Màu sắc trong kiến trúc và đô thị

Thứ tư, 21/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong nỗ lực đi tìm các phướng pháp quản lý bộ mặt kiến trúc đô thị, một vấn đề vô cùng quan trọng nhưng lâu nay thường bị bỏ qua, đó là màu sắc đô thị.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.12968.1551' />

Màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị được tạo thành từ các chất liệu vật chất cụ thể dưới dạng các VLXD và VL hoàn thiện. Thực tế sáng tác và quản lý kiến trúc đô thị ngày càng chứng minh rõ ràng là, không thể quản lý được bộ mặt kiến trúc đô thị nếu không quản lý được màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị. Điều đó cũng có nghĩa là, không thể quản lý được màu sắc đô thị nếu không làm rõ được các khái niệm về màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị. Từ đó, không phân biệt được sự tương đồng và khác biệt giữa các khái niệm màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị với máu sắc trong các lĩnh vực khác, không phân định được sự khác nhau giữa màu sắc công trình phụ thuộc vào màu sắc vật liệu, cũng như chưa hiểu được quy luật về sự phụ thuộc của màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị vào màu sắc của không gian xung quanh.

Nguyên nhân là do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về màu sắc đô thị cùng những tác động có tính quy luật của các yếu tố liên quan. Đó cũng là nội dung mà bàI viết muốn đề cập.

1. Màu sắc thiên nhiên, màu sắc hội họa, màu sắc công nghiệp 

1.1. Màu sắc thiên nhiên

Màu sắc thiên nhiên là màu sắc của các yếu tố có sẵn trong thiên nhiên liên quan đến không gian cư trú của con người. Chúng thể hiện dưới hai trạng thái sau:

a. Màu sắc cảnh quan thiên nhiên theo không gian

Màu sắc tự nhiên của địa hình, cảnh quan thiên nhiên: núi, sông, cánh đồng, rừng, mặt nước,… tại một thời điểm bất kỳ. Màu sắc cảnh quan thiên nhiên theo không gian chỉ là một phần của màu sắc cảnh quan thiên nhiên theo thời gian.

b. Màu sắc cảnh quan thiên nhiên theo thời gian

Trong thực tế, màu sắc thiên nhiên luôn thay đổi theo nhịp sống sinh học và sự vận động của các yếu tố lý hóa của môI trường, các hoạt động chủ quan của con người.

Màu sắc cảnh quan thiên nhiên theo thời gian thực chất là một quá  trình biến đổi màu sắc liên tục, không ngừng theo mùa, thời tiết, ngày đêm. Vì vậy không phảI là màu sắc cố định mà biến đổi theo thời gian mới là đối tượng cần được quan tâm quản lý.

Điểm giống nhau giữa màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị với màu sắc thiên nhiên là:

- Tồn tại trong không gian rộng lớn, tiếp xúc trực tiếp với môI trương cảnh quan.

- Sắc độ, độ sáng, gam màu luôn biến động và thay đổi từng ngày, từng giờ theo nhịp sống sinh học và sự vận động của các yếu tố lý hóa của môi trường, trực tiếp chịu sự tác động của các yếu tố môi trường, các họat động chủ quan của con người.

Điểm khác biệt giữa màu sắc kiến trúc với màu sắc đô thị và màu sắc thiên nhiên là

- Màu sắc cảnh quan thiên nhiên được hình thành theo cơ chế tự nhiên, có khả năng tự đổi mới và phục hồi để đạt tới sự hài hòa theo các cơ chế tự nhiên.

- Màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị được hình thành theo cơ chế nhân tạo, không thể tự phục hồi nếu không tác động bằng các cơ chế nhân tạo.

1.2. Màu sắc hội họa, điêu khắc và màu sắc trong nghệ thuật

Màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị rất dễ bị liên tưởng tới màu sắc hội họa. Vì vậy việc sử dụng, xử lý, quản lý màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị thường bị áp dụng nhầm lẫn với sử dụng, xử lý, quản lý theo quy luật của màu sắc hội họa. Màu sắc hội họa thực chất chứa đựng những tính chất đặc điểm khác biệt với màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị.

a. Màu sắc hội họa

Tác phẩm hội họa có thể là trong nhà hoặc ngoài trời đều có nhiều khác biệt cơ bản với màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị.

