Nhìn lại công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị

Thứ tư, 21/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Thực trạng Thực hiện chủ trương CNH, HĐH đất nước, cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả nước, tốc độ phát triển đô thị ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Các đô thị không chỉ phát triển về quy mô, diện tích mà đã được nâng cao rất nhiều về chất lượng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, từng bước hình thành hệ thống các đô thị hiện đại, văn minh. Quá trình phát triển đô thị đang đặt ra yêu cầu rất lớn về quản lý xây dựng ở đô thị. Trong những năm qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong quản lý xây dựng đô thị đảm bảo đúng các định hướng, chiến lược và quy hoạch đề ra. Công tác quản lý xây dựng QLXD của các địa phương đã đi vào nề nếp, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, cũng còn một số mặt tồn tại cần được khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của các đô thị trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay. Đến nay cả nước đã có 732 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt xấp xỉ 30%. Dưới đây là một số đánh giá về những mặt tích cực, những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân.

2. Những mặt tích cực

- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về QLXD nói chung, QLXD ở đô thị nói riêng đã được ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển đô thị và QLXD ở đô thị. Trong 3 năm qua, Quốc hội đã ban hành Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản là những đạo luật cơ bản, làm cơ sở cho sự phát triển đô thị và QLXD ở đô thị. Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương đã kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật trên, quy định chi tiết về các lĩnh vực như: Quy hoạch xây dựng QHXD, QLXD theo quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thanh tra xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng.

- Để đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra trong công tác quản lý phát triển đô thị, trong năm 2006, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, soạn thảo trình Chính phủ 06 Nghị định, bao gồm: Nghị định về quản lý kiến trúc đô thị, Nghị định về QLXD ngầm trong đô thị, Nghị định về sản xuất và tiêu thụ nước sạch, Nghị định về thoát nước đô thị, Nghị định về rác thải và Nghị định về xây dựng nghĩa trang. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định. Bộ Xây dựng đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện 5 Nghị định nói trên của Chính phủ. Trong đó phải nói đến Thông tư số 08/2007/TT-BXD ngày 10/9/2007 hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và Thông tư số 10/2007/TT-BXD ngày 22/11/2007 hướng dẫn QHXD công sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Cùng với việc ban hành văn bản, Bộ Xây dựng đã tổ chức phổ biến, tập huấn cho các địa phương, nhờ đó chính quyền địa phương đã nâng cao nhận thức về công tác QHXD, xác định rõ trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt QHXD và QLXD theo quy hoạch là của chính quyền địa phương. Do đó, công tác QHXD đã được coi trọng. Những năm vừa qua, nhiều địa phương đã đầu tư đáng kể nguồn lực cho công tác QHXD, tốc độ làm quy hoạch được nâng lên, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị chiếm trên 40% diện tích đất xây dựng đô thị. Riêng TP Hà Nội đã phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho tất cả các quận nội thành. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác công khai QHXD bằng nhiều hình thức phong phú, kể cả trên mạng Internet để nhân dân biết và giám sát thực hiện.

- Đầu tư xây dựng của các thành phần kinh tế vào đô thị của nước ta ngày càng tăng mạnh. Điểm nổi bật nhất là nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới đã được triển khai ở các địa phương, đặc biệt là ở một số TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh,... Dự án khu đô thị mới đã làm cho các đô thị phát triển nhanh, đúng định hướng và theo quy hoạch, đảm bảo đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các dịch vụ công cộng, công ích cho đô thị; điển hình là dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tại TP Hồ Chí Minh... Các dự án khu đô thị mới thực sự đã tạo ra diện mạo mới cho hệ thống các đô thị và cải thiện cơ bản về điều kiện sống cho cư dân đô thị của nước ta theo hướng văn minh, hiện đại.

- Ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến rõ rệt, số công trình xây dựng có giấy phép tăng nhanh, các trường hợp xây dựng không phép, sai phép giảm đi đáng kể. Theo số liệu báo cáo của 52 tỉnh, TP cho thấy số giấy phép xây dựng được cấp ở các địa phương năm 2007 đều tăng so với năm 2005 và năm 2006.

- Các địa phương đã triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rút gọn các thủ tục hành chính trong QLXD, đặc biệt là các thủ tục về giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ, thông tin về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng,...

