Tổng quan tình hình xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế

Thứ tư, 09/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm gần đây, hệ thống KCN, KCX, KKT ở Việt nam phát triển trong bối cảnh mới: Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO; Việt Nam đang trở thành địa điểm thu hút các nhà đầu tư lớn và có uy tín trên thế giới; vấn đề môi trường, lao động trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới đang diễn biến phức tạp và ngày càng bức xúc; giá cả, lạm phát, an ninh lương thực trên thế giới chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn… Bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra những cơ hội mới cho các KCN, KCX, KKT, đòi hỏi các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách cần nhận thức đúng đắn và chủ động nắm bắt cơ hội, khắc phục khó khăn để phát triển ổn định, bền vững các KCN, KCX, KKT.

Đánh giá một cách tổng quan, kết quả và hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển các KCN, KCX của Việt Nam trong thời gian qua được tóm lược ở mấy vấn đề sau đây:

A- KẾT QUẢ

1- Quy hoạch phát triển các KCN được phê duyệt làm căn cứ để các địa phương triển khai xây dựng và thành lập KCN

Ngày 21/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển KCN của Việt Nam đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg sau đây gọi tắt là quy hoạch KCN. Quy hoạch KCN được ban hành đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển KCN cũng như phương án phân bố KCN một cách tổng thể trên phạm vi cả nước, hạn chế tình trạng phát triển các KCN một cách riêng lẻ do thiếu Quy hoạch tổng thể từ năm 2000 đến trước thời điểm Quy hoạch này có hiệu lực. Điểm nổi bật trong Quy hoạch phát triển các KCN là đã đưa ra hệ thống các tiêu chí để hình thành và phát triển KCN trên địa bàn, theo đó việc thành lập mới hoặc mở rộng KCN phải đảm bảo các yếu tố điều kiện về quy hoạch, đầu tư, môi trường, sử dụng đất… Quy hoạch này vừa tạo cơ chế “mở” cho các địa phương chủ động thành lập KCN khi đủ điều kiện vừa ràng buộc các địa phương trong phát triển KCN, tránh sự thành lập KCN một cách tràn lan khi chưa đáp ứng đủ các tiêu chí.

Để phù hợp với nhu cầu và thực tế phát triển KCN của các địa phương ngoài danh mục các KCN đã được ban hành kèm theo QĐ 1107.QĐ-TTg, trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã xem xét điều chỉnh bổ sung một số KCN Theo Quyết định 1107/QĐ-TTg và một số văn bản bổ sung của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến từ nay đến năm 2015 cả nước sẽ tiếp tục thành lập mới 113 KCN với tổng diện tích 36.411 ha và mở rộng 4.050 ha. Tổng diện tích tăng thêm của các KCN theo quy hoạch từ nay đến 2015 là 40.460 ha. Phương án phân bố KCN được xây dựng theo hướng hạn chế việc tiếp tục phát triển nhiều KCN ở các địa bàn trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh…, tập trung phát triển nhiều hơn ở những địa phương lân cận có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác như Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…, đồng thời ưu tiên phát triển một số KCN ở các địa bàn khó khăn hơn thuộc Trung du miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long để tạo động lực phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương này.

2- Việc thành lập KCN nhìn chung tuân thủ quy hoạch được duyệt

Tính đến cuối tháng 5/2008, cả nước đã có 186 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 45.042 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 29.469 ha, chiếm 66,6% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 110 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 26.115 ha và 76 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 18.926 ha. Các KCN, KCX phân bố ở 52 tỉnh, thành phố trên cả nước; tập trung ở 3 vùng kinh tế trọng điểm với tổng diện tích đất tự nhiên chíem trên 60% tổng diện tích các KCN cả nước; vùng Đông Nam Bộ có 75 KCN 22.352 ha, Đồng bằng sông Hồng có 42 KCN 10.046 ha; Đồng bằng sông Cửu Long có 28 KCN 5.027 ha.

