Một số tiêu chí cần nghiên cứu khi quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam

Thứ tư, 21/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện chiến lược CNH, HĐH đất nước đó là năng lượng điện. Những năm gần đây, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng để phát triển hệ thống thuỷ điện như: Thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Yaly,... đặc biệt là nhà máy thuỷ điện Sơn La và nhiều nhà máy nhiệt điện lớn như Phả Lại, Phú Mỹ... Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của cả nước nhu cầu về điện năng cần gấp nhiều lần so với hiện nay, nếu chỉ phát triển chủ yếu hai nguồn tiềm năng thuỷ điện và nhiệt điện thì sự thiếu hụt giữa cung và cầu còn rất lớn.

"Nhu cầu sử dụng điện đến năm 2010 là 88,5 - 93 tỷ kWh, mức tăng trưởng bình quân từ 13 - 14%/năm. Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp với nhu cầu điện năng 250 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải hơn 6 lần so với hiện nay, cũng theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn V có điều chỉnh thì hệ thống điện Việt Nam sẽ được liên kết bằng 2 đường dây 500 KV chạy dọc từ Bắc đến Nam để tăng cường khả năng an toàn, độ tin cậy cung cấp điện cũng như là khả năng liên kết hệ thống điện Việt Nam với các nước trong vùng MêKông: Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Mianma và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc". nguồn Viện KHCNXD.

Một mặt chúng ta có thể mua điện từ Lào, Thái Lan hay Trung Quốc, nhưng độ an toàn phát triển không thật sự đảm bảo, tính phụ thuộc sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển. Thuỷ điện là lợi thế ở một số khu vực có khả năng, tuy nhiên loại hình này cũng đang là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự thay đổi sinh thái môi trường, và vấn đề sử dụng đất...

Nhiều nước tiên tiến đã phát triển loại hình nhà máy điện hạt nhân NMĐHN tạo được nguồn năng lượng điện lớn đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế. Đối với Việt Nam việc quy hoạch định hướng lựa chọn địa điểm có tiềm năng phát triển NMĐHN là rất cần thiết cho tương lai phát triển .

=Cơ sở khoa học để lựa chọn địa điểm

Đặc điểm cơ bản của NMĐHN

-  NMĐHN là loại hình công nghệ hiện đại, thiết kế với hệ số an toàn rất cao. Đây là các công trình đã được xây dựng ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Nga... nên có thể loại trừ các yếu tố rủi ro cũng như hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường. NMĐHN không thải ra các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2.

- NMĐHN là công trình xung yếu đối với vấn đề an ninh quốc gia. Vấn đề này rất quan trọng vì nếu có xảy ra sự cố như sự cố kỹ thuật hoặc bị tấn công khủng bố... thì khả năng rò rỉ chất phóng xạ sẽ làm ô nhiễm một khu vực rộng lớn xung quanh.

- NMĐHN sử dụng nguyên nhiên liệu và nhân công khác với các NMĐ thông dụng khác. Nhiên liệu cho nhà máy có khối lượng chỉ vài chục kg được nạp theo chu kỳ hàng năm, các nguyên phụ liệu khác cũng có khối lượng rất hạn chế. Đặc biệt là số lượng công nhân làm việc tại nhà máy cũng rất ít.

- NMĐHN là một vấn đề nhạy cảm đối với xã hội do các yếu tố tâm lý.

Yêu cầu về địa điểm xây dựng

Địa điểm xây dựng thích hợp phải đảm bảo các yếu tố an toàn cho chính NMĐHN, môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh

Những nguyên tắc cơ bản

- Thích hợp đối với việc xây dựng và vận hành NMĐ

- Được sự chấp thuận rộng rãi của xã hội

- An toàn đối với mọi yếu tố nguy cơ khủng bố, rò rỉ phóng xạ...

=Các tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN

Quan điểm khoa học

Các tiêu chí lựa chọn đảm bảo các yêu cầu của một công trình đặc biệt, liên quan đến  an ninh quốc gia cả về mặt an ninh quốc phòng lẫn kinh tế - năng lượng.

- Đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ và khoa học kỹ thuật đương đại khoa học về trái đất, khoa học hạt nhân, sinh hoá học...

- Dựa trên các nghiên cứu xã hội học về mối quan tâm của cộng đồng đối với NMĐHN

Để có cơ sở lựa chọn địa điểm thích hợp, bảy tiêu chí cơ bản thường được nghiên cứu theo thứ tự quan trọng như sau:

1. An ninh quốc phòng

Vấn đề an ninh quốc phòng, bảo vệ NMĐHN cần phải được xem xét cẩn trọng vì không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới, các công trình năng lượng là đối tượng của các âm mưu khủng bố phá hoại.

2. Địa chấn

Khu vực dự kiến xây dựng NMĐHN không nằm trong khu vực có động đất.

Tuy NMĐHN được xây dựng theo tiêu chuẩn chống động đất nhưng không thể lường hết hậu quả nếu động đất xảy ra. Việt Nam tuy không nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất nhưng một số khu vực như Điện Biên, Phong Thổ đôi khi cũng có những dao động địa chấn nhỏ khoảng 2 độ Rích te, cần có số liệu thống kê, số liệu quan trắc về các vấn đề nêu trên đối với từng phương án lựa chọn địa điểm.

3. Địa chất thuỷ văn

Tiêu chí này liên quan đến các vấn đề địa chất công trình như hiện tượng Kaxtơ karst, sụt lở đất đá, các hiện tượng địa chất thuỷ văn liên quan đến lũ quét, ngập lụt, trượt đất, nứt đất. Phải có đầy đủ báo cáo số liệu thống kê, số liệu quan trắc về các vấn đề nêu trên đối với từng phương án lựa chọn địa điểm. Phải có đầy đủ các nghiên cứu khoa học về các vấn đề nêu trên đối với từng phương án lựa chọn địa điểm. Đối với những địa điểm có khả năng lựa chọn cao, bắt buộc phải thực hiện những khảo sát địa chất thuỷ văn trực tiếp như khoan thăm dò, thí nghiệm.

