Khảo sát công trình trong dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường

Thứ hai, 17/03/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế là sự bùng nổ các đô thị, các điểm dân cư, các trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ...

Kinh tế phát triển, các dịch vụ như thương nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà hát, cung thể thao... đều đòi hỏi vấn đề cấp thoát nước với số lượng nhiều hơn, và chất lượng cũng cao hơn. Như vậy phải xây dựng, cải tạo, mở rộng các hệ thống cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường, trong đó có mạng lưới đường ống, kênh mương, sông hồ đô thị.

Thực tế, khi đặt một ống cấp hay thoát nước xuống lòng mương nằm trong khu dân cư, phố xá khu nội thành cũ... gặp rất nhiều khó khăn.

Đó chính là vấn đề mặt bằng và những trở ngại tiềm ẩn.

I. Những yếu tố khách quan của mặt bằng tuyến

Theo quy phạm thiết kế, khi đo vẽ mặt bằng tuyến ống, hay tuyến mương... cần phải khảo sát kỹ dọc tuyến và lập bản đồ mặt bằng theo dọc tuyến cả về 2 phía mà mỗi phía rộng từ 30 đến 50m.

Ngoài ra, khảo sát tuyến không chỉ trình bày hình thể tuyến phố, tuyến đường mà phải chỉ rõ vị trí, kích thước và cao toạ độ của từng căn nhà, cột điện, gốc cây, cầu, cống, trạm biến thế, trạm điện thoại... nằm trong tuyến khảo sát. Hơn nữa, việc khảo sát phải tiến hành cùng với việc lập các mặt cắt ngang, cắt dọc, theo tiêu chuẩn.

Đối với các mặt cắt này... phải có các số liệu về công trình ngầm như đường ống cấp nước, thoát nước, móng cầu, nhà cửa, công trình, cáp điện thoại, điện lực... nơi tuyến thiết kế sẽ đi qua.

Nói tóm lại, người tổ chức thi công cần có các tài liệu thăm dò công trình ngầm kể trên, nhằm đánh giá đúng mức thời gian, vật tư, vật liệu... để thi công và tính được chi phí cần thiết.

Thực tế trong những năm qua, đối với các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường kể cả những dự án lớn của nước ngoài tài trợ Dự án ODA, dự án vay vốn của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Á Châu, hoặc các của các nước, các tổ chức tài trợ quốc tế..., các tài liệu khảo sát mặt bằng, công trình ngầm... đều rất thiếu, thậm chí có nơi, có chỗ còn thiếu nghiêm trọng, để lại hậu quả to lớn!

II. Thực trạng các tài liệu khảo sát trong các dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường

Trong 10 năm trở lại đây, chúng ta đã có rất nhiều dự án cải tạo, mở rộng hệ thống Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Một số là dự án ODA của các nước viện trợ song phương hoặc của các tổ chức nhân đạo Quốc tế và một số là các dự án vay vốn của các tổ chức tài chính Quốc tế. Những dự án này thường rất lớn, thậm chí số vốn lên đến vài trăm triệu USD. Riêng dự án thoát nước TP Hà Nội có số vốn dự kiến lên đến 1,2 tỷ USD - Dự án thoát nước TP Hồ Chí Minh cũng vào khoảng như vậy...

Hầu hết những tuyến ống, cống, mương... trong thành phố đều có một số nét chung như sau:

1. Các tài liệu thiết kế cả thuyết minh và bản vẽ đều được làm từ lâu. Đến khi thi công thì đã lạc hậu đến vài năm, có tài liệu lạc hậu từ 5 đến 10 năm hoặc hơn nữa. Do vậy trên tuyến thiết kế phát sinh nhiều công trình mới, hoặc thay đổi cả địa hình địa vật.

Nhiều trường hợp, trên bản vẽ mặt bằng là khu đất trống, đường rộng, nhưng đến khi thi công thì lại có cầu, cống, nhà cửa, đường xá... Dự án thoát nước và môi trường TP Đà Nẵng được thiết kế từ năm 1993 và đến năm 2005 - 2007 mới thi công Theo báo Tuổi trẻ số 1859 - 1094 ngày 29/10/2007 thì dĩ nhiên là mặt bằng thay đổi, và thay đổi nhiều cũng là điều dễ hiểu.

2. Phần lớn các hồ sơ thiết kế đều bỏ qua công trình ngầm. Việc xây dựng các tuyến ống cấp thoát nước trong phố xá, khu dân cư... bao giờ cũng động chạm đến các công trình ngầm, bởi vì các tuyến ống mới đều nằm sâu trong lòng đất từ 1 - 5m và các chướng ngại vật hay gặp là:

+ Ống cấp nước của thành phố, của hộ riêng lẻ.