Việc thành lập các KCN nhìn chung đều tuân thủ quy mô diện tích đã được phê duyệt tại Quy hoạch phát triển KCN đến năm 2015, đồng thời các KCN có quy mô lớn được phân kì đầu tư để đảm bảo hiệu quả xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư.

3- Việc xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN được triển khai tích cực, đặc biệt là các KCN mới thành lập

Trong thời gian gần đây, các KCN, đặc biệt là các KCN mới thành lập đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng KCN. Số lượng các KCN đi vào vận hành 6-12 KCN mỗi năm. Đặc biệt trong năm 2007, cả nước có gần 20 KCN đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng và đi vào vận hành, thu hút đầu tư. Việc các KCN nhanh chóng đi vào vận hành và thu hút đầu tư đã tạo điều kiện khai thác có hiệu quả quỹ đất công nghiệp trong các KCN.

Tính đến cuối tháng 5/2008, trong 186 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN có 110 dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng, đi vào vận hành và thu hút đầu tư. Tổng vốn đầu tư thực hiện lũy kế của các dự án đã vận hành đạt gần 600 triệu USD và 18.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đăng kí. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trung bình trên cả nước. Tiến độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN nhìn chung được đẩy nhanh hơn do một số địa phương đã khắc phục được những vướng mắc kéo dài trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng KCN, một số địa phương phối hợp tốt giữa các đơn vị trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên triển khai nhanh và thuận lợi.

Nhìn chung, các địa phương đều tuân thủ đầy đủ các khâu khảo sát, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN làm cơ sở cho việc xây dựng KCN. Đồng thời, khi lập quy hoạch KCN, các địa phương đều đã chú ý tới việc gắn kết giữa lập quy hoạch KCN với quy hoạch khu dân cư, đô thị, dịch vụ và kết nối hạ tầng trong ngoài KCN.

                                       Diện tích thành lập và quy hoạch theo vùng

Vùng

Diện tích KCN dự kiến thành lập mới từ 5/2008 – 2015 ha

Diện tích KCN đã thành lập đến tháng 5/2008 ha

 Tổng cộng ha

Đồng bằng sông Hồng

 15.239

10.046

25.285

Trung du miền núi Bắc Bộ

1.837

2.801

4.638

Bắc Trung Bộ

1.649

779

2.428

Duyên hải Nam Trung Bộ

5.221

3.651

8.872

Tây Nguyên

724

463

1.187

Đông Nam Bộ

9.811

22.352

32.163

Đồng bằng Sông Cửu Long

5.979

5.027

11.006

Cả nước

40.460

45.042

85.502

4- Các KCN khá thuận lợi trong thu hút đầu tư

Cùng với dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng cao, thời gian gần đây, các KCN đạt kết quả tốt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào KCN trong tổng vốn đầu tư th hút được hàng năm trên cả nước luôn ở mức 40-45%. Năm 2007, các KCN đã thu hút được trên 8 tỷ USD vốn FDI, chiếm trên 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên cả nước.

Tính đến cuối tháng 5/2008, các KCN cả nước đã thu hút được trên 3200 dự án có vốn đầu tư gần 31,5 tỷ USD và 3.100 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng kí trên 195 nghìn tỷ đồng. Riêng lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng KCN, có 31 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.755 triệu USD và 155 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 61.160 tỷ đồng.

Điểm nổi bật trong thu hút đầu tư vào KCN thời gian qua là bên cạnh việc tiếp tục thu hút các dự án quy mô vừa, các KCN đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao như Samsung, Compal, Foxconn… Các dự án này có tác động lớn tới sự phát triển công nghiệp, thu hút lao động của địa phương trong thời gian tới, góp phần đáng kể tạo sự biến đổi về chất trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương. Thực tế cho thấy, ngay từ khi đang trong giai đoạn xây dựng nhà xưởng, tác động lan tỏa của các dự án này đã được thể hiện rõ trong việc tạo việc làm cho người lao động địa phương và việc thu hút thêm các dự án vệ tinh đầu tư vào khu vực lân cận.

