Tác động của công trình thuỷ điện đến môi trường xung quanh và biện pháp bảo vệ thiên nhiên

Thứ tư, 14/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tác động đến nguồn lợi đất và hệ sinh thái trên đất Khi xây dựng hồ chứa nước và nhà máy thuỷ điện, Nhà nước sẽ phải trưng dụng vùng đất để ngập nước, gia cố bờ chắn sóng, đưa một số công trình và khu vực sinh hoạt cho cán bộ, công nhân xây dựng, xây dựng khu tái định cư cho người dân sinh sống từ trước ở khu vực hồ chứa nước... Hiện nay, diện tích các hồ chứa nước các công trình thuỷ điện ở Nga chiếm khoảng 0,3% quỹ đất của nước này, ở Canada 0,6% và ở Mỹ là 0,8%. Tỷ lệ diện tích đất ngập nước trên 1 triệu kWh thuỷ điện hiện nay ở Nga là 6 ha, ở Mỹ là 6,5 ha và ở Canada là 6,9 ha/1 triệu kWh. Chỉ số này có xu thế còn tiếp tục giảm xuống.
Các biện pháp giảm tác động đến nguồn lợi đất trong xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện bao gồm:

- Chia nhỏ kênh xả nước theo mức sử dụng năng lượng. Xây dựng công trình đầu mối nước dân mức thấp và trung bình thay cho một đầu mối mức nước cao. Biện pháp này cho phép giảm được diện tích ngập nước nhiều lần.


- Xây dựng hệ thống xả/thoát nước, giảm lưu lượng xử nước, đảm bảo chế độ tối ưu nước - không khí trong đất tạo tiền đề cho những vụ thu hoạch nông sản lượng cao, bảo vệ an toàn các đô thị gần công trình.

- Xây dựng đập bảo vệ công trình.

Tác động đến thế giới động vật


Hồ chứa nước của các công trình thuỷ điện chiếm một diện tích rất đáng kể đất ngập nước, đã làm mất đi hệ quần thể thực vật, vốn là thức ăn nuôi sống động vật. Hậu quả là nhiều loại động vật cũng bị tiêu diệt hoặc phải di cư đến nơi khác sinh sống. Vì vậy, khi thiết kế xây dựng hồ chứa nước bắt buộc phải có các tính toán về thiệt hại đối với thế giới động vật, tính toán thiệt hại về kinh tế. Và phải tính đến các biện pháp hoàn bù đất, cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất, cải thiện điều kiện cho thực vật phát triển và áp dụng các biện pháp công nghệ sinh học khác để cải tạo đất.


Tác động đến hệ sinh thái dưới nước


Tác động của các hồ chứa nước và hoạt động của nhà máy thuỷ điện sẽ làm thay đổi hệ sinh thái dưới nước ở khu vực có công trình thuỷ điện. Hệ sinh thái sông sẽ phải nhường vị trí cho hệ sinh thái hồ tại khu vực hồ chứa nước.


Trong các dự án hiện nay về hồ chứa nước, người ta đều tiến hành dự báo chất lượng nước, trong đó phải tính đến các đặc điểm thoát nước tự nhiên, ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm môi trường, các quá trình lưu chuyển nước trong vùng. Kết quả dự báo chất lượng được trình bày dưới dạng các chỉ tiêu thuỷ hoá và thuỷ sinh học. Việc đánh giá chất lượng nước được thực hiện bằng cách so sánh kết quả dự báo với nồng độ giới hạn cho phép các thành phần khác nhau, quy định trong các tài liệu tiêu chuẩn - quy phạm.


Tác động của công trình thuỷ điện đến ngư trường


Xây dựng công trình thuỷ điện sẽ hạn chế các luồng di cư/bán di cư của các loài cá, làm thay đổi điều kiện sinh sản, có nguy cơ làm kiệt quệ nguồn thức ăn của cá tại các công trình lấy nước tại nhà máy thuỷ điện. Kết quả là nguồn thuỷ sản bị giảm, đặc biệt là các loại cá quý hiếm, trong một số trường hợp còn bị tuyệt chủng. Để ngăn ngừa các hậu quả tiêu cực này, trong các dự án thuỷ điện hiện nay, người ta cho áp dụng các biện pháp đặc biệt, trong đó có biện pháp xây dựng công trình bảo vệ cá, cho cá qua lại và tạo lập cơ sở thức ăn cho cá.