3. Những vấn đề tồn tại và nguyên nhân

- Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của hầu hết các đô thị ở nước ta hiện nay còn thiếu nhiều, gây khó khăn lớn cho QLXD ở đô thị hiện nay. Việc thiếu quy hoạch dẫn đến tình trạng phải thoả thuận về quy hoạch cho từng công trình, từng dự án, gây khó khăn cho công tác thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng, dễ dẫn đến tuỳ tiện, tiêu cực. Mặt khác, việc công khai QHXD theo quy định của Luật Xây dựng chưa được thực hiện nghiêm túc ở một số địa phương. Theo báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra thực tế cho thấy tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của các khu chức năng do chính quyền địa phương lập là rất thấp, chủ yếu là các quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của các dự án đầu tư xây dựng do chủ đầu tư lập để trình địa phương phê duyệt. Nhiều tỉnh và TP chưa thực hiện đầy đủ việc công khai QHXD theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Thực tế mới chỉ công khai quy hoạch các trục, tuyến phố lớn và cắm mốc giới của dự án mà chưa thực hiện đầy đủ việc công khai quy hoạch và cắm mốc giới theo quy hoạch.

Nguyên nhân tình trạng trên là do:

- Chính quyền địa phương chưa tập trung đúng mức nguồn lực cho công tác này; lực lượng tư vấn trong nước vẫn còn thiếu và yếu về năng lực chuyên môn; đội ngũ công chức quản lý về QHXD ở cấp quận, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mặt khác, chính quyền địa phương chưa nhận thức hết ý nghĩa của việc công khai quy hoạch chính là giúp cho công tác QLNN về xây dựng được tốt hơn.

- Quy hoạch chi tiết xây dựng thiếu, phải thoả thuận quy hoạch nên không có đủ cơ sở để cấp giấy phép xây dựng; đội ngũ công chức làm công tác cấp giấy phép xây dựng ở các quận, huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; một số khác còn đặt ra các yêu cầu, thủ tục không đúng quy định của pháp luật, gây ra tâm lý không muốn xin giấy phép xây dựng; một số địa phương chưa thực hiện phân cấp theo đúng quy định, gây khó khăn cho công tác QLXD trên địa bàn; tổ chức thanh tra xây dựng chỉ có ở hai cấp Bộ và Sở, nên việc thanh tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng chưa được kịp thời.

- Công tác quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đang còn nhiều vấn đề bất cập, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao... gây không ít lãng phí và làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc đô thị. Nguyên nhân là do việc phân công các cơ quan quản lý về hạ tầng đô thị ở các địa phương vừa phân tán vừa chồng chéo làm giảm hiệu lực, hiệu quả QLNN của chính quyền địa phương. Mặt khác, năng lực quản lý của các chủ đầu tư cũng còn nhiều bất cập, gây chậm trễ và lãng phí vốn đầu tư.

 - Các dự án khu đô thị mới gặp vướng mắc về thủ tục đất đai. Một số quy định của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn quy định về phương thức giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất và việc thu tiền sử dụng đất... chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, làm cho giá bất động sản tăng cao.

- Cải cách hành chính của các địa phương trong QLXD ở đô thị chưa triệt để, đặc biệt là việc thực hiện phân cấp mạnh cho cơ sở và giảm bớt thủ tục giấy tờ. Chính quyền đô thị một số nơi vẫn dè dặt trong việc thực hiện phân cấp cho quận, huyện, xã, phường trong việc lập và quản lý QHXD, cấp giấy phép xây dựng. Nguyên nhân là do các cấp cơ sở chưa đáp ứng kịp thời với nhiệm vụ mới này, chưa bố trí đủ lực lượng công chức để thực thi nhiệm vụ.

4. Một số biện pháp cần thiết

- Các địa phương, TP cần tập trung nguồn lực cho công tác QHXD, bảo đảm phủ kín QHXD theo quy định và có kế hoạch thực hiện đáp ứng nhu cầu xây dựng của địa phương. Chính quyền các địa phương, TP cần triển khai ngay công tác công khai QHXD, tổ chức đưa hệ thống các mốc giới ra ngoài thực địa, đặc biệt là các chỉ giới đường đỏ, các cao độ xây dựng theo đúng quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ để cho nhân dân biết, thực hiện, giám sát thực hiện QHXD đã được phê duyệt; phát hiện kịp thời các sai phạm của cả người quản lý và chủ đầu tư.

- Chính quyền cấp tỉnh, TP cần tăng cường phân cấp hơn nữa cho chính quyền cấp quận, huyện, đồng thời tăng cường giám sát, giúp đỡ chuyên môn cho cấp dưới để nâng cao năng lực quản lý và tăng cường lực lượng công chức thực thi công tác thẩm định đồ án quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, bảo đảm đủ sức ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng.

Sang năm mới 2008, tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ, thực hiện triệt để cải cách các thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến QLXD ở đô thị, nhất là pháp luật về đất đai. Đặc biệt cần chỉ đạo tổ chức soạn thảo, phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý Kiến trúc đô thị cấp 1, cấp 2 tại các TP các khu vực đặc thù, các địa giới hành chính thuộc đô thị nhằm tạo cho các TP có trật tự, mới mẻ, hài hoà, thống nhất mang bản sắc văn hoá tại mỗi vùng, miền trên cả nước.


Nguồn: T/C Xây dựng, số 1/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)