+ Ống thoát nước của mạng chung và của từng căn hộ dọc đường.

+ Các tuyến cáp điện lực, điện thoại, cáp quang, cáp thông tin...

+ Móng công trình cũ mà phần trên mặt đất đã được xoá bỏ, hoặc một phần công trình, thiết bị cũ đã bị chôn lấp từ lâu.

+ Mồ mả hoặc hài cốt...

Ví dụ: Các thiết kế tuyến cống ở Hải Phòng, các tuyến ống cấp thoát nước trong dự án 1A và 1B của Hà Nội, TP Hạ Long, Quảng Ninh... đã gặp rất nhiều công trình ngầm như: Cáp điện cao, hạ thế, cáp thông tin các loại, ống cấp thoát nước và các công trình ngầm khác có từ trước chiến tranh...

3. Các chủ đầu tư đều biết công trình của mình thiếu tài liệu khảo sát, hoặc có nhưng không đầy đủ. Nên trong các tài liệu đấu thầu hoặc hợp đồng thi công... đều chuyển nhiệm vụ giải quyết vướng mắc trên mặt bằng hoặc công trình ngầm cho các nhà thầu bằng cách ghi: "nhà thầu có trách nhiệm giải quyết vướng mắc khi gặp trở ngại trên tuyến. Chi phí giải quyết vướng mắc nhà thầu sẽ bàn với chủ đầu tư cùng giải quyết".

4. Khi đấu thầu hoặc thảo luận về hợp đồng thi công, các nhà thầu chưa khảo sát kỹ mặt bằng, và không nghiên cứu đến công trình ngầm. Các chủ đầu tư biết rõ về việc đó nên thường ép về tiến độ.

Do đó các nhà thầu thi công thường ký hợp đồng với thời hạn tiến độ xít sao, chặt chẽ và thực tế, hầu hết các hợp đồng thi công dự án Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường bị chậm một cách nghiêm trọng.

5. Khi gặp vướng mắc trong mặt bằng, cột điện, cây cối, tường nhà dân... hoặc các công trình ngầm như đường ống nước, cống thoát nước, cáp điện cao thế...nhà thầu thường rất lúng túng, vì:

- Thủ tục hành chính giải quyết với chủ đầu tư, chính quyền sở tại, cơ quan chủ quản công trình ngầm... rất phức tạp và kéo dài. Các cuộc họp bàn giải quyết vướng mắc thường không hiệu quả do thiếu thành phần hôm có đại diện dân phố thì lại thiếu chính quyền, khi có đại diện cơ quan thì thiếu công an...

- Thủ tục và mức độ đền bù rất khó khăn. Vì nhà thầu không quyết định được mức độ đền bù, mà chủ đầu tư mới có chức năng đó. Nhưng nhiều chủ đầu tư lẩn tránh nên sự vướng mắc kéo dài, đưa đến hậu quả là người thi công phải chờ đợi, trong khi đó vật tư, xe máy, thiết bị... đã tập trung tại công trường, gây nên nhưng tổn hại về kinh tế.

Trong khi đó, người dân hoặc cơ quan có công trình bị giải toả đều đòi đền bù rất cao. Một số trường hợp như vướng mắc các công trình cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, đường sắt... đều do các công ty độc quyền điện, nước, đường sắt... phụ trách và chỉ họ mới có quyền thi công thay đổi tuyến, sau khi hợp đồng với các công ty chuyên ngành độc quyền được ký kết vẫn chậm trễ từ vài tuần đến hàng tháng.

III. Nhiệm vụ của nhà thầu

Tình trạng thi công các dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường như kể trên là thường xảy ra, nhiều công trình chậm trễ từ 1- 3 năm và đa số các nhà thầu, sau dự án, đều tỏ vẻ chán nản, bực bội, vì bị thua lỗ, thất bại... Vậy thì nhà thầu cần phải làm gì?

Chúng tôi xin mạnh dạn nêu một số ý kiến sau đây:

1. Trước khi tham gia đấu thầu, cần cử các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này tham gia xem xét nghiên cứu bài thầu cùng các điều kiện của nó. Việc xem xét phải khách quan, tỉ mỉ, chi tiết và chắc chắn, phải khảo sát thực địa cẩn thận. Trường hợp thấy bài thầu có nhiều vướng mắc với công trình trên tuyến cũng như thiếu tài liệu về công trình ngầm thì phải hết sức lưu ý tìm hiểu thực tế và đưa vấn đề ra thảo luận với chủ đầu tư. Nếu không có tài liệu về công trình ngầm thì tốt nhất là nhà thầu nên rút lui cho tới khi nào chủ đầu tư bổ sung các điều kiện đó.

