Dự án Tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải tại 4 quận nội thành Hà Nội: Làm giàu từ rác?

Thứ hai, 26/02/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trung tuần tháng 2/2007, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Nhật Bản JICA đã tổ chức hội nghị “Sáng lập các ngôi sao 3R Hà Nội” nhằm liên kết, thiết lập mạng lưới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Đây là một phần của Dự án Tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải tại 4 quận nội thành Hà Nội Dự án 3R – Hà Nội triển khai từ nay đến 2009.

Biến rác thành phân hữu cơ sạch

Áp Tết Đinh Hợi, làng hoa Tây Tựu Từ Liêm – Hà Nội vào vụ thu hoạch. Trên ruộng hoa hồng rộng hơn 400 mét vuông, chị Lê Thị Yến ở thôn Trung, xã Tây Tựu đang thoăn thoắt cắt những nụ hồng vừa to vừa đều, kịp đưa bán dịp Tết. Chị Yến cho biết, một năm gia đình trồng 2 vụ, vụ hè và vụ đông, mỗi vụ kéo dài khoảng 4 tháng. Hoa hồng trồng được cả hai vụ, còn cúc chủ yếu vào vụ đông. Khác với trồng lúa, từ khi ươm mầm hoa cho tới lúc được thu hoạch, ngày nào cũng phải tưới, phun thuốc, tỉa mầm... Trước đây, nhà chị phải ủ phân chuồng, phân xanh để bón lót, tăng độ mùn cho đất, song từ gần 4 năm nay, gia đình chị cũng như nhiều hộ trồng hoa ở Tây Tựu chuyển sang dùng phân hữu cơ CD1, CD2 của Nhà máy chế biến phế thải Cầu Diễn. “Trước đây làng rất nhiều ruồi muỗi do dùng các loại phân ủ truyền thống . 3-4 năm nay, chúng tôi dùng loại phân hữu cơ mới này, làng sạch, cây sạch”, chị Yến nói.

Hơn 3000 hộ trồng hoa ở Tây Tựu cũng đang sử dụng loại phân hữu cơ này. Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã số 2 Tây Tựu cho biết hàng năm, xã tiêu thụ khoảng 50-100 tấn phân hữu cơ CD1, CD2. Phân hữu cơ CD1 và CD2 được sản xuất từ rác hữu cơ ở Hà Nội. Rác này sau khi nghiền nhỏ thành mùn sẽ ủ và trộn với vi sinh có ích, khử mùi hôi. Ngoài sự tiện dụng, loại phân này phù hợp với nhiều loại cây trồng, giúp đất tăng độ phì nhiêu, cây sinh trưởng và chống sâu bệnh tốt.

Tăng cường vai trò tổ trưởng tổ dân phố và người nông dân

Sử dụng phân hữu cơ từ rác thải là một mắt xích quan trọng trong chu trình xử lý chất thải 3R ở Hà Nội. Dự án 3R – Hà Nội tập trung vào 3 vấn đề lớn: Tái chế - tái sử dụng và giảm thiểu rác thải. 3R sẽ giúp cho việc tiết kiệm chi phí thu gom, xử lý rác; tiết kiệm không gian chôn lấp; giảm nguy cơ suy thoái môi trường. Dự án sẽ tiến hành thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, tập trung phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ. Rác hữu cơ được chở tới nhà máy Cầu Diễn để sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Yoichi Nisimura, Phó trưởng đoàn nghiên cứu của JICA, tham gia Dự án từ tháng 10/2006, khẳng định người nông dân đóng vai trò lớn trong việc quản lý, giải quyết rác thải một cách hiệu quả.

Nếu hoạt động phân loại rác tại nguồn triển khai có hiệu quả thì lượng rác hữu cơ đầu vào sản xuất phân bón sẽ tăng lên. Song ở nhiều vùng nông thôn, người nông dân thường chỉ dùng phân hữu cơ tự ủ hoặc phân vô cơ. Vậy làm thế nào để vừa phân loại rác tại nguồn tốt, vừa xử lý được lượng rác ngày một nhiều lên, ông Yoichi Nisimura cho biết:

- Đó chính là lý do để Dự án triển khai hoạt động “Các ngôi sao 3R Hà Nội”, nhằm gắn kết các bên liên quan: đơn vị  thu gom – người dân thải rác - nhà máy xử lý rác - nông dân sử dụng phân bón chế biến từ rác. Các bên liên quan sẽ phối hợp, cùng nhau quản lý rác thải, tạo ra mối quan hệ thân thiết, thiết lập được chu trình xử lý: Rác - sản phẩm - rác - sản phẩm. Các cuộc họp của “Các ngôi sao 3R Hà Nội” tới đây sẽ có mặt tất cả các đơn vị đại diện.

Nghĩa là tạo ra một diễn đàn để mọi thành viên có thể trao đổi, đóng góp ý kiến?

 

- Đúng vậy. Ngoài các nhà máy thu gom rác, chế biến rác, có hai thành phần “tư nhân” đóng góp quan trọng vào thành công của dự án. Đó là người nông dân và tổ trưởng tổ dân phố. Chúng tôi rất muốn thu hút những tổ trưởng tổ dân phố, khu vực thực hiện thí điểm tham gia Dự án vì để phân loại rác thải tại nguồn thành công, phải đôn đốc từ từng gia đình, từng tổ dân phố. Còn người nông dân chính là người tiêu thụ “đầu ra” cho rác.

Đôn đốc, nhắc nhở người dân vốn là nhiệm vụ của các tổ trưởng dân phố, còn với nông dân, làm thế nào để lôi cuốn được họ tham gia tích cực vào Dự án?

- Trong các cuộc họp tới đây của “Các ngôi sao 3R Hà Nội”, người nông dân sẽ được mời đến với tư cách người sử dụng sản phẩm. Họ sẽ nói về nhu cầu sử dụng phân hữu cơ, từ đó chúng tôi có những biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu này. Đó là một biện pháp kích cầu. Bởi khi lượng sản phẩm nhiều lên, ta phải nghĩ tới thị trường tiêu thụ. Có một cách nữa để giải quyết rác hữu cơ, đó là đưa rác hữu cơ đã qua xử lý sơ bộ đến các nông hộ để người nông dân tự ủ thành phân hữu cơ, nghĩa là một gia đình có thể thành lập một “nhà máy sản xuất phân hữu cơ thu nhỏ”. 

Theo TN & MT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)