“Cây sáng kiến” trên công trường thủy điện Lai Châu

Thứ năm, 17/09/2015 09:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nguyễn Huy Hoàng hiện là Đội trưởng Đội Xây dựng tổng hợp, Chi nhánh Sông Đà 908, Công ty CP Sông Đà 9. Bằng sự sáng tạo, tìm tòi trong công việc, anh đã có một số sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng thực tế trong quá trình thi công bê tông đầm lăn (RCC) tại công trường thủy điện Lai Châu, đem lại hiệu quả cao cho đơn vị.

Điển hình là sáng kiến hệ thống máy bơm thoát nước bề mặt bê tông RCC có gắn hệ thống tự làm mát động cơ. Anh Hoàng cho biết: Theo yêu cầu biện pháp thi công đầm lăn RCC và để đáp ứng tiến độ thi công công trình thì việc thi công phải thực hiện liên tục 24/24h, kể cả trong điều kiện thời tiết mùa mưa. Mỗi khi gặp thời tiết mưa gió hoặc xuất hiện nước trên bề mặt bê tông, bắt buộc phải có nhiều thiết bị xe hút chân không. Việc này sẽ khiến nhà thầu phải đầu tư nhiều thiết bị rất tốn kém. Còn nếu sử dụng các loại máy bơm nước thông thường cũng không phù hợp với công năng của thiết bị vì nước trên bề mặt bê tông chỉ có từ 5cm - 10cm.

Làm sao bơm thoát nước nhanh để toàn bộ dây chuyền thi công không bị gián đoạn? Anh Hoàng đã đề xuất ý tưởng sử dụng máy bơm chìm hút nước trên bề mặt bê tông RCC. Sau khi trình bày ý tưởng và đưa ra các điều kiện kỹ thuật cũng như phạm vi áp dụng, anh đã thuyết phục được các thành viên Hội đồng sáng kiến Chi nhánh và tư vấn giám sát chủ đầu tư…

Việc sử dụng bơm chìm APOLO đã mang lại kết quả cao vì chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với xe hút chân không. Hơn nữa, việc chuyển và thao tác bơm chìm APOLO đơn giản, dễ dàng.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu sử dụng, giải pháp này đã bộc lộ sự bất cập. Do mực nước trên bề mặt bê tông cần xử lý thấp, chỉ từ 5 -10cm, nên cần phải có công nhân liên tục phải múc nước để tưới lên thân máy làm mát. Bởi đặc tính bơm chìm là làm mát bằng nước thông thường, khi bơm hoạt động phải trong điều kiện mức nước sâu, bơm được ngâm hoàn toàn trong nước để làm mát động cơ.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kỹ tính năng của thiết bị trên mặt đập, anh Hoàng đã chế thêm thùng chứa nước tự làm mát tuần hoàn cho máy bơm bằng vật liệu đơn giản rẻ tiền và rất dễ gia công. Chỉ bằng mảnh thùng phuy cũ, công nhân gò thành như một thùng đựng nước bao quanh phần động cơ của máy bơm và lắp một tuy ô nhỏ nối từ ống xả của máy bơm vào thùng chứa để đảm bảo nước liên tục được tự chảy đầy thùng khi bơm hoạt động…

Phương pháp cải tiến này đã mang lại hiệu quả cao trong thi công và tiết kiệm được chi phí về đầu tư thiết bị, nhân công vận hành so với phương pháp cũ, làm lợi cho đơn vị hơn 200 triệu đồng/năm.

Tương tự hệ thống bơm nước, anh Hoàng cũng là tác giả của sáng kiến cải tiến thiết bị cắt tạo khe co giãn bê tông đầm lăn RCC đập không tràn bằng bạt dứa. Theo anh Hoàng, đặc thù thi công bê tông RCC là khối đổ lớn nên việc cắt, tạo khe co giãn theo từng khe phải đáp ứng đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật. Nhà thầu phải bố trí 1 máy xúc lốp chuyên dụng với mức đầu tư ban đầu lớn để cắt tạo rãnh khe, chèn bạt dứa, tạo khe co giãn giữa các khối đổ bê tông RCC. Thiết bị vốn cồng kềnh, lại phải cần nhiều nhân công phục vụ kèm theo nên quá trình làm việc của thiết bị ảnh hưởng đến người và các thiết bị thi công khác trên mặt đập, vừa tốn kém ca máy, vừa chậm tiến độ và không hiệu quả.

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về tính năng và các yêu cầu kỹ thuật của công tác cắt khe, anh Hoàng đã nghĩ đến việc phải tận dụng ngay những thiết bị nhỏ, sẵn có, dễ mua, sử dụng đơn giản, thuận tiện. Anh đã đề xuất với lãnh đạo Chi nhánh, các cán bộ kỹ thuật và tư vấn giám sát nước ngoài ý tưởng sử dụng máy đầm cóc (dùng cho đầm đất), cải tiến để cắt khe tạo rãnh.

Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự đồng tình. Với sự hỗ trợ, tư vấn của các kỹ sư cơ khí và xưởng sửa chữa, anh Nguyễn Duy Hoàng đã hoàn tất việc cải tiến máy đầm cóc thành chiếc máy cắt khe. Việc cải tiến lắp ghép này rất phù hợp với công năng sử dụng và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Khi mang vào sử dụng, thiết bị đã đạt hiệu quả rất cao bởi thiết bị nhỏ nhẹ, cơ động, thao tác đơn giản sử dụng ít nhiên liệu và nhân công. Đặc biệt, có thể sử dụng nhiều máy cắt thi công cùng lúc, đẩy nhanh được tiến độ mà vẫn đảm bảo đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt và chất lượng công trình.

Việc sử dụng máy cắt khe bằng máy đầm đất cải tiến so với phương pháp sử dụng máy xúc lốp 180CV để cắt khe bê tông RCC đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho đơn vị hơn 800 triệu đồng/năm.

Hiện nay cả 02 sáng kiến của này vẫn đang được sử dụng có hiệu quả trong thi công bê tông RCC tại đập không tràn công trình thủy điện Lai Châu, có giá trị làm lợi về kinh tế hơn 01 tỷ đồng/năm.

Nói vể những ý sáng kiến khoa học của mình, anh Nguyễn Huy Hoàng khiêm tốn: “Chính khó khăn trên công trường đã đem lại ý tưởng sáng kiến cho tôi”. Anh cũng chia sẻ nguyện vọng: Các bộ, ban, ngành quan tâm nhiều hơn nữa về những nỗ lực, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của thế hệ trẻ để họ mạnh dạn phát huy tài năng và trí tuệ của mình, phát huy tài năng và trí tuệ nhiều hơn nữa, đóng góp vào công cuộc xây dựng đổi mới đất nước, đưa nước Việt Nam phát triển xứng tầm khu vực và thế giới...


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)