4. Khả năng cấp nước giải nhiệt

Gần nguồn nước đủ để làm mát nước của lò phản ứng. Nhiệt lượng toả ra môi trường xung quanh trong quá trình hoạt động của lò phản ứng cũng như là trong quá trình trao đổi nhiệt của nhà máy nhiệt điện bao gồm lò hơi, tua bin, hệ thống bình ngưng... Nhiệt lượng này sẽ thải ra môi trường sông, hồ, nước biển qua hệ thống trao đổi nhiệt. Nước ta có chiều dài bờ biển rất lớn điều kiện giống như Nhật Bản - một cường quốc về điện hạt nhân, là một thuận lợi lớn để lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN.

5. Quỹ đất xây dựng

Quỹ đất tối thiểu cho xây dựng một NMĐHN là khoảng từ 100ha đến 300ha. Quỹ đất này bao gồm các công trình lò phản ứng hạt nhân, nhà máy nhiệt điện, đất cho cây xanh mặt nước, các công trình phụ trợ khác. Quỹ đất cho xây dựng một NMĐHN này không bao gồm diện tích mặt nước cho giải nhiệt, khu vực cách ly an toàn trên mặt nước cũng như là trên đất liền đối với các NMĐHN dùng nước biển để giải nhiệt là tốt nhất

6. Vị trí tương đối đối với các đô thị

Vị trí không gian của NMĐHN đối với các đô thị và điểm dân cư hiện có cũng như là theo quy hoạch hệ thống đô thị toàn quốc. Tuy nhiên yếu tố này cũng không có trọng số cao vì các công trình NMĐHN chiếm diện tích rất nhỏ và có hệ số an toàn rất cao.

7. Vai trò tác động đối với nền kinh tế

Các NMĐHN là nguồn năng lượng lớn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, phải bố trí hợp lý và xây dựng phù hợp theo từng thời kỳ. Phát triển điện năng Việt Nam và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần được phân tích hợp lý.

Cụ thể một số chỉ tiêu so sánh

1. Vế kinh tế: Tương quan giữa phát triển điện năng và kinh tế luôn cao, cụ thể như bảng sau:

Năm

1996

1997

1998

1999

2000

Tăng trưởng điện thương phẩm%

19,44

14,41

15,83

10,3

14,6

Tăng trưởng GDP

9,3

8,15

5,8

4,8

6,8

Tốc độ tăng điện năng tiêu thụ luôn vượt trước tốc độ tăng GDP từ 1,8 đến 2,14 lần.

2. Về xã hội: Tăng trưởng dân số và đô thị hoá.

- Dân số hiện trạng gần 80 triệu, gồm 23 triệu dân đô thị chiếm 28%.

- Dự báo đến năm 2010 dân số cả nước là 95 triệu. Gồm 33 triệu dân đô thị chiếm 33% dân số cả nước.

- Dự báo đến năm 2020 dân số cả nước là 103 triệu. gồm 46 triệu dân đô thị chiếm 45% dân số cả nước.

Giải pháp chọn địa điểm xây dựng NMĐHN

- Một số khái niệm cơ bản về NMĐHN: Có hai dạng năng lượng hạt nhân có thể khai thác sử dụng trong ngành năng lượng: Dạng thứ nhất dựa trên nguyên lý phản ứng phân rã hạt nhân nguyên tử - còn gọi là phản ứng dây chuyền. Dạng thứ hai dựa trên phản ứng kết hợp các hạt nhân nguyên tử - còn gọi là phản ứng nhiệt hạch.

Dạng thứ nhất được sử dụng rộng rãi trong các NMĐHN hiện có trên thế giới với hai công nghệ chủ yếu là lò phản ứng sử dụng nước nặng và lò phản ứng sử dụng nước nhẹ.

- Vấn đề môi trường đối với NMĐHN:

Hiệu suất của NMĐHN là rất cao, từ 30% đến 40%, tuy nhiên một phần nhiệt năng rất lớn thất thoát trong quá trình trao đổi nhiệt sẽ toả ra môi trường xung quanh có thể làm thay đổi khí hậu cả một vùng.

- Quy hoạch địa điểm xây dựng: Trên cơ sở quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam  từ nay đến năm 2020.

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý của nước ta và phân tích bằng bảng ma trận với 7 tiêu chí nêu trên theo các trọng số ưu tiên, đã có thể xác định được 3 khu vực có nhiều tiềm năng.

Sơ bộ đề xuất một số địa điểm có khả năng xây dựng NMĐHN như sau:

 -  Khu vực Nam Bộ: Tỉnh cà Mau

 -  Khu vực Trung bộ: Tỉnh Ninh Thuận hoặc Bình Thuận.

 -  Khu vực Bắc Trung Bộ: Tỉnh Quảng Bình

= Kết luận và kiến nghị         

Tuy nhiên đối với hạng mục công trình như NMĐHN, không nên phân bố xây dựng rải rác vì khó khăn trong công tác quản lý, đầu tư cũng như xây dựng. Tối đa chỉ nên xây dựng NMĐHN tại hai địa điểm đã được lựa chọn. Đối với địa điểm tại khu vực tỉnh Cà Mau, tuy không có trở ngại hoặc mâu thuẫn với phân bố dân cư, nhưng lại chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cơ bản.            

Nguồn: T/C Xây dựng, số 1/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)