Đô thị hóa và việc xây dựng chính quyền đô thị

Thứ ba, 27/02/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đô thị hóa là hiện tượng lịch sử xảy ra ở hầu hết các tộc người, các quốc gia trên thế giới. Quá trình đô thị hóa diễn ra trong một giai đoạn dài nhưng phát triển mạnh mẽ nhất từ cuối thế kỷ XIX, suốt thế kỷ XX.

Cho đến nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nếu như trước đây quá trình đô thị hóa diễn ra chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ, thì ngày nay quá trình đó diễn ra không chỉ ở châu á, châu Mỹ La tinh, mà còn ở châu Phi. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hiện nay có khoảng 37% người dân châu Phi sinh sống ở các thành phố và con số này sẽ tăng lên trên 50% trong vòng 20 năm tới. Với đà tăng nhanh của cư dân sống trong các thành phố, châu Phi được coi là đã trải qua một quá trình đô thị hóa nhanh nhất.

 

Cũng theo nghiên cứu trên, thì vào những năm 2003 có 48% dân số thế giới khoảng 3 tỷ người sống ở các đô thị, tăng 33% so với năm 1990. Đến năm 2020, tức khoảng 15 năm nữa sẽ có 4,1 tỷ người khoảng 55% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị, trong đó 94% mức tăng này sẽ diễn ra ở nước đang phát triển.

 

Ở Việt Nam, xét theo tiêu chuẩn châu á mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, cư dân sinh sống trong các đô thị ở Việt Nam chiếm trên 20% dân số cả nước. Tuy nhiên, đô thị hóa ở các vùng miền khác nhau, quá trình này diễn ra cũng hết sức khác nhau. Vào thời điểm, khi cư dân sống trong các đô thị của nước ta chiếm trên 20% dân số, thì ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ số đó là trên 17%, trong khi đó ở các tỉnh miền Đông Nam bộ gồm TP Hồ Chí Minh chỉ số đó là 46%, cao gấp 2 lần so với chỉ số chung của cả nước. Đến năm 2001, dân số thành thị ở Việt Nam chiếm khoảng 25% dân số cả nước, ở Trung Quốc là 37% và ở Inđônêxia là 42%. Trong khi đó tại các tỉnh miền Đông Nam bộ là 63%, còn tại TP Hồ Chí Minh là 83,5%. Vào năm 2003, cư dân sinh sống trong các đô thị ở Việt Nam ước tính 23 triệu. Theo dự báo thì mỗi năm có thêm khoảng một triệu cư dân đô thị. Theo đà phát triển đó vào năm 2020, dân cư đô thị sẽ gấp đôi hiện nay.

 

Quá trình đô thị hóa nhanh, dẫn đến các thành phố lớn với số dân hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thì năm 2015, sẽ có 22 siêu thành phố- mà ở đó cư trú từ 8 triệu dân trở lên, và có 475 thành phố với số dân trên một triệu người. Tuy nhiên, quá trình siêu tập trung dân cư này sẽ diễn ra rất khác nhau. Các thành phố lớn của các nước công nghiệp phát triển như Tôkyô, Pari... quy mô dân số hầu như không có xu hướng gia tăng trong 10 năm tới. Thí dụ như thành phố Bombay ấn Độ dân số sẽ từ 18 triệu tăng lên 22 triệu, thành phố Thượng Hải từ 14,5 triệu tăng lên 17 triệu. Theo đà phát triển chung đó thì dân số TP Hồ Chí Minh vào năm 2015 cũng sẽ vượt ngưỡng 10 triệu người.

 

Đô thị hóa là tấm gương phản chiếu sự phát triển kinh tế của một quốc gia, một khu vực, chỉ khi số dân cư trong thành phố của một quốc gia cao hơn dân cư sinh sống ở vùng nông thôn thì kinh tế quốc gia đó phải có một trình độ phát triển tới mức nào đó, chứ không thể ở trình độ kém phát triển. ở Việt Nam, các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chiếm 27,3% GDP cả nước.

Trong xu thế phát triển chung của cả nhân loại, thì đô thị hóa là sự phát triển tất yếu của quá trình phát triển xã hội. Sự ra đời của những thành phố cùng với  quá trình hiện đại hóa đô thị làm sản xuất xã hội phát triển mạnh mẽ, đem lại những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc trong sự phát triển của tất cả các quốc gia, các khu vực trên toàn thế giới. Một điều hết sức lưu ý là, khi lực lượng sản xuất càng phát triển, trình độ xã hội hóa càng cao, thì tốc độ đô thị hóa và sự ra đời của các thành phố  ngày một lớn, vị trí trong nền kinh tế quốc dân ngày càng được khẳng định. Nhưng, cũng do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh với quy mô ngày càng lớn, sẽ làm cho sự phát triển kinh tế, xã hội, tổ chức quản lý đô thị không theo kịp, từ đó nảy sinh một loạt vấn đề cần được nghiên cứu để góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia, làm cho khu vực đô thị thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Đồng thời, chính sự phát triển này sẽ làm cho khả năng chống chọi và phục hồi tốt hơn đối với những biến động từ bên ngoài do những biến động lây nhiễm xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh chung đó, một trong những vấn đề cần quan tâm là xây dựng một chính quyền đô thị đủ mạnh để có thể quản lý đô thị trong tình hình hiện nay cũng như xu hướng phát triển chung của những thập niên tới. Muốn xây dựng chính quyền thành phố đủ mạnh phải thấy được những thách thức và những đặc điểm của các đô thị Việt Nam. ở đây chúng ta chỉ giới hạn tại TP Hồ Chí Minh, nhưng thực tế nó cũng là những nét chung của các đô thị Việt Nam.

