Cần nhân rộng mô hình tư vấn pháp luật của công đoàn

Thứ sáu, 22/08/2014 09:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là ý kiến thống nhất của các đại biểu tham dự hội thảo lấy ý kiến dự thảo báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Nghị định 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật (TVPL) do Tổng LĐLĐVN tổ chức tại TPHCM ngày 20.8. Hội thảo do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chủ trì, với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp cùng gần 50 cán bộ CĐ làm công tác TVPL ở các tỉnh phía nam.

Cán bộ trung tâm tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đang tư vấn cho công nhân lao động.

Tư vấn pháp luật cho gần 213.000 lượt đoàn viên

Báo cáo tại hội thảo cho biết, hoạt động TVPL trong hệ thống CĐ đã được tổ chức từ nhiều năm qua và xác định rõ trong các nghị quyết Đại hội CĐ IX, X, XI và Nghị quyết 5a về đẩy mạnh công tác pháp luật CĐ. Qua 6 năm thực hiện NĐ 77/2008/NĐ-CP, hiện có 15 trung tâm TVPL, 37 văn phòng TVPL và gần 600 tổ TVPL thuộc hệ thống CĐ. Các trung tâm, văn phòng, tổ đã TVPL lao động, CĐ cho hơn 73.850 vụ với gần 213.000 lượt đoàn viên, CNLĐ; nhiều vụ tranh chấp LĐ, ngừng việc tập thể đã được cán bộ TVPL đến hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, các cán bộ TVPL của hệ thống CĐ còn đại diện, bảo vệ NLĐ, đoàn viên tại tòa 2.551 vụ, qua đó giúp NLĐ, đoàn viên lấy lại quyền lợi trên 14,35 tỉ đồng...

Mặc dù TVPL của hệ thống CĐ mang lại nhiều hiệu quả, nhưng hoạt động này cũng đang gặp không ít khó khăn. Theo quy định, nhân sự TVPL không được tính trong biên chế, khiến nhiều địa phương khó khăn khi bố trí người làm TVPL. Bên cạnh đó, cán bộ trung tâm TVPL dù cùng là người của LĐLĐ cử qua, nhưng lại không được 55% phụ cấp Đảng, đoàn thể, công vụ, nên thu nhập sụt giảm, dẫn đến cán bộ không muốn nhận nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Triều - nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ Q.12, TPHCM - mới được điều động về làm Phó Giám đốc Trung tâm TVPL của LĐLĐ TPHCM, thừa nhận “có tâm tư về chế độ”, khi nhận nhiệm vụ mới.

Luật sư không thể “chính danh” làm giám đốc

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, một số địa phương do không đủ điều kiện thành lập trung tâm TVPL thì chuyển qua mô hình văn phòng TVPL, để đáp ứng yêu cầu được tư vấn của CNLĐ. Nhưng mô hình này lại không được quy định trong NĐ 77/2008/NĐ-CP, vì thế, nhiều địa phương gây khó cho hoạt động của văn phòng TVPL. Một số địa phương đã “dồn” các đoàn thể vào trung tâm hành chính tập trung, khiến cho hoạt động TVPL cho CNLĐ hết sức khó khăn. “CNLĐ chỉ được nghỉ chủ nhật hoặc hết giờ làm việc mới đi tư vấn. Nhưng ngoài giờ thì trung tâm hành chính không làm việc, cán bộ CĐ muốn làm thêm giờ cũng không được, CN không biết gặp ai để tư vấn. Không thể “hành chính hóa” cán bộ đoàn thể như thế” - đồng chí Mai Đức Chính bức xúc.

Luật sư Vũ Ngọc Hà - phụ trách Trung tâm TVPL, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - phản ánh, theo NĐ 77/2008/NĐ-CP thì luật sư được quyền làm giám đốc trung tâm TVPL. Mà trung tâm TVPL là đơn vị sự nghiệp, nên đòi hỏi người đứng đầu phải là công chức hoặc viên chức. Trong khi đó, Luật Luật sư lại quy định công chức, viên chức không được làm luật sư. Chính quy định “đá nhau” như vậy khiến cho luật sư không thể “chính danh” làm giám đốc trung tâm TVPL.

Ông Nguyễn Văn Triều bổ sung, thu nhập thực tế của người làm TVPL trong hệ thống CĐ thường thấp, vì hoạt động này chủ yếu là miễn phí. Chính vì thế, hầu hết người làm công tác TVPL, sau một thời gian làm để tích lũy kinh nghiệm đã “nhảy việc” ra làm luật sư hay làm nhân sự cho các DN bên ngoài, thu nhập cao hơn. Đây chính là nguyên nhân khó thu hút được người giỏi làm công tác TVPL.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất, nên cấp thẻ tư vấn viên cho những người làm công tác TVPL lâu năm, dù họ không có bằng cử nhân luật...

Ông Nguyễn Văn Bốn - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp: Hiện cả nước có gần 10.000 luật sư, nhưng mới chỉ đáp ứng được 11% yêu cầu về hình sự, 6% yêu cầu về dân sự, nhiều vụ án còn “trắng” luật sư. Hoạt động TVPL của CĐ đạt nhiều hiệu quả, nên cần nhân rộng. Nhưng tổ chức CĐ cũng cần xem xét nâng thêm số lượng trung tâm TVPL cũng như chất lượng của tư vấn viên.


Theo laodong.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)