Từ dấu ấn trên những công trình
Xí nghiệp 45-1 được tách ra từ Liên hợp lắp máy 45 sau khi đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là lắp đặt thành công toàn bộ thiết bị nhà máy thủy điện Trị An (công trình lớn nhất phía Nam sau ngày thống nhất đất nước). Thời kỳ 1990 - 1992, gần 700 con người từ phía Bắc vào làm công trình, bây giờ cắt ra ở riêng, lưng vốn chỉ còn vài chục xe máy, thiết bị. Họ dắt díu nhau xuống khu Long Thành (Đồng Nai) lập trụ sở và đi tìm việc làm. Lê Văn Tuấn nhập vào đội quân số nhận chế tạo các loại thiết bị lắp ráp tại Nhà máy liên hợp thực phẩm Vedan. Hợp với sở thích, ngay từ lúc đầu Tuấn đã cùng nhóm kỹ thuật nghiên cứu đưa ra những giải pháp thi công hợp lý; làm nhanh gọn từng hạng mục, được chủ đầu tư người Đài Loan vốn cẩn trọng chặt chẽ về khâu kỹ thuật ưng ý, rồi liên tục giao thêm nhiều hạng mục chế tạo khác cho 45-1. Tiếp đó 45-1 đấu thầu dự án xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu Kosvida ở Bình Dương. Tuấn đề xuất với ban giám đốc là sẽ nhận thầu trọn gói - chìa khóa trao tay, có như vậy mới tạo thương hiệu, nhằm phát triển xí nghiệp lên cấp Cty. Đề xuất táo bạo của Lê Văn Tuấn được lãnh đạo chấp thuận (cho dù đây là khâu đột phá mạo hiểm) nhưng do không được phân công làm trưởng điều hành nên Lê Văn Tuấn tự ái, định bỏ cuộc. Nghe lời phân giải của người đứng đầu Cty nên Tuấn đã tiếp tục tham gia bằng rất nhiều biện pháp thi công hữu hiệu đến khi hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư người Singapore.
Năm 1995 tại Tràng Kênh (Hải Phòng), nhà đầu tư Đài Loan đặt xây dựng nhà máy xi măng công suất 1,4 triệu tấn/năm và thuê hãng Teisei (Nhật Bản) làm tổng thầu. Nhưng chỉ có bản vẽ, thiết kế tổng thể, còn lại máy móc và nhân công thì không có. Cty Lắp máy 45-1 mạnh dạn đảm nhận chế tạo 6 nghìn tấn thiết bị và lắp đặt toàn bộ nhà máy. Kỹ sư Lê Văn Tuấn được chỉ định phụ trách công việc này. Mới hơn 30 tuổi vừa kinh qua dăm ba công trường mà công việc sắp xếp đâu vào đấy. Lúc đầu chỉ có gần 400 thợ, sau phải điều động thêm đến trên 1.000 thợ làm việc suốt ngày đêm. Hơn 6.000 tấn sắt thép ùn ùn từ cảng dồn về, lần lượt được những người thợ lắp máy chế tác ra sản phẩm phân ra từng hạng mục và sau này lắp ráp vào nhà máy đều không có nhiều sai xót lớn. Vào thời điểm này nhận chế tạo khối lượng thiết bị khổng lồ, ngay tại chân công trình là điểm đột phá đầu tiên cho công cuộc nội địa hóa ngành cơ khí chế tạo trong nước, Lê Văn Tuấn đã chấp nhận sự đánh cược cả bản thân mình với những điều khoản ký kết trong hợp đồng với chủ đầu tư và nhà thầu rằng: Nếu làm sai sẽ phải mua vật tư thay thế và làm chậm phải bồi thường bằng ngoại tệ. Căng thẳng là thế, nghiệt ngã là vậy nhưng thợ lắp máy Việt Nam đã không chỉ bàn giao đúng hẹn mà độ chuẩn xác thì ngay cả chủ lẫn nhà tổng thầu đều gật đầu thán phục. Từ thành công này đã khiến cho nhà đầu tư người Pháp đến Tây Ninh xây dựng nhà máy đường lớn nhất Đông Dương mang tên Bourbon thời điểm 1995 - 1996 đã tìm đến 45-1 ký hợp đồng thiết bị nhà máy và Lê Văn Tuấn lại được phân công chỉ huy công trình. Lúc đầu người Pháp còn nghi ngại, Bourbon chỉ giao cho đơn vị Tuấn chế tạo 2.000 tấn gồm các thiết bị đơn giản. Nhưng sau một thời gian ngắn, khi nhìn tay nghề cùng số máy móc của thợ lắp máy Việt Nam, Bourbon đã giao nốt hơn 1.000 tấn còn lại toàn là khối thiết bị các hạng mục thiết yếu như bình bể, lọc bụi, gầu phễu của nhà máy cho 45-1 chế tạo. Nhận bàn giao công trình những chuyên gia Pháp thành thật cảm phục Lê Văn Tuấn một người chỉ huy tài ba, nắm vững kỹ thuật, đặc biệt ông là người nhanh nhạy, quyết đoán.
