhằm khuyến khích các công ty cung cấp dịch vụ hoạt động và hiệu quả hơn.

Dịch vụ Cấp nước đô thị Việt Nam chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, với hiệu quả và chất lượng  dịch vụ không đồng đều giữa các khu vực. Hầu hết các Công ty đều không được tự chủ về nguồn vốn, giá nước do UBND tỉnh đặt ra không đảm bảo được sự bền vững về tài chính cho các doanh nghiệp. Có một thực tế là vốn đầu tư cho lĩnh vực này chủ yếu là vốn ODA mà thiếu đi nguồn huy động từ thị trường trong nước. Hiện nay, đã có những tín hiệu cho thấy có thể huy động được vốn từ nhiều nguồn khác nhau và sáng kiến BOT của TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Bên cạnh đó, vấn đề quyền sở hữu tài sản của các công ty cấp nước vẫn chưa rõ ràng sẽ trở ngại đáng kể khi cổ phần hoá các công ty.

Với cơ cấu quản lý vĩ mô như hiện nay của ngành cấp nước thì kết quả hoạt động của Cty cấp nước phản ánh kết quả hoạt động của cả ban lãnh đạo công ty và UBND tỉnh. Do đó, cần coi trọng vấn đề trong lĩnh vực này. Cùng với nhịp điệu phát triển kinh tế là sự xuất hiện những luồng di cư ra đô thị. Việc đầu tư cho phát triển hệ thống cấp nước tập trung tại các thị trấn phải lưu tâm hơn vì hiện mới chỉ có 1/3 trong tổng trên 600 thị trấn có nước máy.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với các Cty cấp nước khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm là yêu cầu kiên quyết cho sự phát triển. Với hướng đi đó các Cty cấp nước có thể chuyển đổi thành các Cty TNHH mà Chính quyền đô thị là cổ đông duy nhất. Điều này làm tăng tính bền vững và mang lại cơ hội cổ phần hoá  cho các Cty trong tương lai.

Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng để việc thực hiện các văn bản quy phạm ngành đạt hiệu quả, cần có một cơ quan giám sát ở cấp quốc gia, nhằm xem xét lại những phương án được đề xuất, tránh tình trạng xung đột lợi ích khi các UBND tỉnh vừa ban hành giá nước vừa là chủ sở hữu các Cty cấp nước.

Xu hướng đầu tư cho lĩnh vực cấp nước là chuyển dần từ nguồn vốn ODA sang các nguồn tài chính hỗn hợp tiến tới dựa hoàn toàn vào nguồn tài chính trong nước. Với tư cách là đơn vị bảo lãnh vay Ngân hàng cho các Cty cấp nước, UBND tỉnh sẽ đóng vai trò trung gian giúp hỗ trợ có hiệu quả hơn về mặt chi phí và nâng cao hiệu quả của dịch vụ. Đồng thời việc phát hành trái phiếu của các công ty cấp nước còn là một kênh huy động vốn khác nhưng để nắm bắt tốt hơn các cơ hội ấy, các Cty cấp nước cần được hoàn thiện hơn thông qua quy định kế toán tài  chính, qua kiểm toán, benchmarking và sự phát triển hệ thống định giá.

3.2. Những thách thức đối với thoát nước đô thị

Dịch vụ thoát nước và vệ sinh môi trường tiếp tục là vấn đề nóng bỏng và cực kỳ bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Nó đang đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ và toàn ngành nước. Hệ thống thoát nước thải, nước mưa chỉ có ở hơn 10 thành phố lớn và các trung tâm tỉnh lỵ, nhưng được xây dựng khá lâu, đường ống cống rãnh đã xuống cấp; kênh mương sông suối nội đô và các hồ điều hoà đã và đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước đã quá tải, tình trạng ngập úng cục bộ sau những trận mưa lớn thường xuyên xảy ra ở các đô thị. Do hệ thống thoát nước hầu hết ở các đô thị chung cho cả  thoát nước thải và nước mưa, vì vậy việc thu gom nước thải để xử lý hầu như chưa làm được. Từ thực trạng trên, vấn đề đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, trước khi thải vào hệ thống chung, tiếp tục là thách thức, là đòi hỏi của toàn xã hội.

Thể chế về tài chính của các Cty thoát nước hoặc Cty môi trường đô thị không mạnh bằng các Cty cấp nước. Đây chính là một thách thức lớn về năng lực trong việc giải quyết những vấn đề của vệ sinh đô thị. Các chuyên gia của ngân hàng thế giới đã đưa ra khuyến cáo là nên tập trung vào vấn đề vệ sinh đô thị. Do kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế, nên cần có sự hiểu biết toàn diện hơn như cần có sự sắp xếp về thể chế giã lĩnh vực cấp nước là độc lập hay kết hợp, thu hồi chi phí thông qua giá dịch vụ, cung cấp tài chính thông qua việc sử dụng ODA, kết hợp các khoản vay và tài trợ, các cách tiếp cận kỹ thuật thích hợp và tiêu chuẩn hoá dịch vụ, nâng cao năng lực ngành. Đối với lĩnh vực vệ sinh đô thị, việc thiết lập cơ chế hạch toán lỗ lãi để cung cấp các dịch vụ định hướng tới khách hàng và dựa trên doanh thu là cần thiết và có thể thuê khối tư nhân thực hiện một số công việc lựa chọn. Việc hợp nhất hoạt động thu gom và xử lý nước thải với hoạt động của các công ty cấp nước của các Cty cấp nước có thể hỗ trợ cho hoạt động quản lý và vận hàng nhưng đối với các thành phố lớn thì việc tách riêng các Cty cấp nước và thoát nước sẽ thích hợp hơn.



Nguồn: TC Xây dựng, số 6 - 2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)