Chiều 26/7, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ thông xe cầu Thành Cổ và đường dẫn thuộc dự án tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Quảng Trị, có tổng mức đầu tư hơn 680 tỷ đồng.
Cầu Thành Cổ dài 311 m, mặt cầu rộng 11 m, bề rộng lề bộ hành và lan can mỗi bên 2 m, nối đôi bờ sông Thạch Hãn - nơi ghi dấu những sự kiện bi hùng trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cầu Thành Cổ được xây dựng ở vùng đất linh thiêng, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đồng bào, chiến sĩ và nhân dân cả nước đến viếng thăm, tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Công trình nối liền 2 trung tâm hành chính kinh tế là thị xã Quảng Trị và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, đồng thời giảm tải giao thông cho Quốc lộ 1A.
Chiều cùng ngày, tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ Phát triển du lịch hoài niệm tổ chức khánh thành công trình tượng đài Hoài Niệm.
Tượng đài được làm bằng chất liệu đá rubi đỏ nguyên khối, có bố cục hình tượng trung tâm là mảng tường Thành cổ Quảng Trị loang lổ vết bom đạn, một tấm áo choàng rũ xuống ôm lấy thân đài. Phần còn lại của mảng tường là dải mây để từ đó bay lên những cánh chim hòa bình giữa không gian bao la. Giữa thân đài là hàng quân nối đuôi nhau, được tạc ở dạng phù điêu đi sâu vào trong tường thành. Dưới chân tường thành là lớp lớp sóng - biểu tượng của dòng sông Thạch Hãn.
Khánh thành tượng đài Hoài Niệm. Ảnh: VGP/Thế Phong
Mảng tường thành đầy thương tích được đặt trên một đồi nhỏ, cao 4 m, nặng 10 tấn, thể hiện một nấm mồ vô danh với thảm cỏ xanh mướt. Một vòng đai đá nhỏ rộng 1 m, cao 0,5 m ôm trọn lấy nấm mồ, phía trên có 9 cột đồng, nâng đỡ 9 bông sen.
Tượng đài Hoài Niệm là một công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc độc đáo, giàu ý nghĩa nhân văn, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Công trình có tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm trong cả nước thông qua Quỹ Hòa bình và phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, tại Quảng Trị có trên 500 di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa sâu sắc cũng như thể hiện tính dân tộc và thời đại vô cùng to lớn, là một bảo tàng sinh động nhất về cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc ta. Tượng đài Hoài Niệm được khánh thành sẽ tô điểm thêm hệ thống di tích Quảng Trị, đồng thời tạo điểm đến cho du khách gần xa trong các tour du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội.
Dịp này, Quỹ Phát triển du lịch hoài niệm phối hợp với UBND thị xã Quảng Trị trao tặng 100 suất quà cho các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, con em các gia đình chính sách trên địa bàn.
Cùng ngày, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức khánh thành công trình Tháp chuông Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị với tổng mức đầu tư 900 triệu đồng, trong đó VNPT đầu tư 700 triệu đồng.
Cắt băng khánh thành tháp chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị. Ảnh: VGP/Thế Phong
Công trình hoàn thành đáp ứng tâm nguyện của cán bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị cũng như của đồng bào, chiến sĩ cả nước khi đến viếng đồng đội, thân nhân tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Quảng Trị - nơi yên nghỉ của hàng trăm anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, việc khánh thành công trình nhằm góp phần phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, qua đó nhằm nhắc nhở thế hệ hôm nay sẽ không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, phấn đấu để tiếp bước truyền thống của cha anh đi trước, tiếp tục sống, cống hiến cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc Việt Nam.
Theo chinhphu.vn