Hợp phần phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo SDU

Thứ tư, 23/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hợp phần “Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo” SDU là một phần của Chương trình “Hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch về môi trường” DCE giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch cho giai đoạn 2005 - 2010.

Hợp phần SDU sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống cả cộng đồng đô thị, đặc biệt là những tầng lớp người nghèo đô thị ở những nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, không có nước sạch, thiếu dịch vụ vệ sinh.

Hợp phần SDU sẽ xây dựng và thử nghiệm các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với Quy hoạch đô thị và các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị ưu tiên. Hướng dẫn này có thể bao gồm các yêu cầu về sự công khai, minh bạch và sự tham gia của các bên có liên quan, trong đó có sự  tham gia của cộng đồng vào quá trình xây dựng kế hoạch và ra quyết định đối với  các dự án quy hoạch đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Hợp phần SDU sẽ hình thành và triển khai các dự án trình diễn thí điểm tại các tỉnh mục tiêu: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam và Nghệ An. Mục đích của các dự án trình diễn là: Thực hiện hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, giải quyết vấn đề môi trường đô thị dựa trên nhu cầu của người dân; thành công và bài học kinh nghiệm rút ra từ các dự án trình diễn sẽ được phổ biến áp dụng cho các đô thị ở các địa phương khác.

MỤC TIÊU

Lồng ghép các nguyên tắc bảo vệ môi trường và quá trình ra quyết định với sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch đô thị, xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường, cung cấp dịch vụ đô thị.

Trình diễn các mô hình thí điểm về quy hoạch và quản lý môi trường đô thị với sự tham gia của cộng đồng, tạo ra mô hình thích hợp về cung cấp các dịch vụ đô thị cho người dân.

Hoạt động của SDU tại tỉnh Phú Thọ.

Các khu vực đô thị cần được ưu tiên có thể là thành phố Việt Trì, Phú Thọ, Lâm Thao, Phong Châu, Thanh Ba, Hạ Hoà, Thanh Sơn và Đoan Hùng.

Trong quá trình khảo sát thực tế sẽ tiến hành các buổi thảo luận quan trọng về các dự án trình diễn ưu tiên. Những lĩnh vực ưu tiên này bao gồm:

- Phân loại các thành phần độc hại trong chất thải rắn sinh hoạt.

- Cải tạo các hệ thống hồ bao gồm quy hoạch mang tính bền vững.

- Nâng cao ý thức và sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch môi trường đô thị.

- Quy hoạch/ trình diễn về sự tham  gia của các khu vực kinh tế gồm cả khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ môi trường bền vững và hiệu quả hơn.

- Quy hoạch chọn địa điểm hoặc di chuyển các nghĩa trang.

Hoạt động của SDU tại tỉnh Nghệ An

Những khu vực đô thị ưu tiên được xác định cần có sự hỗ trợ của hợp phần bao gồm TP Vinh, thị xã Cửa Lò, các thị trấn Con Cuông, Nghĩa  Đàn, Nghị Lộc và Quỳ Hợp.

Một số lĩnh vực ưu tiên cho các dự án trình diễn được xác định như sau:

- Lồng ghép các cơ chế phát triển bền vững vào các quy hoạch phát triển đô thị hiện có.

- Thành lập các hợp tác xã thu gom rác, bao gồm việc xây dựng năng lực phù hợp, để hoạt động kết hợp với các cong ty môi trường đô thị hiện có URENCO.

Hoạt động của SDU tại tỉnh Thái Nguyên

Khu vực đô thị cần được ưu tiên, xem xét để tiếp tục áp dụng quy hoạch môi trường đô thị được dự kiến là thị xã Sông Công, nằm cách thành phố Thái Nguyên 20 km về phía Nam. Trước đây, DANIDA đã tài trợ dự án Quản lý Môi trường tỉnh Thái Nguyên, 2000 - 2002. Theo kết quả của dự án này, một dự án bổ sung được hình thành, đó là dự án Quản lý môi trường tổng hợp đô thị và khu công nghiệp cho thị xã Sông Công. Trong qua trình chuẩn bị tài liệu cho dự án thị xã Sông Công, các dữ liệu chung và cơ sở cũng như việc chuẩn bị cơ sở cũng như việc chuẩn bị các bản đồ quy hoạch sẽ được thu thập. Sẽ rất có hiệu quả về chi phí nếu sử dụng các dữ liệu và tài liệu đã được tập hợp trước đó để xây dựng một quy hoạch môi trường đô thị cho thị xã Sông Công. Khu vực đô thị này hiện đang phát triển nhanh chóng do gần đây thị xã đã đầu tư xây dựng một khu công nghiệp. Vì vậy, thị xã Sông Công có thể được coi là một điểm trình diễn thí điểm mang tính chiến lược đối với việc thực hiện phương pháp quy hoạch môi tường đô thị mới  do sự tăng trưởng kinh tế năng động của thị xã này.