 

Thành phần dân cư ở TP Hồ Chí Minh là rất đa dạng, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mang theo những nét văn hóa riêng của địa phương mình. Mật độ dân cư tập trung cao, có nơi trên 40.000 dân/1km2. Dân cư tập trung đông sẽ rất khó khăn cho việc quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động trong địa bàn dân cư. Hoạt động kinh tế của người dân cũng hết sức khác nhau. Có người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, có người là chủ các công ty TNHH, có người buôn bán nhỏ, có người làm nghề tự do. Chính sự đa dạng trong hoạt động kinh tế cũng sẽ rất khó khăn để thực hiện các công việc có liên quan đến lợi ích cộng đồng. Mặt khác, cư dân trên địa bàn thành phố theo những tôn giáo khác nhau, đây cũng là nét khác biệt cần phải lưu ý trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội tại cơ sở. Và cuối cùng là trình độ học vấn của cư dân tại thành phố nói chung và tại các phường xã nói riêng rất khác nhau.

 

Rõ ràng, nếu so với vùng nông thôn, thì địa bàn thành phố có rất nhiều điểm khác biệt ở hầu hết các thông số. Do vậy, việc xây dựng chính quyền đô thị và quản lý đô thị cũng rất khác với địa bàn nông thôn.

 

Trước hết, chính quyền đô thị phải tổ chức và quản lý đô thị của mình dựa trên luật pháp. Trên cơ sở của những văn bản pháp luật có tính chất chung của cả nước, của các ngành, chính quyền thành phố phải thể chế hóa cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố mình. Trong thực tế ở nước ta, các tỉnh thành trực thuộc Trung ương đều bị chi phối theo kiểu ngành dọc là cán bộ và theo ngành ngang là chính quyền địa phương. Một số vấn đề của địa phương thí dụ như quy hoạch thành phố thường có sự quản lý của Bộ chủ quản, nhưng lại thuộc lĩnh vực do chính quyền địa phương quản lý. Trên danh nghĩa, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng hay Sở Kiến trúc quy hoạch chịu trách nhiệm quản lý đô thị, nhưng nhiều bộ và sở ban ngành khác cũng có những trách nhiệm chồng chéo. Như vậy, để thúc đẩy tốt hơn quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả, cần trao nhiều quyền hạn hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý vùng lãnh thổ cũng như trong việc giải quyết các công việc thuộc quyền quản lý của mình. Một khi những quy định quản lý thành phố được thể chế hóa, cộng với việc trao quyền hơn nữa cho chính quyền địa phương, chắc chắn việc quản lý đô thị của các chính quyền địa phương sẽ có nề nếp và hiệu quả hơn.

 

Thứ hai, muốn xây dựng chính quyền thành phố mạnh, thì phải có một đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Đó là những người được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững luật pháp và có khả năng vận dụng những vấn đề chung nhất của luật pháp vào điều kiện cụ thể của địa bàn, am tường những vấn đề văn hóa, tôn giáo... để tham mưu cho lãnh đạo có hướng giải quyết tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Đội ngũ cán bộ các cấp tuy số lượng khá đông nhưng vấn đề quy hoạch, vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, nên khi giải quyết các vấn đề cụ thể cần thật hiệu quả. Mặt khác, do đội ngũ nhiều khi chỉ chú trọng đến chuyên môn, chưa trải qua nghiệp vụ đào tạo hành chính, cũng là lý do dẫn đến kém hiệu quả trong xử lý công việc. Vì vậy, ngoài việc nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực chuyên môn, cần lưu ý đến việc nâng cao nghiệp vụ cho từng đối tượng cụ thể.

Và cuối cùng, một chính quyền thành phố mạnh là đem lại lợi ích cho cộng đồng và người lao động. Như đã nói trên, do thành phần cư dân rất đa dạng, sự phát triển không đồng đều nên giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội của thành phố là rất phức tạp. Vấn đề xóa đói giảm nghèo, vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng..., vấn đề phát triển kinh tế bền vững của một thành phố phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý hiệu quả quá trình đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa được biết là có liên quan đối cực với tăng trưởng kinh tế về lâu dài. Những quốc gia có mức đô thị hóa cao thường có mức thu nhập theo đầu người cao hơn. ở một thành phố có thành phần dân cư đa dạng, hoạt động trong lĩnh vực kinh tế khác nhau, sự đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố do đó cũng không giống nhau, nên phân phối chắc chắn sẽ không đồng đều. Tỷ lệ người nghèo ở thành phố là thấp so với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do sự phát triển của thành phố nên nhu cầu lao động tăng, tạo nên dòng di cư nông thôn thành thị, mà người mới đến thành phố từ nông thôn lại là những người chưa có nghề nghiệp, chỉ làm những công việc không đòi hỏi kỹ thuật, nên lương thấp, làm cho tỉ lệ nghèo tăng lên. Sự phát triển năng động của thành phố sẽ góp phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo có hiệu quả hơn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bằng các giải pháp khác nhau đó, trong đó có việc tăng thêm các nguồn thu phí từ các dịch vụ cơ sở hạ tầng ở thành phố để đầu tư cho phát triển, làm công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả, tạo công bằng trong hưởng thụ xã hội.

 

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như là một xu hướng tất yếu trong thế giới hiện đại. Việt Nam không là ngoại lệ trong xu hướng phát triển đó. Nhưng từ một nước nông nghiệp đi lên công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ có rất nhiều việc phải làm trong đó có việc xây dựng chính quyền thành phố. Đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, nhưng cũng là một vấn đề cần được tham khảo từ nhiều phía mới có hiệu quả.

 

GS.TS Ngô Văn Lệ

Hiệu trưởng trường Đại học KHXH và NV TPHCM

 

www.hanoimoi.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)