Tôi đã gặp và biết về cá tính bộc trực tinh thần quả quyết của Lê Văn Tuấn từ công trình nhận thầu trọn gói nhà máy thuốc trừ sâu Kosvida ở Bình Dương lúc anh tự ái định ra đi. Đến năm 1998, gặp lại anh lúc tuổi đời chưa đầy bốn chục, khi Tuấn được giao làm chỉ huy trưởng thi công công trình tại Nghi Sơn (Thanh Hóa). Nghi Sơn là dự án xây dựng nhà máy máy xi măng công suất lớn do hãng Mitsubishi Nhật Bản là nhà thầu cung cấp thiết bị hợp đồng với Lilama chế tạo và lắp đặp toàn bộ thiết bị nhà máy. Với số lượng thiết bị nhiều gấp đôi ở Chinh Phong (Hải Phòng) và mọi thủ tục đối với Mitsubishi cũng nghiệt ngã chặt chẽ, thận trọng không khác gì những đối tác trước. Với hàng núi sắt thép trùng điệp cùng 4.000 con người ngày đêm lao động rầm rập trên đại công trường, người tổng chỉ huy bé nhỏ kia cứ như con thoi sông sáo vật lộn với mớ thống kê kỹ thuật và những biện pháp thi công nhằm tới mục tiêu hoàn thành tiến độ, bàn giao bảo đảm chất lượng kỹ thuật.
Đi làm “đại sứ” của ngành Lắp máy
Những năm 2005 - 2008 Lilama đã trực tiếp làm Tổng thầu EPC và nhiều dự án lớn, trong đó có những công trình quan trọng tầm quốc gia như: Dự án lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) các KCN liên hợp mới như: Công trình khí - điện - đạm Cà Mau và đặc biệt là công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Kỹ sư Lê Văn Tuấn được biệt phái làm đại diện cho ngành lắp máy chỉ huy lắp công việc toàn bộ thiết bị hệ thống điện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - một dự án quan trọng với tính chất nghiêm ngặt lại đòi hỏi sự chính xác cao, Lê Văn Tuấn đã cùng ban điều hành ăn ngủ hàng năm trời ngay cạnh nơi thi công để thường xuyên đến tận nơi các tổ đội làm việc kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các sự vụ. Khi công trình sắp kết thúc bàn giao thì Lê Văn Tuấn lại được điều đến Quảng Ngãi làm tổng chỉ huy công việc chế tạo và lắp thiết bị tại khu lọc hóa dầu. Với hơn 4.000 người thợ của năm, bảy Cty trực thuộc cùng tham gia thi công một công trình mới lần đầu tiên xây dựng trong nước, đây quả là áp lực không nhỏ về mọi phương diện: Tiền vốn, vật tư, thiết bị, điều hành nhân lực và trên tất cả là công tác kỹ thuật trong khâu chế tạo và lắp thiết bị lọc dầu. Điều hành một tổ hợp với nhiều hạng mục hóc búa cùng với hàng vạn nhân lực trên một đại công trường có sản lượng hàng trăm triệu USD quả là áp lực lớn đòi hỏi người cầm lái phải thật bản lĩnh, trí tuệ chừng nào. Đến khi triển khai xây dựng cụm công nghiệp Khí - điện - đạm Cà Mau thì Lilama đã được chỉ định là nhà thầu chính về chế tạo và lắp thiết bị, cùng lúc Lilama đã ký hợp đồng tổng thầu EPC làm 3 nhà máy điện với tổng giá trị trên 1 tỷ USD. Có tới gần 7.000 thợ lắp máy và kỹ sư các loại đến Cà Mau để thực thi công việc và không ai khác, Lê Văn Tuấn lại được giao làm “đại sứ” toàn quyền điều hành dự án.
Khi công trình này được hoàn thành bàn giao, đã có những chuyên gia đầu ngành điện, xây lắp dầu khí nhận xét rằng, với công việc thi công cho cả 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 có tổng công suất 1.500MW như thế này thì phải mất 10 năm mới xong. Nay có Lilama, toàn bộ dự án đã hoàn thành bàn giao chưa đầy 2 năm. Đó là kỷ lục hiếm thấy trong khu vực!