Các Dự án trình diễn thí điểm được nêu ra như sau:

- Các vấn đề về ô nhiễm môi tường tại Thái Nguyên bao gồm xử lý nước thải và rác thải rắn; tái chế và xử lý rác thải gia đình để làm phân bón.

- Xử lý nước thải và rác thải tại thị xã Sông Công.

- Ô nhiễm công nghiệp từ một số nhà máy

Hoạt động của SDU tại tỉnh Hà Nam

Khu vực đô thị cần được ưu tiên triển khai các dự án trình diễn của hợp phần SDU tại thị xã Phủ Lý. Một số lĩnh vực ưu tiên cho các dự án trình diễn được xác định dựa trên các tiêu chí của Hợp phần nhằm đạt được các mục tiêu sau:

- Cải thiện điều kiện môi trường tại các khu vực dan cư có thu nhập thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém.

- Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị nghèo.

- Nâng cao ý thức và sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý và quy hoạch môi trường đô thị.

KHUNG LOGIC CỦA HỢP PHẦN

Mục tiêu 1. Bộ Xây dựng chủ trì lồng ghép các nguyên tắc bảo vệ môi trường và quá trình ra quyết định về môi trường mang tính tham gia trong công tác quy hoạch môi trường đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và cung cấp dịch vụ đô thị.

Kết quả 1. 1 Khung chính sách quốc gia về quản lý và Quy hoạch môi trường Đô thị mang tính Tham gia UEP

Một phần quan trọng của dự án “Nâng cao Năng lực quy hoạch và Quản lý môi trường đô thị” UEMP về sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch trong môi trường đô thị đã được hoàn thành cùng với khung thể chế được đề xuất. Nội dung này sẽ được xem xét và phân tích tổng hợp hơn  trong quy hoạch môi trường đô thị. Việc phân tích rộng hơn sẽ tạo cơ sở để soạn thảo báo cáo chính sách cho các ngành của nhà nước điều phối liên ngành và khu vực tư nhân, cùng với cộng đồng địa phương có một vai trò tích cực trong quá trình quy hoạch môi trường đô thị.

Dự thảo báo cáo chính sách sẽ được trình bày tại một hội thảo quốc gia với mục đích các bên tham gia sẽ tạo ra một sự đồng nhất về vai trò thoả thuận của những bên tham gia khác nhau trong quá trình quy hoạch môi trường đô thị. Trọng tâm cụ thể sẽ hướng tới cho phát triển hạ tầng đô thị và quản lý đô thị đối với các dịch vụ như cấp nước và vệ sinh, quản lý chất thải rắn, cây xanh và nghĩa trang.

Kết quả này là cơ sở để Bộ Xây Dựng ban hành các chính sách về cách tiếp cận theo nhu cầu mang tính tham gia, bao gồm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn phát triển cho quy hoạch và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Kết quả 1. 2 Xây dựng năng lực quốc gia để thực hiện quy hoạch và quản lý môi trường đô thị mang tính tham gia.

Dựa trên sự thống nhất về chính sách từ kết quả 1.2, khung chính sách quốc gia chi tiết hơn về sự hợp tác và điều phối liên ngành sẽ được nghiên cứu.

Trong khuôn khổ này cùng với chính sách đã được thống nhất về quy hoạch và quản lý môi trường đô thị mang tính tham gia sẽ được trình bày tại khoá đào tạo tập huấn trong nước.

Dự án nâng cao năng lực quy hoạch và Quản lý Môi trường đô thị đã được chuẩn bị và triển khai đào tạo chính thức về sự tham gia nhận thức của cộng đồng về quy hoạch môi trường đô thị. Tài liệu này do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội HAU và tư vấn quốc tế chuẩn bị, sẽ được xem xét và đưa vào chương trình đào tạo quốc gia một cách phù hợp. Các tài liệu về đào tạo hiện hành cũng sẽ được đánh giá và hoàn thiện tập trung vào sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý rác thải, quản lý nước thải và các đường ống thoát nước và thiết lập các chính sách phát triển bền vững cấp địa phương nhất quán với Chương trình nghị sự 21.