Hậu quả đối với vi khí hậu


Các hồ chứa nước lớn sẽ tác động đến vi khí hậu các vùng lân cận, có thể giảm nhiệt độ cực trị của khí quyển. Nhiệt độ cao nhất về mùa hè có thể giảm xuống 2 - 3oC, mùa đông tăng lên 1 - 2oC, độ ẩm không khí cũng có thể thay đổi.


Ví dụ: Vùng hạ lưu của các công trình thuỷ điện lớn ở Sibiri đã chịu tác dụng tiêu cực về vi khí hậu. Tại khu vực này về mùa đông, nước nóng chảy dài trong một không gian lớn đã không đóng băng hoàn toàn, là nguyên nhân gây ra hiện tượng sương mù, gây khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng và làm thay đổi theo hướng tiêu cực hệ sinh thái khu vực.


Để đối phó với hậu quả tiêu cực về thay đổi vi khí hậu, xuất hiện ở vùng hạ lưu các hồ chứa nước ở Sibiri, người ta đã nghiên cứu xây dựng kết cấu đặc biệt cho các công trình lấy nước, cho phép điều hoà được chế độ nhiệt của nước ở vùng hạ lưu bằng cách làm tường vây che nước ở các độ sâu khác nhau trong hồ chứa nước, do đó làm giảm được khoảng cách/không gian ảnh hưởng của nước nông. Trong tương lai, kết cấu đặc biệt của công trình dẫn nước nóng này có thể được áp dụng cho các công trình thuỷ điện trên các sông miền Đông Sibiri và Viễn Đông.


Hậu quả về xã hội


Tác động của công trình thuỷ điện đến tình hình xã hội ở khu vực xây dựng công trình, trước hết là phải di dời dân ra khỏi khu vực công trình và vùng sẽ bị ngập nước. Tác động tiêu cực thứ hai là sự thay đổi điều kiện khí hậu, sinh thái sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và hoạt động trong đời sống của nhân dân. Ngoài ra, có thể có những thay đổi điều kiện tác động của công trình thuỷ điện đến môi trường thiên nhiên.


Quá trình di dời, tái định cư cho người dân từng sống ở khu vực công trình thuỷ điện là vấn đề phức tạp nhất. Để di dời dân, cần phải xây dựng các điểm tái định cư thuận tiện cho sinh hoạt, phải xây dựng các công trình kỹ thuật, tạo thành tổ hợp các công trình văn hoá - xã hội. Ngoài ra, các dự án công trình thuỷ điện phải được xem xét phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành về đền bù giá trị công trình.


Trong các dự án công trình thuỷ điện hiện đại, người ta xem xét toàn bộ các biện pháp có liên quan với nhau và được trình bày trong một phần đặc biệt gọi là “Chương trình xã hội xây dựng”. Mục tiêu của chương trình này là nhằm giảm nhẹ căng thẳng về xã hội, giảm tác động tiêu cực của công trình đến đời sống xã hội, cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương.


Yêu cầu là phải tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường sẽ làm tăng chi phí chuẩn bị khu vực xây dựng hồ chứa nước. Khoản chi phí này thông thường chiếm từ 20 đến 50% tổng chi phí cụm công trình thuỷ điện, trong một số công trình đặc biệt, khoản chi phí này có thể chiếm tới 70% tổng chi phí.


Liên quan đến yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khai thác công trình thuỷ điện, gần đây xuất hiện khái niệm “An toàn sinh thái”. An toàn sinh thái là trạng thái bảo vệ lợi ích sinh thái quan trọng đối với đời sống con người, trước hết là tạo ra trạng thái sạch, đảm bảo thuận lợi cho sức khoẻ con người và môi trường thiên nhiên. Nếu xem xét theo các tiêu chí này, thì nhà máy thuỷ điện và hồ chứa nước không thải ra chất độc hại, gây ô nhiễm không khí, mộ số chất thải do nhà máy thuỷ điện xả ra nằm trong phạm vi cho phép của quy định hiện hành. Đây chính là những điều kiện để nhà máy thuỷ điện vẫn tiếp tục phát triển trên phạm vi toàn thế giới.


Nguồn tin: T/C Nhà thầu & thị trường xây dựng, số 1, 2/2005

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)