Hiện trạng và các giải pháp chống thất thoát, thất thu nước sạch

Thứ hai, 28/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo hướng phát triển bền vững. Qua 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng, GDP hàng năm đã đạt 7,5–8%, mạng lưới đô thị quốc gia đã được phát triển mở rộng, Chính phủ Việt Nam đang tập trung đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế–xã hội, nâng cao mức sống cho nhân dân, trong đó công tác đầu tư xây dựng phát triển các hệ thống cung cấp nước đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thực hiện các định hướng, Chiến lược của Chính phủ về phát triển hạ tầng đô thị, trong những năm qua các Bộ ngành và địa phương đã tích cực tham gia kêu gọi, vận động các nguồn vốn ODA và vốn trong nước để đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước. Dịch vụ cấp nước ngày càng được cải thiện đáng kể, đặc biệt tại các đô thị lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế–xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Trong toàn quốc có 67 doanh nghiệp cấp nước đô thị, trên 420 hệ thống cấp nước lớn nhỏ với tổng công suất thiết kế đạt 4,7 triệu m3/ngđ., công suất khai thác là 3,8 triệu m3/ngđ, đạt 80% công suất thiết kế so với năm 2000 công suất cấp nước tăng thêm 1,6 triệu m3/ngđ. Tất cả các thành phố, thị xã đều đã có các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng hệ thống cấp nước; có khoảng 300/620 thị trấn có hệ thống cấp nước tập trung vơi quy mô từ 500–5.000 m3/ngđ., trên 190 khu công nghiệp tập trung đã được cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Các hệ thống cấp nước được đầu tư xây dựng  bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: Vốn Hỗ trợ Phát triển chính thức ODA, vốn ngân sách Nhà nước, vốn các thành phần kinh tế khác v.v... Đến nay, tổng mức đầu tư cho cấp nước đô thị khoảng trên 16.000 tỷ VNĐ, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Mặc dù công tác phát triển cấp nước trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại nhiều khó khăn thách thức, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước còn thấp, chỉ mới đạt bình quân 70% một số đô thị lớn đạt 90–95%, các thị trấn chỉ đạt khoảng 50 – 60%; tiêu chuẩn cấp nước bình quân từ 80–100 lít/người/ngày các đô thị lớn đạt 110–130 lít/người/ngày, các thị trấn chỉ đạt 70–80 lít/người/ngày; chất lượng nước sau xử lý tại một số nơi chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo qui định; tiêu chuẩn về áp lực, tính liên tục cấp nước chưa đảm bảo đã ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước tại các đô thị trong toàn quốc còn khá cao, bình quân 32% lớn gấp gần 2 lần so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do:

- Phần lớn các hệ thống cấp nước đô thị thành phố, thị xã được xây dựng trước đây đã quá lâu, có nhiều nhà máy nước được xây dựng trên 50 năm, hệ thống mạng lưới đường ống đã quá cũ, vật liệu ống kém chát lượng, qua nhiều thời kỳ đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng nâng công suất nhà máy, nhưng mạng lười đường ống ít được quan tâm đầu tư.

- Đầu tư không đồng bộ giữa phát triển nguồn và mạng: Trong một thời gian khá dài, hoạt động cấp nước mang nặng tính bao cấp, nguồn vốn để phát triển cấp nước chủ yếu dùng vốn ngân sách Trung ương trong đó phần lớn là vốn ODA được dùng để đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng nhà máy và mạng đường ống chính, còn việc đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới đường ống phân phối là ngân sách địa phương và dân đóng góp tuỳ khả năng của từng địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã không bố trí đủ vốn để xây dựng lắp đặt mạng phân phối. Mặt khác, tâm lý một số địa phương thường đầu tư công suất nhà máy lớn hơn so với nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng nhiều nơi thiếu nước, ngược lại có nơi thừa nước không phát huy hết công suất, không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

- Quản lý vận hành cấp nước ở các địa phương cũng có nhiều bất cập, nhiều năm trước tỷ lệ lắp đặt được đồng hồ đo nước thấp, số hộ dùng nước khoán cao, công tác ghi thu hoá đơn tiền nước và quản lý tài chính còn yếu kém, mô hình tổ chức quản lý không thống nhất, áp dụng nhiều hình thức khác nhau, nhiều nơi còn mang tính bao cấp, mệnh lệnh hành chính nên hoạt động kém hiệu quả. Năng lực quản lý hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cấp nước còn hạn chế, chưa có khả năng tự chủ đặc biệt là tự chủ về mặt tài chính trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cấp nước vẫn trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn ODA, vốn Nhà nước, việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội tham gia vào đầu tư, phát triển cấp nước vẫn còn hạn chế.