Mục tiêu 2: Các sở xây dựng được lựa chọn điều phối lồng ghép các nguyên tắc môi trường bền vững và quy trình ra quyết định về môi trường mang tính tham gia vào công tác lập quy hoạch, xây dựng và cung cấp dịch vụ đô thị.

Kết quả 2. 1 Năng lực thể chế tại các tỉnh mục tiêu cho quy hoạch môi trường đô thị mang tính tham gia

Dự án nâng cao Năng lực Quy hoạch và Quản lý môi trường đô thị do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội triển khai tại nhiều tỉnh từ khu vực miền Trung đến miền Bắc Việt Nam. Tài liệu sử dụng trong các khoá đào tạo cùng với đánh giá nhu cầu đào tạo hỗ trợ TNA sẽ được xem xét và nâng cấp khi cần thiết, để áp dụng cho các tỉnh mục tiêu của hợp phần Phát triển Bền vững Môi trường trong các khu Đô thị nghèo SDU. Ba khoá đào tạo sẽ được tiến hành; mỗi khoá cho mỗi tỉnh mục tiêu.

Kết quả 2. 2 Đồ án quy hoạch xây dựng và bản đồ Quy hoạch môi trường Đô thị UEP có sử dụng GIS cho ba khu đô thị điển hình

Khi năng lực quy hoạch môi trường đô thị được tăng cường tại các tỉnh mục tiêu, hình thành từ những khoá đào tạo từ kết quả 2.1, sẽ tổ chức các cuộc hội thảo và hội nghị tại mỗi tỉnh mục tiêu. Mục đích của các cuộc hội thảo là nhằm xác định những đô thị của các tỉnh hưởng lợi nhất khi có sự can thiệp của phương pháp luận quy hoạch môi trường đô thị. Bản đồ hệ thống thông tin địa lý và quy hoạch môi trường đô thị sẽ được lập ra trên một cơ sở thí điểm để kiểm tra phương pháp luận mới này.

Kết quả 2. 3 Hội phụ nữ và tổ chức quần chúng tích cực tham gia vào quá trình quy hoạch môi trường đô thị

Để nâng cao năng lực cho các tổ chức quần chúng tham gia một cách tích cực vào quy hoạch môi trường đô thị và các hoạt động cung cấp các dịch vụ môi trường, các khoá đào tạo sẽ được tổ chức triển khai, một loạt tài liệu truyền thống nhằm nâng cao ý thức công cộng sẽ được soạn thảo và phổ biến. Dự án Nâng cao Năng lực Quy hoạch và Quản lý Môi trường Đô thị đã xây dựng mô hình nâng cao ý thức công cộng và tham gia của cộng đồng ở TP Thái Nguyên. Mô hình này sẽ được dùng làm cơ sở để thực hiện việc nâng cao năng lực tại hai tỉnh mục tiêu khác và các khu vực khác trong tỉnh Thái Nguyên.

Kết quả 2. 4 Đánh giá Tác động Môi trường EIA và Đánh giá Môi trường chiến lược đối với các dự án quy hoạch  xây dựng và hạ tầng đô thị

Trong năm đầu tiên, chỉ có một số công việc ban đầu được khởi xướng để xây dựng các hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường cho các bản quy hoạch đô thị. Công việc ban đầu này sẽ bao gồm việc xem xét các hướng dẫn quốc gia và quốc tế về đánh giá môi trường chiến lược về các bản kế hoạch và chính sách cũng như đánh giá tác động môi trường cho các Dự án hạ tầng đô thị cụ thể. Một số hướng dẫn đánh giá tác động môi trường sẽ được chuẩn bị trước như một phần của dự án nâng cao Năng lực Quy hoạch và Quản lý Môi trường Đô thị, và chúng sẽ là một phần quan trọng của hợp phần Phát triển Bền vững Môi trường trong các Khu Đô thị nghèo.

Để hỗ trợ nâng cao năng lực đánh giá tác động môi trường và các công cụ quy hoạch xây dựng đô thị như GIS, Ban quản lý Hợp phần sẽ tổ chức các đợt tham quan, khảo sát nước ngoài tại một số nước Châu Á và một số nước phát triển Châu Âu.

Mục tiêu 3: Trình diễn các mô hình thí điểm về quy hoạch môi trường đô thị mang tính tham gia sẽ tạo ra các mô hình mới nhằm cung cấp dịch vụ đô thị cho người dân.