Đến cuối tháng 5/2008, các KCN đã cho thuê được khoảng 14.374 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê gần 50%, riêng các KCN đã vận hành đạt tỷ lệ lấp đầy gần 74% cho thuê được trên 13.108 ha đất công nghiệp.

5- Các chỉ tiêu thực hiện vốn đầu tư và SXKD trong KCN tiếp tục tăng trưởng ổn định

Trong thời gian qua, mặc dù thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đăng kí của các dự án trong KCN nhìn chung tiến triển khá ổn định. Trong năm 2007, các dự án đầu tư nước ngoài trong KCN đã thực hiện thêm được 2600 triệu USD, bằng gần 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân được trong năm 2007.

Tính đến cuối tháng 5/2008, các KCN cả nước đã có khoảng 2.300 dự án FDI và 2.100 dự án trong nước đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 14,5 tỷ USD và 110 nghìn tỷ đồng, chiếm tương ứng 46% và 55% tổng vốn đầu tư nước ngoài và trong nước đăng ký vào KCN.

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN trong năm 2007 đã đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kì năm trước: tổng doanh thu 22,4 tỷ USD, tăng 24%, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tăng 31,7% và chiếm 22% giá trị xuất khẩu của cả nước; giá trị nhập khẩu đạt khoảng 12 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 1,1 tỷ USD.

Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN kể cả trong nước và nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2008 ước đạt 13 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với cùng kì năm 2007. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2007, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD, nộp Ngân sách đạt khoảng 450 triệu USD.

6- Ban quản lý KCN tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị đôn đốc, kiểm soát các doanh nghiệp KCN thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường

Do vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên bức xúc, kể từ sau khi Luật Bảo vệ môi trường và quyết định số 1107/QĐ-TTg được ban hành theo đó, vấn đề bảo vệ môi trường được coi là một tiêu chí để phát triển thêm các KCN, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT.

Một số địa phương rất kiên quyết trong việc đảm bảo môi trường khi tiếp nhận dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao như dệt, nhuộm, hoá chất. Nhiều chủ đầu tư đã có ý thức trong việc xử lý nước thải và bảo vệ môi trường. Một số KCN đã lập dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải hoặc bắt đầu triển khai xây dựng tăng kể từ khi Quyết định 1107/QĐ-TTg được ban hành.

Tính đến cuối tháng 5/2008, đã có 50 KCN trên cả nước có công trình xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành, gần 30 KCN đang trong quá trình xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Một số địa phương đã chỉ đạo kiên quyết và sát sao các chủ đầu tư hạ tầng xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung như Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2005 tới nay, hàng năm có từ 5-7 KCN xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung.

7- Ngoài việc giải quyết việc làm, các cơ quan trung ương và địa phương đã chú trọng hơn tới vấn đề nâng cao điều kiện sống, làm việc của người lao động

Tính đến cuối tháng 5/2008, các KCN đã thu hút được 1 triệu lao động làm việc trực tiếp trong KCN, trong đó khoảng 60% là lao động địa phương. Có thể nói người lao động làm việc trong KCN vừa được tạo điều kiện nâng cao kĩ năng lao động công nghiệp vừa cải thiện được thu nhập.

Trong thời gian qua, một số địa phương đã triển khai quy hoạch các KCN-dịch vụ-đô thị, trong đó quy hoạch KCN được gắn liền với quy hoạch các khu dịch vụ, khu đô thị, khu nhà ở công nhân liền kề KCN; một số doanh nghiệp đã quan tâm hơn tới việc bảo đảm điều kiện sống và làm việc của người lao động. Bên cạnh việc bảo đảm các quyền lợi của người lao động về mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động…, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng nhà ở, khu vực lưu trú cho người lao động. Một số dự án quy mô lớn bên cạnh chính sách đào tạo, tuyển chọn hàng chục ngàn lao động làm việc cho doanh nghiệp, trong phương án quy hoạch đều dành quỹ đất xây dựng hệ thống nhà ở cho người lao động và có chính sách bán nhà, cho thuê nhà ở góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc lâu dài cho người lao động trong doanh nghiệp.

