Hoàn thành đập dâng Thủy điện Lai Châu: Kỳ tích mới của thợ Sông Đà 9

Thứ tư, 06/05/2015 15:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời tiết ở khu vực Nậm Nhùn thuộc tỉnh Lai Châu, nơi đặt địa điểm xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu, những ngày cuối tháng 4 liên tục dội xuống những trận mưa rào xối xả gây trở ngại lớn cho công tác thi công trên toàn công trường, đặc biệt làm gián đoạn việc đắp đổ bê tông trên mặt đập. Thủy điện Lai Châu đang phải tập trung cao độ lực lượng xe - máy và thợ thi công của tất cả các nhà thầu trên công trường để hoàn thiện công tác đắp đập, tháo dỡ đê quây giai đoạn 2, đổ bê tông vai phải, khoan phun gia cố, chống thấm mái đập, phá dỡ tường phân dòng... tiến tới ngăn sông đợt cuối nhằm tích nước hồ chứa chuẩn bị cho khởi động tổ máy số 1 vào cuối năm 2015.

Đập dâng nước ngăn sông Đà tại Thủy điện Lai Châu có chiều cao 110m, bề rộng đáy đập 90m được đắp đổ với khối lượng 1,9 triệu m3 bê tông đầm lăn. Ban điều hành Tổng thầu dự án đã giao công việc quan trọng này cho Cty CP Sông Đà 9. Ngay từ khi khởi công, Sông Đà 9 đã điều động đến công trường 3 xí nghiệp với tổng quân số khoảng 1.000 thợ và trên 200 xe cơ giới làm các phần việc chủ lực như san, ủi mặt bằng, bóc phủ mỏ đá, đào kênh dẫn dòng, đào đắp đê quây giai đoạn 1 - 2; đồng thời khai thác đá tại mỏ cung cấp cho các trạm nghiền phục vụ toàn công trường. Kỹ sư Đinh Văn Đại - Giám đốc Xí nghiệp 9.08 cho hay có khoảng 600 cán bộ, kỹ sư, công nhân, trong đó 2/3 là kỹ sư kỹ thuật, công nhân lái xe - máy và thợ sửa chữa bậc cao. Những ngày đầu đến công trường, Sông Đà 9 đã đầu tư riêng cho Xí nghiệp 9.08 gần 100 đầu máy thiết bị cùng các phương tiện cơ giới bao gồm máy xúc, máy đầm, máy gạt ủi, xe vận chuyển đất đá và xe chuyên dụng chở bê tông các loại để chỉ riêng phục vụ cho công tác đắp đổ bê tông đầm lăn đập dâng nước của nhà máy. Việc đắp đổ bê tông công nghệ mới (RCC) không hề đơn giản, cần có sự phối hợp vận hành đồng bộ từ khâu khai thác vật liệu, cốt liệu, máy nghiền sàng đá, trạm trộn công suất lớn loại 730m3/h, nhà máy sản xuất đá lạnh (loại phụ gia riêng để trộn bê tông) khâu sản xuất, vận chuyển đến công tác trên dây chuyền băng tải cung cấp điện nước… Để sản xuất ra mác bê tông đầm lăn, Sông Đà 5 đã đầu tư một dây chuyền thiết bị của hãng Lieb-Heer (CHLB Đức) với giá 23 triệu USD. Tháng 3/2013, Xí nghiệp 9.08 huy động 4 chiếc xe vận tải siêu trọng loại 40 tấn, 2 máy xúc loại 2,3m3/gầu, 3 máy ủi, 3 máy đầm nén, 2 máy đánh sờm bê tông cùng với gần 200 cán bộ kỹ thuật và công nhân tập kết tại mặt bằng hiện trường Nhà máy và tiến hành đổ những khối bê tông đầu tiên tại móng đập. Kể từ giây phút ấy, toàn bộ lực lượng xe - máy thi công nói trên được xác định làm nhiệm vụ thi công đập cho tới khi hoàn thành. Kỹ sư Lê Đình Quang - Trưởng phòng thi công Xí nghiệp 908 cho biết, từ khi mẻ bê tông đầu tiên đắp đổ xuống móng đập thì Xí nghiệp 9.08 cũng bắt đầu làm việc 3 ca liên tục. Đó cũng là thời điểm nhà máy sản xuất bê tông cho ra thành phẩm không ngừng nghỉ (nếu không gặp sự cố hoặc trời đổ mưa). Trên mặt đập thường xuyên có cả trăm công nhân với ngót 20 đầu xe máy túc trực để thực hiện quy trình đắp đổ khi bê tông di chuyển trên cầu băng tải dài 2km đến phễu đổ, rót xuống các xe tải loại 40 tấn rồi được vận chuyển đến địa điểm theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật đổ xuống mặt đập, theo đó các máy ủi D5 có gắn thiết bị định vị lazer san gạt ra thành một lớp dày 0,35m để cho 5 máy lu hiệu Dinapak loại 18 tấn tiến hành đầm nén trên lớp bê tông mới đổ, chừng nào toàn bộ khối đổ được nén xuống chỉ còn dày 0,30m - đáp ứng chỉ số rung trọng đúng với tiêu chuẩn thiết kế - thì mới được đổ khối tiếp theo. Tuy nhiên, các máy san, gạt, đầm nén không thể tác động đến các khe, biên khi có bê tông tràn ra, do đó các nhóm lao động thủ công dùng dầm dùi dọc biên cốp-pha và biên mái đổ, cắt khe biến dạng đến quy trình bảo ôn. Giám đốc Đinh Văn Đại chia sẻ: “Bê tông đầm lăn được sản xuất và đắp đổ theo quy trình khép kín, đồng bộ. Đặc biệt, chất lượng bê tông phải luôn trong điều kiện nhiệt độ 220C - vì đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng toàn bộ thân đập, bắt buộc người thực thi trên mặt đập phải kiểm nghiệm thật chuẩn xác - một khi nhiệt độ bê tông vượt quá độ lạnh cho phép dù chỉ cao hơn 1 - 20C cũng phải dừng ngay việc thi công, và khối bê tông đó coi như không còn tác dụng”.