2. Khi gặp vướng mắc trong mặt bằng dù nhỏ hay lớn mà phải ngừng thi công từ 1 ngày trở lên thì nhà thầu phải:

+ Lập biên bản ngừng thi công do mặt bằng một cách cụ thể và chi tiết: Vì sao phải ngừng thi công? ngừng bao lâu? Ai có trách nhiệm giải quyết? và biên bản này phải có A,B, chủ đầu tư, tư vấn giám sát... ký. Trường hợp liên quan đến dân và chính quyền địa phương thì chữ ký của họ rất quan trọng.

+ Sau khi lập biên bản  nhà thầu phải chủ động giữ biên bản gốc và gửi bản sao cho các bên liên quan và cấp trên của Ban quản lý. Bởi vì sau khi triển khai thi công, nhất là dự án dài hơi 1 - 3 năm hoặc lâu hơn thì rất có thể bên A vin vào cớ chậm tiến độ để phạt nhà thầu. Lúc đó các biên bản này sẽ là bằng chứng quý giá để nhà thầu đấu tranh "chống phạt" với A và chủ đầu tư.

3. Trường hợp bên A uỷ quyền cho nhà thầu giải quyết vướng mắc với lý do khoán gọn cả thời hạn, chi phí và cách thức di chuyển thì nhà thầu cần:

+ Kiểm tra kỹ lại bài thầu,

+ Xác định rõ thời hạn khắc phục vướng mắc mặt bằng không được tính vào thời hạn thi công.

+ Xác định chi phí khắc phục mặt bằng phải do A chịu.

Nếu có tranh chấp thi cần bình tĩnh kiểm tra lại các điều kiện pháp lý dựa trên bài thầu và luật pháp Việt Nam.

4. Đối với các dự án lớn, thời hạn thi công kéo dài từ 1 năm trở lên và có tư vấn giám sát là người nước ngoài thì nhà thầu cần:

+ Cán bộ thi công chủ chốt phải nói được tiếng Anh, đồng thời phải có phiên dịch chuyên nghiệp.

+ Các văn bản: thiết kế, biện pháp thi công, thoả thuận vật liệu, nhân công... đều phải có chữ ký A - B và tư vấn giám sát.

Các hồ sơ này phải được lưu trữ cẩn thận kể cả bản chính và bản dịch theo từng mục để khi cần kiểm tra, thảo luận... có thể dùng được ngay.

+ Các nhật ký thi công phải ghi rõ tỉ mỉ. Đặc biệt ghi rõ lý do ngừng thi công: Mưa, bão, vướng mặt bằng, thiếu thiết kế... và phải có chữ ký của cán bộ giám sát A và tư vấn.

+ Các nhà thầu nên có luật sư kinh tế có thể thuê cho dự án và nói được tiếng Anh. Trong những trường hợp tranh luận với tư vấn giám sát là người nước ngoài thì các luật sư là rất quan trọng. Chính các nhà thầu lớn của Trung Quốc đã áp dụng chính sách này với Việt Nam và cả các dự án nước ngoài ở Việt Nam, cho nên ít thấy trường hợp nhà thầu Trung Quốc bị thua thiệt.

+ Mỗi khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoặc tư vấn giám sát có văn bản yêu cầu một vấn đề gì đó, nhà thầu cần nghiên cứu cẩn thận sau đó mới trả lời, và các văn bản yêu cầu trả lời  đều phải lưu trữ cẩn thận. Đề phòng khi các sự cố xảy ra, hoặc bên A muốn phạt, thậm chí chấm dứt hợp đồng với nhà thầu, lúc đó nhà thầu phải tổng hợp, nghiên cứu toàn bộ các văn bản giao dịch và nhật ký thi công rồi đối chiếu với hợp đồng và luật pháp Việt Nam mà đấu tranh giải quyết các vướng mắc.

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, chúng ta đang có và sẽ có ngày một nhiều hơn các công ty nước ngoài, các dự án nước ngoài đổ vào Việt Nam. Các nhà thầu Việt Nam nói chung và chuyên ngành Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nói riêng phải tự nâng cao trình độ quản lý, cố gắng hoàn thiện không những về trình độ công nghệ thi công mà còn cả cách thức và phương pháp giao tiếp hiệu quả, đúng quy định, quy trình, quy phạm và thông lệ quốc tế. Có như vậy, mới hy vọng xây dựng một sân chơi bình đẳng giữa chủ đầu tư, ban quản lý công trình, tư vấn giám sát, và nhà thầu... và làm ăn có hiệu quả, đồng thời chất lượng thi công công trình cũng ngày một tốt hơn.

Nguồn:  TC Xây dựng,  số 2/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)