8- Việc sử dụng đất trong KCN nhìn chung có hiệu quả

Tuy có sự gia tăng đáng kể các KCN mới thành lập trong vài năm gần đây, nhưng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của cả nước vẫn duy trì ở mức 50% và khá đồng đều giữa các vùng trên cả nước. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp tính chung cho các KCN đã vận hành và đang xây dựng cơ bản từ 50%-60%; nếu tính riêng các KCN đã vận hành thì thường ở mức 65%-75%. Một số vùng phát triển KCN từ lâu như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ lấp đất công nghiệp đối với các KCN đã vận hành cao hơn; Đông Nam Bộ: 75%; Đồng bằng sông Hồng: 73%; Đồng bằng sông Cửu Long 89%.

Tỷ lệ lấp đầy đạt cao ở nhóm các KCN đã đi vào vận hành cho thấy mức độ gia tăng cao trong thu hút đầu tư vào KCN. Riêng với vốn đầu tư nước ngoài bình quân 1 ha đất công nghiệp trong KCN thu hút được 1,5 triệu USD; nếu tính riêng đất công nghiệp đã cho thuê thì vốn đầu tư bình quân đạt khoảng 3 triệu USD.

Giá trị sản xuất công nghiệp tính trên 1 ha đất công nghiệp trong KCN đạt khoảng 0,8 triệu USD/ha/năm; nếu chỉ tíng riêng đất công nghiệp đã cho thuê thì giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1,6 triệu USD/ha/năm.

9- Cơ chế, chính sách quản lý KCN, KCX, KKT có nhiều chuyển biến

Kể từ khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực, cơ chế, chính sách phát triển KCN đã có những chuyển biến đáng kể. Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Đầu tư đã phân cấp mạnh công tác quản lý đầu tư vào các KCN, KKT cho các địa phương. Các ban quản lý KCN, KKT hoặc UBND cấp tỉnh nếu chưa thành lập Ban quản lý KCN, KKT là cơ quan cấp phép đầu tư các dự án đầu tư vào KCN, KKT không kể quy mô vốn đầu tư. Ban quản lý KCN, KKT là cơ quan đầu mối, quản lý trực tiếp hoạt động đầu tư của các dự án đầu tư vào KCN, KKT.

Sau một thời gian thực hiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, thực tế cho thấy các ban quản lý KCN, KKT với sự phối hợp, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dần thích nghi với trách nhiệm mới, nâng cao được năng lực quản lý, đồng thời cơ chế cấp phép đầu tư mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư. Có thể nói, Ban quản lý các KCN, KKT là một trong những cơ quan thể hiện rõ nét hiệu quả của mô hình “một cửa, một đầu mối” trong quản lý đầu tư.

Ngày 14/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, KCX và KKT, trong đó, quy định đầy đủ hoạt động của KCN, KCX, KKT trên các lĩnh vực, tạo khung pháp lý cho Ban quản lý KCN, KKT trên địa bàn. Nghị định đã bổ sung những quy định còn chưa thống nhất, chưa đầy đủ trong pháp luật về đầu tư cũng như các văn bản pháp quy khác quy định hoạt động của KCN, KCX, KKT, giải quyết kịp thời nhiều vướng mắc của địa phương trong công tác quản lý KCN, KCX, KKT. Nghị định cũng quy định trình tự, thủ tục, điều kiện xây dựng điều chỉnh quy hoạch KCN, KKT; thành lập, mở rộng KCN, KKT; cơ cấu tổ chức của Ban quản lý KCN, KKT. Nghị định đã quy định nhiệm vụ quản lý KCN, KKT cho Ban quản lý KCN, KKT theo hướng: Ban quản lý là cơ quan đầu mối quản lý KCN, KCX, KKT trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, thương mại, môi trường, lao động… theo phân cấp hoặc uỷ quyền của các bộ ngành và UBND cấp tỉnh.

B- KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

1- Chất lượng xây dựng quy hoạch KCN ở một số địa phương còn hạn chế; Quy hoạch tổng thể phát triển ở KCN còn chưa đảm bảo tính bền vững ổn định lâu dài

Cần khẳng định phát triển KCN là một giảp pháp quan trọng của các địa phương, trong đó có các địa phương có điều kiện khó khăn để phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của các KCN thì quy hoạch KCN của mỗi địa phương cần phải được xây dựng phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của địa phương. Thực tế phát triển KCN thời gian qua cho thấy một số địa phương đề nghị quy hoạch quá nhiều KCN, không phù hợp với điều kiện về địa kinh tế, hạ tầng kinh tế-xã hội, khả năng thu hút đầu tư của địa phương hoặc đề nghị bổ sung quy hoạch KCN nhiều lần do không dự kiến được nhu cầu đầu tư hạ tầng KCN. Mặc dù Quy hoạch KCN không phải là quy hoạch cứng mà có thể điều chỉnh linh hoạt, tuy nhiên, tình trạng trên gây ảnh hưởng nhất định tới tính ổn định tương đối của Quy hoạch.

Để đảm bảo Quy hoạch tổng thể phát triển KCN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thu hút đầu tư ở từng địa phương, từng vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các địa phương nghiên cứu rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KCN cả nước. Để đảm bảo nâng cao tính hợp lý và khả thi của phương án quy hoạch do địa phương đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn cụ thể các địa phương xây Đề án tổng thể điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển KCN. Hiện nay, một số địa phương xây dựng đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp xây dựng Đề án tổng thể điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển KCN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 vào cuối năm 2008.

2- Quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng một số KCN còn khó khăn, phức tạp

Mặc dù tốc độ đền bù giải phóng mặt bằng nhìn chung đã được cải thiện song quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng KCN ở nhiều địa phương còn khá phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn phải kể đến: sự biến đổi nhanh về mức giá đất, giá đền bù, sự không thống nhất về mặt lợi ích của người dân, sự thiếu kiên quyết và sự phối hợp không đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng…

Ngoài ra, sự biến động khó lường của giá cả thị trường cũng ảnh hưởng tới các nhà đầu tư đặc biệt là chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và phần nào ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng của các KCN. Vì vậy vốn thực hiện vốn đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN trong 6 tháng đầu năm tương đối thấp so với cùng kì năm 2007.

Mặt khác, tuy có nhiều KCN đi vào vận hành, tuy nhiên nhìn chung tỉ lệ vốn đầu tư đăng kí đầu tư hạ tầng KCN của đa số các KCN còn chưa cao, chỉ ở mức 50-70% tổng vốn đầu tư đăng kí đối với các KCN đã vận hành. Điều này cho thấy nhìn chung cơ sở hạ tầng KCN còn thiếu tính đồng bộ và hoàn thiện.

3- Tiến độ thực hiện vốn đầu tư các dự án đầu tư trong một số KCN còn chưa đạt yêu cầu

Trong 6 tháng đầu năm 2008, số dự án đi vào hoạt động và số vốn đầu tư đã thực hiện giảm so với cùng kì năm 2007, chủ yếu do nhiều nguyên nhân khách quan từ biến động thị trường trong nước và thế giới ảnh hưởng tới tiến độ huy động vốn đầu tư của cá dự án trong KCN. Ước tính trong 6 tháng đầu năm có trên 100 dự án đầu tư đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm so với cùng kì năm 2007 là 50 dự án.

