Hình thái đô thị là cơ sở cho sự phát triển bền vững của đô thị

Thứ hai, 20/05/2013 13:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, Trung Quốc đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và đã bắt đầu nảy sinh các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sự tăng trưởng không được điều tiết của các đô thị với các kích thước khác nhau và thiếu sự xác định rõ ràng về phân loại đô thị mà thường được gọilà “các căn bệnh của đô thị”. Những vấn đề đó đang gây trở ngại cho sự mở rộng quá trình đô thị hóa một cách văn minh bên trong phạm vi các điểm dân cư có mật độ dân cư cao và có ý nghĩa lịch sử tại khu vực ven biển cũng như tại các khu vực đất liền (khu vực trung tâm, phía Bắc và phía Tây) của Trung Quốc (các khu vực có tỷ lệ đô thị hóa thấp). Giải quyết hiệu quả và nhanh chóng các vấn đề nảy sinh từ “các căn bệnh của đô thị” với sự hỗ trợ của các kịch bản về sự phát triển bền vững và an toàn của các điểm dân cư đô thị là một nhiệm vụ cấp thiết trong công tác quy hoạch đô thị tại Trung Quốc.

Các văn bản “Tuyên bố về môi trường sống và phát triển” và “Chương trình nghị sự cho thế kỷ 21” được thông qua tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc họp tại Rio De Gianero năm 1992 đã nêu ra ý tưởng coi “phát triển bền vững” như một hướng phát triển chiến lược của xã hội loài người trong tương lai.

Ý tưởng đó đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của giới khoa học. Phần lớn các nhà đô thị học cho rằng đối với các quốc gia đang phát triển vấn đề bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia chủ yếu gắn với việc quản lý các hiện tượng như sự tăng nhanh của dân số đô thị và tương ứng là sự mở rộng của đô thị; còn đối với các quốc gia phát triển thì đó là vấn đề làm chậm lại nhịp độ giảm số dân sống thường xuyên tại các khu vực trung tâm của đô thị và của đô thị lớn từ đó dẫn đến sự suy thoái và đình trệ về kinh tế. Cở sở để giải quyết các vấn đề nêu trên được xem là xây dựng và thực thi chính sách phát triển đô thị hợp lý và nhất quán, tối ưu hóa các phương pháp quản lý hoạt động xây dựng đô thị, điều chỉnh một cách linh hoạt đối với hình thái của các hệ thống đô thị cũng như các bộ phận của hệ thống này.

Các nhà khoa học cũng đã xác lập và chứng minh được mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ giữa sự phát triển bền vững không gian của điểm dân cư đô thị với các loại hình tổ chức của hình thái đô thị, tuy nhiên trước câu hỏi hình thái bền vững của đô thị là gì thì đến nay các nhà đô thị học còn chưa đạt được được sự thống nhất về quan niệm.

Do vậy, câu hỏi đặt ra là dạng hình thái đô thị nào sẽ đáp ứng tốt nhất cho sự phát triển bền vững của điểm dân cư và khu vực liên vùng? Câu trả lời cho câu hỏi nêu trên nêu ra hai thuyết tương đối phổ biến trong giới khoa học và có nội dung khác nhau là thuyết tập trung và thuyết phân tán (phi tập trung).

Thuyết tập trung xem xét các vấn đề như: Các cách thức và các giải pháp tổng thể nhằm triển khai thực hiện trên thực tế các ý tưởng phát triển bền vững trong phạm vi cấu trúc không gian - lãnh thổ có giới hạn; liệu có thể giải quyết được các vấn đề phát sinh từ tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông; liệu có thể sử dụng hợp lý không gian bên trong đô thị, kìm hãm sự phát triển quá mức của đô thị hay không. Là một trong những người sáng lập thuyết tập trung, Lơ Coocbuyze khẳng định “việc nâng cao mật độ xây dựng đô thị sẽ giảm nhẹ tình trạng chen chúc” cũng như sẽ sử dụng có hiệu quả hơn không gian đô thị. Tác giả Jane Jacobs đã phát triển quan điểm của Lơ Coocbuyze, đồng thời ủng hộ quan điểm tăng mật độ dân cư đô thị và tăng mật độ xây dựng trong đô thị nhằm mục tiêu đạt được sự đa dạng của môi trường đô thị.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phát triển đô thị của Mỹ và châu Âu đều đồng tình với mô hình phát triển đô thị nêu trên. Lo ngại của họ chủ yếu tập trung vào việc “đô thị bị nén” sẽ trở thành một không gian bị nút chặt, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng sẹp giao thông, vấn đề thiếu không gian sẽ trầm trọng hơn, mật độ dân cư quá cao, giá nhà ở tăng, an toàn sinh thái giảm và sau đó là chất lượng sống giảm. “Đô thị nén” được hình thành do hoạt động xây dựng tập trung tại một nơi nào đó với nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, một mặt làm biến mất các không gian cây xanh công cộng, mặt khác lại không tránh được tình trạng mở rộng ra phía ngoài mà dần dần sẽ lấn hết các khu vực cảnh quan - giải trí ở khu vực ngoại thành, mở rộng sang cả đất nông nghiệp, đất dự trữ và đất khu công nghiệp…

Thuyết phi tập trung (phân tán) là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp cùng với tình trạng phân tán của các điểm dân cư, sự thiếu thuận lợi về sinh thái tại các đô thị lớn. Thuyết này thể hiện mong muốn của các kiến trúc sư, đó là dung hòa mức độ đô thị hóa cao thông qua công cụ quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, chuẩn bị đất và xây dựng đô thị. Mục tiêu của việc mô hình hóa lý thuyết là tạo ra các điều kiện vật chất nhằm nâng cao đời sống cho người dân đô thị.