Rồi một ngày tháng giêng năm 2001, Lê Văn Tuấn xuất hiện ở TP.HCM với cương vị là Tổng giám đốc Cty Lilama 18. Đây là DN mà hơn 20 năm trước là anh cả của ngành Lắp máy. Khi Tuấn về tiếp quản, DN đang trong tình trạng suy thoái, nợ nần tiền tỷ lên tới ba con số. Tuấn lại phải tự cơ cấu lại bộ máy, cải tổ các chi nhánh, xí nghiệp, các xưởng cơ khí, tổ chức lại sản xuất, tìm việc làm để giữ người có tay nghề cao, lần lượt tìm phương cách để trả nợ. Là người năng động, Lê Văn Tuấn tìm được hợp đồng lắp đặt thiết bị Nhà máy thủy điện Đại Ninh ở Lâm Đồng, nhận thầu thi công đường ống dẫn khí ở cảng Cái Mép và KCN Phú Mỹ (Bà Rịa). Đúng thời điểm đó, một tập đoàn công nghiệp từ Thái Lan đến Lilama 18 thỏa thuận hợp đồng xây dựng trọn gói nhà máy xi măng công suất 1 triệu tấn/năm tại tỉnh Campot - Campuchia. Đáng ra thi công một dự án lớn này ở nước ngoài phải cần tới trên dưới 1.000 người thợ, nhưng Lê Văn Tuấn chỉ tuyển cử hơn 300 người có kinh nghiệm đã từng thi công các nhà máy xi măng trước đây sang làm; Tuấn vay tiền mua mới các cẩu trục có sức nâng lớn và những xe máy thiết bị cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng, thi công nhanh. Tuấn không ngồi ở cơ quan quá nhiều mà thường dành thời gian đi chạy việc hoặc đến các công trình cùng các đơn vị thi công. Vào những năm 2005 - 2008, Lilama 18 đã ký được những hợp đồng lắp đặt thiết bị lớn như: Nhiệt điện Vũng Áng 1; làm tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 công suất 750MW, tạo nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng.
Thực hiện ý định tạo dựng cho Lilama 18 trở thành đơn vị có thương hiệu thực thụ, vững chắc về công tác chế tạo thiết bị cơ khí chất lượng cao, Lê Văn Tuấn sang Bình Dương thuê đất dài hạn xây dựng một nhà máy chế tạo có quy mô, hiện đại và bước đầu đã đạt nhiều thành quả. Hơn 5 năm qua, tại đây, Lilama 18 đã nhận chế tạo theo đơn đặt hàng các thiết bị như lò nghiền xi măng, cần trục, đường ống dẫn khí… xuất khẩu đi các nước Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Myanmar, Nhật, Nga, Malaysia, Indonesia, Singapore… có giá trị sản lượng hàng tỷ USD. Nơi đây triển vọng sẽ là địa chỉ tin cậy cho khách hàng có nhu cầu về chế tạo thiết bị ở trong nước và nước ngoài. Năm 2014 Hiệp hội Châu Âu đã bình chọn Lilama 18 để trao tặng giải thưởng quốc tế ESQR về chất lượng cơ khí chế tạo. Trước đó cuối năm 2013, Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn đại diện ngành Lắp máy Việt Nam đã được mời đến Bangkok (Thái Lan) nhận giải vàng duy nhất của Asean Power Awards do Tạp chí Điện lực Châu Á - Thái Bình Dương bình chọn do đạt được những thành công lớn về công tác lắp đặt nhà máy điện nhanh nhất so với kế hoạch tại Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) công suất 750MW.
Trước khi rời nhiệm sở Lilama 18 ra Thủ đô nhận trọng trách chức Tổng giám đốc TCty Lilama, Lê Văn Tuấn không chỉ hoàn thành việc trả xong món nợ cũ tồn tại mà còn gây dựng một Limala 18 có vị thế, uy tín với nguồn vốn kinh tế sở hữu khá giả, một đội ngũ thợ thuần thục, gắn bó… Cũng tại đây, năm 2009, Lê Văn Tuấn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, xứng đáng với công lao của gần một đời người đi tiên phong và cống hiến cho nghề nghiệp chế tạo cơ khí và lắp thiết bị.
5 năm lại đây, với cương vị là người đứng đầu một nghề mũi nhọn trong ngành Xây dựng Việt Nam, Lê Văn Tuấn vẫn đau đáu một nỗi niềm, một ước mong sao cho nghề chế tạo cơ khí ở Việt Nam sẽ phát triển để công tác nội địa hóa đạt đỉnh cao trong hội nhập khu vực và quốc tế. Lê Văn Tuấn như tôi biết, là người trầm lặng, bình dị, không ồn ào, ít khi kể về mình, ngay cả với văn đàn, báo chí… nhưng ông lại người giàu nhân ái, có tình cảm sâu nặng, luôn sẵn lòng tương trợ yêu mến đồng đội và nhớ ơn cội nguồn.
Theo Báo Xây dựng điện tử