Một số dự án không đáp ứng được tiến độ cam kết xin cấp phép đầu tư, phải giãn tiến độ xây dựng nhà xưởng quá thời gian đã cam kết. Tình trạng này có ảnh hưởng phần nào tới hiệu quả sử dụng đất cho thuê. Ngoài ra, một số trường hợp chuyển nhượng dự án, vốn góp của các nhà đầu tư… diễn ra một cách thường xuyên. Mặc dù đây là hoạt động được phép song nếu diễn ra thường xuyên cũng có tác động ít nhiều tính ổn định của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tốc độ triển khai dự án, đặc biệt là các dự án mới cấp phép.

4- Môi trường KCN còn tồn tại những vấn đề bức xúc

Trong thời gian gần đây, mặc dù công tác bảo vệ môi trường KCN đã được coi trọng và cải thiện, có thêm một số KCN xây dựng và đưa vào vận hành công trình xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề môi trường KCN chưa được giải quyết. Các địa phương đã kiên quyết và sát sao trong việc đôn đốc xây dựng công trình xử lý nước thải song tốc độ chung còn chậm. Việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2010 toàn bộ các KCN đã vận hành có hệ thống xử lý nước thải tập trung thực sự khó khăn. Để thực hiện mục tiêu này, trong hai năm tới cần có thêm 60 KCN xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung.

Có thể nói rằng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT hiện hành là tương đối hoàn chỉnh, có chế tài xử lý vi phạm cụ thể, có quy định trách nhiệm của các cơ quan trong kiểm soát môi trường. Tuy nhiên, một mặt các văn bản pháp lý này triển khai chưa lâu, mặt khác do hậu quả của việc chưa chú trọng thích đáng tới bảo vệ môi trường trong giai đoạn đầu phát triển KCN nên hiện tại nhiều vấn đề tồn tại về môi trường KCN còn chậm được khắc phục. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường KCN và khắc phục những hậu quả ô nhiễm môi trường đối với khu vực lân cận một số KCN cần khẩn trương thực hiện.

5- Ở một số địa phương, điều kiện sống, làm việc, thu nhập của người lao động còn chưa được giải quyết thỏa đáng

Do một số điều chỉnh về chế độ tiền lương, sự quan tâm hơn của các địa phương, điều kiện sống, làm việc của người lao động nhiều KCN đã được cải thiện. Tuy vậy, do lực lượng lao động KCN ngày càng đông đảo và biến động phức tạp, công tác quản lý lao động, triển khai các cơ chế, chính sách nâng cao đời sống và đảm bảo quyền lợi của người lao động khá khó khăn. Tình trạng người lao động KCN thuê nhà ở tạm với điều kiện sinh hoạt, ăn ở khó khăn đang diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là các địa phương tập trung nhiều KCN.

Việc quy hoạch nhà ở cho công nhân đã được triển khai tại nhiều địa phương song chưa đi đôi với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch đã phê duyệt. Việc đảm bảo các trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần gần KCN chưa thực sự được chú ý khi xây dựng quy hoạch KCN.

Do tính chất phức tạp của lao động KCN, những năm qua, cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động KCN đã được nghiên cứu song gặp nhiều khó khăn để hoàn thiện. Trên thực tế, pháp luật hiện hành đã quy định mức ưu đãi ở mức cao nhất cho đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động song vẫn chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, hịên chưa có cơ chế thực sự thỏa đáng và đủ khuyến khích việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Do nhiều nguyên nhân khách quan giá cả sinh hoạt tăng, nguyên nhân chủ quan…, tình trạng đình công, lãn công, tranh chấp lao động vẫn tiếp tục diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm. Trong 6 tháng đầu năm, các bộ ngành đã phối hợp với địa phương xử lý một số cuộc đình công, tranh chấp lao động ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

6- Một số trường hợp sử đụng đất KCN chưa đạt hiệu quả

Nhìn chung đối với các KCN đã vận hành, việc sử dụng quỹ đất đảm bảo được hiệu quả được thể hiện qua các chỉ tiêu thu hút đầu tư và giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, một số khó khăn trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng đã có ảnh hưởng tới tiến độ đưa quỹ đất KCN vào khai thác sử dụng do tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm, chưa sẵn mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư.

