Ngành Xây dựng: Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những điển hình tiên tiến “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”

Thứ tư, 04/11/2015 14:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hơn 57 năm xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn, ngành Xây dựng đều vinh dự được Nhà nước giao thi công các công trình trọng điểm quốc gia. Trong quản lý, tổ chức thi công, các phong trào thi đua yêu nước luôn được coi trọng, được tính đến như một yếu tố để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, góp phần cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động.

Chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến

Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống quý báu, là nét đẹp của ngành Xây dựng. Qua các phong trào thi đua, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) ngành Xây dựng đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, tài trí sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW, ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn”, trong những năm qua, CĐXDVN và các cấp công đoàn có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Với phương châm hướng về cơ sở và người lao động, CĐXDVN chỉ đạo và hướng dẫn các cấp công đoàn thường xuyên phát động các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Thông qua những phong trào thi đua đó, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đặc biệt là những người lao động trực tiếp sản xuất.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, CĐXDVN liên tục tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến nhằm tôn vinh CNVCLĐ có thành tích xuất sắc. Tổng số người được biểu dương là 1.350 người. Trong đó, công nhân 980 người (72,6%); cao đẳng, trung cấp 45 người (3,3%); kỹ sư, cử nhân 325 người (24,1%); đại biểu nữ 115 người (8,5%). Trung bình, mỗi cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương hàng năm đại diện cho khoảng 1.200 CNVCLĐ.


Những cá nhân điển hình đó là những người được tập thể phát hiện, bồi dưỡng, công khai, dân chủ, là đại diện xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Họ là những người trực tiếp lao động sản xuất, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có trình độ học vấn, tay nghề và thời gian công tác, điều kiện làm việc khác nhau; song tất cả đều là những người lao động giàu nghị lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn khát khao tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc và góp phần xây dựng đơn vị phát triển bền vững.

CĐXDVN còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Những tấm gương tiêu biểu được đăng trang trọng trên bản tin phát hành hằng tháng và trang web của CĐXDVN. Trước, trong và sau Tháng Công nhân (tháng 5), tháng diễn ra Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, CĐXDVN phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình đưa tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về các tấm gương điển hình tiên tiến. Các công đoàn trực thuộc phối hợp với chuyên môn tổ chức gặp gỡ, động viên đại biểu điển hình tiên tiến của đơn vị mình, đồng thời tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tiếp tục phấn đấu để được lựa chọn, biểu dương ở năm tiếp theo.

Có thể khẳng định, công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến do CĐXDVN tổ chức thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ phát triển, nhất là phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia và phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thực sự trở thành động lực to lớn cổ vũ CNVCLĐ vươn lên lập nhiều thành tích trong lao động sản xuất, công tác.

Sôi nổi thi đua trên các công trình trọng điểm

Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được đông đảo CNVCLĐ nhiệt tình hưởng ứng, trong 5 năm (2010 - 2014), có 4.620 sáng kiến, đề tài được áp dụng với tổng giá trị làm lợi hơn 1.705 tỷ đồng; 115 cá nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo, 4 cá nhân được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, 10 cá nhân được tôn vinh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam”, 01 cá nhân vinh dự nhận Giải thưởng nữ tài năng, sáng tạo. Phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, trong đó phần lớn là CNVCLĐ ngành Xây dựng, đã góp phần đưa 6 tổ máy vào vào hoạt động vượt tiến độ, hoàn thành công trình trước 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội và 2 năm so với tiến độ kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, làm lợi khoảng 40.000 tỷ đồng. Trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu, phong trào thi đua liên kết tiếp tục phát huy hiệu quả. Sau hơn 4 năm thi công, các công đoàn thuộc ngành Xây dựng đã tổ chức 46 đợt thi đua, chiến dịch thi đua, góp phần vào việc đảm bảo tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015, tiến tới hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm hơn 1 năm so với tiến độ phê duyệt.

Từ những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước, Bộ Xây dựng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và 2 Huân chương Hồ Chí Minh; Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất; 35 tập thể và 43 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.


Từ thực tiễn tổ chức phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến những năm qua, CĐXDVN rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng là hết sức cần thiết đối với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.

Hai là, các phong trào thi đua phải thiết thực, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khen thưởng cần chính xác, kịp thời, đặc biệt quan tâm đến đối tượng là công nhân, người lao động trực tiếp.

Ba là, từ các phong trào thi đua đã phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng cá nhân điển hình tiên tiến một cách công khai, dân chủ; việc tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến được tiến hành kịp thời sẽ phát huy được tác dụng và tạo động lực phấn đấu trong CNVCLĐ.

Bốn là, thành tích đạt được của công nhân lao động là rất xứng đáng, họ có thể dễ dàng thực hiện những công việc có yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng khi được yêu cầu viết thành tích để xét khen thưởng lại rất khó khăn. Bởi vậy, các cấp công đoàn cần phối hợp với bộ phận chuyên môn quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ để những công nhân có thành tích xuất sắc được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Năm là, để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, cần tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng hợp lý và bố trí cán bộ có đủ năng lực, công tâm, nhất là ở các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cơ sở.


Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bình

Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,
Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng,
Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam.

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)