Với tác phẩm hội họa trong nhà: nếu màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị tồn tại trong không gian rộng lớn, tiếp xúc trực tiếp với môi trường cảnh quan luôn thay đổi, trực tiếp chịu sự tác động của các yếu tố môi trường các họat động chủ quan của con người thì màu sắc hội họa là những gam màu của cá nhân trong không gian nhỏ.

Với tác phẩm hội họa ngoài trời: Dù có một số mẳ tương đồng với màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị trong không gian lớn, nhưng sự khác biệt cơ bản ở chỗ cũng chỉ là các không gian không có hiệu ứng 3 chiều.

Một khác biệt cơ bản nữa là màu sắc hội họa không gắn với việc sử dụng trực tiếp, không ghánh chịu sức ép cơ học, hóa học, sinh học… trực tiếp của các họat động của con người.

b. Màu sắc điêu khắc

Tác phẩm điêu khắc có thể là trong nhà hoặc ngoài trời có điểm tường đồng với màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị ở đặc điểm không gian 3 chiều, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt.

Với tác phẩm điêu khắc trong nhà: Sự khác biệt là không tiếp xúc trực tiếp với môi trường cảnh quan, nên sắc độ, độ sáng, gam màu của màu sắc điêu khắc trong nhà là những gam màu thay đổi theo điều kiện ánh sáng trong không gian nhỏ, không chịu sự tác động của các yếu tố lý hóa của môi trường.

Với tác phẩm điêu khắc ngoài trời: Dù có một số mặt tương đồng với màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị trong không gian lớn, nhưng sự khác biệt cơ bản lại ở chỗ màu sắc của các tác phẩm điêu khắc ngoài trời không hề gắn liền với các họat động sử dụng trực tiếp, không chịu sức ép cơ học, hóa học, sinh học… trực tiếp của các hoạt động của con người.

c. Màu sắc trong nghệ thuật sân khấu

Màu sắc nghệ thuật sân khấu có một số hiệu ứng tương tự với màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị như trên, đó là hiệu ứng ánh sáng nhân tạo, trong tình huống màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị về ban đêm.

Hiện nay, với hành loạt các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn chiếu sáng nhân tạo, hiệu ứng chiếu sáng nhân tạo đã có các cơ sở kỹ thuật để thiết kế và các căn cứ để quản lý.

d. Màu sắc trong nghệ thuật sắp đặt

Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có thể trong nhà hoặc ngòai trời và hiện diện cận kề các không gian sống của con người như không gian ở, làm việc, vui chơi, biểu diễn, nghỉ ngơi, chữa bệnh… Màu sắc nghệ thuật sắp đặt có các hiệu ứng tương tự với lọai màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị bởi các yếu tố không gian 3 chiều. Nhưng có các hiệu ứng khác biệt với loại màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị ở chỗ màu sắc của các tác phẩm sắp đặt ngoài trời không gắn liền với các hoạt động sử dụng trực tiếp, không chịu sức ép trực tiếp của các hoạt động của con người. Còn các tác phẩm sắp đặt trong nhà thì các hiệu ứng màu sắc trong không gian nhỏ.

1.3. Màu sắc công nghiệp

Màu sắc công nghiệp là màu sắc của những sản phẩm, công cụ, thiết bị, máy móc. Màu công nghiệp luôn đi kèm với chức năng thông báo, cảnh báo, bảo vệ bề mặt, ngụy trang,…

Do đó, màu sắc công nghiệp gồm các màu cơ bản, sắc độ mạnh, mảng lớn có độ đồng nhất cao và tuân thủ các quy định riêng có thể không đồng nhất, thậm chí tráI ngược với sự hài hòa.

2. Màu sắc kiến trúc

Màu sắc kiến trúc là màu vật liệu, màu công trình và sắc độ không gian kiến trúc.

2.1. Màu sắc vật liệu kiến trúc

Vật liệu trên công trình gồm vật liệu thô và vật liệu hoàn thiện, trong đó, màu sắc của công trình chủ yếu do màu sắc của vật liệu hoàn thiện quyết định.

Màu sắc VLXD sau khi đã được sắp đặt vào công trình thường dễ bắt bụi, dễ bị rêu, mốc và diễn biến thành màu khác.

2.2. Màu sắc công trình kiến trúc

Màu sắc kiến trúc được tạo thành bởi màu sắc vật liệu và không thể tách rời màu sắc của vật liệu. Sự biến đổi của màu sắc công trình kiến trúc có đặc điểm sau:

- Tại các tầng thấp dưới 7- 10 tầng, màu sắc bị tác động bởi gió, bão, mưa, ánh sáng và bức xạ mặt trời.