Một số trường hợp các nhà đầu tư thứ cấp chậm xây dựng nhà xưởng, kéo dài thời gian đưa quỹ đất đã thuê vào sản xuất kinh doanh hoặc sản xuất kinh doanh không hiệu quả, phải chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng quỹ đất.

Về cơ bản, việc Quy hoạch KCN phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp đòi hỏi phải chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, sang sử dụng cho phát triển KCN điều này là cần thiết. Tuy nhiên, do biến động thị trường hiện nay do yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cần phải xem xét, rà soát lại và chú trọng hơn tới vấn đề đảm bảo tính hợp lý của việc sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp cho phát triển KCN.

C- MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ

1- Mục tiêu, định hướng chung trong xây dựng và phát triển KCN là bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng các KCN đã có, tiếp tục thành lập và mở rộng một cách hợp lý các KCN để nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.

Dự báo trong năm 2008, dự kiến số KCN được thành lập mới và mở rộng là 18-20 KCN với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500-4.000 ha, sẽ thu hút được thêm khoảng 6,0-6,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 25-27 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án trong KCN đến cuối 2008 đạt 6.800 dự án trong đó có 3.550 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 3.250 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 35 tỷ USD và trên 222 ngàn tỷ đồng.

Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN kể cả trong nước và nước ngoài trong năm 2008 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2007; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2007, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 14,4 tỷ USD, nộp Ngân sách đạt khoảng 1 tỷ USD và thu hút khoảng 1,1 triệu lao động trực tiếp.

Dự báo trong vài năm tới, nhu cầu đầu tư vào KCN còn tiếp tục tăng mạnh do xu hướng gia tăng đầu tư trên phạm vi cả nước. Vì vậy, định hướng chung trong thời gian tới là tiếp tục thành lập và mở rộng KCN. Tuy nhiên phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện và tiêu chí quy hoạch và phát triển KCN.

Đồng thời với việc quy hoạch, thành lập mới và mở rộng thêm KCN, cần khẩn trương hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng KCN đã được thành lập để nhanh chóng lấp đầy diện tích đất KCN còn trống.

Ngoài ra, phát triển KCN cần kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế, thu hút đầu tư với việc đảm bảo vấn đề môi trường và nâng cao đời sống của người lao động KCN.

2- Các nhiệm vụ cần triển khai

a Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch KCN:

- Khẩn trương tổ chức rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KCN cho phù hợp với tình hình thực tế đặc biệt phải tránh tình trạng quy hoạch KCN được duyệt nhưng không được triển khai sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng đất KCN.

- Tổ chức thống kê, đánh giá tình hình sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp trong quy hoạch và xây dựng KCN theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại công văn số 2031/VPCP-CN ngày 31/3/2008 về không phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định và Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 18/4/2008. Về kết quả của công tác này sẽ phục vụ trực tiếp cho công tá rà soát, điều chỉnh Quy hoạch KCN.

- Để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và an ninh lương thực, phương án quy hoạch KCN trên địa bàn cần đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng đất nông nghiệp có năng suất cao và ổn định vào phát triển KCN. Nếu phải sử dụng đất nông nghiệp để phát triển KCN cần có luận chứng cụ thể tính hợp lý và hiệu quả của việc sử dụng đất và phải quan tâm đến an ninh lương thực trên địa bàn.