Kết quả 3.1 Công nghệ và phương pháp thích hợp nhằm cung cấp dịch vụ đô thị mang tính tham gia tại các khu đô thị nghèo

Để chuẩn bị cho việc khởi xướng những dự án trình diễn thí điểm, hợp phần sẽ xem xét các công nghệ cung cấp dịch vụ đô thị thích hợp từ những dự án khác ở Việt Nam và trong khu vực. Để nâng cao năng lực thực hiện các Dự án trình diễn khác nhau, Hợp phần sẽ tham gia vào các hội thảo và hội nghị quốc gia có liên quan đến vấn đề này. Các công nghệ được chọn lựa cho quản lý rác thải rắn,  xử lý nước thải, quy hoạch nghĩa trang hay quy hoạch các khu đô thị xanh sẽ được chuyển cho các cơ quan tham gia cấp địa phương thông qua các khoá đào tạo.

Kết quả 3. 2 Các dự án trình diễn thí điểm theo nhu cầu tại các khu đô thị nghèo

Trước khi tiến hành các hội thảo quy hoạch môi trường đô thị ở cấp tỉnh Kết quả 2.2, quá trình tìm kiếm, xác định các dự án trình diễn thí điểm theo nhu cầu sẽ được xây dựng và thảo luận với các đối tác địa phương liên quan. Quá trình này sẽ được điều phối chặt chẽ với các hợp phần Kiểm soát Ô nhiễm tại các khu đông dân cư PCDA và sản xuất sạch hơn trong Công nghiệp CPI, do có nhiều nội dung của các dự án trình diễn thí điểm sẽ liên quan tới cả ba hợp phần.

Kết quả 3. 3 Xác định thứ tự ưu tiên và trình tự các hoạt động

Các nội dung chính của các hợp phần Phát triển Bền vững môi trường trong các Khu đô thị nghèo bao gồm nâng cao năng lực, thực hiện các dự án thí điểm và truyền bá thông tin. Chiến lược của hợp phần trước hết là xây dựng năng lực quốc gia và địa phương để tạo điều kiện xác định và thực hiện thành công các dự án thí điểm tại các tỉnh mục tiêu. Nâng cao năng lực cũng sẽ sớm được triển khai trong quá trình thực hiện hợp phần vì các công cụ hỗ trợ xây dựng năng lực như tài liệu, chương trình giảng dạy và các chính sách thể chế quốc gia đã được soạn thảo trong quá trình triển khai thực hiện dự án Nâng cao Năng lực Quy hoạch và quản lý Môi trường đô thị.

Sau khi năng lực cần thiết đã được củng cố cho các đối tác cơ bản của hợp phần ở cấp trung ương và cấp địa phương, có thể sử dụng những kiến thức đạt được để xác định thành công các dự án thí điểm theo nhu cầu để hỗ trợ cho quá trình quy hoạch môi trường đô thị tại các tỉnh mục tiêu.

DỰ ÁN TRÌNH DIỄN

Để xác định và chọn lựa các dự án trình diễn thích hợp, Hợp phần SDU đưa ra các tiêu chí chọn lựa như sau:

- Xoá nghèo và cải thiện điều kiện sống trong các khu đô thị nghèo

- Hỗ trợ các chính sách và mục tiêu quốc gia

+ Chiến lược Quốc gia về Bảo vệ môi trường

+ Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo

+ Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

+ Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam Chương trình nghị sự Việt Nam 21

- Dựa trên nhu cầu từ cấp địa phương, sử dụng cách tiếp cận tham gia

- Hỗ trợ Danida về các vấn đề có liên quan:

+ Bình đẳng giới

+ Quản lý tốt

+ Bảo vệ Môi trường

- Chi phí hiệu quả và ổn định.

- Khả năng đóng góp của địa phương và các nguồn lực khác.

- Phát triển năng lực và chuyển giao kỹ năng.

- Khả năng nhân rộng sang các khu đô thị khác.

CƠ CẤU, TỔ CHỨC HỢP PHẦN SDU

Ban chỉ đạo: Thứ trưởng Bộ Xây Dựng GS. TSKH Nguyễn Văn Liên Trưởng ban; đại diện các Vụ chức năng của Bộ Xây Dựng; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Phó Chủ tịch các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Nghệ An.

Giám đốc Hợp phần: TS. Nguyễn Trung Hoà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Xây dựng.

Ban Quản lý Hợp phần: đại diện các Vụ chức năng của Bộ xây dựng các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Nghệ An.

Văn phòng Hợp phần SDU tại Bộ Xây dựng và Văn phòng Hỗ trợ Hợp phần tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Nghệ An Sở Xây dựng.

Nguồn: TC Xây dựng, số 6-2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)