Thời tiết tại khu vực thi công khắc nghiệt hơn các địa phương khác bởi các trận mưa, lốc bất thường hoặc nắng cháy gay gắt. Vì vậy, hầu hết cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật và công nhân Xí nghiệp 9.08 đều được rèn luyện ý thức phòng tránh trong điều kiện thời tiết mưa - nắng thất thường. Mùa nắng nóng thì dùng máy phun sương (mưa bụi) phun đều trên mặt đập để đảm bảo bê tông giữ độ ẩm luôn đạt mức 220C. Còn trời mưa thì phải sử dụng bạt che phủ kín bề mặt bê tông. Nếu không kịp thời khi bê tông chưa đạt độ kết dính thì coi như mẻ bê tông đó phải đổ bỏ, thiệt hại tới vài ba tỷ đồng. Đắp đập Lai Châu, như giám đốc Đại nói, thì có tới hàng trăm trận mưa đổ xuống mặt đập trong suốt thời gian hơn 2 năm thực hiện hạng mục này. Dù vậy, chưa một lần cánh thợ Sông Đà 9.08 chịu thua trước với những trận mưa. Họ đã chống đỡ thành công bằng các biện pháp che đậy, thấm hút nước, xử lý bề mặt, cạo tẩy và dọn sạch sẽ bề mặt đập sẵn sàng cho các mẻ bê tông đổ tiếp theo.

Tôi còn nhớ, cách đây gần 5 năm, ngày 25/8/2010 đội quân Sông Đà 9 lần đầu tiên tiếp cận với quy trình công nghệ đắp đập mới tại công trình thủy điện Sơn La, Giám đốc Nguyễn Hoàng Cường cùng những người thợ Sông Đà 9 đã hoàn thành thắng lợi 100% kế hoạch với tổng khối lượng 2,7 triệu m3 bê tông đầm lăn tại con đập dâng nước khổng lồ trong thời gian 32 tháng. Thành công này đã góp phần vượt mục tiêu tiến độ đưa tổ máy số 1 của Nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia sớm hơn dự định 2 năm, làm lợi 20 nghìn tỷ đồng; đồng thời củng cố thêm lòng tin và sự thán phục của những nhà chuyên môn trong và ngoài nước dành cho tập thể cán bộ công nhân Sông Đà 9. Phát biểu cảm tưởng trong Lễ khánh thành đập đầm lăn Thủy điện Sơn La, người đại diện nhà cung cấp thiết bị hãng Lieb-Heer nhận định: “Chỉ trong vòng 2 năm rưỡi mà đã hoàn thành đắp đổ khối lượng 2,7 triệu m3 bê tông đầm lăn cho một con đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thì thật là một kỳ tích phi thường! Điều này phản ánh sự tận tâm, sức sáng tạo của tập thể những người lao động đối với Dự án vô cùng quan trọng này”. Còn việc đắp đổ 1,9 triệu m3 bê tông đầm lăn tại Thủy điện Lai Châu do thợ Sông Đà 9 đảm nhận vận hành từ khâu kỹ thuật, kiểm tra cấp phối đến các thao tác thi công mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài kèm cặp hướng dẫn. Đến thời điểm này, thợ Sông Đà 9 cùng hàng trăm tài xế đoàn xe cơ giới đã vận hành thuần thục quy trình công nghệ theo thiết kế, bảo đảm an toàn - chất lượng bê tông thân đập. Trong quá trình thi công, Sông Đà 9 đã phải ngưng hoạt động trong khoảng 3 tháng do toàn bộ công trường đều tập trung vào công tác đắp đê quây giai đoạn 3 để ngăn kênh dẫn dòng. Đội quân Xí nghiệp 9.08 được Ban chỉ đạo Nhà nước tín nhiệm giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này với thời hạn 3 tháng. Kênh dẫn dòng giai đoạn 3 nằm ở vị trí không thuận lợi: Một bên là sông có lưu tốc lớn, nước chảy xiết - một bên đường chật hẹp lại quanh co hiểm trở gây rất nhiều trở ngại cho phương tiện cơ giới vận chuyển đất, đá và đắp đổ bê tông. Vốn có nghề đã từng thi công nhiều công trình thủy điện lớn, Sông Đà 9 đã áp dụng những biện pháp thi công hợp lý để hoàn thành hạng mục này trước thời hạn 45 ngày đúng vào dịp nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm công trình, vừa kịp chống lũ vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị bạn tiến hành thi công các hạng mục phía hạ lưu.

Sau 782 ngày đêm nỗ lực lao động liên tục (tính cả thời gian 6 ngày nghỉ cuối tháng 4 vừa qua), đúng 11h40 ngày 02/5/2015, các lực lượng Sông Đà 9.08 đã hoàn thành toàn bộ đập dâng nước Thủy điện Lai Châu nối thông hai bờ trái - phải trên dòng sông Đà phía thượng nguồn thắng lợi. Ban điều hành tổng thầu và BQLDA trên công trường đã mở sâm-panh ngay trên mặt đập để chúc mừng những người lao động dũng cảm tuyệt vời của Cty Sông Đà 9 anh hùng đã lập thêm một kỳ tích mới.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)