- Quy hoạch KCN cần gắn chặt với quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, tái định cư và nhà ở cho người lao động và phải có phương án và tiến độ triển khai để đảm bảo hiệu quả toàn diện của việc sử dụng đất.

b Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN

Hệ thống hạ tầng phục vụ KCN cần phải đảm bảo phát triển đồng bộ các hạng mục phục vụ công nghiệp với các hạng mục xã hội, môi trường. Để đảm bảo hiệu quả thực hiện vấn đề này trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN, trong đó đề cập đến một số vấn đề chính như sau:

- Các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN và các đơn vị có liên quan khẩn truơng hoàn thiện hạ tầng, trong đó có cả hạng mục tiện nghi, tiện ích công cộng và hạ tầng kĩ thuật và xã hội trong và ngoài hàng rào.

- Trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng cần quan tâm và đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi trong KCN, không chỉ đảm bảo trong thời gian trước mắt mà cần có giải pháp ổn định lâu dài cuộc sống và nghề nghiệp của họ.

c Bảo vệ môi trường KCN

- Tăng cường vai trò của Ban quản lý KCN trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường KCN. Trong thời gian tới, pháp luật về thanh tra, kiểm tra và về môi trường cần bổ sung điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về môi trường KCN cho phù hợp với xu hướng phân cấp hiện nay.

- Thực hiện nghiêm túc quy định về môi trường khi thành lập và mở rộng KCN. Ban quản lý KCN trong quá trình thẩm tra, thành lập hoặc mở rộng KCN cần xem xét cụ thể việc đáp ứng các điều kiện hình thành KCN trên địa bàn. Đối với các KCN đã triển khai, các địa phương cần đôn đốc chủ đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung theo đúng tiến độ được duyệt.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành Quyết định về bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT để làm cơ sở cho Ban quản lý KCN, KCX, KKT, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp thực hiện.

d Nâng cao trình độ, điều kiện sống, làm việc cho người lao động

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu đề án huy động vốn xây dựng nhà ở cho công nhân. Mục tiêu của đề án là đề xuất hệ thống cơ chế khuyến khích thích hợp để các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo tiêu chuẩn phù hợp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để nâng cao sức cạnh tranh, cần xây dựng hệ thống đào tạo nghề cho người lao động trên cơ sở nghiên cứu, dự báo đúng nhu cầu lao động theo ngành, kĩnh vực trong thời gian tới.

Hình thành các trung tâm cung cấp dịch vụ lao động các địa phương hoặc các Công ty phát triển hạ tầng để có thể kiểm soát được chất lượng lao động cung ứng, đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động của doanh nghiệp, đồng thời bổ sung kịp thời lao động cho những địa phương lân cận.

Tăng cường vai trò tổ chức công đoàn và các cơ quan quản lý lao động trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động KCN

e Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư

- Cần tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý để thích ứng với pháp luật mới và tận dụng được các cơ hội thu hút đầu tư vào KCN

- Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT hàng năm theo hướng xúc tiến đầu tư có trọng điểm, tiếp cận những quốc gia nhiều tiềm năng và những nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới.

- Cần có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành và địa phương trong xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư để tránh sự trùng lặp.

g Triển khai cơ chế chính sách về KCN, KCX, KKT

Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT về cơ bản đã bổ sung khá toàn diện các quy định với tinh thần phân cấp triệt để các lĩnh vực quản lý nhà nước về KCN cho UBND cấp tỉnh và Ban quản lý KCN.

Trong thời gian tới, để triển khai Nghị định, các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức rà soát lại các quy định có liên quan, đặc biệt là về chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý KCN để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với Nghị định mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổ chức một số chương trình tập huấn phổ biến, hướng dẫn nội dung của Nghị định tại các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngoài ra, gắn với quy định về phân cấp, uỷ quyền theo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của KCN, KCX trên các lĩnh vực để đảm bảo kiểm soát, hướng dẫn, xử lý các vi phạm cũng như phát hiện các vướng mắc phát sinh để kịp thời nghiên cứu, giải quyết.

Nguồn: Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam - số93 129
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)