Anh sáng mặt trời có vai trò đối với hiệu ứng về độ sáng, độ chói, độ phản xạ, hiệu ứng phản chiếu hình ảnh của các công trình kế cận.

Bức xạ mặt trời có vai trò tạo nên các hiệu ứng đối với chất lượng vật liệu, làm tăng quá trình thoái hóa, làm nứt vỡ, biến dạng bề mặt, dẫn đến mất màu sắc ban đầu.

2.3. Sắc độ không gian kiến trúc

Có một sai lầm lớn là lâu nay, khi nghiên cứu về màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị, chỉ quan tâm đến màu sắc công trình kiến trúc và màu sắc đô thị, chỉ quan tâm đến màu sắc công trình kiến trúc và thường bỏ qua sắc độ không gian kiến trúc. Chính sắc độ không gian kiến trúc mới là yếu tố quyết định màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị.

Rõ ràng, dù mỗi công trình kiến trúc đều có màu sắc riêng, nhưng những màu sắc ấy luôn biểu hiện ở những sắc độ phong phú khác nhau dưới ảnh hưởng của ánh sáng tự nhiên vốn luôn thay đổi theo thời tiết, thời gian, với ảnh hưởng của không gian cây xanh, của các công trình kế cận,…

3. Màu sắc đô thị

Cảnh quan đô thị là một phần của cảnh quan tự nhiên, trong đó không gian kiến trúc là một phần quan trọng. Màu sắc đô thi, vì thế được tạo thành từ màu sắc của các công trình kiến trúc và màu sắc của cảnh quan thiên nhiên. Và đúng hơn thì màu sắc đô thị chính là sự biểu hiện trong không gian và thời gian của sắc độ không gian kiến trúc.

Màu sắc đô thị biểu hiện ở 3 lọai không gian dễ nhận biết, đó là: quần thể công trình, tuyến phố và khu chức năng đô thị.

3.1. Màu sắc quần thể công trình

Màu sắc quần thể công trình được tạo thành từ màu sắc của các công trình kiến trúc độc lập.

Đặc điểm của màu sắc quần thể công trình là được bộc lộ từ nhiều hướng trong không gian đô thị, phụ thuộc và bị tác động nhiều của cảnh quan xung quanh.

3.2. Màu sắc tuyến phố

Tuyến phố là một chuỗi các mặt của công trình. Vì vậy, đặc điểm của màu sắc tuyến phố chỉ được bộc lộ từ một phía của khối công trình trong không gian đô thị.

3.3. Màu sắc khu chức năng đô thị 

Khu chức năng đô thị được tạo thành từ sự kết hợp hình thái kiến trúc và cảnh quan trong nội dung sử dụnh nhất định.

Vì vậy, màu sắc khu chức năng đô thị được tạo thành từ màu sắc quần thể công trình, màu sắc tuyến phố, màu sắc cây xanh, núi đồi, mây trời, mặt nước… với từng đặc điểm của từng loạt như đã trình bày ở trên.

Tóm lại, màu sắc kiến trúc và màu sắc đô thị không đơn thuần chỉ là màu sắc của VLXD, của sơn, vôI, của gạch ngói, đất đá,… mà là kết quả của sự kết hợp linh hoạt và sự biến hóa phong phú của công trình kiến trúc với môi trường cảnh quan trong một quy luật hiển nhiên và lý thú và màu sắc đô thị thị không bao giờ mất đi, nó chỉ biến đổi từ gam này sang gam khác góp phần tạo nên nét riêng của mỗi đô thị.

Tài liệu tham khảo

1. Cliff Moughtin, Tanner Or and Steven Tiesdell Color in the City, Architectural Design, Color in Architecture, Vol 66 No ắ March, 1996.

2. Naomi Kuno - Tasteful Color  Combinations, 2005.

3. Galen Minah, Reading Form and Space: the Role of Color In the City, Architectural Design,

4. Marta Feduchi ang Jordi Sarra Color at Home, 2005.

5. Jon Hawkers, The Four Pillar of Sustainability: Culture’s Essentinal Role in Public Planning

6. Laksmi Braskaran Design of the Time, 2005.

7. Maria L. F. de Mattiello Colour and Light in Architecture, 2004.

8. John T. Drew and Sarah Mayer Color Management, 2005.

TS. KTS HOÀNG NGỌC HOA - VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)