Trong những năm qua, công tác chống thất thoát, thất thu nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các Bộ ngành và địa phương quan tâm ưu tiên trong lĩnh vực phát triển cấp nước đô thị nhằm tiết kiệm nước và phát huy hiệu quả đầu tư. Ngay từ những năm 90, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Chỉ thị số 06/BXD - ĐT ngày 18/4/1994 về Chống thất thoát, thất thu trong công tác cấp nước đô thị, tại Chỉ thị số 40/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác quản lý có hiệu quả cấp nước đô thị" cũng đề cấp đến nội dung chống thất thoát thất thu. Bộ Xây dựng  đã tổ chức Hội nghị Cấp nước đô thị toàn quốc lần thứ III năm 1998 với chuyên đề chống thất thoát, thất thu nước tại các đô thị và triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau Hội nghị, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập chương trình, kế hoạch triển khai công tác chống thất thoát, thất thu nước tại địa phương như: Cải tạo, thay mới mạng lưới đường ống đã quá cũ; lắp đặt đồng hồ đo nước; đẩy mạnh công tác kiểm tra chống rò rỉ và quản lý ghi thu.v.v... Đến tháng 6 năm 2007 tỷ lệ thất thoát, thất thu nước bình quân đã giảm xuống còn 32% so với năm 2003 là 35,6% , năm 2000 là trên 42%. Nhiều địa phương đã lập kế hoạch, đưa vào chỉ tiêu phấn đấu hàng năm của đơn vị, thực hiện chương trình đầu tư cải tạo hoặc thay mới đường ống, lắp đặt đồng hồ đo nước theo báo cáo các công ty cấp nước, tỷ lệ lắp đặt đồng hồ đo nước đến nay đạt 85–99%, quản lý công tác ghi thu tiền nước đạt kết quả tốt như Tp.Vũng Tàu, Đà Lạt, Huế, Hải Phòng.v.v... tỷ lệ thất thoát, thất thu nước đã giảm xuống được từ 16 – 20%. Một số nơi tỷ lệ thất thoát, thất thu nước vẫn còn cao, đặc biệt hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là nơi có hệ thống mạng lưới cấp nước khá phức tạp, công suất cấp nước lớn chiếm gần 1/3 khối lượng nước trong toàn quốc, mặc dù đã rất cố gắng nhưng tỷ lệ thất thoát, thất thu hiện nay vẫn còn khá cao, khoảng 36–37%. Với tổng công suất khai thác nước đô thị như hiện nay, chỉ cần giảm được 1% lượng nước thất thoát đã tiết kiệm được khoảng 40.000 m3/ngày, tương ứng số tiền 160 triệu VNĐ mỗi ngày.

Xuất phát từ quan điểm chống thất thoát, thất thu nước là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cấp nước  và của cộng đồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo an toàn cấp nước và hiệu quả đầu tư. Mục tiêu đến năm 2010 giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước bình quân xuống 25%.

Để thực hiện được mục tiêu trên, các cấp, các ngành cần nỗ lực phấn đấu, áp dụng các giải pháp đồng bộ cả về mặt chỉ đạo của Nhà nước kết hợp các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, hành chính và giáo dục truyền thông. Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý ngành và các chương trình hành động cụ thể:

- Về quản lý Nhà nước: Ngoài các Chỉ thị nêu trên, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó có nội dung chống thất thoát, thất thu nước, cho phép đưa mức khoán chỉ tiêu này vào việc tính giá tiêu thụ nước sạch nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Tổ chức thực hiện các Chương trình như: Chương trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả ngành Xây dựng, trong đó có các đề tài nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống thất thoát, thất thu  nước; nghiên cứu chế tạo các thiết bị sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước; Chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án giảm thất thoát, thất thu nước tại tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Hà Tĩnh v.v...do Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các tổ chức quốc tế tài trợ thuộc Chương trình cấp nước đô thị Việt Nam; soạn thảo ban hành Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước cho các đô thị; chỉ đạo thực hiện các dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý vận hành cho doanh nghiệp cấp nước.

- Đổi mới sắp xếp tổ chức các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước: Thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Kiện toàn các doanh nghiệp, bỏ dần cơ chế chủ quản, quản lý hoạt động thông qua hợp đồng, xoá bỏ khép kín theo địa giới hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng địa bàn hoạt động. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, đa dạng hoá các nguồn đầu tư, khuyến khích áp dụng các hình thức BOT, BOO, BO, BT và các hình thức khác nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

- Về cơ chế chính sách: Chính phủ đã có chủ trương huy động nội lực để phát triển ngành cấp nước, tập trung ưu tiên vốn ODA cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống mạng phân phối nước, chống thất thoát, thất thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 769/VPCP-CN ngày 7/2/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát quy hoạch và đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và cấp nước.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế trong lĩnh vực cấp nước. Bắt buộc các công ty cấp nước phải có kế hoạch đầu tư cải tạo mạng lưới đường ống và lắp đồng hồ đo nước nhằm giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, tiết kiệm và hiệu quả.


Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo "Sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả ngành Xây dựng" 4-2008.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)