Những người không ủng hộ thuyết này cho biết các thiếu sót chủ yếu của thuyết lại nảy sinh từ chính các ưu việt của nó, hay nói cách khác, tính tập trung cao của không gian đô thị làm giảm diện tích các khu vực trồng cây xanh và đất trồng trọt nông nghiệp, phá vỡ sự cân bằng thiên nhiên của môi trường sống, gây nên tình trạng lãng phí đất. Phương tiện giao thông cá nhân được sử dụng phổ biến tại đô thị làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và giảm chất lượng môi trường sinh thái. Sự mở rộng đô thị làm tăng chi phí xây dựng cơ bản, thúc đẩy tình trạng suy thoái của khu vực trung tâm đô thị, gây ra tình trạng giảm sút kinh tế. Tất cả những điều đó phá vỡ các mối liên hệ bên trong đô thị, tăng số lượng tội phạm, làm căng thẳng thêm các xung đột và mâu thuẫn dân tộc, chủng tộc và các xung đột, mẫu thuẫn xã hội khác.

Hai thuyết tập trung và phi tập trung được xem như hai khái niệm nổi bật của lý thuyết quy hoach đô thị trong thế kỷ 20, và mỗi đặc điểm của mỗi thuyết lại được các chuyên gia thế giới đánh giá khác nhau. Việc đánh giá dựa trên cơ sở: các kết quả thực hiện cụ thể của hệ thống các khái niệm đối cực trong hoạt động thiết kế xây dựng (những kết quả này đã được cộng đồng tích lũy trong một thập kỷ vừa qua), mức độ phức tạp và mâu thuẫn của các nhiệm vụ đòi hỏi cần có các giải pháp hiệu quả cao.

Tuy nhiên, các “mô hình lý tưởng” phát triển đô thị theo cách tập trung và phi tập trung lại không được áp dụng trong thực tiễn của quá trình phát triển đô thị trên thế giới. Để điều chỉnh được sự phát triển tự phát của hình thái đô thị thành phát triển bền vững cần phải tìm kiếm các phương pháp mới trong đó tích lũy được các ưu điểm và khắc phục được các nhược điểm của các khái niệm nêu trên.

Có thể đạt được sự phát triển ổn định của hình thái đô thị bằng cách bố cục hợp lý cấu trúc không gian đô thị. Quy trình này sẽ giúp phối hợp hoạt động xây dựng đô thị với kinh tế đô thị, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, các nhu cầu của cư dân đô thị và bảo đảm sự phát triển bền vững của hình thái đô thị. Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần phải quan tâm những nội dung sau đây:

1. Giới hạn một cách hợp lý kích thước của đô thị

Với mục tiêu nêu trên cần phát triển một hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả cho đô thị và xác định đúng hướng phát triển của đô thị; phối kết hợp sự phát triển của các loại đô thị to, trung bình và nhỏ với các thị trấn, sao cho không bị rơi vào cái bẫy đô thị hóa; sử dụng tối đa đất trống trong đô thị nhằm tránh tình trạng mở rộng đô thị một cách quá mức.

2. Phát triển cân đối cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo

Với mục tiêu tạo ra các đô thị tiện nghi cho cuộc sống cần phải kết hợp hữu cơ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan có nguồn gốc kỹ thuật, sử dụng hợp lý và bảo vệ các phức hợp thiên nhiên, tránh trình trạng phá hỏng cảnh quan thiên nhiên quý giá một cách không kiểm soát được.

3. Phát triển hệ thống giao thông “hoàn chỉnh”
Khả năng chịu đựng của hệ thống giao thông có ý nghĩa quyết định đối với số dân và mật độ dân số của đô thị, còn các chỉ tiêu về giao thông lại tác động đến sự phân loại đất và sự bố trí tương hỗ của các khu đất.

4. Tối ưu hóa cơ cấu sử dụng đất
Sự hình thành của cấu trúc đô thị có ảnh hưởng đến bố cục không gian của đô thị.

5. Ổn định môi trường xã hội

Khi xây dựng bố cục của không gian đô thị cần xem xét lợi ích của các nhóm dân cư khác nhau cũng như của từng người dân. Để bảo đảm sự chung sống hòa thuận của họ cần quan tâm đến cơ cấu thành phần chủng tộc và dân tộc, đến các cơ cấu xã hội - dân số và giai cấp, các đặc tính tâm lý và các đặc tính khác.

Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển cho thấy sự phát triển bền vững của hình thái đô thị là cần thiết không chỉ đối với việc giải quyết các vấn đề thường xuyên nảy sinh trong hoạt động xây dựng đô thị mà còn nhằm bảo đảm khả năng phòng ngừa và giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh trong tương lai.


Go Yuntszyun
Nguồn: Tạp chí Xây dựng công nghiệp và dân dụng Nga số 7/2012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)