Công nhân Đỗ Đình Sáu – “cha đẻ” của nhiều loại máy cơ khí giá trị

Thứ hai, 07/09/2015 14:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đến Công ty CP cơ khí và xây lắp Sông Chu (Thanh Hóa), hỏi thăm về phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, mọi người ở đây đều nhắc đến anh Đỗ Đình Sáu. Công nhân cơ khí bậc 7/7 này trong nhiều năm qua đã liên tiếp cho ra đời, cải tiến nhiều loại máy cơ khí ứng dụng tốt vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Anh Đỗ Đình Sáu (giữa) trao đổi phương án thiết kế cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty.

Khi được hỏi ấn tượng nhất với sáng kiến nào, Đỗ Đình Sáu cho biết, sáng kiến chế tạo máy lốc tôn 04 thực sự khiến anh nhớ nhiều hơn cả. Đây cũng là loại máy khiến cho người được mệnh danh “Vua sáng kiến” phải “vắt óc” suy nghĩ nhiều nhất. Loại máy cơ khí này được các nước phát triển đã được sử dụng từ lâu, nhưng ở Việt Nam hầu như chưa xuất hiện và nếu muốn dùng phải mua với giá rất đắt. Trong điều kiện khả năng tài chính của Công ty không cho phép, anh Sáu đã quyết định báo cáo lãnh đạo đơn vị đồng ý và bắt tay vào sáng chế chiếc máy là niềm mơ ước này của doanh nghiệp. Kết quả anh đã thành công và chính thức đưa chiếc máy lốc tôn 04 vào sử dụng hiệu quả từ nhiều năm trước với giá thành rẻ hơn máy nhập ngoại hàng tỷ đồng.

Qua thực tế vận hành, máy lốc tôn 04 so với máy 03 trước đây có thể lốc được ống dày tới 32 mm (máy 03 chỉ có thể lốc được ống dày 22 mm); so với máy 03, máy này giảm được 30% nhân công, giảm được khoảng 3% vật tư, mỗi năm có thể làm lợi cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng. Chiếc máy của tác giả Đặng Đình Sáu đã đi “chinh chiến” ở hàng loạt nhà máy thủy điện, như: Thủy điện Đắc My, Sê-san 4, thủy điện A Lưới… và chứng tỏ giá trị không thua kém gì máy nhập ngoại.

Tiếp đà thắng lợi từ sáng kiến lớn kể trên, anh Sáu đã tự tin cải tạo máy tiện T360 để chế tạo các bộ khớp nhiệt thủy điện có đường kính lớn (rộng trên 2.500 mm, dài trên 3.000 mm), làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng so với phải đi thuê ngoài. Anh còn chủ trì chế tạo máy lốc tôn sóng, có cơ cấu bánh răng hành tinh để lốc tôn cho Công ty xi măng Bỉm Sơn, giảm chi phí cho đơn vị gần 150 triệu đồng; nhận và tổ chức chế tạo đạt chất lượng tốt 2 bộ nồi nấu đường liên tục cho Công ty CP đường Lam Sơn. Đây cũng là nồi nấu đường liên tục lần đầu tiên được chế tạo 100% ở trong nước, giá thành chỉ bằng 50% so với mua của nước ngoài.

Thực hiện chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, anh còn chủ trì chế tạo và đưa vào sử dụng thành công một số máy như: máy băm lá mía, máy bón phân, máy trồng mía hàng đôi… góp phần đa dạng hóa sản phẩm của Công ty và hỗ trợ kịp thời cho nông dân trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.

Nói về thành tích của mình, anh Sáu cho biết đó là nhờ thực hiện các phong trào thi đua do các cấp CĐ Xây dựng VN phát động. Từ các phong trào thi đua đó, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, CĐ và chuyên môn các đơn vị đã phối hợp tốt để triển khai và đề ra các giải pháp động viên anh chị em CNLĐ tích cực hưởng ứng, góp phần khắc phục những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua.


Theo laodong.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)